Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Công nghiệp phần mềm Việt Nam: Tìm lối ra trên thị trường toàn cầu


Gần đây tôi đọc được một số bài viết trên báo chí về việc bàn cách thúc đẩy CNTT Việt Nam nói chung, mà cụ thể là ngành Công nghệ phần mềm và nội dung số nói riêng như một mũi nhọn tương lai, khi mà công nghiệp phần cứng hiện tại chỉ đơn thuần lắp ráp và đã bị các nước khác bỏ xa. Nhìn một cách tổng quan, mọi thứ có vẻ như đang tăng trưởng đều đặn, do phần lớn nằm ở yếu tố số lượng. Tuy nhiên đứng ở góc độ doanh nghiệp hay những người trong ngành như chúng tôi, thì phần lớn mọi người có lẽ đang phải chịu một áp lực rất lớn về hướng phát triển tương lai của mình.

1. Các công ty gia công

Thỉnh thoảng tôi có trao đổi với một vài anh làm chủ doanh nghiệp gia công tầm trung bình nhỏ ở Việt Nam. Gần như tất cả đều đồng ý phần lớn những việc Việt Nam đang làm đều tập trung ở phân khúc thấp, rồi hợp đồng đặt gì làm nấy, có là đã mừng rồi chứ chưa chưa tập trung những thế mạnh chuyên biệt :). Chính vì vậy mà yếu tố cạnh tranh chỉ nằm ở yếu tố giá cả. Với chi phí bình quân đầu người hiện nay từ 1500-2000$, trừ đi các chi phí khác thì gần như lương còn lại cho lập trình viên khó có thể cao được. Điều này sẽ dẫn đến một lúc các công ty gia công sẽ khó thu hút được người giỏi, kẻ ra người vào thường xuyên, sống chờ thời và bế tắc trong hướng phát triển tầm xa của mình.

2. Các công ty dịch vụ online/nội dung số

Có lẽ hiện tại ngành này đang rơi vào khủng hoảng và tình hình còn kém hơn cả các công ty gia công. Ngoại trừ một số rất ít các công ty thành công thì phần lớn còn lại đều bế tắc trong việc tìm đầu ra và vẫn phải sống ngắc ngoải nhờ tiền đầu tư rót vào. Có lẽ khi IDG đầu tư vào Việt Nam, họ kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ có những bước tăng trưởng đột phá và bùng nổ như Trung Quốc, và điều này đã tạo ra một làn sóng dot-com vào năm 2006-2007. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thị trường nội địa thực tế vẫn còn quá nhỏ. Đó là chưa kể bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các công ty toàn cầu, các công ty telcos đại gia  còn tham vọng lấn sân và sẽ gây ra những sức ép còn lớn hơn nữa lên những công ty này.

3. Các công ty phần mềm nội địa

Thị trường phần mềm nội địa vẫn còn sơ khai, luật bản quyền chưa được thực thi chặt và nhận thức khách hàng tương đối thấp dẫn đến nguồn doanh thu trong lĩnh vực còn rất hạn chế. Với các công ty triển khai giải pháp thì vẫn phải trông chờ vào các hợp đồng và quan hệ, dễ dàng bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà tình trạng cũng dần dẫn đến như các công ty gia công, khó thu hút được người giỏi và bế tắc trong chiến lược phát triển tầm xa. Đó là chưa kể một khi thị trường đủ hấp dẫn, chắc chắn các đại gia nước ngoài sẽ ập vào và tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt, điển hình như lĩnh vực phần mềm bảo mật hiện nay. Và liệu với lợi thế thị trường nội địa, liệu các công ty Việt Nam sẽ cạnh tranh cách nào với các công ty thị trường toàn cầu ngoài yếu tố quan hệ và văn hóa đang ngày càng trở nên mong manh?

Đó là đứng ở góc độ doanh nghiệp, còn đứng ở góc độ một người làm trong lĩnh vực, một ví dụ cụ thể như lập trình viên. Chắc chắn khi đã phát triển đến một trình độ nào đó và va phải sự bế tắc ở trên, nếu có lựa chọn tôi tin chắc gần như mọi người sẽ chuyển sang một lĩnh vực khác triển vọng hay những công ty nước ngoài với nhiều lợi ích tốt hơn.

