Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007

Con đường mới



Hôm nay tình cờ đọc được bài viết "Stay hungry - Stay foolish" của Steve Jobs - CEO của hãng máy tính nổi tiếng Apple. Tự nhiên mình cảm thấy có một nét gì đó tương đồng trong suy nghĩ, một lời động viên giục giã tiến lên phía trước để thực hiện khát vọng của mình

"Your time is limited, so don't waste it living someone else's life. Don't be trapped by dogma — which is living with the results of other people's thinking. Don't let the noise of others' opinions drown out your own inner voice. And most important, have the courage to follow your heart and intuition . They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary."

Nhớ lại cách đây nửa năm, mình đã từ bỏ công việc ở công ty đầu tiên với hi vọng bắt tay vào thực hiện những dự định của mình . Nhưng sau đó do cảm thấy chưa tự tin với lượng kiến thức có được nên mình đã quyết định đi làm và học hỏi thêm.

5 tháng vừa qua là thời gian mà mình cảm thấy đã tiến bộ lên rất nhiều . Thời gian làm ở công ty chính đã giúp mình từng bước hoàn thiện các tư duy về công nghệ, thực hiện những thử nghiệm trên các mô hình khác nhau để tìm ra một mô hình phát triển các ứng dụng web 2.0 một cách đơn giản, tốc độ và hiệu quả. Thời gian làm cho công ty phụ đã giúp mình có được phong cách làm việc cộng tác chuyên nghiệp trong một thế giới phẳng, tự tin hơn trong việc tiến ra môi trường toàn cầu . Rồi một lớp kinh tế ngắn hạn đã trang bị cho mình những kĩ năng cơ bản về quản lý, thế giới kinh doanh, thị trường tài chính để có thể tận dụng tốt làm đòn bẩy cho những kế hoạch dự định của mình.

Đã đến lúc mình cần phải làm một cái gì đó rồi. Với những gì đã tích lũy được, mình hiểu rằng chỉ cần có được sự quyết tâm cộng thêm một chút may mắn, mình sẽ có thể chạm được những ước mơ của mình. Có lẽ năm tiếp theo sẽ là một năm bận rộn đây

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2007

Từ Phở 2.0 nghĩ về Giáo dục 2.0


Tôi là một người rất thích phở. Đến bất kì nơi đâu, tôi cũng phải tìm ăn bằng được món phở để xem hương vị phở nơi đó như thế nào . Mà phải công nhận phở là món ăn rất nổi tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Nơi nào có người Việt sinh sống, thì chắc chắn nơi đó không thể thiếu món phở

Nhớ lại lần đầu tiên ra Hà Nội và thưởng thức món phở, tôi không khỏi bất ngờ khi thấy phở ở ngoài đó khác hoàn toàn so với những gì tôi tưởng tượng. Không ngon bằng trong Nam và hình như nhiều người xung quanh cũng nghĩ vậy

Có lẽ nguyên nhân chính là do phở Hà Nội chỉ có duy nhất ...phở, ngoài ra hầu như không còn gì khác. Còn phở Sài Gòn thì có rất nhiều thứ phụ gia để trang bị cho tô phở của mình như: tương đỏ, tương đen, tương ớt, rau, giá. Và người ăn sẽ tìm cách điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với khẩu vị của mình . Và bạn sẽ cảm thấy ngon hơn, không chỉ bởi gia vị mà còn là từ trong cách suy nghĩ, ít ra đó cũng là tô phở mà mình đã bỏ một phần công sức vào việc ...chế biến

Nếu áp dụng những khái niệm về công nghệ trong trường hợp này, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra Phở Hà Nội là loại Phở 1.0, còn Phở Sài Gòn thì đã tiến lên một tầm cao mới hơn là Phở ...2.0, tức là loại phở còn có sự tương tác từ phía người ăn nữa

