Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Đi tìm những dot-com Việt Nam tiềm năng (4): Hướng kiếm tiền nào cho các website Tổng hợp tin tức


Tổng hợp tin tức, lĩnh vực không có nhiều tiềm năng ở các nước khác nhưng tự nhiên lại có một vị trí khá đặc biệt ở Việt Nam khi có tới 89% người lên mạng theo dõi tin tức hàng ngày (theo thống kê từ Yahoo VN). Chính vì lý do này đã khiến số lượng website trong lĩnh vực này cũng nhiều không hề kém cạnh so với những lĩnh vực Internet hot khác. Tuy nhiên với việc các điều luật bản quyền vẫn còn chưa được tuân thủ chặt chẽ cũng như các tờ báo ở Việt Nam đều nằm dưới trướng của những thế lực lớn nên đã dẫn tới nhiều tình huống "khó xử" cho các đối thủ trong lĩnh vực này

Nhóm 4: Những website tổng hợp tin tức





Với lợi thế xuất hiện từ khá sớm cộng với một đội ngũ kỹ thuật tốt, Baomoi đã nhanh chóng có được những thành công nhất định. Họ đã bắt đầu có thương hiệu khá tốt trong giới công nghệ cũng như những người có nhu cầu về tổng hợp tin tức như giới phóng viên. Ngoài ra với việc lưu trữ và xử lý tiếng Việt khá chuyên nghiệp, Baomoi cũng là một nền tảng tốt cho những đối tác thứ ba ứng dụng để làm phong phú thêm nội dung site mình (như SkyDoor của chúng tôi hiện đang sử dụng một số công nghệ của họ). Có lẽ sẽ không quá lời nếu nói Baomoi là website tổng hợp tin tức số một Việt Nam hiện nay ;)), cùng với việc đã có đầu tư cũng như một nguồn thu ổn định từ việc triển khai giải pháp CMS sẽ giúp họ có điều kiện tạo thêm khoảng cách với các đối thủ khác trong thời gian tới.

Tuy nhiên trước sự bùng nổ của số lượng thông tin ngày càng nhiều, Baomoi cũng đã bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề nhất định.

  • Khi số lượng tin tức ngày càng nhiều thì sẽ rất khó để biết được đâu là những tin tức quan trọng và sắp xếp như thế nào cho phù hợp. Đó là chưa kể đến việc lọc các tin liên quan và lĩnh vực tin của họ vẫn còn nhiều hạn chế
  • Với những người có cá tính (không phải xuề xòa như tôi ^^), thì nhìn Baomoi sẽ giống như một nồi lẩu thập cẩm. Các tin tức được tổng hợp với nhiều phong cách khác nhau làm cho người xem có cảm giác nhạt. Để có thể giải quyết vấn đề này thì chỉ có một cách là phân tích cách của người xem và tạo các chủ đề phụ hợp cho từng phong cách khác nhau. Đây quả thật không phải là một vấn đề dễ dàng và tôi tin vấn đề này cũng đã nằm trong danh sách tính năng mà Google News chuẩn bị triển khai trong thời gian sắp tới.
  • Hạ tầng kỹ thuật của họ cũng đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế nhất định. Số lượng tin tức bùng nổ đã làm nảy sinh vấn đề cần chia database ra để chạy trên nhiều máy khác nhau, và điều này sẽ dẫn tới nhiều sự biến động khác. Đây cũng sẽ là một rủi ro của họ bởi nếu có một đối thủ đi sau sử dụng cloud computing làm nền tảng khắc phục triệt để vấn đề này thì sẽ tạo ra nhiều lợi thế khác biệt về mặt công nghệ và tính năng so với những gì Baomoi đang có hiện nay
Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên có lẽ vẫn chưa phải là những cái quan trọng nhất bởi dường như vấn đề mà Baomoi cũng như các site tổng hợp tin tức khác cần quan tâm hiện nay là làm thế nào để có thể thương mại hóa sản phẩm của mình. Tôi sẽ quay trở lại vấn đề này trong phần phân tích phía dưới, sau khi đi qua các đối thủ khác.






Tiến bước một cách âm thầm lặng lẽ, không hoành tráng như Baomoi, nhưng hẳn đội ngũ FinalStyle cũng đã rất hài lòng bởi có lẽ thành tựu của Tin247 đã vượt xa những gì mà họ trông đợi ban đầu với rất ít chi phí đầu tư.

Xuất phát chỉ đơn thuần với một ý tưởng crawler tin tức đơn giản, như là một demo công nghệ bóc tách tự động để làm tăng uy tín trong việc nhận các hợp đồng thiết kế web cho FinalStyle. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, traffic của site đã tăng lên không ngừng và đến thời điểm hiện tại đã ngang ngửa với đối thủ Baomoi. Ngoài ra họ cũng đã triển khai được công nghệ này cho một số đối tác như http://www.baongay.com/

Sau khi trở thành đội ngũ phụ trách kỹ thuật chính thức của Vatgia, thì toàn bộ hoạt động của Tin247 đều hướng tới phục vụ tập trung cho website này. Hiện nay khi vào có Tin247, có thể dễ dàng thấy quảng cáo từ Vatgia tràn ngập khắp trong các trang tin. Đây thực sự là một chiến lược cộng sinh tốt bởi sẽ giúp cho Tin247 có nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động của mình, còn Vatgia thì không ngừng tăng dần ảnh hưởng.

Và cũng như Vatgia, Tin247 vẫn trung thành với chiến lược hoạt động âm thầm lặng lẽ của mình, chủ yếu dựa vào web SEO là chủ yếu. Nhưng chỉ cần một động thái có đầu ra thương mại từ một đối thủ khác như Baomoi, chắc chắn Tin247 sẽ áp dụng một chiến lược hoàn toàn tương tự để giành lấy một miếng bánh không nhỏ trong thị trường này.








Sẽ không quá lời khi nói Vietbao là website làm web SEO tốt nhất Việt Nam hiện nay. Không có một điểm nhấn đặc biệt về mặt công nghệ cũng như rất ít thông tin về đội ngũ phát triển đứng đằng sau, nhưng Vietbao vẫn tạo ra được một ảnh hưởng lớn khi họ index được một lượng thông tin cực lớn so với bất kì đối thủ nào khác như Baomoi hay Tin247. Và kết quả của họ thường xuyên xuất hiện trong Top 10 của Google cho dù có những tin đã xuất hiện từ năm ...2003 ;)

Có lẽ chính điều này đã gây nên sự khó chịu với nhiều người thường xuyên
sử dụng tìm kiếm, cũng như một số "anh chị" phóng viên, nên không có gì khó hiểu khi cách đây 1 năm họ đã bị đánh hội đồng bởi một vài tờ báo, tên miền Vietbao.vn cũng bị thu hồi và ngừng hoạt động. Những tưởng rằng họ sẽ sụp đổ và không ngóc đầu lên được nữa, nhưng chỉ sau đó khoảng hơn 2 tháng, họ đã quay trở lại với một tư thế hoàng tráng hơn "Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế - Bộ Thông tin Truyền Thông", một tư thế mà tôi nghĩ hầu như sẽ không ai còn dám đụng chạm đến họ.