Do đó riêng bản thân tôi suy nghĩ, có lẽ đã đến các công ty CNTT Việt Nam cần phải có tư duy toàn cầu, nếu như muốn tiếp tục với những tham vọng vươn xa của mình. Sẽ có nhiều người nghĩ điều này khá viển vông nhưng cho dù thế nào thì có lẽ đó sẽ là lựa chọn duy nhất nếu như bạn không muốn mệt mỏi sống qua ngày và khả năng biến mất khỏi thị trường trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ khác trong tương lai. Tất nhiên điều này sẽ rất khó khi hầu hết các công ty nội địa đều chưa có kinh nghiệm quốc tế, nhưng tôi tin nếu có một số công ty tham vọng toàn cầu và làm thành công, chắc chắn đó sẽ là những điểm sáng để nhiều các công ty khác tiếp bước.

Nhắc tới vấn đề này, tự nhiên tôi nhớ lại hồi mình còn là sinh viên năm ba. Lúc đó chúng tôi vẫn còn suy nghĩ ngông cuồng của tuổi trẻ, nghĩ rằng chỉ cần quyết tâm mình sẽ có thể làm tất cả. Và rồi chúng tôi đã làm VSpeech, đưa lên một số site phần mềm nước ngoài bán và đã bán được ...vài bản ;). Tuy nhiên sau đó do không có thời gian và chưa đủ độ chuyên nghiệp nên mọi thứ đã dần chìm vào quên lãng. Từ lúc đi làm ngày càng biết nhiều thứ, có vẻ tôi lại càng do dự trong những quyết định của mình. Thỉnh thoảng tôi ước gì mình lại có được sự ngông cuồng của 5 năm về trước, với xu thế di động ngày càng trở nên phổ biến, các kênh phân phối ứng dụng thị trường toàn cầu đang ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết thì nếu tôi có được sự liều lĩnh dám nghĩ dám làm như hồi xưa thì rất có thể sẽ làm nên chuyện ^_^

Rồi tôi lại ...mơ về một tương lai xa hơn. Có thể chỉ cần bán được 1000 bản với giá vài đô-la, hay kiếm được một nguồn doanh thu không đáng là bao nhưng ít ra sẽ chứng tỏ được một điều rằng hướng đi này là triển vọng và các công ty CNTT nhỏ Việt Nam có khả năng hoạt động trên thị trường toàn cầu. Một khoản đầu tư lớn sẽ được rót vào để đẩy số lượng bán hàng lên 1 triệu bản/1 năm, khi thị số lượng thiết bị di động toàn cầu đang ngày càng trở nên phổ biến. Và với doanh thu ví dụ chỉ $3/bản thì doanh thu đã là 3 triệu USD /năm. Với tỉ suất lợi nhuận 50% và P/E triển vọng 50, thì giá trị công ty sẽ vào tầm 75 triệu USD. Và như vậy thì một công ty chỉ 20-30 người nhưng sẽ tạo nên một giá trị ngang ngửa với một tập đoàn công nghệ của Việt Nam, ví dụ như CMC với gần 2000 nhân viên hiện nay. Đó là chưa kể còn nhiều rất nhiều nguồn doanh thu khác từ lĩnh vực liên quan như gia công, hợp đồng giải pháp... một khi công ty đã có danh tiếng và chứng tỏ được thực lực của mình.

Tất nhiên sẽ còn rất nhiều ý kiến tranh cãi về ý tưởng "siêu thực" này. Tuy nhiên tôi tin tương lai thuộc về những người biết mơ ước và dũng cảm hành động ;). Và thực sự nếu điều này có thể xảy ra thì chắc chắn những người trẻ thế hệ 8x như chúng tôi sẽ giữ vai trò nòng cốt tiên phong. Nên dù thế nào cũng vẫn phải tiếp tục phấn đấu và chờ những tín hiệu tích cực trong tương lai gần sắp tới ^_^

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Olp.vn - Hướng đến một cầu nối hiệu quả dành cho lập trình viên Việt Nam

Trong các buổi tối tuần này, tôi có dịp tham gia làm tình nguyện viên dự án xây dựng cổng www.olp.vn, cho một số cuộc thi tin học uy tín dành cho sinh viên Việt Nam hiện nay do Hội tin học tổ chức hàng năm. Với tôi, đây là một công việc khá thú vị bởi có lẽ đó là một câu trả lời tốt cho bài toán Đi tìm những siêu lập trình viên Việt Nam tôi đang nghiên cứu và tìm hiểu.

