Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Đi tìm những dot-com Việt nam tiềm năng (5): Mưu đồ bá vương của các mạng xã hội Việt Nam


Mạng xã hội, một lĩnh vực chưa có nhiều tiềm năng về mặt thương mại trong thế giới Internet, nhưng cuộc chạy đua trong lĩnh vực này cũng không kém phần khốc liệt bởi hơn ai hết các đối thủ đều hiểu rằng vị trí bá chủ trong cuộc sống thế giới ảo sẽ không chỉ đem lại cho họ những thuận lợi về mặt doanh số mà còn nhiều giá trị vô hình khác.

Ở Việt Nam, từ trước đến nay cuộc chơi hầu như vẫn chỉ là sự độc diễn của Yahoo 360. Nhưng trước tình trạng Yahoo 360 đã được thông báo chính thức đóng cửa, dân cư mạng bắt đầu náo loạn trong việc di dời thì cuộc chiến này đã trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Và liệu có những cơ hội nào cho các đối thủ đến từ VN trước sự cạnh tranh khốc liệt của những đối thủ tên tuổi lớn nước ngoài trong một thế giới phẳng ngày hôm nay?


Nhóm 5: Những mạng xã hội đến từ Việt Nam






Xuất phát điểm với tham vọng trở thành một "Yahoo của Việt Nam", Timnhanh đã có những nỗ lực lớn để nhanh chóng biến mục tiêu của mình thành hiện thực. Tôi nhớ hồi đó có nghe một trong những lãnh đạo của họ thể hiện quyết tâm sẽ khiến cho mọi người trong giới công nghệ phải biết đến Timnhanh là ai ;). Và thực sự họ đã làm được điều đó, khoảng thời gian đầu năm 2007 có thể nói là thời kì hoàng kim của họ. Nếu lúc đó họ quyết định bán công ty, có lẽ họ đã trở thành một trong những công ty dot-com thành công nhất của Việt nam.

Nhưng Timnhanh vẫn trung thành với chiến lược của mình, tiếp tục nỗ lực mở rộng quy mô dịch vụ cả về số lượng lẫn nội dung. Tính đến cuối năm 2007, số lượng dịch vụ của họ đã lên tới 25 và những bất lợi cũng đã đến với họ từ đây. Do phải dàn trải quá nhiều sức lực trên các mặt trận nên họ không có lực để tập trung cho từng sản phẩm cụ thể. Lần lượt các đối thủ với những tính năng chuyên biệt tốt hơn ra đời sau đó đã khiến cho Timnhanh trở thành một mớ hỗn độn khổng lồ, không thể bỏ đi nhưng cũng không thể mãi đốt tiền vô vọng.

Trước tình trạng như vậy, họ đã quyết định tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như những con bài quyết định. Một trong những sản phẩm đó là Yume, với hi vọng trở thành một mạng xã hội lớn ở Việt Nam trên cơ sở tận dụng lại một số dịch vụ mà họ sẵn có như Blog, Nhạc, Video, Ảnh. Và họ đã có rất nhiều nỗ lực thực tế cho sản phẩm này như liên kết hỗ trợ cuộc thi Vietnam Idol, lôi kéo nhiều người nổi tiếng sử dụng sản phẩm của mình...

Nhưng đứng ở quan điểm một người sử dụng, tôi vẫn có cảm giác như Yume vẫn chỉ là một sản phẩm lạc lõng giữa mớ sản phẩm hỗn độn của Timnhanh hiện nay. Kinh nghiệm thực tế các mạng xã hội thành công trên thế giới đều là các sản phẩm rất tách biệt. Ngoài ra, các tính năng trên Yume cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa làm người sử dụng có một cảm giác pro khi sử dụng sản phẩm này. Có thể Yume vẫn có một lượng người dùng lớn, nhưng tôi nghĩ hầu hết sẽ là tầng lớp teen và không phải là những khách hàng trung thành. Chỉ cần có một mạng xã hội với nhiều tính năng mới "xì-tin" quét qua sẽ cuốn đi phần lớn lượng khách hàng Yume gầy dựng được và biến họ trở thành dĩ vãng.







Nếu Yobanbe không phải là sản phẩm của Vinagame thì có lẽ nó sẽ không gây ầm ĩ trong cộng đồng mạng và hao tốn nhiều giấy mực của báo chí đến thế.

Xuất phát với một cách thức copy gần như toàn bộ giao diện của Yahoo 360 nên với những ai đã quen với Yahoo 360 thì chẳng có lý do gì để họ phải chuyển sang mạng xã hội này, cho dù Yobanbe có thực hiện PR nhiều đến đâu đi nữa. Chính vì vậy mà tôi nghĩ lượng khách hàng mà Yobanbe có hiện nay đa phần là xuất phát từ những sản phẩm khác của Vinagame. Nên giống với Yume, Yobanbe cũng sẽ không có được nhiều khách hàng trung thành và nhiều khả năng
họ cũng sớm trở thành dĩ vãng. Tuy nhiên, Yobanbe lợi thế hơn Yume ở chỗ đứng đằng sau họ là đại gia Vinagame lắm tiền nhiều của, trong khi Yume vẫn còn phải sống nhờ tiền đầu tư và không biết đến bao giờ mới có nguồn thu.

