Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009

Vì sao "Người Việt chưa dám có tư tưởng đua tranh" ?



Hôm qua tình cờ đọc được bài phỏng vấn của TuanVietnam với anh Đặng Lê Nguyên Vũ có tựa đề "Vì sao người Việt chưa dám có tư tưởng đua tranh", tự nhiên tôi cảm thấy có một nét tương đồng với những điều mà tôi suy nghĩ trong thời gian gần đây, rằng không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được một thế hệ công nghệ với trình độ cao, tự tin vào khả năng của mình để đưa ngành công nghiệp phần mềm sánh vai với các cường quốc CNTT trong khu vực. Nên tôi cũng làm ...một bài viết "ăn theo" để chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Theo suy nghĩ của tôi, vấn đề "Người Việt chưa dám có tư tưởng đua tranh" xuất phát từ một trong số những điểm sau đây:


1. Tầm nhìn hẹp

Hầu hết người Việt chúng ta từ lúc sinh ra và lớn lên chỉ sống quanh quẩn với gia đình trong phạm vi một thành phố nhỏ hẹp, rồi sau này vào đại học thì tập trung ở các thành phố lớn. Riêng đối với dân CNTT sau khi ra đường suốt ngày làm việc trong phòng kín, rất ít có dịp tiếp xúc với thế giới bên ngoài để mở rộng tầm nhìn và trau dồi những kỹ năng sống cho riêng mình.

Đối với người nước ngoài thì hoàn toàn khác, tôi có mấy người em họ và cháu họ ở bên Mỹ. Ngay từ năm cấp 2, họ đã có dịp tham gia những khóa học thực tế ở các bang khác nhau. Rồi lên cấp 3 và đại học thì họ có thêm các cơ hội đi thực tập ở các nước khác. Nên họ dễ có cái nhìn so sánh giữa các vùng miền, các quốc gia với nhau để hiểu rõ khả năng của mình so với những người xung quanh cũng như vị trí của quốc gia mình so với thế giới. Chính vì vậy mà sau này bước vào công việc, họ rất biết người biết ta và sẵn sàng thích nghi trong những môi trường khác nhau.

Còn người Việt chúng ta đa phần còn nghèo nên chưa có được các cơ hội như vậy, nên khi đối mặt với những chuyện này đều rất lúng túng không biết làm sao, rốt cục mất tự tin và rút lui co cụm lại chỉ chơi ...với những đồng hương của mình ;)

2. Tư tưởng ganh đua cục bộ

Tôi nhớ hồi lúc mình còn là học sinh và sau này có dịp làm thầy dạy ở một số lớp tin học, tôi có cảm nhận hầu hết các bậc phụ huynh đều có mong muốn làm sao để con em mình có được những khả năng ...vượt trội so với các học sinh cùng lớp hay trong cùng một tập thể. Rất ít phụ huynh có được mong muốn làm sao con em mình có thể phát triển một cách toàn diện, có thể sống hòa đồng với mọi người xung quanh, cùng cộng tác cho một mục tiêu lớn nào đó. Điều này đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khả năng cộng tác giữa những người Việt với nhau hiện nay còn rất hạn chế.

Một ví dụ cho vấn đề này là ở những công ty Việt Nam mà tôi đã từng có dịp tiếp xúc đều có tư tưởng khá cục bộ, hầu hết đều có chung suy nghĩ là mình sẽ tự làm mọi thứ và xem nhẹ việc hợp tác. Dường như mục đích của mỗi công ty hiện tại chỉ mới dừng ở việc làm sao để đưa công ty mình trở thành số một ở Việt Nam, rồi bản thân những người lãnh đạo công ty sẽ trở thành những doanh nhân trẻ thành đạt. Còn vấn đề cùng cộng tác để góp phần đưa Việt Nam từng bước vươn ra bên ngoài vẫn còn là một điều gì đó xa vời và chưa cần thiết.

3. Môi trường giáo dục tạo ra nhiều "ảo tưởng"

Tôi vẫn nhớ hồi học sinh chúng tôi được dạy rằng "Việt Nam là một nước có nhiều rừng vàng biển bạc", "Chỉ cần quyết tâm chúng ta có thể làm được mọi thứ".... và rất nhiều thứ khác. Điều này là không sai nhưng có lẽ nó đã tạo ra rất nhiều ảo tưởng cho các tầng lớp học sinh sinh viên. Để rồi đến lúc ra trường, chỉ cần va vào một vấn đề thật của xã hội thì họ sẽ dễ dàng bị gục ngã và mất tinh thần, dẫn đến suy sụp ý chí vươn lên.

Nhớ lại trước khi ra trường, có nhiều bạn bè xung quanh tôi có những khát vọng rất cao đẹp cho xã hội và mọi người xung quanh. Nhưng rồi vài năm sau nhìn lại, tất cả dường như đã thay đổi rất nhiều, hầu hết đều đã nhận ra được sự "phũ phàng" của cuộc sống và chỉ còn một mong muốn yên phận, rồi làm sao bàn tính để kiếm nhiều tiền cho cuộc sống khá hơn (Có vẻ như tôi cũng dần bị cuốn vào guồng xoáy này ^^)


Do đó tôi nghĩ để có được "những người Việt có tư tưởng đua tranh" trong một xã hội như thế này hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng. Có lẽ chỉ có những người với một ý chí sắt đá, dám nghĩ dám làm như anh Vũ mới có thể ủi hết những chướng ngại để luôn vững bước trên con đường ước mơ của mình. Chính những người như vậy sẽ từng bước tạo nên những ảnh hưởng nhất định để xã hội thay đổi ngày một tốt hơn và là một tấm gương cho thế hệ sau có thể tiếp tục tiếp bước. Mong rằng đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ có được một thế hệ "người Việt có tư tưởng đua tranh" thực sự.