Và có lẽ ở thời điểm hiện tại thì Vietbao cũng chỉ cần ngồi chờ thời. Với một tư thế tốt cũng như lượng traffic gấp gần 3 lần các đối thủ khác như Baomoi và Tin247, thì gần như nếu thị trường có đầu ra thì sẽ bảo đảm cho Vietbao một thị phần không nhỏ trong lĩnh vực này.

Hướng kiếm tiền nào cho những website tổng hợp Tin tức

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một hướng kiếm tiền nào thực sự triển vọng cho các website tổng hợp tin tức ngoại trừ cách thông thường là quảng cáo như Google News đang thử nghiệm. Ngoài ra, giả sử nếu có một hướng kiếm tiền triển vọng từ các website này, ngay lập tức sẽ có một số vấn đề sau nảy sinh

  • Các vụ kiện từ các tờ báo lớn: Nếu tôi là một người bỏ rất nhiều công sức để tạo ra nội dung, nhưng lại có một người khác ngồi chơi ...lấy hết traffic và doanh thu ;), rõ ràng là tôi sẽ phải khởi kiện. Nên nhớ đứng đằng sau các tờ báo ở Việt Nam đều là những cơ quan thế lực lớn của chính phủ, so với các site tổng hợp tin tức chỉ là sản phẩm của các công ty Internet nhỏ bé.
  • Công nghệ tổng hợp tin tức đã không còn là một thứ gì quá độc quyền và khó khăn như hồi trước. Nếu các đối thủ trong lĩnh vực này có thể kiếm tiền dễ dàng thì tại sao những người khác như tôi lại không làm một cái. Với lợi thế đi sau chắc chắn tôi sẽ tạo ra được một số khác biệt so với những site này và điều đó cũng đủ để tôi giành được một thị phần nhất định dù nhỏ. Đó là còn chưa kể hằng hà đa số các site tổng hợp tin tức đã có sẵn hiện nay bên cạnh ba đối thủ kể trên.
Chính vì vậy tôi nghĩ sẽ không có nhiều triển vọng cho các website thuộc nhóm 4 này. Có lẽ hướng đi khả thi là cố gắng cung cấp một hạ tầng tốt cho các đối tác thứ ba, hoặc họ cũng có thể tự xây dựng các dịch vụ gia tăng xung quanh nền tảng của mình. Ngoài ra trở thành một sản phẩm hỗ trợ cho sản phẩm khác cũng là một hướng đi tiềm năng, như cách mà Tin247 đang làm cho Vatgia hiện nay. Tuy nhiên đó mới chỉ là những suy nghĩ cá nhân, chắc hẳn các đối thủ đều đã có những chiến lược của mình trong thời gian sắp tới, và chúng ta hãy cũng chờ xem ^_^


Mạng xã hội, một trong những lĩnh vực nóng nhất của làng Internet Việt. Rất nhiều đối thủ đã xuất hiện cũng như mất đi, tất cả với cùng một mục đích nuôi tham vọng trở thành bá chủ trong cuộc sống thế giới ảo, đặc biệt trong giai đoạn Yahoo 360 đã được thông báo chuẩn bị chính thức đóng cửa. Liệu có cơ hội nào cho những đối thủ từ Việt Nam trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ trong một thế giới phẳng như hôm nay? Mời mọi người tiếp tục ...theo dõi phần 5: "Mưu đồ bá vương của các mạng xã hội Việt Nam"

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Đi tìm những dot-com Việt nam tiềm năng (3): Những con tàu ủi băng Thương mại điện tử Việt nam


Thương mại điện tử, một trong những con bò sữa của thế giới Internet. Nhìn vào các đại gia thế giới như eBay (22 tỉ USD), Amazon (32 tỉ USD), Alibaba (9.4 tỉ USD)... rồi ước lượng thị trường Việt Nam bằng khoảng 1/50 Trung Quốc theo GDP, thì có thể dự đoán nếu có một công ty với vị trí tương tự như Alibaba ở Việt Nam, thì giá trị sẽ vào tầm 180 triệu USD. Tất nhiên con số này vẫn chỉ ở mức tiềm năng tương đối, nhưng nó cũng đã đủ để hàng tá công ty lao vào với một tham vọng giành được một phần của miếng bánh béo bở này.

Ở Việt Nam hiện đã có rất nhiều site Thương mại điện tử khác nhau, từ của đại gia cho đến các tiểu gia. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đi vào hai công ty tiềm năng nhất theo đánh giá của riêng tôi là Chodientu.vn và Vatgia.com. Tiềm năng theo nghĩa các công ty này đều đã có đầu tư, đều làm một sản phẩm duy nhất và đều có khả năng tập trung cao độ khi thị trường đạt đến điểm rơi

Nhóm 3: Những con tàu ủi băng Thương mại điện tử Việt nam







Tôi có dịp làm quen với công ty Peacesoft từ khá sớm, vào giữa năm 2004, nhân dịp ra Hà Nội để chuẩn bị sang Brazil tham dự Imagine Cup 2004. Nhớ lại hồi đó, Peacesoft vẫn còn là một công ty ...nghèo ;)), với một trụ sở nhỏ trong một con ngách ở Hà Nội. Lúc đó cũng nghe loáng thoáng là quỹ đầu tư IDG mới chân ướt chân ráo vào VN và đang đi nói chuyện với một số công ty trẻ như Peacesoft về chuyện hợp tác đầu tư. Lúc đó trong suy nghĩ của một sinh viên công nghệ như tôi, với một đội ngũ lãnh đạo trẻ và năng động của Peacesoft, sẽ không khó để họ đạt được thương vụ này. Và quả thật sau đó, họ đã là một trong những công ty đầu tiên được IDGVV đầu tư với dự án Chodientu.vn

Một điều đáng khâm phục ở Chodientu là ở sự kiên trì bền bỉ của họ. Trong khi nhiều công ty Internet dù có được đầu tư đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại thì Chodientu vẫn nỗ lực không ngừng với nhiều hoạt động thử nghiệm của mình, vẫn xuất hiện đều đặn trên các phương tiện truyền thông. Từ việc triển khai bán các gian hàng, quảng cáo trên site... cho đến các hoạt động phụ trợ như Ads@CDT (bây giờ là Adnet), Nganluong.vn. Dẫu chưa có một thành công nào mang tính đột phá, nhưng đến nay họ cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định như: Liên kết với eBay, đầu tư từ Softbank, hệ thống Adnet được nhiều website trong nước sử dụng...

Có lẽ khó khăn lớn nhất của Chodientu hiện nay (và có lẽ cũng là khó khăn chung của hầu hết các site TMĐT khác) nằm ở vấn đề làm sao để người mua hàng có thể giao dịch trực tiếp trên site của mình. Đây thực sự không phải là một vấn đề dễ dàng bởi đứng ở góc độ một người sử dụng bình thường, tôi thường vào các site TMĐT chủ yếu để ...tham khảo giá cả rồi liên hệ trực tiếp người bán hay ra các cửa hàng bên ngoài mua cho chắc ăn ;). Còn giao dịch chỉ thực hiện rất ít khi có các hàng độc hay hàng ...khuyến mãi cụ thể ;))

Tuy nhiên nếu có thể khai thông được bế tắc này, cùng với việc đẩy mạnh và mở rộng hệ thống Adnet mà họ đang khá thành công hiện nay, cộng với nhiều lợi thế khác mà họ đang có được, Chodientu sẽ có cơ hội lớn để trở thành một đại gia thương mại điện tử tầm cỡ ở Việt Nam.