Trong quan điểm của tôi, bộ ba sản phẩm 360 Plus - Yume - Yobanbe rất giống nhau về mặt cấu trúc, hình thức trình bày, cũng như cả cách quản lý vẫn còn chưa chuyên nghiệp của đội ngũ Việt Nam, không như Yahoo 360 hay các sản phẩm quốc tế khác. Nếu đứng trước ngã ba đường như thế, tôi tin chắc phần lớn người dùng sẽ chuyển sang 360 Plus vì ít ra nó cũng là hậu duệ của Yahoo 360, hơn là Yume và Yobanbe là các sản phẩm ít nhiều copy lại, nên thực sự không có nhiều cơ hội cho hai sản phẩm Việt Nam này. Dĩ nhiên đó cũng mới chỉ là dự đoán nên hãy cùng chờ xem những "mưu tính" của hai mạng này trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng sắp tới ;)





Đứng ở góc độ một người làm về công nghệ, chắc chắn tôi sẽ nghiêng hoàn toàn về Tamtay bởi họ là một đối thủ có nhiều sản phẩm nổi bật về mặt công nghệ mà không một mạng xã hội nào khác của Việt Nam có được. Ngoài ra họ cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm công nghệ OpenSocial, đây là một dự định rất táo bạo bởi nếu thành công thì rất nhiều widget của các nhà phát triển khắp thế giới có thể dễ dàng được nhúng vào trang các thành viên trong mạng Tamtay. Đây sẽ không chỉ là bước tiến lớn về mặt công nghệ mà sẽ còn giúp họ thu hút thêm nhiều thành viên gia nhập vào hệ thống của mình.

Tuy nhiên về mặt kinh doanh tiếp thị thì có vẻ như Tamtay không có nhiều kinh nghiệm như các đối thủ khác. Số lượng các sản phẩm của họ cũng ngày một nhiều hơn nhưng khá rời rạc, không có một core value cụ thể. Nhìn vào Tamtay, tôi có một cảm giác họ vừa giống Facebook nhưng lại hơi có tính "tham lam" như nhiều website giải trí khác của Việt Nam hiện nay, muốn gom tất cả các dịch vụ vào site mình: Video, Ảnh, Nhạc, Blog, Rao Vặt... Do đó, tôi nghĩ nếu tiếp tục với hướng đi hiện tay, Tamtay sẽ đi vào ...vết xe đổ của những sản phẩm đi trước, biến site mình thành một mớ hỗn độn và không biết bao giờ mới có đầu ra trong khi nguồn đầu tư cũng ngày một cạn dần!







Tôi tình cờ biết đến Cyvee thông qua sự giới thiệu của một người bạn, vào khoảng đầu năm 2007. Được giới thiệu đây là một mạng dành cho các "nhân viên cổ trắng", nhưng tôi thì hiểu đơn giản là mạng dành cho các chuyên gia như khẩu hiệu "Connecting professional" của Cyvee, nên cũng đã đăng ký với hi vọng vào đây có thể làm quen và giao lưu với một cộng đồng những con người chuyên nghiệp.

Lúc đầu đăng ký cũng thấy hay hay, giao diện của Cyvee khá bắt mắt và làm cho tôi cũng có cảm giác pro thực sự ;)). Nhưng sau khi đăng ký xong thì tôi ...không biết làm gì hết, bởi có lẽ cư dân mạng hồi đó đã quen với việc viết blog và cập nhật blast hằng ngày. Ngoài ra điều khiến tôi nản nhất là không làm quen được với các chuyên gia thực sự như mục đích mà Cyvee hướng tới. Hầu hết dân tham gia đều là những con người trẻ, tò mò muốn thử cái mới. Có rất nhiều SV cũng như nhiều người còn chưa chuyên nghiệp trong đó đã khiến tôi có cảm giác như mình đang rơi vào một thế giới hỗn độn. Tôi rời Cyvee từ đó.

Sau này đi giao tiếp thực tế nhiều tôi mới ngộ ra là ở Việt Nam, hầu hết những người lãnh đạo, quản lý cũng như chuyên gia rất ít khi tham gia mạng xã hội bởi họ đều là những con người khá bận rộn, hơn nữa họ đã có những sân chơi đẳng cấp của riêng mình. Chính vì vậy mà tôi nghĩ đây là yếu tố chính nhất khiến Cyvee không thể đạt tới mục tiêu mà họ trông đợi ban đầu, cho dù sau này họ có nỗ lực tung ra các sản phẩm khác như Group, Event, Jobs. Nhưng những dịch vụ này không giúp tình hình khá thêm được bao nhiêu bởi mạng xã hội mà họ đang xây dựng không có nhiều con người là những chuyên gia thực sự.

