Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Làm giàu từ công nghệ ở Việt Nam?



Dạo này có thời gian rảnh rỗi nên tôi có cơ hội đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều bạn bè trong giới công nghệ cũng như bạn bè cũ đã từng có thời gian học chung trước đây. Nhìn lại mới đó mà đã bảy năm kể từ ngày tôi chính thức bước vào con đường Công nghệ thông tin. Suốt thời gian đó tôi gần như bị cuốn vào cuộc đua công nghệ mà quên hết mọi thứ xung quanh. Giờ có thời gian rảnh ngồi chiêm nghiệm lại mới ngẫm ra được nhiều điều. Có nhiều thứ rất đỗi bình thường trong cuộc sống nhưng lại bắt đầu trở nên lạ lẫm đối với những con người công nghệ như tôi.

Sự chênh lệch "giàu nghèo"

Tôi vẫn nhớ hồi đó những người học trong lĩnh vực tự nhiên như Toán, Lý, Tin... như chúng tôi đều là những ứng cử viên sáng giá nhất trong mắt mọi người, đều nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ. Rồi đa phần đều thi vào những ngành triển vọng như CNTT, viễn thông... Nhưng rồi bây giờ lại trở thành những nhân viên bình thường, yếu về khả năng giao tiếp, suốt ngày ngồi làm việc trong phòng kín gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và đều đặn hàng tháng lãnh một mức lương không tệ nhưng so với một số ngành tiềm năng khác thì có thể nói là ba cọc ba đồng.

Trong khi những người học trong những ngành xã hội thường được xem là những ngành ít quan trọng hơn, dở hơn (mỗi lần cứ tới kiểm tra môn tự nhiên là phải tới lui "nhờ vả" những người như chúng tôi :x), sau này cũng thi vào những ngành bình thường như kinh tế, ngoại thương... Sau khi ra trường xuất phát điểm họ cũng thấp hơn, nhưng với một số người khéo léo biết trau chuốt kinh nghiệm sống và từng bước tăng cường khả năng giao tiếp với bên ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đi lên rất nhanh... Một số người đã đạt mức lương cao ngang ngửa với PM trong các công ty gia công phần mềm, còn những người siêu hơn trong lĩnh vực ngoại thương xuất nhập khẩu thì họ đã có đủ tiền để mua nhà và xe hơi. Trong tình hình Việt Nam là một đất nước đang phát triển như hiện nay thì tôi tin khoảng cách "giàu nghèo" này sẽ còn ngày một gia tăng hơn nữa.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là tôi "bất mãn" với ngành CNTT hiện tại mình đang theo đuổi ;), bởi tôi hiểu mỗi ngành đều có giá trị của riêng nó. Nhưng thực sự tôi nghĩ một người làm trong lĩnh vực CNTT chỉ thực sự có giá trị khi anh ta phải quên đi qua ánh hào quang CNTT mà những người trong ngành vẫn hay ảo tưởng ;)), hòa nhập với cuộc sống để hiểu cuộc sống xung quanh thực sự đang mong muốn điều gì, giao tiếp với những con người trong thế giới thật để hiểu được sứ mệnh của mình nằm ở đâu trong chuỗi mắt xích phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Còn không thì những con người CNTT như chúng tôi vẫn sẽ mãi chìm trong thế giới ảo và dần sẽ có một cảm giác lạc lõng như bị bỏ rơi trong sự phát triển như vũ bão của xã hội VN ngày nay.

Làm giàu ở VN thì phải "con buôn"?

Trước một viễn cảnh khá u ám của các dot-com Việt Nam hiện nay, tôi cũng đã quyết định đi "thỉnh giáo" một số sư huynh thành đạt ở Việt Nam bên các lĩnh vực khác để xem liệu có những lối ra nào cho lĩnh vực này. Cũng có khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng tựu trung lại thì có vẻ như là: Em muốn làm giàu ở Việt Nam thì đôi lúc cũng phải ...con buôn một tí :">. Tôi cũng chả biết giải thích từ con buôn thế nào nên nêu một số ví dụ minh họa hơi liên quan:

1. Công ty tôi làm ra một ứng dụng Internet giáo dục rất tốt và với sản phẩm này mọi học sinh, sinh viên Việt Nam đều có thể cơ hội học tập bình đẳng, tiếp xúc với một kho dữ liệu tri thức ngang nhau. Nghe thì ai cũng đồng ý rất hữu ích, nhưng rốt cục nó cũng chỉ đóng vai trò phụ trợ. Người dùng Việt Nam vẫn thích một môi trường học thật và quan trọng là học xong phải có "bằng cấp" và cơ hội. Và rõ ràng bài toán này là một bài toán thực tế cuộc sống, cách giải quyết đòi hỏi phải khéo léo từ kinh nghiệm từng trải, không thể trông đợi vào công nghệ.

2. Công ty tôi làm một site thương mại điện tử, bảo đảm mọi người tham gia sẽ giao dịch dễ dàng và thuận tiện. Nghe cũng có vẻ hay nhưng với thực tế xã hôi Việt Nam hầu hết đều là buôn bán nhỏ lẻ và tìm cách lách thuế thì rất ít người muốn minh bạch công khai. Giao dịch trực tiếp vẫn là cách tốt nhất, không phải tốn phí giao dịch, đôi khi gặp mặt trực tiếp nói chuyện tình cảm còn mặc cả bớt được thêm chút đỉnh ;))

3. Công ty tôi làm một ứng dụng Internet rất hay, mọi ý tưởng đều hoàn hảo và kỳ vọng sẽ bán được hàng. Nhưng có thể đó chỉ mới là chúng tôi nghĩ và thực tế khả năng thất bại là rất cao. Trong khi đó cũng với công sức đó, chúng tôi làm một ứng dụng demo không tốn nhiều sức lực, rồi dựa trên mối quan hệ đi tìm cách ..."gạ" một đại gia lắm tiền trong lĩnh vực đó đầu tư. Lý lẽ thuyết phục là nếu đầu tư tiền vào đây thì với kinh nghiệm của anh, cộng với năng lực của em thì khả năng thành công là rất cao. Mọi việc có vẻ rất bất ổn nhưng đôi lúc giả lại thành thật. Không ít công ty ở VN đã thành công bằng cách này.

Tựu trung lại thì làm giàu ở Việt Nam dù trong bất kì lĩnh vực nào có lẽ cũng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống cũng như các mối quan hệ khác nhau, cộng với tính "con buôn" nữa. Điều này có vẻ khá sốc đối với một người thuần túy về công nghệ như tôi trước đây, nhưng thực sự chúng ta không thể nhìn theo mô hình thành công của các công ty như như Google, Microsoft..., nơi có những văn hóa rất khác biệt so với chúng ta. Ở Việt Nam thì phải "chơi kiểu" Việt Nam. Nghĩ tới đây có vẻ tôi cũng đã bắt đầu "con buôn" hơn rồi nhỉ ^_^

Đến bao giờ mới có một "Google của Việt Nam"?

(Hiểu theo nghĩa công ty này sẽ có được những đột phá về mặt công nghệ, chiếm lĩnh một mảng lớn thị trường trong nước với những sản phẩm đậm chất nghiên cứu táo bạo và từng bước vươn ra thị trường bên ngoài)


Đó là câu hỏi mà tôi luôn đi tìm kiếm câu trả lời trong suốt ba năm nay. Trong suy nghĩ của mình, tôi không quan trọng việc công ty đó sẽ là của mình hay là một ai đó, chỉ cần có thể là một thành viên góp phần vào sự phát triển của công ty như vậy cũng đã là một niềm tự hào rồi. Nhưng thực tế sau nhiều năm lăn lội, tôi vẫn chưa thấy một triển vọng cho điều này trong một tương lai gần. Vì sao ư?