Là một đối thủ có xuất phát điểm khá trễ (chỉ từ nửa sau 2007, tức sau Chodientu 2.5 năm), nhưng với một chiến lược tổ chức nội dung và cấu trúc site cực tốt nên chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã đi từ con số không lên một lượng thông tin trên site khổng lồ và thường xuyên được cập nhật một cách đều đặn. Ngoài ra, còn phải kể đến đội ngũ kỹ thuật đừng đằng sau cực kì dày dạn kinh nghiệm trong việc thiết kế web và làm SEO (công ty FinalStyle, cũng là chủ nhân của website tin tức http://tin247.com mà tôi sẽ phân tích trong Nhóm 4 kế tiếp) đã giúp lượng traffic đến site tăng lên không ngừng và hiện nay đã đưa Vatgia vào Top 2500 Alexa

Với một thành tích quá ấn tượng trong một thời gian ngắn như vậy, đây quả thật là một sản phẩm tiềm năng và không có gì quá khó hiểu khi họ là một trong những công ty hiếm hoi mà cả IDGVV và Vinacapital đều phải chạy đua để giành quyền đầu tư vào. Cuối cùng, IDGVV đã là người nhanh chân hơn với số tiền đầu tư vào khoảng 1 triệu USD (Thông tin ngoài lề, ai có chính xác xin confirm giùm ^^)

Với một số tiền đầu tư khá lớn như vậy, nhưng Vatgia vẫn trung thành với chiến lược của mình. Ít có hoạt động quảng cáo PR rầm rộ ra bên ngoài và vẫn chủ yếu dựa vào việc mở rộng thông tin trên site và làm SEO là chủ yếu ;). Nhưng đây chính là điểm mà tôi nghĩ rất nhiều website TMĐT khác phải dè chừng họ. Bởi có vẻ như Vatgia vẫn đang âm thầm dưỡng sức đề chờ đợi đến thời điểm khi mà thị trường được khai thông (có thể bởi một đối thủ khác như Chodientu), thì với một chiến lược tương tự cộng với những thế mạnh mà họ đang có hiện nay, chắc chắn họ sẽ lao vào để giành lấy một thị phần không nhỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử đầy tiềm năng này.


Bạn có biết 89% người sử dụng Internet Việt Nam lên mạng đọc tin tức hàng ngày (theo thống kế Yahoo VN). Điều này đã khiến các site Tin tức cũng như các site tổng hợp Tin tức đóng một vai trò quan trọng và chiếm một phần lớn trong thị trường doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam. Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực này, mời bạn tiếp tục theo dõi ...phần 4: Những website Tổng hợp Tin tức Việt Nam ^_^

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

Đi tìm những dot-com Việt nam tiềm năng (2): Những đối thủ của Google tại thị trường Việt nam


Sau phần 1, tôi có nhận được một vài ý kiến phản hồi là phân tích vẫn còn chung chung quá. Thực sự thì khi tôi đọc lại cũng thấy ...chung chung luôn ^_^. Có lẽ là do nhóm một là những công ty lớn nhiều sản phẩm, nên việc phân tích không thể hướng đến các sản phẩm cụ thể mà chỉ có thể đi lòng vòng bên ngoài chiến lược chung của từng công ty. Sang phần hai thì các công ty là những sản phẩm rất cụ thể và nằm trong lĩnh vực tìm kiếm tôi cũng đã ít nhiều có kinh nghiệm, nên hi vọng các phân tích sẽ rõ ràng hơn.

Nhóm 2: Những đối thủ của Google tại thị trường Việt Nam











Socbay.com là một công cụ tìm kiếm được phát triển từ một nghiên cứu đã đạt được một số giải thưởng trong nước do năm chàng trai 8x có chung niềm đam mê về CNTT cùng hợp tác xây dựng khi họ còn trên ghế nhà trường. Được VDC hỗ trợ và sau đó là IDGVV đầu tư, họ đã quyết định thành lập công ty vào cuối năm 2006 với khát vọng nâng công cụ tìm kiếm này lên một tầm cao hơn. Với những giải thưởng có được cùng một khát vọng của những con người trẻ, có thể nói vào thời điểm đó, rất nhiều người xem đây là một sản phẩm triển vọng và sẽ là một "Baidu của Việt Nam" trong tương lai.

Và tất nhiên tôi cũng là một trong những fan của họ và thực lòng cũng rất muốn xem Việt Nam sẽ có một sản phẩm mạnh mẽ có thể "đấu" với Google. Nên tôi đã theo dõi sát sao những bước đi của sản phẩm này trong suốt hai năm sau đó. Nhưng thực sự không hiểu điều gì đã xảy ra, gần như không có bất kì một sự cải thiện chất lượng trong công cụ tìm kiếm của họ, trong khi Google ngày càng tốt hơn. Có lẽ tìm kiếm Web đã là một cuộc chơi quá tầm đối với những con người trẻ tuổi này, cộng với việc xuất phát điểm quá trễ của Socbay trong giai đoạn mà Google đã bắt đầu có nguồn lợi nhuận khổng lồ, cỗ máy của họ đã vượt xa thuật toán PageRank của hai nhà sáng lập ban đầu. Trong khi đó Socbay thì vẫn loay hoay với bài toàn làm sao để "xử lý tiếng Việt" tốt hơn của mình.

Socbay cũng đã nhận ra điều đó và không còn cách nào khác, họ buộc phải tìm một chiến lược mới hơn là vô vọng đấu với Google mãi như thế này. Và con đường họ chọn là triển khai ứng dụng tìm kiếm của họ trên hàng loạt các lĩnh vực khác: Sách, Mp3, Video, Từ điển, Địa điểm... và thậm chí cả ...Du Lịch. Tuy nhiên với việc làm quá dàn trải các sản phẩm, họ không có thời gian để trau chuốt từng sản phẩm của mình. Cách thiết kế các sản phẩm kém về chất lượng cũng như hình thức nên vẫn không có nhiều người dùng đến với họ (Tôi nhớ Socbay vẫn còn ngụp lặn ngoài phạm vi Top 100.000 Alexa vào nửa cuối 2008)

Vào thời điểm hiện tại khi vào lại Socbay.com, chỉ còn lại 6 dịch vụ cơ bản là: Tin tức, Nhạc, Video, Rao vặt, Từ điển, Hình ảnh. Có lẽ Socbay đã hoàn toàn đầu hàng trên lĩnh vực Web Search để hướng đến tìm kiếm doanh nghiệp làm lĩnh vực chủ lực của mình, điển hình là các sản phẩm cho: Vinaphone, Thodia.vn, Yeuamnhac.com... Đây quả thực là một chiến lược đứng đắn bởi không ai hiện ở Việt Nam có tiềm năng như họ. Có lẽ đó cũng là lý do mà Softbank cũng đã tiếp tục nhảy vào.