Sơ lược qua một số thông tin về các cuộc thi, có thể nói Olympic Tin học là cuộc thi tin học uy tín nhất dành cho sinh viên hiện nay, đã được tổ chức thường niên từ năm 1992. Đặc biệt từ năm 2006, Hội tin học đã đưa vào thêm phần thi ACM và biến Việt Nam trở thành một trong những điểm thi vòng loại trong hệ thống ACM toàn cầu. Điều này theo cá nhân tôi suy nghĩ đã góp phần từng bước đưa trình độ sinh viên Việt Nam gần hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Ngoài ra trên cơ sở thành công có được, cuộc thi đã từng bước mở rộng ra thêm một số khối thi hấp dẫn khác như Phần mềm nguồn mở, Mùa hè sáng tạo... Theo thống kê của riêng tôi, thì ít nhất phải 70% những lập trình viên giỏi nhất của Việt Nam đều đã từng tham dự một hoặc vài lần các cuộc thi này. 

Quay trở lại vấn đề website cuộc thi, sau một thời gian bàn bạc thì chúng tôi, các cựu thí sinh cũng như ban tổ chức, nhận ra rằng có rất tiềm năng từ các cuộc thi này cần tích hợp lại để tạo nên giá trị hơn cho những người tham gia, cũng như góp phần thiết thực vào quá trình phát triển của CNTT Việt Nam nói chung. Chính vì vậy, ý tưởng về một cầu nối hiệu quả giữa ban tổ chức với các thí sinh, giữa các thí sinh với môi trường công nghiệp được hình thành. Và mục tiêu mà website hướng đến là sẽ trở thành một điểm đến hữu ích, nơi bất kì sinh viên CNTT hay yêu thích CNTT của Việt Nam đều có thể truy xuất toàn bộ tài nguyên từ các cuộc thi dành riêng cho họ, từng bước tích lũy và bồi dưỡng đam mê của mình. Còn với các nhà tuyển dụng, chỉ cần vài click chuột họ sẽ có thể truy xuất vào toàn bộ danh sách các cựu thí sinh, những lập trình viên thuộc hàng top Việt Nam hiện nay. Và trong tương lai xa hơn chúng tôi hi vọng trang web sẽ trở thành một sân chơi dành cho các sinh viên CNTT và lập trình viên đẳng cấp Việt Nam có thể cùng giao lưu chia sẻ, và tìm kiếm những cơ hội tốt nhất phù hợp với thế mạnh của mình.

Nhưng đó là câu chuyện tương lai, trước mắt chúng tôi lựa chọn giải pháp đơn giản Google Sites làm nền tảng để tổ chức nội dung và phối hợp giữa các tình nguyện viên cho đơn giản và hiệu quả, giảm tối đa công sức trong việc quản lý vận hành cũng như dễ dàng kiểm soát thông qua Google Sites API sau này. Và nếu bạn là một sinh viên CNTT, một lập trình viên, nhà tuyển dụng, hay ai khác nhưng có hứng thú với vấn đề này. Hãy dành thời gian ghé thăm website và gửi ý kiến cho nhóm tình nguyện để có thể làm tốt hơn nữa những tính năng phục vụ cho bạn cũng như cộng đồng. Và nếu có thể, hãy cùng tham gia ^_^

(Mọi thông tin xin email đến địa chỉ admin@olp.vn)

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Từ Google I/O nghĩ về một thế giới Internet mở và cơ hội quá độ cho CNTT Việt Nam