1. Thị trường Internet Việt Nam vẫn còn quá nhỏ

Hầu hết các công ty công nghệ đều phải nắm được một thị phần rất chắc và đủ lớn trước khi có thể vươn ra xa hơn. Ở Việt Nam thì hiện tại vẫn chưa có công ty nào hội đủ yếu tố này. Ngay cả thành công như Vinagame vẫn chưa được xem là đủ khi thị trường online game dần bão hòa, sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cũng như hướng đi của họ khó lòng vươn ra bên ngoài.

2. Trình độ nhân lực kém

Vấn đề này thì có lẽ mọi người trong ngành đều đã hiểu rõ. Ngoài ra khả năng tập trung của người Việt Nam còn rất hạn chế, cũng dễ hiểu khi đa phần đều bị chi phối bởi những lý do cá nhân như: gia đình, bạn bè, lương bổng, nhà cửa...

3. Khả năng liên kết giữa những người giỏi hạn chế

Ở Việt Nam thực sự không có nhiều người giỏi với khả năng lãnh đạo tầm cao. Và thực sự khả năng liên kết giữa những con người này với nhau còn rất hạn chế, hầu hết đều khó có thể sống chung trong một môi trường và dần phải tách ra. Có lẽ do một số yếu tố về văn hóa cũng như chúng ta không được trang bị những cơ chế để làm việc hợp tác hiệu quả như ở các nước khác.

Một dẫn chứng rõ ràng là hãy nhìn thử vào các công ty dot-com VN hiện nay, gần như số công ty có được 3 người thực sự giỏi làm việc đoàn kết trở nên có thể nói là rất rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và các công ty này đa phần cũng chỉ chăm vào sản phẩm và thị trường mà ít chú trọng với việc làm sao để mở rộng đội ngũ nhân sự cấp cao của mình.

4. Môi trường vĩ mô thiếu cơ chế hỗ trợ

Mỹ có những Microsoft, Google... bởi một phần họ có những cơ chế cho những cá nhân xuất sắc tự xây dựng đế chế của riêng mình và thực sự chính phủ của họ có nỗ lực để khuyến khích đẩy mạnh nhưng ngành như vậy. Còn ở Việt Nam thì mọi thứ đều phải nằm dưới sự khống chế của nhà nước, không ai thích nếu bạn muốn làm một cái gì đó lớn (điều tôi nghe từ một nhóm người kinh doanh nước ngoài).

Về mặt CNTT thì thực sự chính phủ cũng không mặn mà với các công ty Internet hiện nay, có thì tốt mà không có cũng chả sao. Bởi điều mà VN cần quan tâm hiện nay là đẩy mạnh tin học hóa bộ máy quản lý nhà nước và xây dựng đội ngũ hùng hậu gia công cho nước ngoài. Đây là quan điểm tôi cũng đồng tình, có lẽ vấn đề mâu thuẫn nằm ở chỗ chúng tôi, những người làm CNTT được đào tạo để làm điều đó mà lại ...không hiểu điều đó. Thấy chán trong lĩnh vực này nên muốn làm một cái gì đó lớn lao hơn, kết cục là va vào rất nhiều chướng ngại và rào cản.


Trước tình hình như vậy thì trong bức tranh chung CNTT và kinh tế VN khá tươi sáng thì viễn cảnh cho những cá nhân theo ngành này chẳng hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên tôi tin là vẫn có những hướng ra triển vọng cho những người như chúng tôi. Vấn đề là tôi buộc phải thay đổi để đặt mình lại đúng vị trí cho phù hợp với sự phát triển tốc độ của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và quay trở lại vấn đề này sau loạt bài về các dot-com Việt Nam ;)

74 nhận xét:

Hoàng Phúc nói...

Bài nay đọc rất hay! Thanks anh Ngôn

ITCenter nói...

Càng ngày càng ngưỡng mộ Phạm Ngôn! Ngoại trừ việc để độc giả chờ "hơi lâu" !*-*!

abetterday nói...

Đường xá xấu mua ô tô đẹp đi làm gì cho phí hả anh..

ngonpham nói...

@Phúc: Nghe em nói thấy cũng "sướng" ghê ;))
@ITCenter: Hihi, viết bài thì cũng phải đi khảo sát thực tế cho nó chính xác xíu, chứ không dễ bị ...đập lắm ^_^
@abetterday: Hihi, thì chạy ở những khu ngon ngon như Phú Mỹ Hưng thôi em, chạy vô Q1 chi cho tắc đường :D

Mr. Giải Pháp Số nói...

Bài viết hay quá bác Ngôn ạ!

* Trao đổi liên kết với Blog của mình nhé!

vietutd nói...

Trong một buổi học thầy giáo anh nói:
Người Nhật bài học đầu tiên dạy trẻ con đại khái thế này: "Đất nước ta tài nguyên thiên nhiên chẳng có gì, vì vậy các em phải học thật giỏi để xây dựng đất nước và kiếm sống".
Còn ở Việt Nam, anh em ta ai cũng nhớ mãi một câu: "Đất nước ta rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu"... lắm vàng nhiều bạc thế thì việc gì phải phấn đấu, lại thêm bệnh đi đâu cũng nhận người Việt Nam giỏi nhất.
Tất cả chúng ta chưa chịu đối mặt với sự thật, chưa biết mình đang đứng ở khúc nào của thế giới, thì làm sao biết nên tiến hay nên lùi... còn nói gì đến chuyện phát triển...

vietutd nói...

Lại còn chuyện này nữa: "đi trước đón đầu"
Anh em thử tưởng tượng thế này: Các nước phát triển như một chiếc Ferrari công thức một đang băng băng trên một con đường thẳng tắp. Còn Việt Nam ta như một chiếc com măng ca (hay u át gì đó) cũ nát, chạy ậm ạch phía sau.
Thử hỏi mọi người phi vào bụi để đón đầu à?
Với tốc độ này thì không kịp để ngửi khói của họ...

vietutd nói...

Mong anh em đừng giận. Mình chỉ muốn nói ra những bức xúc, mà phần nhiều là những điều gần mình nhất, còn như trong ngành IT, mình cũng không hiểu cụ thể nó thế nào.

Nặc danh nói...

Ở VN mình, có 3 thứ đem lại sự giàu sang: chung chi - bán lẻ - đầu cơ bất động sản. Không làm được những thứ này thì đủ sống là tốt rồi bạn cùng khóa ĐHBK của tôi ^^

Nặc danh nói...

Đúng ra bạn phải nhận ra điều này từ lúc bạn ngồi ở giản đường Đại Học mới đúng chứ nhỉ.

Unknown nói...

Em đang là sinh viên công nghệ thông tin.Đọc thấy nản quá !.

Unknown nói...

đọc bài này tôi xin có vài điều muốn nói như sau:
1.Các cụ ta vẫn có câu:"phi thương bất phú" ,ngành gì cũng đều có thể giàu được kể cả làm công nhân vệ sinh.Điều chủ yếu là phải vận chuyên môn của mình như thế nào.
2.Ai trong ngành phần mềm cũng biết lập trình viên không được đánh giá cao trong công nghệ phần mềm. Nó được so sánh với anh thợ xây trong ngành xây dựng---> sao có thể giàu được nếu anh chỉ là lập trình viên
3.Về tầm nhìn thì nói chung những IT chuyên sẽ không thể bằng những CEO(phần lớn là học các ngành quản trị kinh tế)
4.Trên thế giới những Microsoft, google hay Intel cũng là do nhiều người hợp sức làm mà không phải chi có 1 billgate hay ai đó làm ra
5.Quan điểm của anh chỉ chứng tỏ 1 điều anh không thể làm việc lớn được
6.Tôi khẳng định mọi người đều có thể làm giàu từ ngành IT

Nặc danh nói...

