Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Công nghiệp phần mềm Việt Nam: Tìm lối ra trên thị trường toàn cầu


Gần đây tôi đọc được một số bài viết trên báo chí về việc bàn cách thúc đẩy CNTT Việt Nam nói chung, mà cụ thể là ngành Công nghệ phần mềm và nội dung số nói riêng như một mũi nhọn tương lai, khi mà công nghiệp phần cứng hiện tại chỉ đơn thuần lắp ráp và đã bị các nước khác bỏ xa. Nhìn một cách tổng quan, mọi thứ có vẻ như đang tăng trưởng đều đặn, do phần lớn nằm ở yếu tố số lượng. Tuy nhiên đứng ở góc độ doanh nghiệp hay những người trong ngành như chúng tôi, thì phần lớn mọi người có lẽ đang phải chịu một áp lực rất lớn về hướng phát triển tương lai của mình.

1. Các công ty gia công

Thỉnh thoảng tôi có trao đổi với một vài anh làm chủ doanh nghiệp gia công tầm trung bình nhỏ ở Việt Nam. Gần như tất cả đều đồng ý phần lớn những việc Việt Nam đang làm đều tập trung ở phân khúc thấp, rồi hợp đồng đặt gì làm nấy, có là đã mừng rồi chứ chưa chưa tập trung những thế mạnh chuyên biệt :). Chính vì vậy mà yếu tố cạnh tranh chỉ nằm ở yếu tố giá cả. Với chi phí bình quân đầu người hiện nay từ 1500-2000$, trừ đi các chi phí khác thì gần như lương còn lại cho lập trình viên khó có thể cao được. Điều này sẽ dẫn đến một lúc các công ty gia công sẽ khó thu hút được người giỏi, kẻ ra người vào thường xuyên, sống chờ thời và bế tắc trong hướng phát triển tầm xa của mình.

2. Các công ty dịch vụ online/nội dung số

Có lẽ hiện tại ngành này đang rơi vào khủng hoảng và tình hình còn kém hơn cả các công ty gia công. Ngoại trừ một số rất ít các công ty thành công thì phần lớn còn lại đều bế tắc trong việc tìm đầu ra và vẫn phải sống ngắc ngoải nhờ tiền đầu tư rót vào. Có lẽ khi IDG đầu tư vào Việt Nam, họ kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ có những bước tăng trưởng đột phá và bùng nổ như Trung Quốc, và điều này đã tạo ra một làn sóng dot-com vào năm 2006-2007. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thị trường nội địa thực tế vẫn còn quá nhỏ. Đó là chưa kể bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các công ty toàn cầu, các công ty telcos đại gia  còn tham vọng lấn sân và sẽ gây ra những sức ép còn lớn hơn nữa lên những công ty này.

3. Các công ty phần mềm nội địa

Thị trường phần mềm nội địa vẫn còn sơ khai, luật bản quyền chưa được thực thi chặt và nhận thức khách hàng tương đối thấp dẫn đến nguồn doanh thu trong lĩnh vực còn rất hạn chế. Với các công ty triển khai giải pháp thì vẫn phải trông chờ vào các hợp đồng và quan hệ, dễ dàng bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà tình trạng cũng dần dẫn đến như các công ty gia công, khó thu hút được người giỏi và bế tắc trong chiến lược phát triển tầm xa. Đó là chưa kể một khi thị trường đủ hấp dẫn, chắc chắn các đại gia nước ngoài sẽ ập vào và tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt, điển hình như lĩnh vực phần mềm bảo mật hiện nay. Và liệu với lợi thế thị trường nội địa, liệu các công ty Việt Nam sẽ cạnh tranh cách nào với các công ty thị trường toàn cầu ngoài yếu tố quan hệ và văn hóa đang ngày càng trở nên mong manh?

Đó là đứng ở góc độ doanh nghiệp, còn đứng ở góc độ một người làm trong lĩnh vực, một ví dụ cụ thể như lập trình viên. Chắc chắn khi đã phát triển đến một trình độ nào đó và va phải sự bế tắc ở trên, nếu có lựa chọn tôi tin chắc gần như mọi người sẽ chuyển sang một lĩnh vực khác triển vọng hay những công ty nước ngoài với nhiều lợi ích tốt hơn.