Nhưng thực sự về quan điểm cá nhân, tôi thấy vẫn chưa có một sự quyết đoán và rõ ràng từ đội ngũ lãnh đạo công ty non trẻ này. Có lẽ họ nên có một nhà lãnh đạo dày dạn từng trải kiểu như E. Schmidt đến với Google, và bản thân họ vẫn còn phải nỗ lực tập trung rất nhiều về mặt kỹ thuật hơn nữa mới có thể "đủ" cho những gì họ đã ...quảng cáo cũng như những điều mà nhiều người đang trông đợi ở họ hiện nay






Tiền thân là Vinaseek đã được phát triển từ năm 2001, nhưng sau khi chọn Fast Search của Microsoft làm nền tảng cho công cụ tìm kiếm mới, có lẽ Tinh Vân không kế thừa được nhiều từ những gì họ đã xây dựng mà gần như phải làm lại từ đầu.

Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, với bổ sung thêm các tập luật & thông số cho nền tảng có sẵn, Xalo.vn đã có được một loạt các sản phẩm tìm kiếm chất lượng tốt. Ngay khi thử công cụ tìm kiếm mới của họ lần đầu vào tháng 4/2008, tôi đã cảm nhận được chất lượng tìm kiếm của họ vượt xa Socbay và thực sự sau đó họ đã nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm số một của Việt Nam.

Tuy nhiên vấn đề nào cũng có hai mặt, Fast Search giúp họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhưng cũng chính vấn đề này đã đem lại cho họ những bất lợi lớn. Fast Search là một giải pháp tìm kiếm chủ yếu dành cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, mà cho dù khả năng của nó có tùy biến cao cỡ nào thì chắc chắn rằng cũng không thể bằng được cỗ máy tìm kiếm web do chính Google xây dựng cũng với khả năng tùy biến cao. Đó là chưa kể về mặt tìm kiếm, Microsoft vẫn còn kém Google một bậc. Nên gần như chất lượng tìm kiếm web của Xalo.vn hiện đã đạt đến mức giới hạn, không có nhiều chuyển biến trong thời gian gần đây, trong khi Google vẫn đang tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng của mình.

Không còn khả năng đấu trong thị trường chủ lực Web, Xalo cũng đành phải vươn ra các lĩnh vực khác như Tin Tức, Nhạc. Nhưng va phải lĩnh vực này thì đã bị những đối thủ khác như Baamboo, Baomoi ..."án ngữ" với một giải pháp tìm kiếm đơn giản nhưng hiệu quả hơn. Dịch Anh - Việt là một lĩnh vực họ có nhiều thành tựu nhưng tốc độ chậm và chỉ dịch được cho những đoạn/câu đơn giản. Nên cuối cùng chỉ còn Blog/Forum là những dịch vụ xem ra triển vọng nhất của họ. Tuy nhiên, đây là những dịch vụ khá chuyên biệt và xét ra cũng chỉ là một phần nhỏ của tìm kiếm web nên không có nhiều người sử dụng. Ngoài ra thì hai lĩnh vực này hoàn toàn có thể được xây dựng với tính năng Custom Search Google cung cấp thông qua việc giới hạn và tùy chỉnh một số thông số. Nếu để ý bạn cũng thấy Google đã bắt đầu có những Search Option rất hiểu quả phục vụ cho vấn đề này.

Một khó khăn cho Xalo nữa là việc họ cũng không thể tiến vào thị trường Tìm kiếm Doanh nghiệp như Socbay bởi giải pháp của họ là mua lại, trong khi nguồn đầu tư đã bắt đầu cạn dần. Vậy Xalo sẽ sử dụng chiến lược nào cho thời điểm sắp tới. Đến đây thì tôi cũng ...đang tiếp tục suy nghĩ và xin dành câu trả lời cho mọi người ;)

PHỤ LỤC:
Một số số liệu do tôi thử nghiệm trên các công cụ tìm kiếm tiếng Việt cuối năm ngoái (Web Search). Sử dụng 10 mẫu từ khóa khác nhau, kết quả được đánh giá tương đối dựa trên tốc độ và số lượng các kết quả liên quan (Số lượng kết quả liên quan trong Top 10, xem cụ thể nội dung từng trang liên quan bao nhiêu đến từ khóa, không phải số lượng kết quả các công cụ tìm kiếm trả về như một số bạn hiểu lầm)

  • Google.com.vn - Điểm: 9/10
  • Yahoo Vietnam - Điểm: 8/10
  • Xalo.vn - Điểm: 5/10
  • Socbay.com - Điểm: 3/10

Mời mọi người tiếp tục theo dõi Phần 3: Những con tàu ủi băng Thương mại điện tử Việt Nam

Đi tìm những dot-com Việt nam tiềm năng (1): Những người khổng lồ



Như đã hẹn ở bài trước, ở nội dung bài viết này tôi sẽ từng bước áp dụng những tiêu chí đã nêu kết hợp những thông tin thực tế tôi có được để đi vào phân tích những trường hợp cụ thể của các công ty dot-com Việt Nam hiện nay. Tất nhiên vẫn có thể có những suy nghĩ mang tính chủ quan cá nhân nhưng âu đó cũng là mong muốn tổng hợp chia sẻ nhằm giúp tôi cũng như những ai quan tâm lĩnh vực này xác định sơ lược đâu là những công ty dot-com Việt Nam tiềm năng, để nhanh chân ...mua cổ phiếu kiếm lời sau này ;)). Danh sách công ty sẽ được phân thành các nhóm theo chủ đề để tiện theo dõi và so sánh.


Nhóm 1: Những người khổng lồ







Là một đối thủ có xuất phát chậm hơn nhiều công ty dot-com khác ở Việt Nam nên FPT đã bắt đầu với một chiến lược khác biệt hóa sản phẩm của mình. Đó là những dự án Visky dành cho đi động đầu tiên như: Vihuni, Vimap, Vitalk... Dễ dàng nhận thấy đây là một chiến lược nhằm tận dụng tối đa hệ thống phân phối điện thoại của họ đang rất mạnh hiện nay, và tất nhiên tham vọng của họ không chỉ dừng lại ở đó.

Bước tiếp theo, họ sẽ tận dụng tất cả những kinh nghiệm đang có hiện nay như: hệ thống phân phối, kinh nghiệm triển khai giải pháp, ngân hàng, các quan hệ chính phủ, truyền thông... để tiến lên chương trình mà họ gọi là "Vì công dân điện tử". Đây quả là một chiến lược cực kì tham vọng và hoàn toàn phù hợp với thế mạnh mà hầu như không có bất kì công ty trong nước nào có được ngoại trừ FPT. Đích thân Mr. Trương Gia Bình đã rút khỏi vị trí TGĐ để trực tiếp phụ trách dự án này.