Và đến thời điểm hiện tại khi mà nguồn đầu tư đã cạn dần, tôi nghĩ còn rất ít hi vọng cho Cyvee trừ khi họ có một sự cải tiến mang tính đột phá trong hướng đi của mình.








Tôi biết CyWorld cũng vào khoảng thời điểm cùng với Cyvee (hơi tình cờ bởi có cùng chữ Cy ^^). Nghe giới thiệu là mạng này là dành cho dân teen thích thể hiện mình. Chính điều này đã kích thích một người "già" như tôi cũng muốn nhảy vào thử xem nó là cái mô tê chi ;)).

Nhảy vào thử thì đây quả là một sản phẩm khác biệt so với các mạng xã hội khác, rất xì tin theo kiểu Hàn Quốc. Mỗi người tham gia sẽ có một "ngôi nhà" (minihome) bằng ...flash của riêng mình, và người dùng sẽ có một thứ gọi là hạt dẻ để đi mùa các tài sản khác. Nói chung là mới chỉ biết tới đó, nhưng thực sự tôi nghĩ hướng đi này có vẻ không thành công ở Việt Nam bởi tôi gặp mấy teen đàn em đều hay hỏi han thì toàn thấy xài Yahoo 360 không ;). Có lẽ đó cũng là lý do mà CyWorld đã từng bước chuyển từ mô hình thuần Flash ban đầu sang mô hình web page hiện nay.

Nhưng hiện nay nhìn vào CyWorld, tôi có cảm giác họ cũng đang bắt đầu đi vào vết xe đổ như Tamtay, cũng phát triển tràn lan sang các lĩnh vực như Music, Video... và những lĩnh vực này hẳn sẽ đốt tiền nhanh hơn nữa, trong khi đầu ra vẫn chưa có nhiều triển vọng (Theo một thông tin tôi có được thì Cyworld có tới 40 server)








Mặc dù Clip không đơn thuần là một mạng xã hội như các đối thủ ở trên nhưng cũng có một ít liên quan nên cũng sẵn tiện đưa vào luôn ;)

Có thể nói Clip là một trong những website khá thành công ở Việt Nam. Xuất phát điểm ngay từ đầu với ý định trở thành một Youtube của Việt Nam và tận dụng tối đa thế mạnh nội dung và server Việt Nam, Clip đã nhanh chóng có được đầu tư và chỉ sau một năm triển khai họ đã tạo ra được một mạng lưới nội dung video đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Bản thân tôi vẫn hay lên Clip xem lại các chương trình mà tôi đã bỏ lỡ trước đó. Nên cũng dễ hiểu khi họ chiếm được cảm tình của khá nhiều người. Nhớ lại có thời gian một vài bài báo ca ngợi Clip hết lời và xem đó là tấm gương để các website Việt Nam khác cần học tập trong việc tận dụng lợi thế bản địa của mình.

Nhưng Clip đã không gặp may khi họ dần phải đối mặt với những bất lợi cực lớn. Với việc Google thuê đường truyền từ Việt Nam kết nối trực tiếp đến hệ thống máy chủ Youtube quốc tế đã gần như biết lợi thế lớn nhất của Clip thành bất lợi cho chính họ. Ngoài ra, khi người dùng ngày càng đòi hỏi lượng băng thông nhiều hơn, thì Clip vẫn chưa tìm được một đầu ra ổn định để bù đắp những chi phí về hạ tầng của họ. Vào thời điểm năm ngoái, có lúc doanh thu họ giảm từ 300 triệu còn 75 triệu, chỉ vì khách hàng sau một thời gian quảng cáo thấy hiệu quả quảng cáo trên video thấp, không được như mong đợi (Thông tin ngoài lề, ai có chính xác xin confirm giùm ^^)

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có được một lối thoát thực sự cho Clip, nhiều người trong giới công nghệ nghĩ họ sẽ dần sụp đổ trước một đối thủ quá lớn như Youtube. Tuy nhiên, trong suy nghĩ cá nhân của tôi, Clip xứng đáng là một trong những anh hùng dot-com của Việt Nam, xét về những giá trị mà họ đã tạo ra, cũng như việc mà họ đã dũng cảm chiến đấu trước vô vàn khó khăn như vậy. Hi vọng họ sẽ có thể tìm được một hướng đi triển vọng trong thời gian sắp tới!











Mặc dù vẫn còn nằm trong giai đoạn phát triển nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến sản phẩm đến từ một đại gia có rất nhiều thế lực trong ngành viễn thông hiện nay, FPT.