Sự kiện Google I/O 2010 diễn ra tuần trước quả là một bữa tiệc hoành tráng làm no mắt những người yêu thích công nghệ Google. Đây cũng là lần đầu tiên các bài diễn thuyết chính (keynote) của hội nghị này được truyền hình trực tiếp trên Youtube nên những lập trình viên như tôi, mặc dù ở cách xa nửa vòng trái đất và lệch tới 14 tiếng đồng hồ vẫn có cơ hội cùng xem và cảm giác được sự hồi hộp từng phút qua sự dẫn dắt chương trình vui nhộn của các Googlers. Tuy nhiên xen lẫn trong niềm vui là một cảm giác gì đó hơi ...choáng ngợp, quả thật không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được những kỹ sư đạt đẳng cấp ngang ngửa những kỹ sư của Google và cũng không biết liệu có một lúc nào đó các công ty CNTT trong nước có thể cùng bắt tay như những công ty nước ngoài đang làm để định nghĩa những chuẩn mở chung định hướng cộng đồng, cho dù họ có thể là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên một số lĩnh vực nào đó :)

Quay trở về nội dung chính của hội nghĩ năm nay, có thể thấy Google vẫn đang nỗ lực xoay quanh hai mục tiêu chính như năm ngoái, nhưng đã có những nỗ lực và tiến triển hơn rất nhiều

  • Về mục tiêu thứ nhất, Google vẫn đang nỗ lực khuyến khích và đẩy mạnh các ứng dụng web tương lai trên nền tảng mở HTML5 với tham vọng các ứng dụng web có thể đạt sức mạnh ngang ngửa với các ứng dụng desktop hiện tại như: video, games, các ứng dụng đòi hỏi nhu cầu lưu trữ cục bộ... Đây là một nước cờ chiến lược của Google bởi nếu họ đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực này thì sẽ là một đòn cực mạnh nhắm tới đối thủ Microsoft hiện vẫn đang là bá chủ trong lĩnh vực hệ điều hành và phần mềm văn phòng hiện nay. Tuy nhiên HTML5 vẫn còn là một công nghệ quá mới để được chấp nhận một cách rộng rãi trong cộng đồng và sự ra đời sắp tới của Chrome OS cũng như Chrome App Store hi vọng sẽ phần nào làm rõ hơn về diện mạo và vị thế của Google trong cuộc chiến này.

  • Nỗ lực thứ hai cũng không kém phần quan trọng và thú vị, hệ điều hành đang nổi đình đám hiện nay, Google Android 2.2. Có lẽ đa phần mọi người đều nghĩ mục tiêu chính của Android là nhắm tới thị trường smartphone đang có những tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên qua hội nghị lần này, có thể thấy tham vọng rất rõ của Google là sẽ từng bước bành trướng sang các lĩnh vực khác như TV (với sự ra mắt trong năm nay của Google TV), máy tính bảng, máy chơi games như xBox, Play Station và có thể còn nhiều các thiết bị khác. Những lĩnh vực có vẻ phần nào Microsoft đã bỏ quên do chưa thấy tiềm năng lợi nhuận lúc trước, nhưng giờ đây khi đặt dưới tay Google, đối thủ lớn nhất trong lĩnh vực quảng cảo trực tuyến, đã trở thành một vũ khí mạnh hơn bao giờ hết.

Đó là đứng dưới góc độ nhìn nhận của cộng đồng nói chung về những mục tiêu mà Google đang theo đuổi. Còn đứng dưới góc độ cá nhân của một người đã nghiên cứu và tìm hiểu sâu của Google trong vòng 4 năm trở lại đây, tôi nghĩ Google thực sự là đối thủ mạnh nhất về công nghệ tại thời điểm hiện tại. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào cách thiết kế kiến trúc sản phẩm của họ rất tốt và có tính mở cao so với các đại gia khác như Microsoft hay Apple. Hướng đi của họ cũng được sự hưởng ứng rất lớn của cộng đồng do đã từng bước mở mã nguồn các sản phẩm của mình cũng như góp phần định nghĩa ra những chuẩn mở thay vì đóng lại. Do đó tôi hoàn toàn có thể dựa trên các công nghệ của Google, nhưng vẫn có khả năng quản lý toàn bộ dự án và chuyển sang hệ thống của riêng mình trong tương lai. Một điều gần như không thể với các phần mềm đóng của Apple hay Microsoft.

