Có lẽ hầu hết mọi người thông thường đều nghĩ Google đạt được thành công lớn như ngày nay là nhờ vào tài năng của hai nhà sáng lập là Sergey Brin và Lawrence Page, bản thân tôi cũng đã từng nghĩ như vậy cho đến khi lao vào cuộc chiến dot-com thực sự. Có thể nói yếu tố quyết định nhất đến sự thành công của Google ngày nay là sự may mắn. Google xuất hiện đúng vào lúc thời kì Internet bắt đầu bùng nổ và thế giới dotcom đang cần một sự sắp xếp thông tin có trật tự hơn. Google đã tận dụng rất tốt điều này và sớm có được nguồn doanh thu lớn và tương đối bền vững. Dựa trên đó họ đã đi chiêu binh và mua lại các công ty khác để hình thành nên một đế chế Google như hiện tại. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa phủ nhận tài năng và sự liều lĩnh của hai nhà đồng sáng lập, nhưng nhìn lại thì ngay cả Google cũng phải thừa nhận rằng thuật toán PageRank ngày xưa chỉ còn là một trong hàng trăm yếu tố góp phần vào cỗ máy tìm kiếm khổng lồ của họ ngày nay.
Trong một xã hội như Việt Nam thì tôi tin yếu tố này càng thể hiện sự quyết định. Đôi lúc việc tôi có được một thực lực mạnh và sản phẩm tốt không quan trọng bằng việc tôi có được tầm nhìn sắc bén về thị trường, tận dụng tốt các mối quan hệ và chớp thời cơ đúng lúc. Đó cũng là vấn đề mà tôi muốn tìm hiểu thông qua bài viết này.
1. Lĩnh vực tìm kiếm
Socbay là một công cụ tìm kiếm không có gì đặc sắc về công nghệ. Nhưng họ lại xuất phát vào thời điểm IDG đang cần giải ngân nên đã được rót vào một số tiền đầu tư tương đối. Cộng với việc một số thành viên sáng lập của họ xuất thân từ gia đình có thế nên đã giúp Socbay có được những lợi thế nhất định về mặt chính trị như hiện nay. Có thể rất nhiều người tranh cãi về hướng đi đậm chất ...PR quảng cáo này ;)), nhưng rõ ràng nếu tương lai Socbay bổ sung hay mua lại được một team công nghệ hiệu quả và tìm được doanh thu đầu ra thì họ hoàn toàn có khả năng trở thành một công ty online thành công ở Việt Nam.
Còn Moom là một công cụ tìm kiếm không nhiều người biết đến, mặc dù đây là một team làm việc khá nghiêm túc theo nhận định của riêng tôi. Moom xuất phát vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu diễn ra, cũng như sau khi các nhà đầu tư đã nhìn thấy những khó khăn nhất định trong lĩnh vực tìm kiếm. Cộng thêm việc họ chưa có được bộ sậu mạnh về marketing, chiến lược và quan hệ nên hiện tại họ vẫn còn là startup nhỏ với nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, khi cuộc đua mạng xã hội cùng với nhu cầu data mining bùng nổ, nếu Moom tận dụng tốt thì họ sẽ có được những bước tiến quan trọng so với các đối thủ khác hiện nay.
Và tất nhiên khả năng Socbay mua lại Moom cũng có thể xảy ra và nếu như vậy sẽ là điển hình cho việc yếu tố quan hệ/may mắn sẽ chiến thắng yếu tố thực lực mà tôi đã đề cập ở trên ;)
2. Lĩnh vực mạng xã hội
Vinagame là một điển hình trong việc nhạy bén chớp thời cơ và đã đạt được thành công tốc độ trong lĩnh vực online ở Việt Nam chỉ trong thời gian 5 năm ngắn ngủi. Tuy nhiên phần lớn nguồn doanh thu đều tập trung trong mảng games nên họ buộc phải tìm một hướng đi bền vững khác trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ vào lĩnh vực trong thời gian sắp tới. Do là một công ty trẻ và không có thế đứng về chính trị tốt như các đối thủ khác nên Vinagame đã từng bước đa dạng hóa cổ đông, với sự tham gia của Tencent và Goldman Sachs nhằm củng cố kinh nghiệm và thế đứng cho mình.