Tuy nhiên nhìn những sản phẩm FPT đã thiết kế hiện nay thì có vẻ như FPT chưa có đủ những kiến trúc sư kĩ thuật xứng tầm để biến tham vọng lớn của họ thành hiện thực. Hệ thống sản phẩm vẫn còn ngổn ngang và chưa có một sự gắn kết chặt chẽ. Theo một thông tin tôi có được thì ngay cả trong nội bộ FPT hiện đang phát triển tới 3 social network do 3 nhóm thuộc 3 bộ phận khác nhau phụ trách ;)


Ngoài ra với quy mô công ty đã quá lớn cùng nhiều quy chế khá cứng nhắc như hiện nay thì thật khó để FPT có thể chiêu mộ những anh hào đầu quân cho họ. Đó là chưa kể họ còn phải đối mặt với nguy cơ những tài năng đang làm cho họ sau một thời gian sẽ tách ra để đi tìm một con đường của riêng mình với nhiều thách thức hơn. Nhưng nhìn chung, nếu phiên bản "FPT 2.0" họ đề ra có thể khắc phục được điều này, sẽ không có gì ngạc nhiên khi họ trở thành một người khổng lồ trong làng Internet và truyền thông của Việt Nam.








Một tên tuổi nổi như cồn trong những năm gần đây mà hầu như mọi người dùng Internet Việt Nam đều biết đến, Vinagame. Với một đội ngũ lãnh đạo quản lý tốt cộng thêm một chút may mắn, Vinagame đã có được lợi nhuận từ rất sớm và lợi thế lớn này đã đưa họ trở thành một đại gia trẻ có tiếng nói trong ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam. Trước tình hình thị trường game online dần đi đến bão hòa, sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ mới cũng như sự không đồng thuận từ xã hội tăng cao, không còn lựa chọn nào khác, họ buộc phải vươn vai bành trướng vào thị trường web 2.0 Việt Nam


Và với một tham vọng cao độ, chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã dựng nên Zing.vn và dồn toàn bộ traffic ở tất cả các site từ trước đến giờ của họ vào đây. Điều này đã nhanh chóng đưa Zing trở thành website số một ở Việt Nam về lượng truy cập. Tuy nhiên chính điều này lại khiến mọi người có cảm giác như Zing có một điều gì đó khổng ổn. Cách phát triển của họ có vẻ giống như ...dùng "thịt đè người": đội ngũ nhân viên đông đảo nhưng chưa phát huy hiệu quả tốt, đưa toàn bộ nhạc phim lên máy chủ của mình để thu hút tối đa traffic với một chi phí lớn, địa phương hóa nhiều sản phẩm từ Trung Quốc nhưng chưa tìm hiểu kĩ khả năng thích nghi với người dùng Việt Nam... Nói chung quả thực là một công trình ngổn ngang chưa biết đến bao giờ mới hoàn chỉnh.

Ngoài ra với một số ảnh hưởng tiêu cực mà Vinagame đã mang lại cho xã hội (mặc dù tôi cũng công nhận game online về một khía cạnh cũng đã góp phần đẩy nhanh việc phổ cập hóa Internet đến các vùng sâu vùng xa) cùng những sản phẩm hơi quá đà nhắm tối đa đến sự kích tích "trí tò mò" của tầng lớp teen hiện nay, có thể Vinagame vẫn còn kiếm được rất nhiều tiền trong tương lai nhưng nếu xét về tầm ảnh hưởng thì họ sẽ không có nhiều triển vọng và cơ hội so với các đại gia khác.







Có thể nói VC Corp là công ty chuyên nghiệp nhất trong làng Internet Việt Nam hiện nay. Những sản phẩm họ làm rất bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao, tạo ra nhiều lợi ích thực sự và định vị sâu trong tâm trí của người sử dụng. Ví dụ như CafeF là ứng dụng mà hầu như tôi đều phải vào xem hàng ngày, ngoài ra còn nhiều các sản phẩm tốt khác như: Rongbay.com, Baamboo.com, ChannelVn.net...

Nhìn một cách tổng quan, hầu hết các sản phẩm VC Corp hướng tới có vẻ như tập trung vào các website thông tin với mục đích khai thác tối đa thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Với một lợi thế sở hữu nhiều sản phẩm cùng một hạ tầng đồng bộ, họ quả là một đối thủ đáng sợ cho bất kì những công ty làm trong lĩnh vực mà họ bước chân vào. Tuy nhiên điều này cũng chính là nguyên nhân đem lại cho họ những bất lợi hiện nay.

Do phải dàn trải quá nhiều sức lực trên các mặt trận khác nhau nên mức độ tập trung đã không còn được sắc bén như ban đầu, ngoài ra thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam vẫn còn quá nhỏ để bù đắp lại những chi phí mà họ đã bỏ ra. Điều này có thể đã khiến họ lung lay tinh thần, một số nhân viên giỏi bắt đầu ra đi (thông tin ngoài lề, ai có chính xác xin confirm lại ^^). Nhưng rõ ràng đến thời điểm thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam bùng nổ, có thể còn phải rất lâu nữa nhưng nếu VC Corp đợi được đến lúc đó thì chắc chắn họ sẽ có rất nhiều cơ hội để phát huy tối đa sức mạnh của mình và trở thành một "Google của Việt Nam" (xét về khía cạnh đa dạng hóa sản phẩm và thu hút quảng cáo trực tuyến)

Đến đây thì bài viết đã dài nên xin tạm kết thúc phần 1. Mời mọi người tiếp tục theo dõi phần 2: "Những tay chơi dũng cảm trên thị trường tìm kiếm và thương mại điện tử"

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Tổng hợp ý kiến về "Vì sao Web 2.0 Việt Nam chưa kiếm được tiền?"



Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài viết "Vì sao Web 2.0 Việt Nam chưa kiếm được tiền?", tôi đã nhận được khá nhiều các ý kiến comment khác nhau về bài viết. Không chỉ qua trao đổi trực tiếp, blog, mà còn ở các diễn đàn, mạng xã hội khác. Trong đó có những ý kiến rất hay và thực tế nên tôi xin phép các tác giả của các ý kiến này, tổng hợp lại để chia sẻ mọi người những cái nhìn khác nhau về vấn đề này, cũng như bổ sung cho một số khiếm khuyết của bài viết tôi ban đầu


1. Ý kiến người trong cuộc

"Chúng ta vốn sinh ra trong 1 nước tiểu nông, tư duy tiểu nông nhưng muốn làm "lớn", ngẫm?. Riêng về Internet những năm vừa qua, đi đâu người ta cũng nói đến web 2.0, xây dựng cộng đồng, quảng cáo... và tôi đặt câu hỏi: liệu cái cộng đồng đó lớn đến mức nào để kiếm được tiền bù vào hạ tầng, con người đầu tư cho cái cộng đồng đó. Bản chất IT là xử lý và truyền tải thông tin từ A ->[B]n, tôi rất vui vì thấy nhiều DN ứng dụng thành công như vinabook, viettravel, tôi đã tiếp xúc với họ và thấy họ là người kinh doanh thực thụ. Theo tôi chiêm nghiệm, giá trị của web 2.0 = ý tưởng + quy mô và tính sẵn sàng của thị trường (hic, cả 3 thứ này từ trước đến nay đều xuất phát từ America). Có lẽ chỉ nước Mỹ mới cho phép những ý tưởng mới sớm có khả năng kiểm nghiệm và mở rộng nhanh chóng, facebook và mới đây là twitter là 2 ví dụ điển hình."