Tôi đã từng làm giáo viên dạy tin, giờ thì cũng được gọi là it đấy,.. Việc cần làm thì làm, đường đi được thì đi, đễ xem mình đi được bao xa thôi, còn bạn chọn con đường nào cũng khó khăn cả, nguy và cơ luôn đi cùng với nhau mà,.. anh Ngôn thật hiểu chuyện,..

dichthuatviet nói...

Bài viết của anh rất hay. Tuy nhiên, theo em sống bằng nghề, yêu nghề và có đầu óc làm kinh tế chắc chắn sẽ khá.

Nặc danh nói...

Thầy giáo dạy Tin được coi là hơi bị chán nếu như chỉ dạy trên trường. Học ĐH Tin ra dạy như thế thì trình độ IT sẽ không phát triển bao nhiêu!!!

Nặc danh nói...

Bài viết quá hay, em ko biết nói gì hơn :"> Hy vọng báo Tuổi trẻ sẽ lại 1 lần nữa tìm đến a Ngôn để bài này đến tay dc với nhiều người. Có những ý kiến có vẻ như hiểu sai ý của a Ngôn (cho rằng a muốn nói là ko thể làm giàu từ ngành CNTT VN, trong khi cái a nêu ra trong bài viết chỉ là thực trạng và bài toán đặt ra), nhưng ít ra thì nó đã khiến cho ng đọc phải suy ngẫm, nhất là dân trong ngành.

ngonpham nói...

@Mr Giải Pháp Số: Đã đặt link và gửi email cho bác rồi ạ!

@vietutd: Cám ơn anh đã góp ý. Những câu chuyện tuy có làm người Việt mình hơi buồn nhưng thực sự nó là một lời cảnh tỉnh cho những lạc quan hơi thái quá của chúng ta về khả năng của mình

@Nặc danh: Bây giờ mới nhận ra, nhưng cái nghiệp công nghệ thì chắc khó mà thoát đi theo hướng đó được rồi :)

@Minh: Sao lại nản em, anh có nói là Đi theo CNTT thì không làm giàu được đâu, tại mọi người hiểu sai đó chứ ;)

@VuTrong: Anh cũng hiểu lộn ý Ngôn luôn. Ngôn có nói là đi theo IT thì không giàu được đâu ;))

@Nặc danh: Cám ơn anh đã chia sẻ :)

@dichthuatviet: Anh thì không dám chắc yêu nghề sẽ khá về kinh tế, nhưng nó sẽ đem lại cho mình niềm vui lớn nhất là luôn hài lòng với cuộc sống của mình ^_^

@Nặc danh: Sao bạn lại nói thế? Thầy giáo CNTT là những người có vai trò rất quan trọng. Họ đâu chỉ đi dạy không mà còn thời gian nghiên cứu trao dồi thêm công nghệ, và vẫn tiến bộ mà ;)

@serivn: Ừ, đúng là em cũng hiểu lộn ý anh luôn. Sẽ còn phần 2 giải đáp nữa mà :). À, báo Tuổi Trẻ lấy đăng lại rồi đó em, nhưng cắt hết một nửa mấy phần nhạy cảm :D

Nặc danh nói...

Anh Ngôn viết bài này làm mất tinh thần của SV CNTT quá. Tôi được biết là anh rất giỏi, anh đã từng làm PM cho một công ty phần mềm khi mới ra trường không lâu.

Theo tôi nghĩ sau khi tốt nghiệp, để thành công trong công việc thì kiến thức chuyên ngành chưa đủ. Trong thời gian gần đây, các trường đại học cũng ý thức và tạo điều kiện cho SV rèn luyện các kỹ năng mềm. Việc chúng ta làm giàu được hay không còn do nỗ lực rèn luyện của bản thân và cả may mắn nữa.

Số lượng SV làm giàu trong các ngành kinh tế, xã hội anh đã đề cập có nhiều không. Trong vài ngàn SV tốt nghiệp ngành Kinh tế và Xã hội thì có bao nhiêu % làm giàu được như anh nói.

Môi trường Việt Nam chưa thật thuận lợi cho ngành công nghiệp PM. Chúng ta hay hy vọng trong tương lai tình hình sẽ khả quan hơn.

Nặc danh nói...

Đọc bài này, tôi thấy sao giống suy nghĩ của tôi quá. 10 năm trước đây, bản thân tôi vừa là SV Bách Khoa-CNTT, vừa là SV kinh tế-QTKD. Vì vậy, tôi thấy rất rõ những nghịch lý sau:
1. SV tin học thi đầu vào rất khó, toàn là những bậc anh tài, giỏi giang mới vào được ngành tin. Còn dân kinh tế không tệ, nhưng không cần quá xuất sắc như SV tin học
2. SV tin học phải học rất nhiều, đọc sách rất nhiều và phải liên tục cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ. Nói chung là rất khổ sở trong việc học. Còn học bên Kinh tế, tôi chẳng cần lên lớp nhiều. Gần thi thì kiếm sách và photo tập để đọc, cuối kỳ vẫn đậu.
3. Ra trường, ban đầu dân CNTT có lương khởi điểm cao hơn. Nhưng càng về sau, lương tăng ít, không bằng dân Kinh tế. Ngoài ra, dân kinh tế còn có những nguồn thu nhập ngoài luồng khác, mà thực tế là rất lớn. Cơ hội phát triển cũng nhiều hơn do giao tiếp với nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Như bạn gái tôi cùng học bên Kinh tế, lương bây giờ bằng tôi (tôi hiện giờ làm IT), nhưng những khoản hoa hồng, tiền phí,..thì nhiều không thể nào tả hết

Bản thân tôi cũng đã nhìn ra điều này từ khi còn đi học nên đã cố gắng học cùng lúc 2 trường dù rất cực. Bây giờ, tôi lại chọn làm IT cho công ty chứng khoán nên có phần hưởng lợi từ "đi buôn". Nhiều khi TT chứng khoán lên, 1 ngày trade CK, tôi có thể kiếm tiền = 1 năm làm IT đấy. Dĩ nhiên là không có việc dễ dàng kiếm tiền như thế. Cả tôi và bạn gái tôi phải học hỏi và trải qua thăng trầm mới được như vậy. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần làm IT, cho dù có cố gắng mấy mà bạn không có quan hệ tốt với khách hàng, không "buôn" mà chỉ suốt ngày code - học hỏi và lại code thì liệu sự cố gắng ấy có mang lại thành quả xứng đáng không ?
Đôi lời cùng các thế hệ IT sau này. Cũng rất cám ơn Bác chủ blog đã đưa vấn đề rất hay này lên cho mọi người cùng suy ngẫm.
Tuấn Lê

Một Trăm Độ nói...

Bài viết hay quá, Một Trăm Độ xin được trân trọng đăng bài này lên Tiêu Điểm anh Ngôn nhé.

Nặc danh nói...

Em là em rất đam mê IT, anh nói thế này thì em thấy ghê quá =)). Nhưng dù sao em vẫn sẽ theo đuổi vì nó mang lại niềm vui cho bản thân :D

Nặc danh nói...

Làm gì có nghề nào giàu? Tùy mỗi người thôi. Nếu bạn được như Trương Gia Bình thi thu xem.
Còn thường thường thi những người làm ERP như toi 1 tháng kiếm 60trieu ay

Trương Duy Linh nói...