Mặc dù dưới mắt nhiều người làm về Internet, có lẽ FPT vẫn là một người khổng lồ ngốc nghếch với nhiều sản phẩm làm ra "dổm" và rời rạc, nhưng tôi nghĩ FPT vẫn đang có được những lợi thế mà hầu như không có bất kì công ty Internet nào ở Việt Nam có được hiện nay. Và thực sự nếu họ có thể tối ưu lại mô hình như họ đã thành công ở một số bộ phận, tôi tin họ sẽ tạo ra được một sức mạnh tổng thể rất lớn và hoàn toàn có thể chấp một mớ các công ty nằm trong IDG Porfolios liên kết lại ;))

Theo thông tin tôi có được thì sắp tới họ sẽ gom tất cả những gì online rời rạc lại để thành lập một công ty lớn FPT Online với rất nhiều dịch vụ khác nhau. Và tất nhiên mạng xã hội sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để liên kết những dịch vụ đó lại. Hãy tưởng tượng khi tham gia mạng xã hội này, bên cạnh những dịch vụ như các mạng xã hội khác, bạn còn được tận hưởng thêm các dịch vụ liên quan đến hạ tầng Internet mà FPT đang rất mạnh hiện nay và xa hơn là những dịch vụ thực tế từ các công ty con khác của FPT. Ngoài ra, nếu tổ chức tốt, FPT còn có cơ hội để trở thành một "trung tâm giao thương" của những nhóm/công ty phát triển dịch vụ mạng xã hội với người dùng như một số dịch vụ FPT Telecom cung cấp hiện nay.

Tuy nhiên đó mới chỉ là những dự đoán và để thực hiện vấn đề này không phải là một điều dễ dàng. Bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở những người kiến trúc sư xứng tầm chứ không hẳn là những lợi thế mà họ đang có hiện nay. Và liệu FPT có thể làm được điều đó? Chúng ta hãy cùng chờ xem :)

Tổng kết về các mạng xã hội Việt Nam

Nhìn dưới góc độ kỹ thuật, hầu hết các mạng xã hội Việt Nam đều tỏ vẻ tham lam khi ngày càng bành trướng số lượng dịch vụ cũng như nội dung không liên quan chỉ để nhằm thu hút tối đa traffic từ người sử dụng. Chính vì điều này mà chất lượng dịch vụ của các mạng xã hội trong nước đều khá kém. Nên có lẽ với những người dùng am hiểu, gần như họ sẽ lựa chọn những dịch vụ tốt hơn đến từ các đối thủ nước ngoài.

Cho nên tôi nghĩ phần lớn khách hàng của những mạng xã hội trong nước hiện nay đều là những người nghiệp dư không trung thành, có thể đến chỉ vì lý do giải trí như nhạc, phim.... Nên chính vì vậy cho dù các mạng này có nỗ lực PR bao nhiêu đi nữa, thì những user của họ vẫn có thể một ngày nào đó sẵn sàng dứt áo ra đi, khi họ muốn tìm một bến đỗ mới tốt và ổn định hơn.



Bản đồ, một trong những lĩnh vực cũng được xem là tiềm năng của thế giới Internet khi những cụm từ về GIS, Location-base, GPS... vẫn hay được đưa ra bàn thảo. Nhưng thực sự lĩnh vực này ở Việt Nam đã có thể kiếm được tiền như mọi người nghĩ? Mời mọi người cùng theo dõi phần 6: "Những bản đồ số ở Việt Nam"

29 nhận xét:

vietutd nói...

Cứ nhanh chân bóc tem cái đã.
Anh đợi bài viết này của Ngôn cũng mấy hôm rồi.
Xin lỗi vì đã trích nội dung từ blog em mà chưa xin phép. Nhân tiện đây xin ý kiến em luôn.

vietutd nói...

Bài viết này cho mình những thông tin mà mình chưa biết về các mạng xã hội của VN. Riêng bản thân mình giờ có lẽ chỉ chơi mỗi blogspot. wordpress đã một lần làm mình thất vọng.
Tiếc là cộng đồng blogspot Việt Nam còn quá nhỏ bé :(

Nặc danh nói...

Em nghĩ nếu các mạng xã hội như tamtay không có mấy dịch vụ câu khách như nhạc hay phim mà chỉ để trang chủ xanh lè như của facebook chắc ko mấy người đăng kí. Khác với facebook đã có nền tảng người dùng khá lớn và phát triển theo kiểu "hiệu ứng domino", các mạng XH Việt phải tìm mọi kế để có thêm user. Bổ sung thêm mấy dịch vụ giải trí câu khách chắc là cách làm đơn giản nhất và khả thi nhất.

ngonpham nói...

@vietutd: Không sao anh. Rất vui vì những bài viết đã được anh tin tưởng trích dẫn lại ;). Đúng là với tình trạng các mạng xã hội Việt Nam hiện nay thì khiến người dùng tin tưởng cũng rất khó!

@phle: Em nói rất chính xác. Thực sự các mạng xã hội cũng biết vậy nhưng do thị trường nhỏ lại bị xâu xé, nên các đối thủ đều lại từng bước mở rộng sang các lĩnh vực khác không mấy liên quan. Nhưng chính vì lý do này anh nghĩ sẽ giết chết các mạng xã hội VN bởi họ không còn tập trung làm tốt từng dịch vụ như sản phẩm nước ngoài. VD như blog thì không sản phẩm nào sánh được với Wordpress/Blogspot, chính vì vậy mà người dùng dần sẽ mất niềm tin vào các sản phẩm Việt và chuyển sang các sản phẩm chuyên biệt, được đầu tư tốt hơn của nước ngoài!