"...Không cần các công nghệ quá hoàng tráng hay tiên tiến, quan trọng nhất là tính thân thiện và quen thuộc với người sử dụng - như bằng chứng là 4rum vẫn đóng một vai trò khá quan trọng trong các technical platform hiện nay của các web lớn tại Việt Nam chứ không phải các 2.0 hay open social site technical platform. YAN sau hơn 1 năm phát triển YanHO với tham vọng "YAN 2.0" và tiến lên "YAN 3.0" - hiện đã quay trở lại back-up nguồn lực cộng đồng trên 4rum, vốn ít nhiều bị bỏ bê khi IDG Ventures đầu tư vào YAN tháng 11/2006...

...Đa phần các công ty của IDG Ventures đầu tư rơi vào 2 tình trạng: đội ngũ founders ban đầu bất đồng và rời bỏ công ty vì mâu thuẫn với các bên đầu tư [vd: vietnamb2b hay các sản phẩm của VC Corp], hay ngược lại: trở nên quá phụ thuộc vào các nhà đầu tư - dễ dàng để nhà đầu tư lái theo hướng dễ-có-doanh-thu mà mất đi nhiệt tình và hướng đi cũng như giá trị riêng của mình...

...Đây một phần cũng là do các cá nhân hay nhóm khởi nghiệp chưa thật sự chuẩn bị nghĩ và cam kết lâu dài với dự án của mình. Hầu hết các web owners em gặp đều tâm sự không rõ sẽ phải làm gì với trang web của mình sau khoảng thời gian từ 3 - 5 năm. Nhiệt tình buổi ban đầu cạn dần mà khó khăn thì cứ dồn dập, lợi ích thì chưa thấy đâu khiến không ít trang web rơi vào tình trạng "nửa vời" - "hồn mất xác còn"...


"...Lăn lội trong AHA từ ngày đầu thành lập cũng là 1 cty IDG đầu tư. một vấn đề lớn của các cty là tầm nhìn ko đc nhất quán. Nguyên nhân, chính ở con người, như bác nói xuất thân từ dân kt, và thường rất trẻ tầm U30 nên vốn sống và kinh nghiệm chưa được nhiều. Nên lập trường không vững, và mắc 1 bệnh khá nặng là cứ chăm chăm vào sản phẩm, đã từng nghe bác trưởng phòng kt nọ bảo chỉ cần làm sp tốt còn chuyện khách hàng dùng hay ko tính sau. Khi giới thiệu chức năng mới các bác thường bỏ quên yếu tố người dùng. Vì các bác kt thường sống khép kính thế giới đối với các bác chỉ là màn hình laptop. Còn ngoài kia khách hàng đang nghĩ gì thì bác ko biết, mãi mê chạy theo công nghệ mới nhất nhưng ko thể áp dụng vào thực tiễn VN. Và phần lớn chả có tester gì cả, cứ làm, tới đâu sửa tới đó mà chưa tính đc dài hạn...

...Và ngủ quên trên chiến thắng, phần lớn các dự án 2.0 ở VietNam là copy và việt hóa đầu tiên so với những cty khác. Vì thế khi được báo chí tung hô, pr là các bác quên luôn đường về với mặt đất sống với ảo tưởng lớn lao. Quên đi thực tại của xh đang tồn tại. Người Việt nghĩ khác người Mỹ hay người Châu Âu, một sp hay dịch vụ mới và tiên tiến thành công bên đó, về VN chưa chắc đã thắng, bởi các yếu tố hạ tầng và con người có quá nhiều sự khác biệt."


"...Liệu chúng ta có suy nghĩ sai "thực tế" không? ý tôi muốn nói là "Web 2.0" sinh ra không phải để kiếm tiền trực tiếp từ nó, mà chỉ là 1 phần bổ sung cho cách kiếm tiền truyền thống!...Có lẽ nếu internet không miễn phí đối với người dùng, thì nó không thể lớn nhanh như ngày hôm nay, giải thích cho sự lớn mạnh đó một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra 1 nền kinh tế mới, "kinh tế miến phí"... Tôi cho rằng, Web2.0 sẽ không thể lấy tiền trực tiếp từ đối tượng tham gia nó nhưng sẽ lấy tiền được từ đối tượng liên quan...."


"Vì dân VN sẵn sàng dùng dịch vụ tệ hơn 1 chút miễn là nó miễn phí. Còn "trả tiền ư? Nó liên quan đến bát cơm của tôi, thiếu gì site miễn phí cũng hay như anh, việc gì tôi phải trả tiền. Tôi qua đó chơi vậy."


"...Năng lực công nghệ cũng là một vấn đề lớn. Dân clone 2.0 phần lớn clone về mặt ý tưởng ứng dụng và giao diện mà "quên" không tìm hiểu đằng sau những dịch vụ thành công của nước ngoài "họ làm thế nào". Chẳng hạn, khả năng đáp ứng một lượng người dùng cực lớn của facebook với kiến trúc mở, khả năng xử lý thời gian thực một lượng dữ liệu khổng lồ của Twitter. Khi lượng người dùng tăng lên, các dịch vụ 2.0 đi tới giới hạn và cũng chết lên chết xuống hoặc điển hình như vụ mất dữ liệu gần đây của 1 blog service. Thuận đã từng dùng 1 dịch vụ blog của Việt Nam trong 1 thời gian và thấy nó lỗi còn nhiều hơn 360 Yahoo. Theo Thuận biết thì đây là "một dịch vụ blog hàng đầu của Việt Nam"...

...Độ sáng tạo. Thuận không đánh giá cao độ sáng tạo trong các dịch vụ 2.0 của Việt Nam. Đừng
đem rào cản ngôn ngữ và tính bản địa ra làm bình phong vì Thuận đang dùng FaceBook tiếng Việt, Yahoo tiếng Việt,... Do vậy, cạnh tranh ở đây được tính trên phạm vi toàn cầu. Ngay cả trong kiếm tiền 2.0 cũng cần độ sáng tạo. Nếu cứ ăn theo dịch vụ quảng cáo trực tuyến thì sẽ rất mệt. Thị trường bé lại bị xé lẻ túa lua..."

Nhữ Đình Thuận
http://nhuthuan.blogspot.com/

"Bài viết khá sâu nhưng chưa thuyết phục. Đặc biệt là phần 2 "làm sao để web 2.0" kiếm được tiền, người viết dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Các lời khuyên còn chưa sát thực tế và thực tiễn vì chưa chắc đã làm được ngay những điều đó. Ví dụ như lời khuyên "kiếm tiền từ sớm". Thực ra một số nhà làm web 2.0 cũng nhận thức được điều này nhưng điều làm họ đau đầu là "kiếm tiền bằng cách nào", "Kiếm tiền như thế nào", "Kiếm tiền dưới hình thức nào"

Mrs. Iwill Doan

"...Xây dựng các sản phẩm gắn chặt với các hoạt động offline như thương mại điện tử, kiếm việc... ..." -> Nhận xét quá chủ quan, duy ý chí. Đầu tư hạ tầng nói riêng, cho dịch vụ TMĐT nói chung ko hề nhỏ... Bên cạnh đó, tốt nhất là ko nên chỉ trông chờ vào 1 nhà đầu tư, phần lớn đầu tư series A ko bao giờ đủ, và nhà đầu tư series A sau khi đã rót tiền hiếm khi có ý định bỏ thêm tiền, kể cả các nhà đầu tư ở series B. Do đó sau khi cầm tiền của các nhà đầu tư, và nhìn thấy khả năng số tiền đó chỉ duy trì được trong 1 thời gian nhất định, ví dụ 2 năm, 3 năm thì trước khi thời hạn này tới, hãy chuẩn bị kế hoạch fund raising tiếp theo...."