Tự nhiên đến đây tôi lại có thêm niềm tin để tiếp tục trên con đường công nghệ chông gai của mình, dù không biết mình sẽ còn phải ..."gặm bánh mì" thêm bao lâu nữa ^_^

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Vietnam Summer of Code: Bệ phóng cho những lập trình viên SV Việt Nam



Nhớ lại tại lễ bế mạc cuộc thi Phần mềm nguồn mở Olympic Tin học Sinh viên toàn quốc năm ngoái, chúng tôi đều hi vọng rằng đến một lúc nào đó sân chơi này sẽ có thể phát triển thành một cuộc chơi giống như mô hình Summer of Code của Google hằng năm, để có thể tạo cơ hội cho nhiều sinh viên Việt Nam với khả năng lập trình và khao khát muốn làm một cái gì đó mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng và vươn xa hơn những ước mơ của chính mình.

Chỉ chưa đầy một năm sau, với những nỗ lực không ngừng từ phía Hội Tin Học, cùng với hỗ trợ từ các chính sách đẩy mạnh nguồn nhân lực công nghệ thông tin của chính phủ, mô hình Vietnam Summer Of Code với tên gọi "Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng Phần mềm nguồn mở" đã được chính thức đưa vào khởi tranh, một phần thi chính thức ngang hàng với các phần thi uy tín khác tại Olympic Tin học Việt Nam hàng năm như lập trình quốc tế ACM ICPC.

Hiểu một cách đơn giản, các SV/nhóm SV sẽ bắt đầu dự án với một ý tưởng sản phẩm. Rồi từng bước đặc tả ý tưởng này gửi về cho Ban tổ chức. Ban tổ chức sẽ chọn ra 10-15 dự án với ý tưởng hay nhất để tài trợ từ 3-5 triệu VND cho các nhóm tiếp tục hiện thực trong vòng hai tháng hè. Sau đó, 5 nhóm SV với sản phẩm xuất sắc nhất sẽ tham dự vòng chung khảo tại Thành phố biển Nha Trang vào đầu tháng 10 năm nay (nhân dịp Olympic Tin học lần thứ 19 với hàng ngàn SV từ khắp nước đổ về). Toàn bộ chi phí ăn ở đi lại sẽ do BTC tài trợ và nhóm giải nhất sẽ có cơ hội nhận phần thưởng lên tới 30 triệu VNĐ tiền mặt cùng nhiều tài trợ khác, một con số có thể nói khá lớn cho một cuộc thi SV từ trước đến nay!

Đến đây thì ngay cả bản thân tôi cũng đã thấy quá hấp dẫn ;)). Nếu mà tôi còn là SV thì chắc chắn tôi sẽ chuẩn bị hết mình cho cuộc chơi này. Tôi sẽ xuất phát với một ý tưởng về một công nghệ mới như một plugin cho Facebook chạy trên nền cloud computing AppEngine của Google, hay một ứng dụng mobile trên nền iPhone/Android... Tiếp đó, tôi sẽ tìm cho mình một người cộng tác cũng như một giảng viên hướng dẫn để củng cố lực lượng. Với số tiền tài trợ, chúng tôi sẽ dành toàn bộ 2 tháng hè để bắt tay vào hiện thực để giành một suất đi Nha Trang du lịch cuối năm. Song song quá trình đó, chúng tôi cũng sẽ từng bước giới thiệu sản phẩm ra cộng đồng. Và nếu sản phẩm đạt giải tại cuộc thi được nhiều người dùng ủng hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến đến giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 5 và những giải thưởng quốc tế tầm xa hơn, cũng như từng bước xúc tiến đầu tư để biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Do đó, nếu bạn là một SV yêu thích CNTT với những dự định hoài bão lớn, không có lý do gì mà bạn lại không thử ...tham gia cuộc thi này. Đừng để thời gian mãi trôi qua vô ích rồi sau này lại phải nuối tiếc về những điều đã đi qua. Hãy tận dụng những cơ hội dù nhỏ nhất để có thể chắp cánh xa hơn những ước mơ của chính mình ^_^

Các thông tin chi tiết về cuộc thi và cách thức đăng ký có thể tham khảo tại:

http://www.itweek.org.vn/olympic/

http://sites.google.com/site/vnfoss


Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Hướng kiếm tiền mới từ các dot-com Việt Nam



Dạo này lu bu với chuyện đi học, dọn nhà, cafe... nên không có nhiều thời gian để tiếp tục loạt bài về dot-com như đã hẹn với mọi người. Tuy nhiên nhờ đi trò chuyện thực tế mà tôi đã có dịp mở mang thêm nhiều về những con người cũng như công ty xung quanh. Tôi thấy cũng đã có một số sản phẩm bắt đầu có những dấu hiệu thành công đầu tiên, tuy chưa lớn nhưng cũng rất triển vọng. Nên qua bài viết này cũng muốn chia sẻ cùng mọi người

Hướng kiếm tiền từ SMS

1. Website http://bth.ken.vn/ với những trò chơi tương tác flash đơn giản. Mọi người đều có thể tham gia chơi miễn phí. Tuy nhiên để nạp "ken" hay mua item, người dùng sẽ nhắn tin và website sẽ thu tiền bằng hình thức này. Mô hình nghe có vẻ đơn giản nhưng theo nguồn tin ngoài lề tôi có được thì doanh thu hàng tháng của site lên tới khoảng 500 triệu VNĐ ;). Một thông tin đáng lưu ý khác, nhóm phát triển BTH cũng đồng thới là nhóm đứng đằng sau Thodia.vn

2. Website ABC.COM, giấu tên theo đề nghị của "khổ chủ" ;)), trước đây chỉ đơn thuần là một website cung cấp thông tin miễn phí và chả thu được đồng nào. Tuy nhiên đến lúc tác giả site túng quá quyết định ...làm liều bằng cách thu tiền từ SMS, ai muốn sử dụng dịch vụ thì phải nhắn tin. Tưởng chừng mọi người sẽ bỏ đi, ai dè số lượng thành viên còn tăng nhanh hơn, nhiều thành viên sẵn sàng nhắn một tin SMS cho một tháng xài dịch vụ. Tuy doanh thu chưa nhiều nhưng cũng đã mở ra một cánh cửa rộng thênh thang cho sản phẩm này.