Donald Dũng nói...

Hi anh Ngôn, bài viết khá thú vị, em có nhiều thông tin hơn về cyworld VN, đặc biệt là cyvee đấy. Tuần sau anh em mình cafe 1 buổi em share cho nhé, có thể em sẽ viết 1 bài phân tích về cyvee và "giấc mơ thành lập cộng đồng chuyên gia tại VN" của họ [em tham gia cyvee.com từ hồi họ còn là vnspoke.com] & nhờ anh Ngôn đăng lên blog cho bà con phản hồi hen [em hok có blog :P].

Có gì em sẽ inform anh Ngôn để arrange thời gian và địa điểm cafe tuần sau hen.

Chúc anh Ngôn đầu tuần vui vẻ và làm việc hiệu quả.

ngonpham nói...

@Dũng: OK. Vậy thì quá hay rồi. Hi vọng là anh em mình sẽ có thể chia sẻ thêm nhiều thứ hơn về thị trường Internet Việt Nam hiện nay. Tuần sau khi nào e rảnh thì call a nhé ;)

Trình Tuấn nói...

Hôm qua lần đầu tiên Tuấn tham gia Tweetup, tại đây mặc dù Twitter là chủ đề chính nhưng vấn đề Yahoo360 lại được nói đến nhiều nhất. Trong đó mọi người có đặt ra câu hỏi ai sẽ thống trị hay chiếm lĩnh vị trí số 1 về mạng xã hội tại VN?

Mình chia sẻ suy nghĩ rằng: sau một thời gian khá dài sử dụng Y360 người dùng của mạng này đã bị phân hóa thành nhiều nhóm.

Nhóm content: những người thường xuyên viết blog (đa số là hotblogger trong các lĩnh vực công nghệ, giải trí, chính trị-xã hội) và các dịch vụ họ chọn là multiply đối với hotblog trong lĩnh vực giải trí , còn hai lĩnh vực kia đa số chọn Wordpress và Blogspot.

Nhóm chú trọng kết nối bạn bè: những người trong nhóm này có nhu cầu giữ liên lạc với bạn bè và thỉnh thoảng mới viết bài trong blog. Mình cảm thấy nhóm này chiếm tỷ lệ lớn nhất trên Y360. Với nhóm này theo mình Facebook là lựa chọn số 1

Nhóm chú trọng tới hình thức: với nhóm này thì thể hiện cá tính thông qua trang trí blog và post hình ảnh được đặt lên hàng đầu. Đa số trong họ đều là teen và các mạng xã hội trong nước đều hướng tới đối tượng này bằng tính năng trang trí blog.

Chính do sự phân hóa đó nên sẽ khó để có thể một dịch vụ khác xác lập vị trí thống trị như Y360 đã từng có. Vậy chỉ có thể trả lời câu hỏi ai sẽ là số 1 trong thời gian tới? Đa số mọi người đều do dự khi trả lời câu hỏi này. Những bạn đã dùng Facebook thì đều cho rằng nó sẽ là câu trả lời cho dù lượng người dùng tại việt nam còn khiêm tốn so với các mạng trong nước như Yume. Mình cũng có chung suy nghĩ vậy vì cảm nhận thấy tốc độ tăng lượng người dùng của FB khá nhanh và đã số bạn bè mình ở Y360 trước đầu đều đã lên Face. Trong khi xài FB mình gặp và kết nối được với nhiều người quen mà trước đây không gặp ở Y360. Điều đó cho mình thấy khả năng kết nối của FB rất mạnh. Một điều cảm nhận nữa là có lẽ FB đang tạo ra được một phong trào hay lưu ở VN. Các hotblogger thì dùng FB để loan báo cho thiên hạ cập nhật bài viết mới trong trang chính của họ. Số khác cho rằng sẽ là Yplus vì đa số có phản xạ chuyển entry cũ qua Plus.

Hôm qua Mr.Paul Nguyễn có chia sẻ là Yume sắp tới sẽ tích hợp một số tính năng của Facebook. Còn theo mình được biết thì blogxalo đã có application chuyển blog từ Y36o qua Facebook (Tuấn có vài người đã xài app này và khen chứ bản thân chưa xài). Điều đó cho thấy rằng các mạng xã hội VN đang cố gắng hoàn thiện và thích ứng để lôi kéo người dùng sau cái chết chính thức của Yahoo!360.

ngonpham nói...

@Tuấn: Theo như một số người bạn beginner của mình thì hầu hết họ đều chọn 360 Plus, bởi chuyển sang các mạng khác thực sự quá phức tạp và họ cũng không biết chi tiết thế nào nên chuyển qua một giải pháp khác của Yahoo là bảo đảm nhất!

Còn dân viết blog chuyên nghiệp thì đồng ý với Tuấn là họ sẽ chuyển qua Blogspot/Wordpress, nhiều blogger chuyên nghiệp trước đó đã chọn giải pháp này.

