Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

CNTT Việt Nam 2010 - 2020: Thời thế tạo anh hùng!


"Một công việc trong lĩnh vực thế mạnh với mức lương ngang hiện tại ở Sài Gòn và bao toàn bộ chi phí ăn ở đi lại, sự hỗ trợ tối đa của chính quyền địa phương cùng sự hậu thuẫn của một tập đoàn lớn từ Mỹ, cùng những quyền lợi như một co-founder ban đầu". Tôi nghĩ có lẽ đó đã là offer tốt nhất mà mình có thể có được tại thị trường Việt Nam lúc này. Trước sự kiện như vậy tự nhiên tôi cảm thấy vui vui, không hẳn bởi offer hấp dẫn, mà có lẽ vì thời của những người làm CNTT như chúng tôi đã gần đến. Và sắp tới những kỹ sư CNTT có đam mê và năng lực như chúng tôi sẽ không còn phải bận tâm quá nhiều về vấn đề cơm áo gạo tiền như trước đây, mà sẽ có đủ điều kiện để tập trung vào đam mê chuyên môn của mình.

Có lẽ đa phần mọi người đều nghĩ CNTT là một ngành gì đó khá sang trọng và dễ kiếm nhiều tiền, nhưng chỉ những người làm trong lĩnh vực này đủ lâu mới cảm nhận được sự khốc liệt của nó. Bạn có thể khởi đầu với một mức lương khá nhưng đến một lúc nào đó tự nhiên bạn cảm thấy thua hẳn một số bạn bè xung quanh trong các lĩnh vực tiềm năng khác. Đôi lúc lương vài năm của bạn chưa bằng thành công của họ trong một phi vụ. Tất nhiên sẽ có nhiều người không đồng tình và xem đây là hướng đi ngắn hạn và  ăn theo thời thế. Nhưng thử nghĩ rằng những người làm CNTT đa phần là những người có năng lực và khi chuyển sang các nghề khác thì họ hoàn toàn có thể vươn lên vào top dẫn đầu và thành công lớn như nhiều trường hợp tôi biết. Có lẽ đó là lý do mà rất nhiều người đã rời ngành để chuyển sang những hướng đi triển vọng hơn!

Bản thân tôi cũng đã từng trăn trở và suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Có lẽ do Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển, thu nhập đầu người còn thấp nên hầu hết mọi người đến một độ tuổi nào đó thì mục tiêu lớn nhất vẫn là làm sao để có một thu nhập khá để thỏa mãn nhu cầu bản thân và gia đình của mình. Đó là lý do mà hầu hết mọi người rốt cục đều tiến đến đích xoay quanh những ngành như kinh doanh, ngân hàng, bất động sản... Thực sự bản thân tôi cũng đã từng bị dao động mạnh với những suy nghĩ tương tự. Dẫu biết Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững và vươn xa nếu xây dựng được những ngành kinh tế mũi nhọn mang đậm dấu ấn tri thức công nghệ, nhưng nếu nó không có cơ chế để tạo ra tương lai triển vọng cho những cá nhân trong ngành thì đó vẫn sẽ mãi là mục tiêu xa vời và không tưởng mà thôi.

Nhưng rất may là chính phủ Việt Nam có lẽ đã từng bước nhận ra điều đó ;)) và có những quyết tâm mạnh mẽ để tập trung cho CNTT trong vòng từ 2010 - 2020. Tôi nghĩ một nguồn tài chính lớn từ nước ngoài cùng những chính sách ưu đãi từ phía chính phủ sẽ đổ vào lĩnh vực này trong thời gian sắp tới. Đó là chưa kể một lượng tiền khá dồi dào từ các đại gia trong nước từ các lĩnh vực khác cũng sẽ có thể đổ vào. Những điều này sẽ tạo ra vô vàn cơ hội cho những người làm CNTT như chúng tôi, ví dụ điển hình như offer mà tôi đã nhận được ở trên. Và chúng tôi sẽ không còn phải quá bận tâm về vấn đề cơm áo mà chỉ cần tập trung vào những đam mê cùng với giấc mơ làm giàu từ công nghệ của mình :)

Trước một tương lai tươi sáng như vậy thì có lẽ điều tôi cần làm gấp rút hiện nay là tiếp tục ...làm việc, học hỏi và trang bị những năng lực mình còn thiếu. Thực sự tôi cảm thấy mình chưa đủ khả năng và tự tin để trở thành một leader công nghệ giỏi. Nếu bắt tay vào trong thời điểm hiện nay, rất có thể tôi sẽ bị trượt dài như nhiều công ty trẻ Việt Nam khác. Tôi sẽ cần phải tiếp tục hoàn thiện bản thân mình hơn, tập trung cao độ hơn, cũng như tìm hướng giải quyết thật tốt cho vấn đề xây dựng một đội ngũ nhân lực mạnh có thể xem là yếu tố quyết định. Và tôi tin rằng nếu mình vẫn không ngừng học tập như hiện tại, cộng với thời thế công nghệ sẽ diễn ra như những gì đã dự đoán, thì ít nhất tôi cũng sẽ trở thành triệu phú đô-la công nghệ trong vòng 10 năm sắp tới ;). Còn nếu may mắn hơn thì chắc ...chục triệu đô-la cũng không chừng :">

Nếu bạn là một người làm trong lĩnh vực CNTT thì bạn có cùng suy nghĩ lạc quan như tôi không ^_^

1 nhận xét:

Gnout Yuh Od (GYO) nói...

Sao dùng toàn chữ đậm ... đến lúc cần nhấn mạnh 1 đoạn thì phải làm sao ...

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More