Ngược lại, FPT là một công ty thâm niên có thế đứng tốt cả về mặt thị trường lẫn chính trị. Tuy nhiên do xuất phát sau nên họ đã bị Vinagame bỏ một khoảng tương đối xa trong lĩnh vực online. Và dĩ nhiên FPT sẽ phải dồn sức vào trận chiến này nếu như không muốn bị Vinagame vượt mặt về giá trị thị trường chỉ trong 2-3 năm nữa. Nếu có thể liên kết các dịch vụ, hẳn nhiên FPT sẽ là người chiến thắng nhưng rõ ràng với bộ máy cơ chế cồng kềnh như hiện nay, cùng với việc cuộc chiến nhân lực bắt đầu diễn ra một cách gay gắt thì thực sự sẽ rất khó để FPT có được một đội ngũ nhận lực tốt và đạt được sự linh động như các công ty online thuần túy khác.
VTC là một đối thủ tuyệt nhiên có lợi thế lớn nhất về thế đứng chính trị khi được chính phủ công khai ủng hộ xây dựng mạng xã hội cho toàn Việt Nam, tuy nhiên hiện họ vẫn là một câu hỏi lớn. Bản thân tôi nghĩ với mô hình dù sao vẫn là một công ty nhà nước nên sẽ không dễ dàng để VTC cạnh tranh với các đối thủ khác trừ khi nhà nước có cơ chế "khuyến khích" người dân sử dụng dịch vụ mạng xã hội của họ.
Còn các đối thủ khác như Tamtay, Cyworld... thì có lẽ đã không còn đủ sức. Mạng xã hội giờ đã trở thành cuộc chơi của các đại gia lắm tiền hoặc có thế đứng chính trị. Không có được yếu tố này thì gần như sẽ rất khó để tồn tại chứ chưa nói đến việc đợi đến lúc có thể tìm được doanh thu đầu ra.
3. Yếu tố chính phủ Việt Nam
Và tất nhiên không thể không nhắc tới yếu tố can thiệp của chính phủ Việt Nam vào thế giới online trong vòng tương lai ít nhất 10 năm sắp tới, đặc biệt trong các lĩnh vực truyền thông, tìm kiếm, mạng xã hội... Trong một thế giới phẳng như hiện tại sẽ rất dễ để tạo ra các sự kiến diễn biến hòa bình thông qua các công cụ phổ cập như Internet, và chính phủ Việt Nam sẽ buộc phải tạo ra một rào cản để giới hạn người dân trong nước tiếp xúc với những thông tin nhạy cảm này. Xét về yếu tố này thì có vẻ chính phủ Việt Nam giống như ...Microsoft ^_^
Ngược lại chính phủ Mỹ luôn đi đầu trong việc kêu gọi tự do thông tin Internet. Nghe ban đầu có vẻ hay và công bằng nhưng ngẫm lại thì nơi nào có dân chủ thì sẽ có lợi cho Mỹ trong việc tạo ra đồng minh của mình. Điều này cũng giống như Google luôn kêu gọi và ủng hộ phong trào open source nhưng cứ thêm một tổ chức tham gia thì sẽ lại là một đòn nhắm vào gã khổng lồ Microsoft. Và tất nhiên Microsoft cũng sẽ phải tìm cách để bảo vệ thế đứng của mình ;))
Nên nếu làm dot-com ở Việt Nam, chắc chắn bạn phải chấp nhận luật chơi của chính phủ Việt Nam, cho dù tư tưởng bạn có khác biệt thế nào đi nữa. Tuy nhiên đổi lại, bạn sẽ được lợi thế ít nhiều nhờ rào cản vô hình mà chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra cho những sản phẩm không chấp nhận luật chơi này. Còn nếu bạn không chấp nhận, setup công ty ở các thị trường khác là lựa chọn duy nhất còn lại.
Do đó theo suy nghĩ cá nhân tôi, để thành công ở Việt Nam, các công ty sẽ cần phải có một độ "nhạy" về mặt chiến lược, đặc biệt là yếu tố quan hệ và chính trị nhất định. Tất nhiên có thể nhiều người cho rằng nhiều công ty vẫn thành công mà không cần quan tâm đến yếu tố này. Nhưng tôi tin rằng đến một lúc nào đó khi một công ty phát triển đến mức độ đủ lớn, chắc chắn họ sẽ phải đương đầu với những yếu tố này dù họ có quan tâm hay không. Và việc hoạch định chiến lược từ sớm sẽ giúp công ty đỡ gặp nhiều trở ngại và tiến nhanh hơn tới mục tiêu của mình ;)