Còn Facebook cũng sẽ là một hiện tượng như Tuấn nói, nhưng mình nghĩ nếu chọn giải pháp này thì bên cạnh đó người sử dụng sẽ chọn thêm một giải pháp khác, vd như mình chọn thêm Blogspot để viết blog.

Yume thì theo mình đánh giá có lợi thế nhất trong các mạng xã hội của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên như mình phân tích ở trên, họ vẫn sẽ đứng đằng sau 360 Plus và cũng có nhiều rủi ro trong tương lai bởi lượng khách hàng đa phần là teen.

Nặc danh nói...

Thuận xin bổ sung một số dịch vụ khác theo quan sát của Thuận:

Dịch vụ blog cho dân trí thức: vnweblogs.com: nhạc sĩ, bác sĩ, nhà văn, nhà thơ,nhà phê bình... đây là một dịch vụ ít người dùng nhưng độ trung thành và chất lượng bài viết cực cao.

blog.com.vn: một dịch vụ cũng được teen nhà mình sử dụng.

Nói chung những dịch mà Ngôn điểm danh đều có tiềm lực kinh tế và sự hậu thuẫn của các công ty lớn. Tuy nhiên, mạng xã hội Việt Nam bị xé lẻ quá nhiều bởi hàng tá các công ty lớn, nhỏ, nhóm, tổ chức, cá nhân,... Hầu hết các bài viết review về mạng xã hội Việt Nam chỉ xoay quanh các dịch vụ mà Ngôn đã điểm danh, đó là khiếm khuyết rất lớn. Xin được liệt kê một loạt những mạng mà người ta hay bỏ quên như:

FPT 1280, 9kute, VTC zooz , chuyendong, guongmat, loveme, muctim, Mycity, vnnblog, vinafriend, yousecond, yeublog, blogtiengviet, mylife, ngoisaoblog, sky, vnspace, traitim, phunu, truongxua,....

Khi review cũng nên lướt qua chúng để thấy sự "sôi động" trong dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Hầu hết chúng đều na ná như nhau, dẫm chân lên nhau và tranh giành một miếng bánh không mấy triển vọng cho mình. Một nguyên nhân giải thích cho việc này là "hàm lượng sáng tạo" của dân công nghệ Việt Nam quá thấp. Thị trường chưa đủ lớn trong khi cạnh tranh từ bên trong và bên ngoài khiến dịch vụ blog và mạng xã hội trở lên loạn, vô cùng loạn. Nhìn tổng thể mà nói, kể cả Yahoo 360 có chết đi thì cũng khó có một dịch vụ nào bứt phá lên được. Quan sát từ moom.vn, xu hướng bình dân chuyển sang 360 Plus khá nhiều. Yume sau một hồi đình đám bằng PR đang có chiều hướng lắng. Timnhanh dường như khó lòng tìm lại thời hoàng kim.

ngonpham nói...

Đúng như Thuận nói, còn rất nhiều mạng xã hội khác, nhưng thực sự để liệt kê và review các mạng xã hội này chắc chết luôn mất, với lại người đọc có lẽ đa phần chỉ thích theo dõi những tên tuổi lớn thôi ;))

Đồng ý với Thuận ở việc chúng ta đang có rất nhiều mạng xã hội trong một thị trường quá bé. Điều này thực sự sẽ làm mọi người dần chuyển sang các MXH nước ngoài, nơi có cộng đồng lớn cũng như chất lượng dịch vụ tốt hơn!

À, sao không dùng Moom.vn để phục vụ cho việc điều tra nhỉ, ít ra trước mắt làm cái survey về tình trạng các mạng xã hội hiện tại :p

Nặc danh nói...

Qua entry này đây là lần đầu tiên em biết đến cyvee. Chưa dùng thử nhưng xem qua thì quả là có chất lượng nổi bật hơn hẳn so với các sp khác. Có cảm giác Cyvee sẽ thành công trg tương lai nhưng hẳn là chưa phải bây giờ nhất là khi thế hệ giới "chuyên gia" mà cyvee phục vụ ko có thói quen cũng như thời gian sử dụng các dịch vụ mạng. Em nghĩ rằng vào thời điểm thích hợp và một chiến dịch marketing thích hợp cyvee sẽ rất có triển vọng. Một điều em ko thích ở cyvee cũng như rất nhiều sp khác của VN là đi vào quảng cáo quá sớm và quá chướng mắt, trước khi lấy được lượng khách hàng đủ mạnh.

Xu hướng lâu dài cho bài toán mạng XH? Có lẽ sẽ là sự chuyên biệt hoá. Nó đã và đang nhen nhúm ngay cả trg giới ng sử dung trên trung bình (ko làm trg ngành CNTT nhưng sử dụng thành thạo các dịch vụ mạng). Ngta sẽ dùng facebook để kết nối, chia sẻ ảnh, cập nhật và giao lưu nhanh (facebook mạnh nhất ở những chức năng này). Ngta sẽ dùng wordpress và blogspot cho mục đích viết vốn có của blogging. Ngta sẽ dùng youtube/clip.vn để chia sẻ video. Linkedin (/cyvee?) cho mục đích quan hệ công việc. Xu hướng này sẽ ngày càng phát triển cùng với sự phát triển vốn có của tri thức toàn xã hội. Nó sẽ đặc biệt mạnh trong giới hậu teen và teen thích làm người lớn.