3. Website DEF.COM lúc trước chỉ cung cấp dịch vụ nghe nhạc miễn phí, chi phí bỏ ra nhiều mà chả thu được đồng nào. Tuy nhiên từ lúc cung cấp thêm dịch vụ tải nhạc cho di động qua SMS thì doanh số đã tăng nhanh một cách đáng kể từ con số 0 ban đầu.

Ngoài ra còn một số ví dụ tương tự khác. Nhìn chung các dịch vụ này đều có điểm chung ở chỗ người sử dụng đều có nhu cầu sử dụng hằng ngày, mức thu cũng tương đối mềm (3000-15.000VNĐ/SMS) và khả năng thanh toán cực kì thuận lợi bởi người dùng chỉ cần nhắn một tin SMS là hoàn tất. Nên tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều website giải trí tiếp cận phương thức này trong thời gian tới.

Hướng kiềm tiền từ thu phí của các nhà cung cấp dịch vụ liên quan

1. Điển hình nhất trong nhóm này phải kể đến http://www.vietnamworks.com, sản phẩm này thu tiền bằng cách thu phí của người đăng tin tuyển dụng. Người dùng có thể trả theo từng tin hoặc mua trọn gói cho một thời gian nhất định. Theo thông tin bên lề tôi có được thì doanh thu hàng tháng của họ lên tới 2.5 tỉ VND, một con số rất ấn tượng.

2. Website Vinabook.com cũng là một sản phẩm thành công trong lĩnh vực này. Nhìn bên ngoài có vẻ đây là một site thương mại điện tử nhưng tôi nghĩ điểm nhấn lớn nhất của sản phẩm này nằm ở chỗ họ đi deal với các nhà xuất bản để hưởng một chiết khấu cao từ 20-40%. Trên cơ sở này, họ giảm giá lại cho người sử dụng từ 10-15%, và đây dường như là yếu tố đánh đúng tâm lý của người sử dụng. Hiện tại doanh số của họ vào khoảng 1 tỉ VND (cũng thông tin ngoài lề)

3. Một website về eLearning GHI.COM khác cũng đang xúc tiến kiếm tiền bằng cách này. Website hướng đến việc đi deal với các trung tâm tổ chức các khóa học liên quan và hưởng mức chiết khấu từ 10-20%. Trên cơ sở này, họ sẽ giảm giá lại cho member từ 5-10%. Tuy chưa biết việc hiện thực sẽ như thế nào nhưng bản thân tôi thấy đây là một hướng đi rất triển vọng cho tất cả các bên tham gia ;)

Nhìn chung hướng kiếm tiến trong nhóm này chủ yếu xuất phát từ một nhu cầu rất cụ thể trong thực tế. Từ đó tạo ra một sản phẩm với nhiều tiện ích hơn cho người sử dụng và hướng đến làm cầu nối giữa người sử dụng với các nhà cung cấp dịch vụ. Cuối cùng doanh thu sẽ đến từ các nhà cung cấp dịch vụ thay vì từ end-users như nhiều sản phẩm khác.


Tổng kết lại thì theo quan điểm của tôi, đây là hai hướng đi khả thi và triển vọng nhất trong các sản phẩm mà tôi có dịp tiếp xúc tìm hiểu trong thời gian rồi. Do đó có lẽ sắp tới sẽ có nhiều sản phẩm từng bước chuyển sang mô hình như trên hoặc một số hướng tương tự. Còn đối với các sản phẩm không có khả năng thích ứng thì sẽ vẫn phải chờ thời hoặc tiếp tục nỗ lực tìm hướng ra cho chính mình. Và tôi nghĩ trong thời gian tới sẽ có một cuộc bứt phá mạnh mẽ từ các dot-com Việt Nam, những sản phẩm với ý tưởng khả thi và năng lực thực sự sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc vươn lên làm lead thị trường, chứ không phải những sản phẩm lắm tiền nhiều của và trông chờ quá nhiều vào PR như trong thời gian qua ^_^

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Làm giàu từ công nghệ ở Việt Nam?



Dạo này có thời gian rảnh rỗi nên tôi có cơ hội đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều bạn bè trong giới công nghệ cũng như bạn bè cũ đã từng có thời gian học chung trước đây. Nhìn lại mới đó mà đã bảy năm kể từ ngày tôi chính thức bước vào con đường Công nghệ thông tin. Suốt thời gian đó tôi gần như bị cuốn vào cuộc đua công nghệ mà quên hết mọi thứ xung quanh. Giờ có thời gian rảnh ngồi chiêm nghiệm lại mới ngẫm ra được nhiều điều. Có nhiều thứ rất đỗi bình thường trong cuộc sống nhưng lại bắt đầu trở nên lạ lẫm đối với những con người công nghệ như tôi.