Do đó riêng bản thân tôi suy nghĩ, có lẽ đã đến các công ty CNTT Việt Nam cần phải có tư duy toàn cầu, nếu như muốn tiếp tục với những tham vọng vươn xa của mình. Sẽ có nhiều người nghĩ điều này khá viển vông nhưng cho dù thế nào thì có lẽ đó sẽ là lựa chọn duy nhất nếu như bạn không muốn mệt mỏi sống qua ngày và khả năng biến mất khỏi thị trường trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ khác trong tương lai. Tất nhiên điều này sẽ rất khó khi hầu hết các công ty nội địa đều chưa có kinh nghiệm quốc tế, nhưng tôi tin nếu có một số công ty tham vọng toàn cầu và làm thành công, chắc chắn đó sẽ là những điểm sáng để nhiều các công ty khác tiếp bước.

Nhắc tới vấn đề này, tự nhiên tôi nhớ lại hồi mình còn là sinh viên năm ba. Lúc đó chúng tôi vẫn còn suy nghĩ ngông cuồng của tuổi trẻ, nghĩ rằng chỉ cần quyết tâm mình sẽ có thể làm tất cả. Và rồi chúng tôi đã làm VSpeech, đưa lên một số site phần mềm nước ngoài bán và đã bán được ...vài bản ;). Tuy nhiên sau đó do không có thời gian và chưa đủ độ chuyên nghiệp nên mọi thứ đã dần chìm vào quên lãng. Từ lúc đi làm ngày càng biết nhiều thứ, có vẻ tôi lại càng do dự trong những quyết định của mình. Thỉnh thoảng tôi ước gì mình lại có được sự ngông cuồng của 5 năm về trước, với xu thế di động ngày càng trở nên phổ biến, các kênh phân phối ứng dụng thị trường toàn cầu đang ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết thì nếu tôi có được sự liều lĩnh dám nghĩ dám làm như hồi xưa thì rất có thể sẽ làm nên chuyện ^_^

Rồi tôi lại ...mơ về một tương lai xa hơn. Có thể chỉ cần bán được 1000 bản với giá vài đô-la, hay kiếm được một nguồn doanh thu không đáng là bao nhưng ít ra sẽ chứng tỏ được một điều rằng hướng đi này là triển vọng và các công ty CNTT nhỏ Việt Nam có khả năng hoạt động trên thị trường toàn cầu. Một khoản đầu tư lớn sẽ được rót vào để đẩy số lượng bán hàng lên 1 triệu bản/1 năm, khi thị số lượng thiết bị di động toàn cầu đang ngày càng trở nên phổ biến. Và với doanh thu ví dụ chỉ $3/bản thì doanh thu đã là 3 triệu USD /năm. Với tỉ suất lợi nhuận 50% và P/E triển vọng 50, thì giá trị công ty sẽ vào tầm 75 triệu USD. Và như vậy thì một công ty chỉ 20-30 người nhưng sẽ tạo nên một giá trị ngang ngửa với một tập đoàn công nghệ của Việt Nam, ví dụ như CMC với gần 2000 nhân viên hiện nay. Đó là chưa kể còn nhiều rất nhiều nguồn doanh thu khác từ lĩnh vực liên quan như gia công, hợp đồng giải pháp... một khi công ty đã có danh tiếng và chứng tỏ được thực lực của mình.