Đừng gọi là con buôn, nghe nó phản cảm.
Muốn giầu thì phải Kinh tế.
Mà đầu óc kinh doanh phải có tử tưởng định hướng khách hàng.

"Mồi câu phải hợp với khẩu vị của cá, chứ không phải khẩu vị của người đi câu"

Nặc danh nói...

Qua bài viết này chứng tỏ bạn đang trăn trở với bài toán làm giàu. Đó là mong ước chính đáng nhưng tiếc rằng nó sẽ chẳng bao giờ có lối thoát nếu như chúng ta cứ sống và làm việc như thế này. Hãy mạnh dạn thay đổi bạn a! Lập doanh nghiệp chẳng hạn??!!

Nặc danh nói...

Làm phần mềm 7 năm rồi mà còn có vẻ hơi hướng than vãn về nghề nghiệp thế này thì cũng hơi lạ nhỉ :). Cảm tưởng như chính tác giả cũng mang ảo tưởng là CNTT là một ngành gì đó cao siêu và cũng chỉ thích hợp cho dân cao siêu không kém là Toán, Tin... hehehe, đấy là ảo tưởng lớn nhất của nghề này thì phải :D.

Nghề nào thì cũng cần tố chất của từng người và phải chăm chỉ làm việc (tất nhiên là có yếu tố may mắn nữa thì càng thích :D). Chứ còn làm một nghề rồi xong lại than là nó không giúp mình giàu có, nổi tiếng bằng một nghề xyz nào đó thì dễ quá, kiểu ông bà ta hay nói là đứng núi này trông núi nọ thôi :).

Nặc danh nói...

Khổ thân a Ngôn sao nhiều người hiểu sai và chỉ trích thế nhỉ :D Cứ cho là em cũng hiểu sai nhưng ít ra thì em không chỉ trích :D

ngonpham nói...

@Nặc danh: "Anh Ngôn viết bài này làm mất tinh thần của SV CNTT quá..." - Có lẽ bạn cũng hiểu lầm mình luôn, mình đâu có nói là làm CNTT thì không thể giàu :)

@Nặc danh: "Đọc bài này, tôi thấy sao giống suy nghĩ của tôi quá..." Cám ơn anh đã chia sẻ những kinh nghiệm rất thực tiễn của mình. Thực sự hướng đi của anh là một trong những con đường rất hay để thế hệ SV đàn em đi theo. CNTT phải luôn đi liền với những nhu cầu thực tiễn thì mới có thể phát huy được những lợi ích cụ thể cho bản thân mình cũng như xã hội. Một lần nữa chân thành cảm ơn anh ;)

@Một Trăm Độ: Thanks vì đã tin tưởng bài viết của mình ^_^

@Ken VN: Có gì mà ghê, đam mê đã là một niềm vui lớn. Chỉ cần đúc kết thêm kinh nghiệm sai lầm từ thế hệ đi trước như bọn a thì e sẽ dễ thành công hơn, đúng không ;)

@thu: Bái phục. Bạn có công việc nào tương tự thế không, cho mình ...ké với ;))

@Linh: "Mồi câu phải hợp với khẩu vị của cá, chứ không phải khẩu vị của người đi câu" - Câu nói rất hay!

@Nặc danh: Thử đọc các bài viết về khởi nghiệp của mình nhé ;)

@tiendq: Ừ, nên mình mới đang phải cố thoát khỏi ảo tưởng đây này :D

@serivn: Hihi, cám ơn em nhé! Chừng nào còn những người đọc hiểu và chia sẻ như em, thì chừng đó anh vẫn còn viết bài :)

Nặc danh nói...

Em nghĩ rằng để viết một bài như thế này không phải là điều đơn giản, nếu xét cả thời gian và công sức bỏ ra để quan sát, trái nghiệm và suy nghĩ. Ở góc độ người đọc, em thu được giá trị không nhỏ từ các bài viết của anh, hoàn toàn free. Em phải cám ơn a mới đúng!

Em có thể thấy anh là người suy nghĩ rất khách quan và rất mở, mặc dù anh làm về công nghệ và môi trường mà anh tiếp xúc, như anh đã nói và em hoàn toàn đồng ý, rất dễ làm ngta ảo tưởng. Em không ngạc nhiên về điều này vì em đoán có lẽ anh đã tự mình mở rộng tầm nhìn ra nhiều nơi với nhiều luồng tư tưỏng.

Thực ra điều làm em ngạc nhiên nhất là sao anh lại có kỹ năng viết tốt đến vậy :-?

Nặc danh nói...

SHMILY : Cảm ơn anh Ngôn nhiều lắm !...em đã học BK 3 năm ,3 năm ,và giờ thì bỏ dở , em nghỉ học vì luôn ám ảnh và mơ hồ mình sẽ phải làm được điều gì đó cao siêu như Trí Tuệ Nhân Tạo chẳng hạn , 3 năm nếm trải quá nhiều thất bại ,và giờ thì em nghi ngờ chính mình ,ko còn nhiệt huyết như lúc quyết định nghỉ học Bách Khoa để học CNTT mà cụ thể là học về TTNT , hôm nay 13/06/2009 vậy là chỉ còn 20 ngày nữa ,em sẽ thi đại học để chọn 1 ngành .Em ko biết ...giờ mình muốn gì nữa ,sẽ học để nếm trải mùi vị ngành Trí tuệ nhân tạo( Học ĐH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HCM) hay thi vào Đại học Kinh Tế HCM ,EM chỉ nên sống cho bản thân hay còn vì những người thân nữa ,em biết những người theo nghiên cứu khoa học thì thường thất bại ,em có thể chị được ,nhưng người thân gia đình ,mọi người ko muốn thấy em thế ,học bên kinh tế và giúp đỡ gia đình ...em phải làm gì đây ! ...thân ái ! em chào anh Ngôn !

Nặc danh nói...

SHMILY : Nhìn tụi bạn năm 3 học ĐH CNTT _ĐHQG Tp.HCM , ah , em ở NINH BÌNH vào Nam học , khu trọ của em , toàn dân IT anh ạ , 9 thằng , năm 3 rồi ,có thằng chăm ,có thằng ăn ngủ xem phim ,chơi DoTa , thằng học chăm thì dạo này bị sốt suất huyết , em thi vào IT vì cũng có nó ,có thể học hỏi nhờ nó giúp nhiều , nó cũng có chí lắm anh Ngôn ạ , cũng hi vọng 1 ngày nào đó làm chuyện động trời trong ngành TTNT ! nhưng dạo này cũng thấy nó nản , nó ko nói ra nhưng trong lòng em hiểu nó muốn em ko học IT mà học Kinh tế , IT ko dễ ăn ! và làm được chuyện thì càng khó nữa ! cuộc sống nữa ai sẽ nuôi mãi cho mình ăn học ,phải tự lập thôi ! những tháng ngày qua ,rảnh mà anh ,em download hết sách nói về làm giàu ,cả Ebook và Audiobook về nghe , em thich làm giàu ,làm giàu để ko bị đồng tiền đeo bám ,làm khổ , nhưng đọc sách thì nó bảo tư tưởng làm giàu để thoat nghèo khổ thì chưa hay ,mà làm giàu vì thích làm giàu thôi mới tốt va bền ,bùn cười anh nhỉ ,hì !...Lau lắm rồi mới đọc được 1 bài viết nói đúng tâm tư mình , em vui lắm anh Ngôn ạ ,CẢM ƠN ANH ! CẢM ƠN ANH NHIỀU LẮM !

ngonpham nói...