Sự chênh lệch "giàu nghèo"

Tôi vẫn nhớ hồi đó những người học trong lĩnh vực tự nhiên như Toán, Lý, Tin... như chúng tôi đều là những ứng cử viên sáng giá nhất trong mắt mọi người, đều nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ. Rồi đa phần đều thi vào những ngành triển vọng như CNTT, viễn thông... Nhưng rồi bây giờ lại trở thành những nhân viên bình thường, yếu về khả năng giao tiếp, suốt ngày ngồi làm việc trong phòng kín gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và đều đặn hàng tháng lãnh một mức lương không tệ nhưng so với một số ngành tiềm năng khác thì có thể nói là ba cọc ba đồng.

Trong khi những người học trong những ngành xã hội thường được xem là những ngành ít quan trọng hơn, dở hơn (mỗi lần cứ tới kiểm tra môn tự nhiên là phải tới lui "nhờ vả" những người như chúng tôi :x), sau này cũng thi vào những ngành bình thường như kinh tế, ngoại thương... Sau khi ra trường xuất phát điểm họ cũng thấp hơn, nhưng với một số người khéo léo biết trau chuốt kinh nghiệm sống và từng bước tăng cường khả năng giao tiếp với bên ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đi lên rất nhanh... Một số người đã đạt mức lương cao ngang ngửa với PM trong các công ty gia công phần mềm, còn những người siêu hơn trong lĩnh vực ngoại thương xuất nhập khẩu thì họ đã có đủ tiền để mua nhà và xe hơi. Trong tình hình Việt Nam là một đất nước đang phát triển như hiện nay thì tôi tin khoảng cách "giàu nghèo" này sẽ còn ngày một gia tăng hơn nữa.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là tôi "bất mãn" với ngành CNTT hiện tại mình đang theo đuổi ;), bởi tôi hiểu mỗi ngành đều có giá trị của riêng nó. Nhưng thực sự tôi nghĩ một người làm trong lĩnh vực CNTT chỉ thực sự có giá trị khi anh ta phải quên đi qua ánh hào quang CNTT mà những người trong ngành vẫn hay ảo tưởng ;)), hòa nhập với cuộc sống để hiểu cuộc sống xung quanh thực sự đang mong muốn điều gì, giao tiếp với những con người trong thế giới thật để hiểu được sứ mệnh của mình nằm ở đâu trong chuỗi mắt xích phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Còn không thì những con người CNTT như chúng tôi vẫn sẽ mãi chìm trong thế giới ảo và dần sẽ có một cảm giác lạc lõng như bị bỏ rơi trong sự phát triển như vũ bão của xã hội VN ngày nay.

Làm giàu ở VN thì phải "con buôn"?

Trước một viễn cảnh khá u ám của các dot-com Việt Nam hiện nay, tôi cũng đã quyết định đi "thỉnh giáo" một số sư huynh thành đạt ở Việt Nam bên các lĩnh vực khác để xem liệu có những lối ra nào cho lĩnh vực này. Cũng có khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng tựu trung lại thì có vẻ như là: Em muốn làm giàu ở Việt Nam thì đôi lúc cũng phải ...con buôn một tí :">. Tôi cũng chả biết giải thích từ con buôn thế nào nên nêu một số ví dụ minh họa hơi liên quan:

1. Công ty tôi làm ra một ứng dụng Internet giáo dục rất tốt và với sản phẩm này mọi học sinh, sinh viên Việt Nam đều có thể cơ hội học tập bình đẳng, tiếp xúc với một kho dữ liệu tri thức ngang nhau. Nghe thì ai cũng đồng ý rất hữu ích, nhưng rốt cục nó cũng chỉ đóng vai trò phụ trợ. Người dùng Việt Nam vẫn thích một môi trường học thật và quan trọng là học xong phải có "bằng cấp" và cơ hội. Và rõ ràng bài toán này là một bài toán thực tế cuộc sống, cách giải quyết đòi hỏi phải khéo léo từ kinh nghiệm từng trải, không thể trông đợi vào công nghệ.

2. Công ty tôi làm một site thương mại điện tử, bảo đảm mọi người tham gia sẽ giao dịch dễ dàng và thuận tiện. Nghe cũng có vẻ hay nhưng với thực tế xã hôi Việt Nam hầu hết đều là buôn bán nhỏ lẻ và tìm cách lách thuế thì rất ít người muốn minh bạch công khai. Giao dịch trực tiếp vẫn là cách tốt nhất, không phải tốn phí giao dịch, đôi khi gặp mặt trực tiếp nói chuyện tình cảm còn mặc cả bớt được thêm chút đỉnh ;))

3. Công ty tôi làm một ứng dụng Internet rất hay, mọi ý tưởng đều hoàn hảo và kỳ vọng sẽ bán được hàng. Nhưng có thể đó chỉ mới là chúng tôi nghĩ và thực tế khả năng thất bại là rất cao. Trong khi đó cũng với công sức đó, chúng tôi làm một ứng dụng demo không tốn nhiều sức lực, rồi dựa trên mối quan hệ đi tìm cách ..."gạ" một đại gia lắm tiền trong lĩnh vực đó đầu tư. Lý lẽ thuyết phục là nếu đầu tư tiền vào đây thì với kinh nghiệm của anh, cộng với năng lực của em thì khả năng thành công là rất cao. Mọi việc có vẻ rất bất ổn nhưng đôi lúc giả lại thành thật. Không ít công ty ở VN đã thành công bằng cách này.