Mrs. Dao Lan Huong

2. Nguồn tổng hợp


3. Ý kiến tổng hợp

Nhìn chung, hầu hết mọi người đều đồng tình với một hoặc một vài điểm trong bài viết. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều phản hồi là bài viết vẫn còn chung chung quá, chưa phản ánh cho những trường hợp cụ thể và một số ý vẫn còn mang tính "chủ quan" của tác giả :">

Thực ra mục đích khi tôi viết bài viết này là nhằm muốn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế mà tôi đã có dịp tìm hiểu và tiếp xúc với nhiều công ty web 2.0 Việt Nam hiện nay. Còn những ý kiến ở phần hai phần lớn là những ý kiến tôi đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân nên hẳn có một số yếu tố chủ quan cũng như trong phạm vi một bài viết ngắn khó có thể đưa lên những phân tích cụ thể.

Cuối cùng, xin cảm ơn tất cả các góp ý của mọi người, điều này đã giúp chúng ta nhận ra rất nhiều điều. Rất hi vọng còn nhận được nhiều đóng góp ý kiến của mọi người trong những bài viết tiếp theo ^_^

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Vì sao Web 2.0 Việt Nam chưa kiếm được tiền?



Trong một năm làm việc vừa qua, tôi đã có cơ hội đi gặp gỡ rất nhiều các công ty cùng làm về web 2.0 khác nhau để cùng trao đổi về các cơ hội trong ngành cũng như Internet Việt Nam nói chung. Có một câu hỏi mà hầu hết chúng tôi đều phải thảo luận đó là "Tại sao các web 2.0 Việt Nam hiện nay vẫn chưa kiếm được tiền hoặc chưa kiếm đủ như các nhà đầu tư kỳ cọng". Nên tôi cũng tranh thủ ngày cuối tuần rảnh rỗi ngồi tổng kết lại để rút kinh nghiệm và chia sẻ cùng mọi người

1. Hầu hết dân làm về Web 2.0 đều là dân kỹ thuật: Chính vì vậy đều xuất phát với một ...lý tưởng cao đẹp ^_^ là chỉ cần sản phẩm mình có ích, được nhiều người sử dụng, là từ từ mình sẽ kiếm được tiền. Tôi hoàn toàn đồng ý và bản thân tôi lúc bắt tay làm cũng có suy nghĩ đó. Tuy nhiên có một điều ít ai để ý là không biết khoảng thời gian từ lúc có sản phẩm đến lúc ...kiếm được tiền là bao lâu. Nếu có thì cũng đưa ra những con số rất tượng trưng, không chắc chắn. Có thể nhìn vào các site nhạc phim ở VN làm ví dụ. Tiền bỏ ra cho server thì khá nhiều nhưng cũng không chắc đến bao giờ mới có thể kiếm tiền. Tất nhiên một số người xây dựng trông đợi làm để bán lại nhưng cũng câu hỏi tương tự, không biết từ lúc có sản phẩm đến lúc ...có thể bán lại (và bán cho ai) là bao lâu?

2. Nhiều sản phẩm bắt đầu với ý tưởng "clone" một sản phẩm đã thành công ở thị trường khác: Đây cũng là một ý tưởng hay nhưng áp dụng vào VN thì tôi nghĩ chỉ rất ít sản phẩm đáp ứng thực sự nhu cầu của thị trường mới có thể thành công. Có rất nhiều yếu tố khác biệt có thể nêu ra: GDP đầu người còn quá thấp nên nhiều dịch vụ có thể nói là quá xa xỉ nếu phải bỏ tiền ra, hạ tầng VN còn nhiều yếu tố chưa hoàn chỉnh điển hình như thanh toán điện tử, xã hội và các mối quan hệ có nhiều thứ không rõ ràng như ở các nước khác...

3. Tổ chức công ty và thiết kế sản phẩm kém: Do là start-up nên các nhóm thường không nhiều người nên hay xem nhẹ việc tổ chức quản lý và thiết kế sản phẩm theo quy trình. Phần lớn đều xem ý tưởng và thị trường là yếu tố quyết định, đợi khi lớn có tiền thuê người ...tổ chức lại chắc cũng không sao. Chính vì vậy mà khá nhiều trường hợp dẫn tới tình trạng lộn xộn, lủng củng nội bộ, các sản phẩm thiết kế ra không có cấu trúc rõ ràng, mang tính làm cho có, nhiều bug và không thể quản lý trong trường hợp bùng nổ sau này.

4. Sức ỳ của đội ngũ lãnh đạo: Thông thường lúc mới đầu mọi thứ còn màu hồng nên các anh em đều còn sung. Nhưng càng ngày khó khăn càng xuất hiện đòi hòi phải lựa chọn và giải quyết nhanh chóng. Và nếu đội ngũ lãnh đạo công ty không năng động dứt khoát trong trường hợp này thì hầu như sẽ kéo toàn bộ công ty ỳ theo, làm các kế hoạch dự án trễ tiến độ. Rồi đến một lúc xuất hiện một thỏa thuận ngầm giữa các thành viên với nhau, thôi thì ...chúng ta cùng ỳ :)). Đó là trường hợp tôi thấy ở khá nhiều công ty VN hiện nay. Một nhân viên quỹ đầu tư tâm sự với tôi rằng họ vẫn phải thường xuyên đi thăm hỏi và tạo áp lực cho những công ty mà họ đang đầu tư.

Đến đây một câu hỏi được đặt ra là vậy làm thế nào để có thể thiết kế một sản phẩm Web 2.0 kiếm được tiền??? Thật lòng tôi cũng không biết, chỉ xin nêu một số kinh nghiệm nhằm hạn chế những rủi ro ở trên

1. Tránh đối đầu trực tiếp với các đại gia nước ngoài: Cá nhân tôi nghĩ rằng với trình độ Việt Nam hiện nay, trong một tương lai gần rất khó để xây dựng một sản phẩm "có cấu trúc" đủ sức cạnh tranh với các đại gia quốc tế như Google, Facebook... Thôi thì cứ để họ đầu tư và làm cho mình xài, các sản phẩm cũng dần dần có tiếng Việt hết đó thôi. Sẽ có một số người nghĩ tôi không có tinh thần dân tộc. Nhưng rõ ràng việc xài các sản phẩm quốc tế sẽ giúp nâng cao trình độ và khả năng giao lưu của người VN với thế giới bên ngoài. Rồi đến một lúc nào đó, số người dùng Blogger, Facebook... đông đảo, chúng ta có thể dễ dàng thiết kế những plugins phục vụ cho người Việt và từng bước đi ra bên ngoài. Một số chuyên gia kinh tế khuyên VN nên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, một số kỹ sư nước ngoài cũng khuyên tôi trước tiên nên phát triển các sản phẩm nhỏ trên hạ tầng của các hãng lớn. Bản thân tôi cũng thấy đây là một hướng đi tốt.