@serivn: Cám ơn em vì đã khen tặng :). Còn về kỹ năng viết thì em thử đọc lại mấy bài anh từ hồi năm 2005 sẽ thấy dở lắm, viết nhiều thì khá lên thôi ;))

@SHMILY: Anh thì không khuyến khích em bỏ học đâu nhé! Thực sự vấn đề ở đây là em phải tự hỏi chính bản thân mình. Em có thực sự đam mê ngành CNTT hay không, có thể em chán Trí tuệ nhân tạo nhưng em đã thử tìm hiểu các lĩnh vực khác? Biết đâu sẽ có 1 cái em thực sự yêu thích thì sao. Còn nếu sau khi em tìm hiểu và vẫn thấy chán thì anh nghĩ hãy tìm cho mình một ngành khác mà em yêu thích hơn. CNTT rất khắc nghiệt và nó chỉ thích hợp cho những người đam mê thực sự, nên nếu em không đam mê, em sẽ mãi sống vật vờ và làm mình thêm khổ thôi. Thân ái :)

Nặc danh nói...

^^ Thực ra sau khi comment e đã đọc gần hết blog a rồi. Theo đó e càng ko ngạc nhiên khi a có tầm nhìn sâu rộng như vậy. Mà đúng là a viết lên tay rất nhanh ;))

E cũng có cách nhìn nhận về tác động từ gia đình đến bản thân như a trong "Sự may mắn". E cũng cảm nhận thấy người làm chuyên môn sẽ có thuận lợi hơn nhiều để có được một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.

Thậm chí e cũng có hoài bão điên rồ là lập cty có ích cho XH và đem lại tự do tài chính cho bản thân, rồi bán đi để có tiền ... tập võ rồi đi du lịch dã chiến. E cũng đi làm rồi được ko lâu thì bỏ vì những lý do giống như a. E cũng interview để xem cái cách mà ngta interview. Có lẽ điều làm e cảm thấy gần gũi nhất là cái cách mà a coi công việc và sự nghiệp chỉ như 1 trò chơi. A nhắc đến rất nhiều nx tiêu cực nhưng ko phải với 1 thái độ tiêu cực.

Thuong nói...

tôi không phải là dân IT nhưng tôi cũng đồng tình với bạn. tôi cũng giống như bạn. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều bạn nói đều đúng và nó xuất phát từ cơ chế của nhà nước ta hiện nay. Với cơ chế như thế này, không tham ô, tham nhũng thì chắc chẳng bao giờ có tiền để mua xe, mua nhà.....

Nặc danh nói...

Em có đọc bài viết của anh trên báo Tuổi Trẻ và đọc lại ở đây, thấy bị cắt đi những phần trót mang tiếng "nhạy cảm" ^^.
Anh chỉ nhận xét là khó làm giàu chứ không khẳng định điều gì là không thể, nhưng hình như nhiều bạn đang hiểu sai ý anh.
Để đạt được ước mơ, mục đích của mình, kiên trì cố gắng, tìm giải pháp vượt qua nghịch cảnh là đức tính cần thiết, nhưng cũng còn một yếu tố quan trọng là ta phải thực tế. Nền tảng xã hội xung quanh ta có gì, vì thế ta phải làm gì. Anh rất đồng tính với ý kiến là ở ta mún làm giàu bằng IT không thể theo con đường của Microsoft, Google...
Soft skills thì dĩ nhiên là quan trọng rồi. Nhưng sống ở VN thì bản thân cái định nghĩa soft skills cũng phải mở rộng ra để bao gồm những kiểu quan hệ chồng chéo, xin cho mà hiện nay ở VN vẫn còn, dù rằng có thể nó sẽ khá lên.
Tiếc vì anh không ở lại trường BK để các đàn em có dịp làm quen và học tập.
BKITer khóa 07.

Manh Nguyen nói...

Đọc hết blog anh Ngôn rồi. Hôm nay comment một phát để ủng hộ anh ;)
Đọc blog của anh em thấy anh như là một người đã và đang đi tìm một con đường,một giải pháp, một đường lối phát triển, học những tấm gương thành công từ Google,Yahoo,...
Em chúc anh sớm tìm ra nó. Việt Nam mình và IT Việt cần những người như anh.
Còn về bài viết trên của anh.em hoàn toàn ủng hộ.Ngành gì thì cũng cần có sự đam mê của người tham gia.Và :

Nhưng thực sự tôi nghĩ một người làm trong lĩnh vực CNTT chỉ thực sự có giá trị khi anh ta phải quên đi qua ánh hào quang CNTT mà những người trong ngành vẫn hay ảo tưởng ;)), hòa nhập với cuộc sống để hiểu cuộc sống xung quanh thực sự đang mong muốn điều gì

Nhưng em vẫn thích nhất phần Đến bao giờ mới có một "Google của Việt Nam"? em thấy đó là một câu hỏi cũng như một lời thách đố với giới IT Việt. Mà lời giải không biết bao giờ mới có.

Đợi bài viết tiếp theo của anh!

ngonpham nói...

@serivn: Nghe em nói anh thấy anh em mình có rất nhiều điểm tương đồng ^_^. Không dễ gì kiếm được một người như vậy. Đọc blog có vẻ như em đang ở HN. Nếu vậy thì sau này có dịp ra HN hay em có dịp vào SG thì anh em mình nhất định cafe để nói chuyện thêm nhé ;)

@Thuong: Đồng ý với bạn, nhưng mình tin chuyện này từng bước sẽ khá hơn. Tuy nhiên đúng là nó gây ra rất nhiều cản trở cho những người muốn đi lên bằng thực lực của mình.

@Nặc danh: Cám ơn em đã hiểu và thông cảm với anh. Anh hi vọng thế hệ sinh viên IT những khóa sau như em có thể học tập từ những sai lầm bọn anh mắc phải để có thể nhanh chóng sớm đạt được thành công hơn. Nếu có gì khó khăn gì thì chat với a nhé (Nick: ngondn)

@ManhNguyen: Cám ơn em vì những lời động viên rất chân thành. Có lẽ em hướng đi của em cũng ít nhiều có phần giống anh nên em mới nói được những lời như thế ;). Thực sự thì như em thấy, để có một Google của Việt Nam thì rất khó khăn và với cơ chế như hiện nay thì gần như không tưởng. Tuy nhiên mọi thứ sẽ dần khá hơn và thế hệ sau như bọn em sẽ là những người lãnh trọng trách đó. Nên e ráng học hỏi kinh nghiệm của những thế hệ đi trước cũng như từ cuộc sống thực xung quanh để tránh những sai lầm không đáng có ;)

Unknown nói...

Ông bà ta có câu "Phi thương bất phú" rồi còn j, nhưng giàu hay nghèo một phần cũng là do nỗ lực của bản thân. Không ai đem tiền đến cho bạn, bạn phải tự tạo ra nó, bằng trí tuệ, tài năng, sự nhanh nhẹn, biết nắm bắt cơ hội ... Không có một trường hay cơ sở nào dám đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp từ nó đều hoàn thiện, họ bảo đảm cho bạn công nghệ giảng dạy, kiến thức truyền đạt, nhưng ứng dụng thế nào là do bạn. Bạn có tự hoàn thiện mình và để mình tỏa sáng hay không? hay để mình bị lu mờ dần trong biển "Kỹ sư CNTT" hàng năm tốt nghiệp và biết mất.

Hai từ "con buôn" được dùng cũng đúng với cái nền hiện tại của cuộc sống, nhưng bản chất không phải như thế, nếu đã là dân công nghệ thì bạn phải nắm bắt được cái thành tựu thông tin của nc ngoài hơn những người khác, kinh nghiệm và cả sự thành công của họ. Chúng ta không phủ nhận một nền kinh tế, xã hội mang sắc thái riêng, nhưng nó sẽ là gì khi chúng ta sống trong "thế giới phẳng", sống trong sự toàn cầu hóa. Nếu các công ty nc ngoài không nhìn ra lợi nhuận thì họ sẽ không tham gia vào thị trường Việt Nam.