Tựu trung lại thì làm giàu ở Việt Nam dù trong bất kì lĩnh vực nào có lẽ cũng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống cũng như các mối quan hệ khác nhau, cộng với tính "con buôn" nữa. Điều này có vẻ khá sốc đối với một người thuần túy về công nghệ như tôi trước đây, nhưng thực sự chúng ta không thể nhìn theo mô hình thành công của các công ty như như Google, Microsoft..., nơi có những văn hóa rất khác biệt so với chúng ta. Ở Việt Nam thì phải "chơi kiểu" Việt Nam. Nghĩ tới đây có vẻ tôi cũng đã bắt đầu "con buôn" hơn rồi nhỉ ^_^

Đến bao giờ mới có một "Google của Việt Nam"?

(Hiểu theo nghĩa công ty này sẽ có được những đột phá về mặt công nghệ, chiếm lĩnh một mảng lớn thị trường trong nước với những sản phẩm đậm chất nghiên cứu táo bạo và từng bước vươn ra thị trường bên ngoài)


Đó là câu hỏi mà tôi luôn đi tìm kiếm câu trả lời trong suốt ba năm nay. Trong suy nghĩ của mình, tôi không quan trọng việc công ty đó sẽ là của mình hay là một ai đó, chỉ cần có thể là một thành viên góp phần vào sự phát triển của công ty như vậy cũng đã là một niềm tự hào rồi. Nhưng thực tế sau nhiều năm lăn lội, tôi vẫn chưa thấy một triển vọng cho điều này trong một tương lai gần. Vì sao ư?

1. Thị trường Internet Việt Nam vẫn còn quá nhỏ

Hầu hết các công ty công nghệ đều phải nắm được một thị phần rất chắc và đủ lớn trước khi có thể vươn ra xa hơn. Ở Việt Nam thì hiện tại vẫn chưa có công ty nào hội đủ yếu tố này. Ngay cả thành công như Vinagame vẫn chưa được xem là đủ khi thị trường online game dần bão hòa, sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cũng như hướng đi của họ khó lòng vươn ra bên ngoài.

2. Trình độ nhân lực kém

Vấn đề này thì có lẽ mọi người trong ngành đều đã hiểu rõ. Ngoài ra khả năng tập trung của người Việt Nam còn rất hạn chế, cũng dễ hiểu khi đa phần đều bị chi phối bởi những lý do cá nhân như: gia đình, bạn bè, lương bổng, nhà cửa...

3. Khả năng liên kết giữa những người giỏi hạn chế

Ở Việt Nam thực sự không có nhiều người giỏi với khả năng lãnh đạo tầm cao. Và thực sự khả năng liên kết giữa những con người này với nhau còn rất hạn chế, hầu hết đều khó có thể sống chung trong một môi trường và dần phải tách ra. Có lẽ do một số yếu tố về văn hóa cũng như chúng ta không được trang bị những cơ chế để làm việc hợp tác hiệu quả như ở các nước khác.

Một dẫn chứng rõ ràng là hãy nhìn thử vào các công ty dot-com VN hiện nay, gần như số công ty có được 3 người thực sự giỏi làm việc đoàn kết trở nên có thể nói là rất rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và các công ty này đa phần cũng chỉ chăm vào sản phẩm và thị trường mà ít chú trọng với việc làm sao để mở rộng đội ngũ nhân sự cấp cao của mình.

4. Môi trường vĩ mô thiếu cơ chế hỗ trợ

Mỹ có những Microsoft, Google... bởi một phần họ có những cơ chế cho những cá nhân xuất sắc tự xây dựng đế chế của riêng mình và thực sự chính phủ của họ có nỗ lực để khuyến khích đẩy mạnh nhưng ngành như vậy. Còn ở Việt Nam thì mọi thứ đều phải nằm dưới sự khống chế của nhà nước, không ai thích nếu bạn muốn làm một cái gì đó lớn (điều tôi nghe từ một nhóm người kinh doanh nước ngoài).

Về mặt CNTT thì thực sự chính phủ cũng không mặn mà với các công ty Internet hiện nay, có thì tốt mà không có cũng chả sao. Bởi điều mà VN cần quan tâm hiện nay là đẩy mạnh tin học hóa bộ máy quản lý nhà nước và xây dựng đội ngũ hùng hậu gia công cho nước ngoài. Đây là quan điểm tôi cũng đồng tình, có lẽ vấn đề mâu thuẫn nằm ở chỗ chúng tôi, những người làm CNTT được đào tạo để làm điều đó mà lại ...không hiểu điều đó. Thấy chán trong lĩnh vực này nên muốn làm một cái gì đó lớn lao hơn, kết cục là va vào rất nhiều chướng ngại và rào cản.


Trước tình hình như vậy thì trong bức tranh chung CNTT và kinh tế VN khá tươi sáng thì viễn cảnh cho những cá nhân theo ngành này chẳng hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên tôi tin là vẫn có những hướng ra triển vọng cho những người như chúng tôi. Vấn đề là tôi buộc phải thay đổi để đặt mình lại đúng vị trí cho phù hợp với sự phát triển tốc độ của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và quay trở lại vấn đề này sau loạt bài về các dot-com Việt Nam ;)

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Đi tìm những dot-com Việt nam tiềm năng (5): Mưu đồ bá vương của các mạng xã hội Việt Nam


Mạng xã hội, một lĩnh vực chưa có nhiều tiềm năng về mặt thương mại trong thế giới Internet, nhưng cuộc chạy đua trong lĩnh vực này cũng không kém phần khốc liệt bởi hơn ai hết các đối thủ đều hiểu rằng vị trí bá chủ trong cuộc sống thế giới ảo sẽ không chỉ đem lại cho họ những thuận lợi về mặt doanh số mà còn nhiều giá trị vô hình khác.