Còn dưới góc nhìn vĩ mô hơn, tôi nghĩ chỉ trong tương lai gần sắp tới, các công nghệ của Google sẽ trở nên cực kỳ phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ nếu một chiếc smartphone Android của Google với đầy đủ tính năng giải trí, học tập, kết nối những chỉ có giá 100USD thì chắc chắn một lượng lớn khách hàng ở Việt Nam sẽ ào ạt chuyển sang. Điều này hoàn toàn khả thi khi tình hình thực tế hiện nay là một số thương hiệu điện thoại Việt như QMobile, FMobile đều xuất phát từ Trung Quốc nhưng được thị trường chấp nhận khá tốt. Và cũng nên lưu ý rằng, Trung Quốc đã có những điện thoại nhái Android với giá chỉ 100USD không kèm hợp đồng. Điều này sẽ tạo ra những động thái tích cực cho giới trẻ Việt Nam được đánh giá là yêu thích công nghệ và ham học hỏi như hiện tại. Một ví dụ khác, với sự ra đời của Google TV cũng sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các công ty truyền hình như VTC, Yeah1, YanTV... phổ biến rộng rãi hơn hình thức truyền hình theo yêu cầu của mình, khi mà đường truyền ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn.

Và cuối cùng, đứng dưới góc độ một lập trình viên, tôi nhìn nhận những công nghệ mở sẽ mang lại những giá trị lớn cho ngành CNTT Việt Nam nếu Việt Nam biết tận dụng một cách đúng đắn và hiệu quả. Thị trường các ứng dụng web và smartphone đang tăng trưởng với tốc độ cao, dẫn đến nhu cầu sản phẩm và cả gia công trong tương lai sẽ rất lớn. Và chính phủ cũng có thể tận dụng các chuẩn này để tiến lên một chính phủ điện tử mở hơn và nằm trong tầm kiểm soát của mình, hơn là lệ thuộc vào các chuẩn đóng. Các dịch vụ công sẽ từng bước được mở ra cho các công ty tư nhân tham gia cùng phát triển, còn nhiều người dân vốn chưa xài PC có thể quá độ lên thẳng các điện thoại thông minh giá rẻ và tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ công trong hệ thống chính phủ điện tử. Một xã hội tuyệt vời, ít ra về mặt khía cạnh công nghệ, trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Tất nhiên sẽ có những ý kiến về những viễn cảnh "quá lạc quan" này, tuy nhiên trước mắt có lẽ những lập trình viên như tôi vẫn sẽ tiếp tục ăn theo các chuẩn mở Google và cùng chờ xem ^_^

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Goonline.vn và sự tác động đến thị trường online Việt


Như vậy là hôm qua Goonline.vn, mạng xã hội được trông chờ nhất tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, với sự hậu thuẫn lớn của chính phủ, đã được chính thức khai trương. Sự kiện này có vẻ nhanh chóng gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng CNTT, chủ yếu về hình thức trình bày, cấu trúc, nội dung sản phẩm. Với riêng suy nghĩ cá nhân, tôi không chú trọng tới giao diện bề ngoài cho lắm. Những sản phẩm phiên bản đầu tiên có sai sót là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên nếu đúng như Goonline.vn đưa tin là sản phẩm của họ được hoàn thành trong 75 ngày thì quả thật đây có thể xem là một nỗ lực rất lớn và tất nhiên đằng sau đó sẽ là những tham vọng không nhỏ của chính phủ Việt Nam trong cuộc chơi này :)

Trong thời buổi hiện nay, khi vai trò truyền thông Internet đang ngày càng trở nên quan trọng bên cạnh các phương tiện truyền thống như báo chí, TV... thì đứng ở góc độ một đất nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, việc kiểm soát nội dung trên siêu xa lộ thông tin này đã trở thành một vấn đề cần thiết. Có thể thấy, một mạng xã hội thuần Việt thu hút được số lượng lớn user và nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ sẽ dễ dàng và thuận tiên hơn nhiều so với việc nó được kiểm soát bởi một công ty đa quốc gia như Facebook hay một công ty tư nhân như FPT hay Vinagame.