Học hỏi và luôn luôn học hỏi, nc ngoài người ta đi trc nc mình tới hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Nếu không học hỏi cái giỏi của họ thì mình mãi không tiến lên được. Không thể viện vào hai chữ "con buôn" để kiếm tiền, nếu thế tiền bạn kiếm được là từ nguồn nào, là bao nhiêu, bạn sẽ là "con buôn ở cấp độ nào, có đủ sức bán phần mềm, bán công nghệ, bán chất xám hay không??? hay chỉ là out sourcing, mở các công ty nhỏ lẻ ... và tự thấy mình rối trong một mớ bồng bông.

Nếu không tự thấy được ánh sáng cho con đường mình sẽ đi thì bạn, dân công nghệ tương lai sẽ không thể vươn vai đứng thẳng chứ đừng nói đến kiếm tiền. Hãy tin tưởng và hoàn thiện kiến thức cũng như khả năng của mình, phải nhìn xa, nhìn rộng và nhìn cho chuẩn xác, có thế, mới mong một ngày thoát khỏi những câu hỏi kiểu như "làm CNTT ở VN có giàu được không?" ... Vấn đề không nằm ở chỗ bạn làm cái j, mà là bạn làm như thế nào !!!

Unknown nói...

Em rất thích công nghệ, đặc biệt là lập trình. Gần đây em cũng nhiều lần suy nghĩ về hướng đi kinh tế bên cạnh lập trình, bởi với em làm kinh tế có cái gì đó rất thu hút, nhưng quan trọng hơn là nó thực tế, giúp mình hạn chế được nhiều nhược điểm xã hội của dân lập trình, với lại nhờ nó mình kiếm được tiền (để đi làm từ thiện như Bill Gates chơi :)

Qua bài viết và những trả lời comment của anh, có lẽ giờ em đã có câu trả lời. Em nhất định sẽ cố gắng học tập, quyết tâm làm giàu nhờ vào công nghệ (giàu cỡ nào thì chưa biết, nhưng mà sẽ luôn cố gắng học tập)

Ah, thật sự em rất phục thế hệ của anh và anh Thaidn, các anh trẻ tuổi đã làm được biết bao nhiêu việc, dzậy mà còn dành thời gian để viết blog truyền lại kinh nghiệm, định hướng cho tụi em. Thanks so much!

Nặc danh nói...

Có người nói: Đừng tự hào vì mình nghèo mà học giỏi, hãy hỏi tại sao mình giỏi mà lại nghèo, hay có 1 câu khác là : sin sin cos cos không bằng thằng dốt lắm tiền. Cuộc sống mà, ai tự tin vào mình, không từ bỏ ước mơ và đam mê của mình, biết nắm bắt cơ hội sẽ thành công thôi. Chúc mọi người thành công

Nặc danh nói...

em đồng tình với câu nói "con buôn" . Master em bảo nếu 29-30 tuổi mà chưa lên dc Manager Project của 1 công ty nào đó thì tốt nhất nên bỏ nghề.

ngonpham nói...

@S.KEY INFORMATION: Hoàn toàn đồng ý với các quan điểm của bạn. Tuy nhiên mình nghĩ rằng việc cân nhắc đón đầu sự phát triển CNTT cũng mang một yếu tố quyết định rất lớn. Chúng ta không thể cứ đâm đầu mà không biết rằng tương lai VN sẽ có thể đến được đâu. Giả sử rằng 10 năm nữa VN vẫn chỉ còn ở trong mức độ gia công nhưng khá hơn hiện tại, nhưng chúng ta lại ảo tưởng rằng đến thời gian đó mình có thể làm hơn thế. Rốt cục thì mục tiêu chúng ta đặt ra lại bị thất bại. Anyway, vẫn đồng ý rằng chúng ta vẫn luôn phải nỗ lực hết mình ;)

@KONG: Em đã dần hiểu ra được vấn đề rồi. Tiếp tục lấy niềm đam mê công nghệ là sở trường, tăng cường khả năng giao tiếp và trang bị những kiến thức cơ bản về kinh doanh. Với những điều đó sau này ra trường sẽ giúp em vững vàng hơn, va chạm để hiểu rõ xã hội cần gì ở mình. Rồi một khi tới thời của CNTT, thì mọi thứ sẽ phất lên thôi ;)

@Nặc danh: Nói rất hay. Hoàn toàn ủng hộ cả hay tay.

@meopro: Một ý kiến cũng rất thực tế. Nếu con người mà không phát triển trong thời buổi kinh tế đang phát triển không ngừng như hôm nay thì gần như a ta đang thụt lùi rồi còn gì ;)

Nặc danh nói...

Okie a ^^

Nặc danh nói...

Em cũng học công nghệ thông tin. Đợt vừa rồi có được học ké môn nghiên cứu khoa học. Thấy tất cả các bài báo về tin học có rất nhiều bài viết của người Ấn, Tung Quốc...Tìm mãi mà chẳng thấy bài nào của dân Việt mình cả(có thể là chưa tìm ra). Khi mà kinh tế chưa bền vững thì thật khó mà nghiên cứu đúng nghĩa ...

Nặc danh nói...

Bài của Ngôn khá hay song em cần thêm những dẫn chứng/số liệu cụ thể hơn.

VinaGame cũng nên coi là một hiện tượng bởi sự bứt phá ghê gớm của họ thể hiện ở vị thế trong ngành, doanh số & nhân sự. Có lẽ VinaGame là thành công lớn nhất trong vài năm gần đây của làng CNTT Việt nam.

Nếu một người "quên đi ánh hào quang" của ngành CNTT sẽ rất dễ rơi vào trạng thái thiếu đam mê. Anh ta có thể thấy ngành của mình thật tầm thường. Thiếu sự đam mê, thiếu động lực kiếm tiền trong ngành mà mình theo đuổi thì không thành công được.

Làm CNTT vẫn có thể giàu, đó là một số hướng có giá trị thặng dư cao và ra tiền tươi thóc thật như tích hợp hệ thống, ERP,...

Nặc danh nói...

"Đến thời của CNTT ở Vn" thì còn xa lắm anh Ngôn à... Các anh làm trong ngành CNTT ở VN có thể sống sung túc, thoải mái nhưng để đạt 1 cái gì đó vĩ đại thì thật là còn xa lắm. Ở Vn ngoài rào cản về cơ chế, quản lý còn là rào cản về "ý thức hệ" mà cái này thì khó thay đổi vô cùng nhiều khi hết thế hệ của anh rồi đến thế hệ của em cũng chưa thay đổi cái này được.
Biết làm sao...nhưng có thể còn có 1 vài "ngóc ngách" nào đó mà chúng ta-những người làm IT như chúng ta có thể lợi dụng được:)
cuối cùng là đừng ảo tưởng rằng chúng ta đang đi sau TQ 10 năm về công nghệ thì 10 năm sau chúng ta sẽ có 1 baidu của VN, xưa rồi diễm:D
( 10 năm này là em lấy vd :D)

Nặc danh nói...

chao anh 2!

Nặc danh nói...

em moi gia nhap khong biet viet gi ca mong anh2 chi day!

Nặc danh nói...

Ý thức hệ là một rào cản, nhưng không phải vì thế ma không phát triển lớn đuợc. Alibaba.com cũng nằm ở một xã hội tương tự như VN, mà họ vẫn là trang B2B eCommerce lớn nhát thế giới. Đây là một góc nhìn của tác giả, chúng ta không thề "khái quát hóa" cho tòan cảnh IT landscape ở VN đuợc

Nặc danh nói...