Ở Việt Nam, từ trước đến nay cuộc chơi hầu như vẫn chỉ là sự độc diễn của Yahoo 360. Nhưng trước tình trạng Yahoo 360 đã được thông báo chính thức đóng cửa, dân cư mạng bắt đầu náo loạn trong việc di dời thì cuộc chiến này đã trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Và liệu có những cơ hội nào cho các đối thủ đến từ VN trước sự cạnh tranh khốc liệt của những đối thủ tên tuổi lớn nước ngoài trong một thế giới phẳng ngày hôm nay?


Nhóm 5: Những mạng xã hội đến từ Việt Nam






Xuất phát điểm với tham vọng trở thành một "Yahoo của Việt Nam", Timnhanh đã có những nỗ lực lớn để nhanh chóng biến mục tiêu của mình thành hiện thực. Tôi nhớ hồi đó có nghe một trong những lãnh đạo của họ thể hiện quyết tâm sẽ khiến cho mọi người trong giới công nghệ phải biết đến Timnhanh là ai ;). Và thực sự họ đã làm được điều đó, khoảng thời gian đầu năm 2007 có thể nói là thời kì hoàng kim của họ. Nếu lúc đó họ quyết định bán công ty, có lẽ họ đã trở thành một trong những công ty dot-com thành công nhất của Việt nam.

Nhưng Timnhanh vẫn trung thành với chiến lược của mình, tiếp tục nỗ lực mở rộng quy mô dịch vụ cả về số lượng lẫn nội dung. Tính đến cuối năm 2007, số lượng dịch vụ của họ đã lên tới 25 và những bất lợi cũng đã đến với họ từ đây. Do phải dàn trải quá nhiều sức lực trên các mặt trận nên họ không có lực để tập trung cho từng sản phẩm cụ thể. Lần lượt các đối thủ với những tính năng chuyên biệt tốt hơn ra đời sau đó đã khiến cho Timnhanh trở thành một mớ hỗn độn khổng lồ, không thể bỏ đi nhưng cũng không thể mãi đốt tiền vô vọng.

Trước tình trạng như vậy, họ đã quyết định tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như những con bài quyết định. Một trong những sản phẩm đó là Yume, với hi vọng trở thành một mạng xã hội lớn ở Việt Nam trên cơ sở tận dụng lại một số dịch vụ mà họ sẵn có như Blog, Nhạc, Video, Ảnh. Và họ đã có rất nhiều nỗ lực thực tế cho sản phẩm này như liên kết hỗ trợ cuộc thi Vietnam Idol, lôi kéo nhiều người nổi tiếng sử dụng sản phẩm của mình...

Nhưng đứng ở quan điểm một người sử dụng, tôi vẫn có cảm giác như Yume vẫn chỉ là một sản phẩm lạc lõng giữa mớ sản phẩm hỗn độn của Timnhanh hiện nay. Kinh nghiệm thực tế các mạng xã hội thành công trên thế giới đều là các sản phẩm rất tách biệt. Ngoài ra, các tính năng trên Yume cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa làm người sử dụng có một cảm giác pro khi sử dụng sản phẩm này. Có thể Yume vẫn có một lượng người dùng lớn, nhưng tôi nghĩ hầu hết sẽ là tầng lớp teen và không phải là những khách hàng trung thành. Chỉ cần có một mạng xã hội với nhiều tính năng mới "xì-tin" quét qua sẽ cuốn đi phần lớn lượng khách hàng Yume gầy dựng được và biến họ trở thành dĩ vãng.







Nếu Yobanbe không phải là sản phẩm của Vinagame thì có lẽ nó sẽ không gây ầm ĩ trong cộng đồng mạng và hao tốn nhiều giấy mực của báo chí đến thế.

Xuất phát với một cách thức copy gần như toàn bộ giao diện của Yahoo 360 nên với những ai đã quen với Yahoo 360 thì chẳng có lý do gì để họ phải chuyển sang mạng xã hội này, cho dù Yobanbe có thực hiện PR nhiều đến đâu đi nữa. Chính vì vậy mà tôi nghĩ lượng khách hàng mà Yobanbe có hiện nay đa phần là xuất phát từ những sản phẩm khác của Vinagame. Nên giống với Yume, Yobanbe cũng sẽ không có được nhiều khách hàng trung thành và nhiều khả năng
họ cũng sớm trở thành dĩ vãng. Tuy nhiên, Yobanbe lợi thế hơn Yume ở chỗ đứng đằng sau họ là đại gia Vinagame lắm tiền nhiều của, trong khi Yume vẫn còn phải sống nhờ tiền đầu tư và không biết đến bao giờ mới có nguồn thu.

Trong quan điểm của tôi, bộ ba sản phẩm 360 Plus - Yume - Yobanbe rất giống nhau về mặt cấu trúc, hình thức trình bày, cũng như cả cách quản lý vẫn còn chưa chuyên nghiệp của đội ngũ Việt Nam, không như Yahoo 360 hay các sản phẩm quốc tế khác. Nếu đứng trước ngã ba đường như thế, tôi tin chắc phần lớn người dùng sẽ chuyển sang 360 Plus vì ít ra nó cũng là hậu duệ của Yahoo 360, hơn là Yume và Yobanbe là các sản phẩm ít nhiều copy lại, nên thực sự không có nhiều cơ hội cho hai sản phẩm Việt Nam này. Dĩ nhiên đó cũng mới chỉ là dự đoán nên hãy cùng chờ xem những "mưu tính" của hai mạng này trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng sắp tới ;)





Đứng ở góc độ một người làm về công nghệ, chắc chắn tôi sẽ nghiêng hoàn toàn về Tamtay bởi họ là một đối thủ có nhiều sản phẩm nổi bật về mặt công nghệ mà không một mạng xã hội nào khác của Việt Nam có được. Ngoài ra họ cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm công nghệ OpenSocial, đây là một dự định rất táo bạo bởi nếu thành công thì rất nhiều widget của các nhà phát triển khắp thế giới có thể dễ dàng được nhúng vào trang các thành viên trong mạng Tamtay. Đây sẽ không chỉ là bước tiến lớn về mặt công nghệ mà sẽ còn giúp họ thu hút thêm nhiều thành viên gia nhập vào hệ thống của mình.