Còn với giới teen? Em rất thích cách nói của anh Tuấn về "giới hình thức". Giới teen cần một dịch vụ qua đó có thể "bộc lộ bản thân" một cách đa dạng chứ ko phải là một trong những dịch vụ chuyên biệt nói trên. Cyworld là một ý tưởng tốt nhưng vẫn chưa đủ tốt. Có cảm tưởng rằng chỉ cần một chút sáng tạo, một cty VN sẽ có được 1 sp dịch vụ mạng thực sự thân thiện với giới này, nếu hiểu rõ nhu cầu, sở thích và thói quen sử dụng mạng của họ.

Em lấy ví dụ, một đặc điểm sẽ hấp dẫn với teens là khả năng "chia nhóm". Teens sẽ ko thích mình là một cá thể độc lập giữa toàn XH. Họ sẽ muốn là thành viên của một tổ chức nào đó. Game online VLTK nổi cũng vì nó có một số bang phái nhất định.

Nặc danh nói...

À mà đó là vấn đề đường lối, còn về thực thi, các cty VN đều mắc chung 2 sai lầm là chất luợng cẩu thả và kiếm tiền nhỏ lẻ quá sớm.

ngonpham nói...

@serivn: Đúng như em nói mỗi mạng xã hội đều sẽ hướng đến một mục đích khác nhau. Vấn đề khó cho các MXH VN là hầu như ở bất kì lĩnh vực nào, họ đều gặp những đối thủ quốc tế lớn và chuyên biệt như: Yume/360Plus, Cyvee/Linkedin... Ngoài ra khi thị trường VN còn nhỏ mà lại có quá nhiều đối thủ thì càng làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn nữa.

Còn về vấn đề chất lượng cẩu thả thì đúng như em nói. Tuy nhiên về kiếm tiền thì anh cũng nghĩ là nên làm bởi trước sau gì cũng phải làm, dù sao cũng đỡ hơn là ngồi mãi đốt tiền như thế ;)

Nặc danh nói...

Cái này thì em có ý kiến về mặt quy trình đối với các startup dùng tiền đầu tư. Họ thường lãng phí rất nhiều một cách vô ích trước khi hoàn thiện về mặt công nghệ. Nếu họ có thể tối ưu và tinh giảm hơn thì có lẽ gánh nặng kiếm tiền sẽ không đẩy họ vào tình thế làm những việc trái với lợi ích lâu dài.

aaaaa nói...

Ngôn hiểu sai ý Thuận rồi. Nghĩa là ở cuối bài, Ngôn điểm danh lướt chứ không phải phân tích. Những mạng xã hội như Ngôn đề cập thì có nhiều cái chỉ lớn ở khía cạnh "thương hiệu". Chất lượng và số lượng người dùng chưa tương xứng.

moom.vn không có ý định tung ra các điều tra mặc dù chúng ta có được những số liệu tương đối để đánh giá. Trước mắt Moom.vn chỉ tập trung vào công nghệ.

ngonpham nói...

@serivn: Hihi, a thì nghĩ đôi lúc tự nhiên có một số tiền lớn trong tay lại phải tiêu theo đúng quy trình mà mình đề ra nên không còn cách nào khác là phải ...đốt thôi em à. Nhiều công ty tiêu xong mà vẫn chưa kiếm đủ doanh thu bù chi phí thì chắc phải đi kiếm thêm hoặc là buộc phải dừng lại sản phẩm ;)

@Thuan: À, okie, Ngôn hiểu rồi. Đúng là nhờ Thuận kể mới biết thêm một số cái :D. Còn việc về điều tra thì Ngôn nghĩ vẫn cứ nên chứ, ít ra tạo thương hiệu để mọi người biết đến mình, chứng tỏ mình cũng có ích, sau này nếu đi kiếm đầu tư sẽ dễ hơn ;))

vietutd nói...

Anh vẫn nghĩ IT đang là một nghề rất hay và rất hot ở Việt Nam. Nhưng đọc những bài viết của Ngôn anh nhận ra dân trong nghề có vẻ cũng đang rất trăn trở. Về một khía cạnh nào đó anh cảm nhận được điều đó, vì anh làm khoa học, một khu vực còn nhiều trăn trở hơn nữa.
Anh cũng nhận thấy rằng, dù Ngôn chia sẻ nhiều thông tin; nhưng một số anh em khác lại thích rủ Ngôn đi café nói chuyện riêng hơn. Cũng phải thôi, vẫn nói được chuyện mà lại tránh được tai bay vạ gió giấy trắng mực đen.
Nhưng qua đó mới thấy tinh thần chia sẻ, dám nói ra quan điểm của mình của Ngôn.
Có thế mới có nhiều người mời mình đi uống cafe Ngôn nhỉ. :D

ITCenter nói...