Sai rồi bạn à, TQ khác hoàn toàn với VN, không giống đâu.

Hongviet nói...

Bài viết hay, nhưng chờ bài tiếp theo lâu quá @@

Trường Thanh nói...

Bài viết nói đúng về tình hình kinh tế VN nhưng để so sánh thế giới thì khập khiễng, VN đang trên đà phát triển, ko sớm thì muộn trong nay mai sẽ có những bước đột phá ^_^

Nặc danh nói...

Em vừa học Ngoại Thương vừa học IT.Em thấy một chút tự hào khi mình cũng biết chút IT và là dân Ngoại Thương nhưng đọc bài viết của anh thấy một chút chạnh lòng.!Dân ngoại thương trong mắt các pác....
Dù sao em cũng thấy bài viết hay
VanFTU

Nặc danh nói...

Em đang học cấp 3.Cùng trường cùng một lớp như anh Ngôn học trước đây.Anh Ngôn là thần tượng của hầu hết học sinh trong trường.Anh là một người đã đạt được nhiều thành công lớn ở lĩnh vực CNTT và em cũng muốn tiếp tục ngành này trong tương lai.Nhưng thực sự là khi học theo môn tin học ở trường TH thì em đã cảm thấy rất khó khăn chứ chưa nói gì đến đại học và ra đi làm.Nó phải đầu tư tâm sức thật nhiều mới có thể đạt được thành quả cao,nhưng sức ép từ việc chọn nghề chọn trường và lo cho tương lai khiến cho hầu hết thành viên của lớp Tin không muốn theo nganh CNTT nữa.Họ chỉ chăm chú vào các môn học khác để thi đại học(đa số không theo CNTT mà chỉ thi ngoại thương, kinh tế) và bây giờ em cũng đang phân vân không biết mình sẽ chọn ngành nghề nào:CNTT hay Kinh Tế.
Với những thông tin của em thu nhận được từ báo chí và người thân thì có vẻ với nền CNTT của Việt Nam thì cơ hội phát triển mạnh cho những người làm IT là quá thấp,không vốn không có sự hỗ trợ thì cuối cùng chỉ đi làm thuê cho người ta.Em đang rất phân vân không biết có nên theo ngành mình yêu thích là CNTT hay không??
Anh Ngôn khi nào rảnh ghé thăm forum trường:
chuyenluongthevinh.com

Nặc danh nói...

em từng nghe "để thành công và kiếm được nhiều tiền, bạn cần phải đọc rất nhiều cuốn sách... " và theo em nghĩ cuốn sách đầu tiên mà mình cần đọc chính là blog của anh. cảm ơn anh rất nhiều ! (fan ở ltv)

Nặc danh nói...

Vấn đề quá cũ rồi.
Sao mà nhiều người comment thế? Chắc tòan SV rồi.

Nặc danh nói...

Bài viết là cái không mới nhưng ít người nhận ra và cũng ít người thừa nhận nó để tìm lối đi khác. còn một số người thì an phận, lực bất tòng tâm.
Nói chung sống ở trên đời cũng phải phiêu liêu chút cho nó có ý nghĩa.
Bài này vote 10 điểm

Nặc danh nói...

Chào anh Ngôn , đọc bài của anh em nghĩ sao giống như suy nghĩ và cảm nhận của em vậy . Em thật sự đã nghĩ như vậy về CNTT nhưng em vẫn muốn học nó.Anh biết không, em đã thi trượt đại học và đã đi làm đc 3 năm rồi, em nhận thấy ở VN mình như anh đã nói: luôn chạy theo bằng cấp, chính phủ vẫn chưa thực sự có sự nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT, tại sao khi nghe nói đến CNTT nhiều học sinh không dám mơ đến huống hồ gì quyết định chọn học theo ngành này.Thật vậy, đó là những gì em thấy từ khi học cấp ba, "học cái đó bữa sau dễ gì xin việc làm" hay :"có xin dc việc đi nữa lương cũng khoong cao đâu" hay cô giáo của em nói : " hối hận của cô là đã cho con trai cô học CNTT" 2 nwm rồi ma` xin việc còn khó tại lương hướng ít quá mặc dù đã nổ lực nhiều rồi"... đó chỉ là 1 vài điều mà em nghe đc thôi nhưng em nghĩ bây giờ vẫn còn nhiều người nghĩ như vậy...
Em đã nghỉ làm rồi và bây giờ em quyết định học lại và bây giờ ngành em chọn là CNTT,biết là như vậy nhung em nghĩ cái gì cũng có 1 phần là do mình , giàu hay không mình phải tự tìm cách vươn lên, biết là rất khó nhưng mình phải tìm cách khai thác nó...và luôn hi vọng nó sẽ tốt đẹp hơn thôi.Còn về phía tại sao những người đam mê CNTT họ luôn mong sẽ làm đc những điều to tác như Google,Microsoft... đó là nhũng mong muốn đáng để thục hiên, nhưng khi gặp khó khăn thì lại dễ nản chí và chưa đc nhà nước ta ủng hộ và đầu tư nhiều để họ có thể tiếp tục tiến xa hơn nữa . Mà dạo này nước ta đang rất cần nguồn nhân lực về CNTT , hi vọng sẽ có tương lai cho những người đam mê CNTT phát triển .Hi vọng là như vậy .
bài viết của anh rất hay, nhưng nếu cụ thể hơn thì sẽ hay hơn nữa ! Cảm ơn vì cống hiến của anh!

phuong.huu.vu nói...

Em là một lập trình viên PHP ở Hà Nội, cũng như các bạn ở trên, em thấy bài viết của anh quả là một bài học cay đắng và đắt giá cho dân IT. Cá nhân em thì thấy có những điểm tồi tệ cụ thể sau của dân IT Việt Nam:
1. Không có trình độ tiếng anh ở mức cao. Nếu chỉ nghĩ rằng ta đây cần tiếng anh đủ để đọc hiểu tài liệu chuyên ngành thì đồng nghĩa với việc sớm đầu hàng khi làm IT.
2. Không làm việc theo chuẩn. Làm việc theo kiểu ăn xổi ở thì, chộp dật, chỉ biết mình. Cụ thể là viết code không comment, không tài liệu mô tả hay thiết kế, lập trình hướng đối tượng nhưng lại không chịu sử dụng UML, không thèm quan tâm đến các mẫu thiết kế.
3. Không được tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp. Có mỗi cái kết nối internet mà cũng không ra hồn.
4. Không có sự tiếp xúc với thực tế bên ngoài để hiểu thị trường, biết xã hội cần gì và muốn gì. Cái này thì anh Ngôn chắc hiểu rõ hơn ai hết trong ngành IT.

Em rất buồn vì mình cũng là một dân IT tồi tệ như vậy. Em nghĩ rằng 5 năm đại học mà người ta đào tạo thực dụng hơn chút thì dân IT đi làm cũng không đến nỗi. Tiếc là nước mình cứ luẩn quẩn trong cái vòng nghèo nàn, tư duy cá nhân bảo thủ, kìm hãm sự phát triển.

Em không lấy làm ngạc nhiên khi một người có trình độ chuyên môn và trải nghiệm thực tế như anh Ngôn cũng không thể thành công ở nước mình được. Bởi vì anh kiếm đâu ra cho mình một đội quân IT có được những phẩm chất "cơ bản" như em nói ở trên. Và quan trọng hơn như anh và các bạn ở trên đã nói, lấy đâu ra một môi trường cơ chế thuận lợi như Google hay Microsoft đang có ở trên đất nước của họ.
Rất vui nếu được làm quen với anh Ngôn và các bạn thông qua bài viết này của anh Ngôn.(: D)

ngonpham nói...

