Thế là mình đã thất nghiệp được 1.5 tháng. Trong suốt thời gian đó mình đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh để trao đổi thăm dò, mục đích nhằm có một cái nhìn đúng và bao quát hơn về tình hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Nhưng có lẽ vậy cũng đã đủ rồi, thêm nữa chắc sẽ stress quá . Hôm nay thử ngồi tổng kết lại, do lĩnh vực kinh doanh quá rộng nên chỉ giới hạn lại trong lĩnh vực CNTT mà thôi.
Các công ty về CNTT viễn thông ở Việt Nam có thể tạm thời chia làm ba nhóm sau:
- Nhóm đại gia: Bao gồm các công ty làm về cơ sở hạ tầng cung cấp cho một người số lượng người sử dụng cực lớn như Viettel, Mobifone, Vinafone, FPT... Đặc điểm của các công ty này là đều của nhà nước hoặc của "quen biết với nhà nước" , nói chung là phải có một thế lực nhất định ở Việt Nam mới có thể làm được. Doanh thu của các công ty này từ khoảng 500 triệu USD trở lên
- Nhóm trung lưu: Gồm các công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng hạ tầng đó ví dụ như Vinagame, Dalink, Quang Minh... Đặc điểm của các công ty này hầu hết là lấy lại mô hình từ nước ngoài và do đáp ứng được thị hiếu của người Việt Nam nên doanh số cũng rất cao . Tuy nhiên hướng đi này không bền vì từ từ thị trường cũng sẽ bão hòa và thị hiếu người dùng cũng sẽ thay đổi. Các công ty buộc phải ngày càng sáng tạo hơn chứ nếu không thì doanh thu sẽ từ từ sút giảm và hoàn toàn có thể biến mất khỏi thị trường. Doanh số của các công ty này khác vào khoảng 10 triệu USD trở lên.
- Nhóm nhỏ: Bao gồm các công ty còn lại. Trong đó chia là hai nhóm chính, nhóm thứ nhất là các công ty gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài, theo Ngôn biết lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn quá nhỏ lẻ nên chưa có công ty nào vượt ngưỡng 10 triệu đô cả, so với những công ty lớn đã qua 1 tỉ đô của Ấn Độ . Nhóm thứ hai là các công ty làm phần mềm thị trường trong nước hoặc cung cấp dịch vụ cho một bộ phận nhỏ những người sử dụng như: Peacesoft, Cyworld, Aha... Các nhà đầu tư thư IDG, Vinacapital rất thích đầu tư vào các công ty này khi nó phát triển thành các công ty trung lưu thì lợi nhuận sẽ rất cao
Thống kê xong rồi một câu hỏi mà mọi người thường nghĩ tới là liệu có thể xâm nhập vào thị trường này và bằng cách như thế nào . Nếu đi theo một hướng đã có trên thị trường thì hẳn nhiên sự cạnh tranh sẽ cực kì khốc liệt. Tốt nhất là phải đi trước đón đầu. Vậy tương lai CNTT Việt Nam trong vòng 5-10 năm tới sẽ như thế nào? Có lẽ khi cơn bão game online bắt đầu bão hòa vào năm 2008 thì có lẽ kế tiếp sẽ là các ứng dụng giáo dục, giáo dục kết hợp giải trí và y tế sẽ lên ngôi
Vấn đề cũng khá cần thiết với Việt Nam hiện nay khi mà trình độ nguồn nhân lực còn kém cũng như chất lượng cuộc sống người dân vẫn còn quá thấp. Làm sao để sử dụng CNTT như một vũ khí để xây dựng một đội ngũ 40 triệu con người hùng hậu vào năm 2011, biết sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin phục vụ cho công việc của mình, giỏi ngoại ngữ để gia nhập vào thế giới phẳng, đó là một mục tiêu lớn không chỉ của các cá nhân, công ty mà còn là cả chính phủ nữa
Và câu hỏi cuối cùng là liệu Việt Nam có thể làm nên điều kì diệu đó? Nếu có thì những ai sẽ là người tiên phong trong lĩnh vực này. Tất nhiên đó chỉ có thể là những con người trẻ tuổi nhiệt huyết mà thôi và 8x sẽ là thế hệ khởi đầu . Lẽ dĩ nhiên mình cũng là ...8x nên không thể đứng ngoài cuộc chơi này bởi đây là một thách thức rất lớn và nếu thành công thì kết quả cũng thật tuyệt vời. Mình sẽ không chỉ có nhiều tiền mà còn có thể góp phần rất lớn vào sự phát triển của CNTT Việt Nam, đúng với những gì mình vẫn thường suy nghĩ trước đây.
Tuy nhiên để đạt được điều đó thì cần phải nỗ lực hơn rất nhiều. Sắp tới sẽ phải bớt blog lại, tập trung toàn lực cho kỹ thuật. Mục tiêu cụ thể đầu tiên sẽ là xây dựng thành công một công ty doanh số 400.000$ trong vòng 3 năm kế tiếp