2. Xây dựng các sản phẩm gắn chặt với các hoạt động offline: VD như thương mại điện tử, kiếm việc... Những sản phẩm không quá lớn lao nhưng phục vụ cho lợi ích rất thiết thực hiện tại. Hơn nữa làm vậy thì đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ không nhiều, thay vì đó có thể dành nguồn kinh phí để tập trung cho các hoạt động offline cụ thể và kiếm tiền từ đây.

3. Hãy kiếm tiền từ sớm, dù ít: Tôi đã chứng kiến có vài dự án tự giải tán chỉ sau 1.5-2 năm, do nhà đầu tư không rót tiền nữa. Bởi vì họ không đủ kiên nhẫn mỗi năm bỏ vào vài tỷ, trong khi không hề thấy một thành quả nào từ nhóm phát triển. Tôi cũng hiểu công nghệ là cuộc đua lâu dài nhưng dường như rất ít nhà đầu tư VN nghĩ được như vậy. Nên chắc nhất vẫn nên cố gắng kiếm tiền từ sớm, bởi đó cũng sẽ là một niềm động viên cho lãnh đạo và nhân viên công ty, cũng như hứa hẹn cho nhà đầu tư về một tương lai tươi sáng dự án mình bỏ tiền vào.

4. Từng bước xây dựng tổ chức công ty, quy trình sản phẩm và mở rộng các mối quan hệ: Tất nhiên không cần quá lý thuyết như những gì trong sách vở, nhưng có một số thực hành hữu ích dành cho các công ty nhỏ có thể dễ dàng áp dụng, các buổi hội thảo/khóa học về quản lý cũng khá hữu ích. Cố gắng từng bước áp dụng, thích nghi làm cho tổ chức ngày một chuyên nghiệp hơn, tinh thần nhân viên cũng phấn chấn vì cảm thấy mình ngày một tiến bộ. Ngoài ra mở rộng các mối quan hệ là một vấn đề cần thiết, cố gắng xây dựng các mối quan hệ cá nhân vững bền thay vì chỉ những quan hệ đối tác thông thường. "Giàu vì bạn, sang vì vợ", thành công của bạn bè sẽ giúp mình nhiều thuận lợi hơn và ngược lại ^(^

Đến đây, tự nhiên tôi nảy sinh một ý tưởng là sao không thử điều tra và áp dụng các tiêu chí này để phân tích một số công ty Internet VN hiện nay? Ít ra là xác định thử công ty nào triển vọng để ...nhanh chân mua cổ phiếu kiếm lời sau này ;)). Nhưng giờ buồn ngủ quá rồi, thôi để khi nào có thời gian ngồi suy nghĩ tiếp :)

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Hướng đi nào cho các công cụ tìm kiếm Việt



Do các sản phẩm của SkyDoor được xây dựng hầu hết dựa trên nền tảng của Google nên trong quá trình phát triển, tôi có nhận được khá nhiều câu hỏi cũng như yêu cầu tư vấn liên quan đến các sản phẩm của Google. Một trong những câu hỏi đó là vấn đề rất hot trên báo chí hiện nay "Liệu các công cụ tìm kiếm Việt sẽ có thể đánh bại Google?". Và tôi cũng muốn chia sẻ suy nghĩ của mình bằng những kinh nghiệm về công cụ tìm kiếm của tôi trong những năm gần đây

1. Về máy chủ

Theo một số thông tin tôi có được, Xalo.vn và Socbay.com hiện có khoảng 20 máy chủ, một con số quá ít để đáp ứng nhu cầu về nguồn dữ liệu Internet khổng lồ hiện tại và số server đó cùng lắm chỉ bằng 10% ...số server của Google dành cho thị trường Việt Nam. Thử lấy SkyDoor làm ví dụ, Xalo.vn chỉ index được 5% trang số trang so với số trang mà Google đã index.

2. Về mức độ "hiểu" tiếng Việt

Đây là tính năng mà hầu hết các công cụ tìm kiếm Việt đều cho rằng mình có lợi thế hơn Google. Nhưng điều này liệu có đúng? Thực ra tiếng Việt cũng xuất phát từ tiếng Latin nên việc chuyển đổi từ tiếng Anh, Pháp... sang là khá dễ dàng. Hơn nữa, công cụ tìm kiếm Google vận hành cho rất nhiều quốc gia khác nhau nên các kỹ sư Google phải thiết kế một nền tảng linh hoạt uyển chuyển để có thể dễ dàng bổ sung các tập luật cho việc thích nghi với một ngôn ngữ bất kì. Do đó, nếu xem yếu tố tiếng Việt là một lợi thế sẽ làm các công cụ tìm kiếm Việt thêm chủ quan và mắc sai lầm bởi xem thường đối thủ.

3. Về mức độ tổng hợp

Ngày nay Google đã không còn chỉ là một công cụ tìm kiếm mà đã bành trướng sang rất nhiều các dịch vụ khác như: Gmail, News, Docs, Apps, Photo, Video, Server... Người sử dụng đến với Google không chỉ với mục đích tìm kiếm thông tin mà còn rất nhiều mục đích khác. Nên việc xây dựng một sản phẩm đơn độc hầu như không thể cạnh tranh nếu không có một sự khác biệt thật lớn.

Đến đây thì sẽ có một số câu hỏi được đặt ra

1. Với lợi thế như vậy tại sao Google không tập trung cho thị trường VN để đè bẹp các đối thủ?

Bởi có lẽ thị trường Việt Nam vẫn còn quá nhỏ, còn rất nhiều thị trường lớn khác mà Google đang nỗ lực tập trung như Trung Quốc, Hàn Quốc... Với lại với vị trí quá vững chắc ở Việt Nam hiện nay thì chỉ cần ngồi ...Việt hóa các sản phẩm cũng được rồi!

2. Và các công cụ tìm kiếm tiếng Việt nên làm sao trước hoàn cảnh quá khó khăn như vậy?

Nếu là tôi, tôi sẽ tập trung cho những lĩnh vực search chuyên biệt mà Google khó có thể động tới, ví dụ như Du Lịch, Nhạc, Phim... nhưng phải thật tốt và dữ liệu thu được phải đạt được mức ngữ nghĩa cao chứ không đơn thuần là dạng văn bản. Ngoài ra, cứ tiếp tục PR, nhưng đừng ...nổ quá để không gây phản cảm. Tôi không cần đánh bại Google bởi tôi chỉ cần làm số một Việt Nam về lĩnh vực này thì cũng đã có cả khối hợp đồng tương lai trong tay rồi ;)), những cái mà Google hầu như không thể chạm tới được.


Và có lẽ đó cũng là hướng đi mà các công cụ tìm kiếm Việt đang nỗ lực hướng tới. Tuy nhiên một thách thức lớn là liệu các công cụ này có thể hoàn thiện chất lượng của mình "đủ" như người dùng mong đợi và liệu có thể sống đến ngày sản phẩm có đầu ra để tự nuôi mình. Đây quả là một vấn đề không hề dễ dàng. Ngoài ra họ còn có thể phải đối mặt với những đối thủ tiềm năng hiện tại vẫn chưa xuất hiện, đó là những công cụ tìm kiếm thế hệ thứ hai sẽ được xây dựng dựa trên chính hạ tầng mà Google cung cấp trong một tương lai không xa!

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More