@golia07: Cám ơn những chia sẻ rất tâm huyết của em. Nếu khi nào có dịp vào TPHCM thì alô a nhé. Rất vui nếu cùng có dịp đàm đạo với em xa hơn về câu chuyện này ;)

phuong.huu.vu nói...

Anh cho tụi em xin số phone đi chứ. Được trò chuyện và học hỏi một bậc đàn anh trong nghề như anh Ngôn thì còn gì bằng.(^^)

ngonpham nói...

@phuong: Số của a là 0908 842285 ;)

phuong.huu.vu nói...

Hì, còn đây là mobile của em: 0915 147 115. Anh Ngôn nếu ra Hà Nội công tác vả available được thì gọi em nhé. Em mời anh đi coffe. (:D)

Unknown nói...

Chào anh Ngôn,
Thú thật, đọc bài viết của anh giúp em ngộ ra nhiều điều. Nhưng em có một ý kiến nhỏ ở tiêu đề "công nghệ". Đây là một từ tương đối rộng, bao quát nhiều ngành nghề về kỹ thuật, nhưng trong bài viết anh lại chỉ tập trung vào mảng CNTT. Nên chăng a chọn một từ khác cho tiêu đề tập trung hơn vào nội dung anh muốn nói ? :)

Về trăn trở làm giàu của anh cũng như nhiều bạn khác đã cmt ở đây, em nghĩ rằng bản thân mỗi người cần xác định mình muốn gì? Tiền hay một sự nghiệp mong muốn (về IT hoặc điện tử, cơ khí...).
. Nếu vừa muốn làm giàu về CNTT ở tầm quốc tế có khởi nguồn từ việt nam, em e rằng hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp vì những lý do anh đã nêu ở trên.
. Nếu một ngày nào đó bạn quyết định chuyển hướng, đừng nghĩ rằng các kiến thức về kỹ thuật đã được học là vô ích. Khả năng quan trọng nhất của các sinh viên kỹ thuật là khả năng giải quyết vấn đế (problem solving) được rèn luyện rất nhiều trong quá trình học. Đây là lợi thế rất lớn của chúng mình so với các bạn học kinh tế trong công việc kinh doanh sau này.
Chúc các bạn sớm tìm ra con đường cho cuộc đời mình! ^^

ngonpham nói...

@nguyen viet: Đồng ý với em. Có lẽ tiêu đề phải là "Làm giàu từ công nghệ thông tin ở Việt Nam" thì đúng hơn ;)

Unknown nói...

Em là một sinh viên BK CNTT, em đã đọc hết cả blog này rồi. Thú thật là chỉ cách đây nửa tháng thôi em còn rất mơ tưởng về CNTT như anh nói "sống dưới ánh hào quang của google, microsoft,..". Nhưng từ khi em được mấy anh đi làm tâm sự, em lên mạng tra google về thực tế công nghệ thông tin ở Việt Nam, vào tìm hiểu thực tế ở các công ty lớn như FPT software, và dần dần là đến bài viết của anh. Quả thật chỉ sau nửa tháng thôi, em cảm thấy bây giờ em đã cảm thấy thực tế hơn với đời, thực tế hơn với ngành CNTT. Trước đây em đã nghĩ là thành công về CNTT rất dễ làm. Nhưng giờ đây em đã nhìn nhận vấn đề một cách thực tế hơn.
Em cũng đã đọc rất nhiều sách về làm giàu và tư duy, em thấy kĩ năng mềm và giao tiếp giờ đây cũng là một điều rất quan trọng với sinh viên CNTT. Và em nên sống với ý nghĩ rằng "nghề IT không phải là một cái gì đó quá giởi giang, quá pro, quá dễ đến thành công".
Tuy vậy em vẫn đam mê ngành CNTT này, và tìm một hướng đi khác, một tầm nhìn rộng với cntt để giúp phần đưa cntt ra thế giới. Em tin rồi đây CNTT sẽ có những công ty như Google, microsoft.

learnonline nói...

Bạn muốn học làm giàu? Bạn muốn học cách kiếm tiền trên internet?
Doanh trí là 1 nơi đáng để bạn đặt niềm tin ( Bạn hãy vào doanhtri.ning.com) và khi muốn tham gia thì các bạn hãy đến phòng 806B tòa nhà Hà Thành plaza 102 Thái Thịnh.và gọi cho mình ( mình là Hiến sđt 0979.920.129) hoặc nt qua yahoo giotmohoi2305 cho mình.rất vui đc làm quen mọi người!

Unknown nói...

Anh cho em hỏi truờng Quốc gia hà nội đào tạo kĩ sư hay cử nhân hả anh(ngành CNTT ấy)

Keoj °‘๑’° nói...

đọc bài viết của anh em hiểu được rất nhiều điều
:D
nếu nói đúng thì nhận ra con đường mình lựa chọn khó khăn thật đây
:d

Phạm Ngọc nói...

Mình đọc bài của bạn thấy ớn quá.Nhưng cũng đúng.nó làm mình tỉnh ra khá nhiều.Khi trước mình có ước mơ làm giàu từ CNTT.Từ lớp 11,Cũng lên mạng tìm tòi về cntt.Bay h cũng có trang web dammeso.com
Nhưng không theo học CNTT

ChungDN nói...

Đỗ Ngọc Chung:
Đây là lần đầu tiên em đến với Website này một cách tình cờ khi search trên google từ khóa" Cơ hội làm giàu của người học CNTT" và đọc được những chia sẻ của anh Ngôn.

Thực sự đúng lúc này em có rất nhiều cảm xúc khi đọc xong bài viết này. Em là dân IT- mới ra trường. Em học bên Quản trị mạng, nói là mới nhưng em đã ra trường được hơn 3 tháng và vẫn chưa thể xin được việc làm.

Những chia sẻ của anh thật hay và đúng vói những tâm tư suy nghĩ của em. Chắc chắn em sẽ ghé thăm thường xuyên.

Cuối cùng chúc anh Ngôn và gia đình hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

EM cũng xin phép được gửi lời chào đến tất cả các thành viên trong diễn đàn này.
---
Đỗ Ngọc Chung
mail: chungdn1106@gmail.com

RichdadDiep nói...

Quy hoạch chiến lược quốc gia ưu tiên cho ngành công nghệ thông tin sẽ giúp Việt Nam trở thành con rồng Á Châu. Tập trung để trở thành Xuất sắc Vượt Trội - Giàu sang Vinh Quang sẽ đến, http://www.richdaddiep.com/

Unknown nói...

Anh Ngon noi hay qua..Em nghi anh cung la mot nguoi co chi lon..Hom nay em cung thay chan vien canh CNTT muon tim 1 loi thoat cho rieng minh..Nhung suy nghi cua anh giong em qua..Em chuc anh luon Thanh Cong..
hoangkimcang@gmail.com

Đồ gia dụng nói...


chuyển văn phòng trọn gói

sửa ghế xoay văn phòng


tháo lắp bàn ghế văn phòng

sửa khoá tủ văn phòng


sửa chữa bàn ghế văn phòng tại hà nội

sửa chữa ghế văn phòng tại hà nội


sửa chữa tủ văn phòng tại hà nội

sửa chữa ghế xoay văn phòng tại hà nội

Unknown nói...

28.9.2018, sau 9 năm em vẫn đang trăn trở về câu hỏi của anh. Nhưng cám ơn anh và mọi người đã chia sẽ bình luận. Em đã khóc khi đọc bài này :)

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More