Đợi bài của Ngôn Phạm bao giờ cũng thấy lâu. Thanks!

aaaaa nói...

Cái tiếp thị đầu tiên của Headvances chính là công nghệ cơ Ngôn. Đơn giản vì moom.vn chỉ là demo nên có làm một báo cáo đó cũng chả để làm gì. Thuận và anh Tuấn sẽ viết về lĩnh vực Search tiếp thị cho giải pháp công nghệ và con người. Rất may là thời gian gần đây, Headvances đã bắt đầu được chú ý, phù hợp với lộ trình phát triển. Có thể Headvances sẽ chọn một hướng đi rất khác.

ngonpham nói...

@vietutd: Vâng, em cũng đồng ý với anh là ngành nào cũng có cái riêng của nó. Thực sự đôi lúc em cũng muốn bỏ quách cái ngành IT bạc bẽo này, nhưng nghĩ lại thì thấy ai mà cũng như mình thì đất nước này chắc loạn hết. Còn về vấn đề viết bài này thì đúng như anh nói, thực ra đôi lúc cũng áp lực lắm, người khen người chê, nhiều người không hiểu đôi lúc lại nói xấu mình. Nhưng thôi, chỉ mong chia sẻ với những thế hệ đàn em đi sau, tránh những sai lầm của thế hệ đi trước

@ITCenter: Hihi, tại bài này dài quá, phải bỏ sức đi nghe ngóng nhiều ^_^

@Thuan: Cheer, những bài Thuận viết về search đúng là rất sắc. Cần tiếp tục phát huy tối đa! Thực sự Ngôn vẫn có một cảm nhận Moom.vn có một tiềm năng gì đó rất lớn, có thể là ở cách phát triển có một nét tương đồng với những gì Ngôn nghĩ trước đây. Dù gì đi nữa, thì cũng rất mong Moom.vn sẽ thành công ;)

Nặc danh nói...

Cám ơn Ngôn!

Tin vui là moom.vn đang được nhiều "đại gia" quan tâm và và đặt mối "quan hệ". Tụi Thuận không dám tuyên bố này tuyên bố nọ, nhưng khi làm moom.vn sẽ theo dõi và nghiên cứu thật kỹ từng bước đi của các công ty làm Search cả ở Việt Nam và thế giới.

Hiện tại, moom.vn sắp chạm ngưỡng 2tr dữ liệu sạch/ngày với một cơ sở mà chắc nói ra Ngôn cũng không thể ngờ là nó kém như vậy. Bản moom.vn chỉ là demo chạy trên một con server giá 1000 đồng Mỹ kim. Tụi Thuận đang thử nghiệm một phiên bản khác chạy trên Hadoop, nó ngon lành phết.

À, comment trên blog của Ngôn rất khó, đổi template đi.

No Thing nói...

Hi Ngôn, bài phân tích của bạn khá ấn tượng, Tgian gần đây mình có tham gia một số Offline của mạng này: http://www.veer.vn: Veer - Việt Nam. Mạng này hướng tới đối tượng là Seller & Doanh nhân của Doanh nghiệp, đề cao offline và hoạt động kết nối.... đây là ý tưởng không mới nhưng nó hướng tới chất thật và kết nối thực sự cho member,Hy vọng có thể tạo ra một Social Network đột phá cho 2.0 Việt Nam

Viet Blogger nói...

Bên mình cũng có thử nghiệm dịch vụ Blog miễn phí tại http://vnbloggers.com.
Không định huớng to tát cạnh tranh với các đại gia , bên mình chỉ cung cấp dịch vụ cho đối Blogger muốn có một không gian yên tĩnh, tập trung vào bài viết. Mời bác Ngôn ghé thăm cho vui.

abc nói...

test phat cái comment này hay quá

Nặc danh nói...

minh chua co doc het cac comments, nhung noi ngan gon web2.0 vietnam kg thanh cong lam la` vi`: khong co su khac biet, chi la` copy lai tren the' gioi, den co' 1 thuat ngu la` copy2china (trung quoc cung lam vay), bay gio la` copy2vietnam
vd: cyvee (linkedin); thodia, etc. (yahoo, google, etc.), etc.

Thanh Mai nói...

Một bài viết rất hay. Rất vui được ghé thăm web của bạn và làm quen với bạn.

Host1Plus nói...

Thực tình mà nói, để các mạg xã hội việt nam phát triển là rất khó để cạnh trnah với các đại gia về mạng xã hội ảo quốc tế, với việc họ chỉ cần thêm lang viêt nữa với đầy đủ chức năng có sẵn, ai sẽ chọn ai đó cũng là điều dễ hiểu

kitty nói...

Thế mấy trang của VC như:
http://linkhay.com clone của digg
Tratu.vn trang từ điển trực tuyến tốt, có tiềm năng phát triển cộng đồng đấy chứ nhỉ!

sapacool nói...

Bạn chọn template nào mà ấn tượng vậy ? Share giùm đi.
Cám ơn trước nhé.

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More