Xét ở góc độ nào đó, sẽ có nhiều phản đối bởi điều này sẽ khiến tự do trên Internet bị giảm sút do ngày càng bị chính phủ kiểm soát chi phối. Tuy nhiên xét ở một khía cạnh khác, điều này cũng sẽ tạo ra một số thuận lợi nhất định bởi có những lĩnh vực đem lại lợi ích cho cộng đồng chỉ có chính phủ mới có đủ sức và tiềm năng để thực hiện. Ví dụ như sản phẩm giáo dục goEdu, tôi trông chờ sản phẩm này tương lai sẽ có thể số hóa toàn bộ giáo trình sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để bất kì học sinh nào đất nước cũng có thể truy cập và nâng cao kiến thức của mình, một điều mà các công ty tư nhân chạy theo lợi nhuận hầu như sẽ khó lòng thực hiện. Một ví dụ khác về thanh toán trực tuyến, chính phủ sẽ từng bước tiến đến ưu tiên sử dụng một công cụ thanh toán trực tuyến duy nhất và dẹp loạn tình hình loạn 12 sứ quân hiện tại, mở đường cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển.

Cho nên với riêng bản thân, tôi đón nhận sự ra đời của Goonline.vn như một yếu tố tích cực. Có lẽ do một phần tôi đã quá ngán ngẩm với các website thông tin giật gân câu khách của các công ty online chạy theo lợi nhuận hiện tại. Việt Nam cần có một mô hình phát triển online thực chất và đem lại giá trị thực sự cho cộng đồng hơn là chạy đua bằng các nội dung câu khách rỗng tuếch về mặt nội dung. Và VTC, một công ty có tiềm lực lớn, đã được chính phủ tin tưởng trao sứ mệnh ^_^

Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu GoOnline.vn có thành công hay không hay sẽ lại nhanh chóng chìm vào quên lãng. Tuy nhiên dù sao sự ra đời của nó chắc chắn sẽ gây ra một sự tác động lớn đến làng online Việt Nam. VTC là một đối thủ không dễ chơi cho bất kì công ty nào. Trong lĩnh vực truyền hình, họ có thể cạnh tranh ngang ngửa VTV, online game thuộc hàng nhất nhì, mobile & Internet thì được sự hậu thuẫn của VNPT và họ cũng đã từng bước có tham vọng bành trướng ra thị trường quốc tế với việc mở các chi nhánh ở một số nước hiện tại. Như vậy có thể thấy doanh thu của họ tương lai được đảm bảo sẽ tiến triển một cách đều đặn và điều này chắc chắn sẽ gây nên một áp lực lớn cho các đối thủ có tham vọng bành trướng như FPT hay Vinagame, khả năng có thể bị trượt chân bất cứ lúc nào chỉ với một thay đổi trong chính sách của chính phủ. Và hi vọng điều này sẽ phần nào giúp làng online Việt tìm lại sự sôi động như thời kì hoàng kim năm 2007.

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Định vị Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới tương lai


Trong thời gian gần đây, hầu như trong các lúc rảnh rỗi, tôi đều tranh thủ online để tìm hiểu về các các vấn đề CNTT mình đang băn khoăn hiện nay. Điều này đã đưa tôi đến rất nhiều điều thú vị khác nhau, giúp tôi dần có được một cái nhìn tổng quan hơn và hi vọng sẽ sớm tìm ra được các câu trả lời :)

CNTT Việt Nam từ góc nhìn nhân lực

Nhân lực vẫn luôn là vấn đề xem xét đầu tiên khi định vị một quốc gia trên bản đồ CNTT thế giới. Xét về khía cạnh này thì Việt Nam còn quá khiêm tốn. Theo một số liệu gần đây thì hiện tại Việt Nam mới chỉ có 57.000 người làm trong lĩnh vực phần mềm, có thể tạm thời hiểu là lập trình viên. Trong khi đó con số này ở Mỹ là 3 triệu, ở Trung Quốc và Ấn Độ là khoảng 2 triệu. Do đó việc các trường đại học, cao đẳng ào ạt tuyển sinh CNTT hiện nay ở một khía cạnh nào đó có thể xem là bước đi cần thiết. Vấn đề quan trọng còn lại là làm sao để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ này.

Ngoài ra, trình độ nhân lực lập trình viên ở Việt Nam nói chung vẫn còn ở mức độ thấp. Nên trong tương lai vài năm tới vẫn cần tập trung vào việc học hỏi nâng cao trình độ. Xét theo khía cạnh này thì phần lớn số đông vẫn nên theo lĩnh vực gia công, tuy nhiên nên dần tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế để chuẩn bị cho tương lai.