Từ lĩnh vực phở suy nghĩ về lĩnh vực CNTT. Có lẽ với sự phát triển chóng mặt của Internet hiện nay thì chỉ cần một chút kĩ năng về tìm kiếm, chúng ta sẽ có khả năng truy xuất và nắm bắt bất kì thông tin nào trong tích tắc, một khả năng còn hơn nhiều lần so với những bộ óc thiên tài trước đây . Và điều này dẫn đến sự bình đẳng thông tin của tất cả mọi người trong kỉ nguyên Internet. Mỗi người sẽ có cách nắm bắt và vận dụng thông tin một cách khác nhau. Hàng loạt mô hình 2.0 đã dần xuất hiện trên cơ sở đó: Âm nhạc 2.0 (ex. Vietnam Idol), Báo chí 2.0 (Blog)…

Mấy tuần nay đọc báo thấy vấn đề giáo dục vẫn còn là một vấn đề nhức nhối của Việt Nam. Có vẻ như chúng ta đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn: chất lượng giáo dục kém do thiếu tiền, còn đất nước thiếu tiền là do ...trình độ giáo dục kém . Tự hỏi nếu chúng ta có thể tạo ra được một nền tảng "Giáo dục 2.0" thì hay biết mấy, nơi mà mọi kiến thức đều do chính những thành viên trong mạng chia sẻ với nhau, cùng nhau tiến bộ. Tuy nhiên đó là lý thuyết, có vẻ như giới trẻ số đông hiện nay thích ăn chơi giải trí sành điệu hơn là coi công việc là một niềm vui. Cho nên "Giáo dục 2.0" phải chăng vẫn còn là một chuyện gì đó khá xa vời? Nhưng dù sao chúng ta vẫn cứ nên hi vọng bởi có lẽ "Giáo dục 2.0" sẽ cần bắt đầu từ những con người như vậy

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2007

Cuộc sống đơn giản



Dạo này tự nhiên mình cảm thấy khát vọng trong bản thân để làm một điều gì thật lớn lao đã không còn mãnh liệt như trước đây. Có vẻ như mình thích tận hưởng cuộc sống hơn, thích tìm hiểu mối quan hệ giữa con người với nhau cũng như với thế giới vạn vật xung quanh

Như vậy cũng có cái hay. Khát vọng sẽ luôn là thứ dẫn dắt con người vươn tới những đỉnh cao mới. Tuy nhiên nếu khát vọng lớn quá đôi lúc sẽ gây ra áp lực và khiến con người ngày một xa rời thực tế xung quanh . Điều này thì hoàn toàn không nên bởi phải chăng tất cả mọi hoạt động trên thế giới này rốt cục đều hướng tới mục đích làm cho cuộc sống con người ngày một tốt đẹp hơn

Ngẫm lại một hồi thì mới thấy phần lớn những gì mình đạt được từ trước đến nay không phải là do khả năng mình vượt trội so với mọi người xung quanh. Mà hầu hết đều là do mình chịu khó học hỏi và ...nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động . Điều này đã giúp mình có cơ hội gặp gỡ và quen biết nhiều người thú vị. Một số trong đó đã đem lại cho mình những cơ hội quý giá nên mình mới có thể từng bước thực hiện những mục tiêu của mình.

Sau khi rời môi trường đại học ra ngoài cuộc sống mình mới cảm thấy những vấn đề trên lại càng trở nên quan trọng . Nhiều lúc có vẻ mình đã quá tự tin vào khả năng bản thân và điều này đã khiến mình đánh mất nhiều cơ hội. Thực ra có khá nhiều cơ hội mà những người đi trước đã tìm cách xây dựng để lại. Vấn đề còn lại là liệu những người đi sau có thể nhận ra điều đó, đủ khả năng trình độ, cũng như một tư cách tốt để biến những điều như vậy thành một cái gì đó thật lớn hay không mà thôi

Do đó cuộc sống sắp tới của mình nên được ...điều chỉnh lại, không cần phải áp lực tăng tốc hết sức như trước đây mà cứ vừa đi vừa tận hưởng . Bởi mình đã nhận ra rằng chỉ cần không ngừng nỗ lực, nhiệt tình trong công việc, cộng thêm việc phát triển các mối quan hệ với mọi người xung quanh một cách bền vững thì mình sẽ luôn còn những cơ hội để vươn xa

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More