Tuy nhiên về mặt kinh doanh tiếp thị thì có vẻ như Tamtay không có nhiều kinh nghiệm như các đối thủ khác. Số lượng các sản phẩm của họ cũng ngày một nhiều hơn nhưng khá rời rạc, không có một core value cụ thể. Nhìn vào Tamtay, tôi có một cảm giác họ vừa giống Facebook nhưng lại hơi có tính "tham lam" như nhiều website giải trí khác của Việt Nam hiện nay, muốn gom tất cả các dịch vụ vào site mình: Video, Ảnh, Nhạc, Blog, Rao Vặt... Do đó, tôi nghĩ nếu tiếp tục với hướng đi hiện tay, Tamtay sẽ đi vào ...vết xe đổ của những sản phẩm đi trước, biến site mình thành một mớ hỗn độn và không biết bao giờ mới có đầu ra trong khi nguồn đầu tư cũng ngày một cạn dần!







Tôi tình cờ biết đến Cyvee thông qua sự giới thiệu của một người bạn, vào khoảng đầu năm 2007. Được giới thiệu đây là một mạng dành cho các "nhân viên cổ trắng", nhưng tôi thì hiểu đơn giản là mạng dành cho các chuyên gia như khẩu hiệu "Connecting professional" của Cyvee, nên cũng đã đăng ký với hi vọng vào đây có thể làm quen và giao lưu với một cộng đồng những con người chuyên nghiệp.

Lúc đầu đăng ký cũng thấy hay hay, giao diện của Cyvee khá bắt mắt và làm cho tôi cũng có cảm giác pro thực sự ;)). Nhưng sau khi đăng ký xong thì tôi ...không biết làm gì hết, bởi có lẽ cư dân mạng hồi đó đã quen với việc viết blog và cập nhật blast hằng ngày. Ngoài ra điều khiến tôi nản nhất là không làm quen được với các chuyên gia thực sự như mục đích mà Cyvee hướng tới. Hầu hết dân tham gia đều là những con người trẻ, tò mò muốn thử cái mới. Có rất nhiều SV cũng như nhiều người còn chưa chuyên nghiệp trong đó đã khiến tôi có cảm giác như mình đang rơi vào một thế giới hỗn độn. Tôi rời Cyvee từ đó.

Sau này đi giao tiếp thực tế nhiều tôi mới ngộ ra là ở Việt Nam, hầu hết những người lãnh đạo, quản lý cũng như chuyên gia rất ít khi tham gia mạng xã hội bởi họ đều là những con người khá bận rộn, hơn nữa họ đã có những sân chơi đẳng cấp của riêng mình. Chính vì vậy mà tôi nghĩ đây là yếu tố chính nhất khiến Cyvee không thể đạt tới mục tiêu mà họ trông đợi ban đầu, cho dù sau này họ có nỗ lực tung ra các sản phẩm khác như Group, Event, Jobs. Nhưng những dịch vụ này không giúp tình hình khá thêm được bao nhiêu bởi mạng xã hội mà họ đang xây dựng không có nhiều con người là những chuyên gia thực sự.

Và đến thời điểm hiện tại khi mà nguồn đầu tư đã cạn dần, tôi nghĩ còn rất ít hi vọng cho Cyvee trừ khi họ có một sự cải tiến mang tính đột phá trong hướng đi của mình.








Tôi biết CyWorld cũng vào khoảng thời điểm cùng với Cyvee (hơi tình cờ bởi có cùng chữ Cy ^^). Nghe giới thiệu là mạng này là dành cho dân teen thích thể hiện mình. Chính điều này đã kích thích một người "già" như tôi cũng muốn nhảy vào thử xem nó là cái mô tê chi ;)).

Nhảy vào thử thì đây quả là một sản phẩm khác biệt so với các mạng xã hội khác, rất xì tin theo kiểu Hàn Quốc. Mỗi người tham gia sẽ có một "ngôi nhà" (minihome) bằng ...flash của riêng mình, và người dùng sẽ có một thứ gọi là hạt dẻ để đi mùa các tài sản khác. Nói chung là mới chỉ biết tới đó, nhưng thực sự tôi nghĩ hướng đi này có vẻ không thành công ở Việt Nam bởi tôi gặp mấy teen đàn em đều hay hỏi han thì toàn thấy xài Yahoo 360 không ;). Có lẽ đó cũng là lý do mà CyWorld đã từng bước chuyển từ mô hình thuần Flash ban đầu sang mô hình web page hiện nay.

Nhưng hiện nay nhìn vào CyWorld, tôi có cảm giác họ cũng đang bắt đầu đi vào vết xe đổ như Tamtay, cũng phát triển tràn lan sang các lĩnh vực như Music, Video... và những lĩnh vực này hẳn sẽ đốt tiền nhanh hơn nữa, trong khi đầu ra vẫn chưa có nhiều triển vọng (Theo một thông tin tôi có được thì Cyworld có tới 40 server)








Mặc dù Clip không đơn thuần là một mạng xã hội như các đối thủ ở trên nhưng cũng có một ít liên quan nên cũng sẵn tiện đưa vào luôn ;)

Có thể nói Clip là một trong những website khá thành công ở Việt Nam. Xuất phát điểm ngay từ đầu với ý định trở thành một Youtube của Việt Nam và tận dụng tối đa thế mạnh nội dung và server Việt Nam, Clip đã nhanh chóng có được đầu tư và chỉ sau một năm triển khai họ đã tạo ra được một mạng lưới nội dung video đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Bản thân tôi vẫn hay lên Clip xem lại các chương trình mà tôi đã bỏ lỡ trước đó. Nên cũng dễ hiểu khi họ chiếm được cảm tình của khá nhiều người. Nhớ lại có thời gian một vài bài báo ca ngợi Clip hết lời và xem đó là tấm gương để các website Việt Nam khác cần học tập trong việc tận dụng lợi thế bản địa của mình.