Đi tìm những công ty CNTT Việt Nam tiềm năng tương lai

Trong bối cảnh như ở trên thì tương lai gần sẽ khó có sự xuất hiện của các công ty với một đội ngũ dream team cùng những sản phẩm CNTT đột phá như tham vọng của một số công ty trẻ Việt Nam hiện nay.

Điều này có thể giải thích với việc hầu hết các công ty hiện nay đều đang tập trung thị trường trong nước. Trong khi đó thị trường trong nước vẫn còn quá nhỏ để tạo ra một nguồn thu đủ trả cho một đội ngũ những người giỏi, đôi lúc dù trả vẫn chưa chắc tìm được người phù hợp bởi nguồn nhân lực này đang khan hiếm nên họ có khá nhiều lựa chọn như ra nước ngoài hay làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia. Nơi họ có được các chế độ đãi ngộ, cơ hội và danh tiếng lớn hơn nhiều.

Do đó theo suy nghĩ của riêng tôi, những công ty CNTT Việt Nam triển vọng trong tương lai sẽ phải là những công ty có được thị trường quốc tế. Đây có thể là những công ty do Việt Kiều hay người nước ngoài đến Việt Nam thành lập, hay cũng có thể là những công ty Việt Nam nhanh nhẹn từng bước len lỏi vào các thị trường mới như các ứng dụng smartphone bán trên các App Store. Hoặc những công ty tận dụng tốt vị trí của Việt Nam như một thị trường CNTT lớn ở Đông Nam Á và từng bước vươn ra khu vực. Tuy nhiên sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để những công ty như vậy xuất hiện.

Chờ đợi những tập đoàn CNTT Việt Nam

Việt Nam là một nước nhỏ nếu đem ra so với Trung Quốc, Ấn Độ. Do đó việc phát triển dàn trải gần như sẽ không tạo ra được lợi thế nào đáng kể, điển hình là tình thế CNTT Việt Nam hiện nay. 

Nhìn sang Hàn Quốc và Đài Loan, họ đều tập trung toàn sức cho ngành vi mạch vào khoảng những năm 60-70 và đã nhanh chóng trở thành những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực hiện nay. Chính phủ hai nước này đều xoay quanh một vài tập đoàn CNTT chủ lực, ví dụ như LG & Samsung của Hàn Quốc, rồi từng bước hình thành các công ty vệ tinh xung quanh các hạt nhân này.

Do đó có thể nói vai trò của các tập đoàn viễn thông Việt Nam như Viettel, VNPT trong thời gian tới sẽ cực kì quan trọng. Đây sẽ là các công ty đóng vai trò nòng cốt trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng CNTT ở Việt Nam, từng bước vươn ra thị trường bên ngoài và làm hạt nhân để tạo ra hệ thống các công ty vệ tinh chư hầu. Có vẻ chính phủ đã xác định viễn thông và những dịch vụ mobile internet sẽ là chủ lực của các tập đoàn này. Nếu làm tốt, giá trị tương lai các tập đoàn này hoàn toàn có thể đạt ngưỡng 20-30 tỉ USD, và góp phần tạo ra hàng trăm công ty vệ tinh với giá trị chục triệu USD trở lên. Một tình thế tương tự so với Đài Loan hiện tại với các công ty vi mạch.


Tất nhiên tất cả viễn cảnh nêu trên đều nhìn dưới lăng kính của một người khá lạc quan như tôi :). Rất có thể với cách phát triển lộn xộn như hiện nay, Việt Nam sẽ vẫn là một thị trường tiêu thụ CNTT như hiện tại. Tuy nhiên tương lai vẫn đang còn ở phía trước, chúng ta vẫn cứ nên hy vọng để ...tiếp tục phấn đấu ;)). Riêng bản thân tôi vẫn tin vào những nỗ lực của chính phủ, cũng như một số bạn bè xung quanh cùng chí hướng. Vấn đề hiện tại là hạ tầng Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện và sẽ còn phải mất ít nhất từ 3-5 năm nữa. Nên tôi nghĩ có lẽ đây là thời điểm tốt để tôi quay lại niềm đam mê nghiên cứu học tập và mơ về giấc mơ triệu phú công nghệ trong vòng 5-10 năm nữa của mình ^_^

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More