Tất nhiên sẽ còn rất nhiều ý kiến tranh cãi về ý tưởng "siêu thực" này. Tuy nhiên tôi tin tương lai thuộc về những người biết mơ ước và dũng cảm hành động ;). Và thực sự nếu điều này có thể xảy ra thì chắc chắn những người trẻ thế hệ 8x như chúng tôi sẽ giữ vai trò nòng cốt tiên phong. Nên dù thế nào cũng vẫn phải tiếp tục phấn đấu và chờ những tín hiệu tích cực trong tương lai gần sắp tới ^_^

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Olp.vn - Hướng đến một cầu nối hiệu quả dành cho lập trình viên Việt Nam

Trong các buổi tối tuần này, tôi có dịp tham gia làm tình nguyện viên dự án xây dựng cổng www.olp.vn, cho một số cuộc thi tin học uy tín dành cho sinh viên Việt Nam hiện nay do Hội tin học tổ chức hàng năm. Với tôi, đây là một công việc khá thú vị bởi có lẽ đó là một câu trả lời tốt cho bài toán Đi tìm những siêu lập trình viên Việt Nam tôi đang nghiên cứu và tìm hiểu.

Sơ lược qua một số thông tin về các cuộc thi, có thể nói Olympic Tin học là cuộc thi tin học uy tín nhất dành cho sinh viên hiện nay, đã được tổ chức thường niên từ năm 1992. Đặc biệt từ năm 2006, Hội tin học đã đưa vào thêm phần thi ACM và biến Việt Nam trở thành một trong những điểm thi vòng loại trong hệ thống ACM toàn cầu. Điều này theo cá nhân tôi suy nghĩ đã góp phần từng bước đưa trình độ sinh viên Việt Nam gần hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Ngoài ra trên cơ sở thành công có được, cuộc thi đã từng bước mở rộng ra thêm một số khối thi hấp dẫn khác như Phần mềm nguồn mở, Mùa hè sáng tạo... Theo thống kê của riêng tôi, thì ít nhất phải 70% những lập trình viên giỏi nhất của Việt Nam đều đã từng tham dự một hoặc vài lần các cuộc thi này. 

Quay trở lại vấn đề website cuộc thi, sau một thời gian bàn bạc thì chúng tôi, các cựu thí sinh cũng như ban tổ chức, nhận ra rằng có rất tiềm năng từ các cuộc thi này cần tích hợp lại để tạo nên giá trị hơn cho những người tham gia, cũng như góp phần thiết thực vào quá trình phát triển của CNTT Việt Nam nói chung. Chính vì vậy, ý tưởng về một cầu nối hiệu quả giữa ban tổ chức với các thí sinh, giữa các thí sinh với môi trường công nghiệp được hình thành. Và mục tiêu mà website hướng đến là sẽ trở thành một điểm đến hữu ích, nơi bất kì sinh viên CNTT hay yêu thích CNTT của Việt Nam đều có thể truy xuất toàn bộ tài nguyên từ các cuộc thi dành riêng cho họ, từng bước tích lũy và bồi dưỡng đam mê của mình. Còn với các nhà tuyển dụng, chỉ cần vài click chuột họ sẽ có thể truy xuất vào toàn bộ danh sách các cựu thí sinh, những lập trình viên thuộc hàng top Việt Nam hiện nay. Và trong tương lai xa hơn chúng tôi hi vọng trang web sẽ trở thành một sân chơi dành cho các sinh viên CNTT và lập trình viên đẳng cấp Việt Nam có thể cùng giao lưu chia sẻ, và tìm kiếm những cơ hội tốt nhất phù hợp với thế mạnh của mình.

Nhưng đó là câu chuyện tương lai, trước mắt chúng tôi lựa chọn giải pháp đơn giản Google Sites làm nền tảng để tổ chức nội dung và phối hợp giữa các tình nguyện viên cho đơn giản và hiệu quả, giảm tối đa công sức trong việc quản lý vận hành cũng như dễ dàng kiểm soát thông qua Google Sites API sau này. Và nếu bạn là một sinh viên CNTT, một lập trình viên, nhà tuyển dụng, hay ai khác nhưng có hứng thú với vấn đề này. Hãy dành thời gian ghé thăm website và gửi ý kiến cho nhóm tình nguyện để có thể làm tốt hơn nữa những tính năng phục vụ cho bạn cũng như cộng đồng. Và nếu có thể, hãy cùng tham gia ^_^

(Mọi thông tin xin email đến địa chỉ admin@olp.vn)

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More