Nhưng Clip đã không gặp may khi họ dần phải đối mặt với những bất lợi cực lớn. Với việc Google thuê đường truyền từ Việt Nam kết nối trực tiếp đến hệ thống máy chủ Youtube quốc tế đã gần như biết lợi thế lớn nhất của Clip thành bất lợi cho chính họ. Ngoài ra, khi người dùng ngày càng đòi hỏi lượng băng thông nhiều hơn, thì Clip vẫn chưa tìm được một đầu ra ổn định để bù đắp những chi phí về hạ tầng của họ. Vào thời điểm năm ngoái, có lúc doanh thu họ giảm từ 300 triệu còn 75 triệu, chỉ vì khách hàng sau một thời gian quảng cáo thấy hiệu quả quảng cáo trên video thấp, không được như mong đợi (Thông tin ngoài lề, ai có chính xác xin confirm giùm ^^)

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có được một lối thoát thực sự cho Clip, nhiều người trong giới công nghệ nghĩ họ sẽ dần sụp đổ trước một đối thủ quá lớn như Youtube. Tuy nhiên, trong suy nghĩ cá nhân của tôi, Clip xứng đáng là một trong những anh hùng dot-com của Việt Nam, xét về những giá trị mà họ đã tạo ra, cũng như việc mà họ đã dũng cảm chiến đấu trước vô vàn khó khăn như vậy. Hi vọng họ sẽ có thể tìm được một hướng đi triển vọng trong thời gian sắp tới!











Mặc dù vẫn còn nằm trong giai đoạn phát triển nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến sản phẩm đến từ một đại gia có rất nhiều thế lực trong ngành viễn thông hiện nay, FPT.

Mặc dù dưới mắt nhiều người làm về Internet, có lẽ FPT vẫn là một người khổng lồ ngốc nghếch với nhiều sản phẩm làm ra "dổm" và rời rạc, nhưng tôi nghĩ FPT vẫn đang có được những lợi thế mà hầu như không có bất kì công ty Internet nào ở Việt Nam có được hiện nay. Và thực sự nếu họ có thể tối ưu lại mô hình như họ đã thành công ở một số bộ phận, tôi tin họ sẽ tạo ra được một sức mạnh tổng thể rất lớn và hoàn toàn có thể chấp một mớ các công ty nằm trong IDG Porfolios liên kết lại ;))

Theo thông tin tôi có được thì sắp tới họ sẽ gom tất cả những gì online rời rạc lại để thành lập một công ty lớn FPT Online với rất nhiều dịch vụ khác nhau. Và tất nhiên mạng xã hội sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để liên kết những dịch vụ đó lại. Hãy tưởng tượng khi tham gia mạng xã hội này, bên cạnh những dịch vụ như các mạng xã hội khác, bạn còn được tận hưởng thêm các dịch vụ liên quan đến hạ tầng Internet mà FPT đang rất mạnh hiện nay và xa hơn là những dịch vụ thực tế từ các công ty con khác của FPT. Ngoài ra, nếu tổ chức tốt, FPT còn có cơ hội để trở thành một "trung tâm giao thương" của những nhóm/công ty phát triển dịch vụ mạng xã hội với người dùng như một số dịch vụ FPT Telecom cung cấp hiện nay.

Tuy nhiên đó mới chỉ là những dự đoán và để thực hiện vấn đề này không phải là một điều dễ dàng. Bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở những người kiến trúc sư xứng tầm chứ không hẳn là những lợi thế mà họ đang có hiện nay. Và liệu FPT có thể làm được điều đó? Chúng ta hãy cùng chờ xem :)

Tổng kết về các mạng xã hội Việt Nam

Nhìn dưới góc độ kỹ thuật, hầu hết các mạng xã hội Việt Nam đều tỏ vẻ tham lam khi ngày càng bành trướng số lượng dịch vụ cũng như nội dung không liên quan chỉ để nhằm thu hút tối đa traffic từ người sử dụng. Chính vì điều này mà chất lượng dịch vụ của các mạng xã hội trong nước đều khá kém. Nên có lẽ với những người dùng am hiểu, gần như họ sẽ lựa chọn những dịch vụ tốt hơn đến từ các đối thủ nước ngoài.

Cho nên tôi nghĩ phần lớn khách hàng của những mạng xã hội trong nước hiện nay đều là những người nghiệp dư không trung thành, có thể đến chỉ vì lý do giải trí như nhạc, phim.... Nên chính vì vậy cho dù các mạng này có nỗ lực PR bao nhiêu đi nữa, thì những user của họ vẫn có thể một ngày nào đó sẵn sàng dứt áo ra đi, khi họ muốn tìm một bến đỗ mới tốt và ổn định hơn.



Bản đồ, một trong những lĩnh vực cũng được xem là tiềm năng của thế giới Internet khi những cụm từ về GIS, Location-base, GPS... vẫn hay được đưa ra bàn thảo. Nhưng thực sự lĩnh vực này ở Việt Nam đã có thể kiếm được tiền như mọi người nghĩ? Mời mọi người cùng theo dõi phần 6: "Những bản đồ số ở Việt Nam"

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More