Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Chiến lược "săn" công ty cho Sinh viên IT sắp tốt nghiệp


Vào dịp cuối năm cứ gần đến lễ bảo vệ tốt nghiệp và chuẩn bị đi làm của các sinh viên CNTT thì thỉnh thoảng tôi lại nhận được các câu hỏi nhờ tư vấn: "Em không biết với khả năng của mình thì nên chọn công ty nào là phù hợp và triển vọng nhất?". Cứ mỗi lần như vậy tự nhiên tôi thấy vui vui, nhớ lại khoảng khắc mình chuẩn bị tốt nghiệp hồi đó cũng y như vậy, cũng băn khoăn thoáng một chút lo lắng về con đường mình sắp tới sẽ như thế nào so với cuộc sống hơn 4 năm trong giảng đường đại học. Và quả thực giờ nhìn lại thì đó là một trong những thời gian quyết định cho một lập trình viên để chuyển từ cuộc sống đầy "mơ mộng" sang một môi trường khắc nghiệt hơn rất nhiều. Và việc quyết định lựa chọn công ty sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp trong những năm sau đó. Và tôi thử nghĩ nếu giả sử mình có dịp quay trở lại vào khoảng khắc giao thời đó, thì tôi sẽ lựa chọn chiến lược như thế nào nhỉ ^_^. Và đó cũng là vấn đề tôi muốn chia sẻ trong bài viết này, hi vọng có thể tư vấn ít nhiều cho các bạn sinh viên IT trẻ sắp tốt nghiệp và muốn lựa chọn con đường lập trình viên cho sự nghiệp mình trong những năm sắp tới.

0. Có thể nói hầu hết các công ty IT Việt Nam hiện nay đều không trông đợi việc SV ra trường sẽ có khả năng làm việc được ngay và đều dành một khoảng thời gian để training lại theo yêu cầu của công ty. Chính vì vậy mà các công ty không hi vọng nhiều vào một tá các kĩ năng mà SV ghi trong CV hay các dự án nghiên cứu trước đó. Cái quan trọng nhất mà họ trông đợi là kỹ năng lập trình của SV đó. Kỹ năng lập trình càng cao thì thời gian training sẽ càng ngắn và sinh viên có thể nhanh chóng bắt tay vào làm việc được ngay. Đây là một điều quan trọng mà nếu chuẩn bị tốt, các bạn SV sẽ có thể dễ dàng thích nghi và cảm thấy không bị khớp khi chuyển từ môi trường học thuật sang công việc.

1. Với các bạn SV chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc va chạm trong các môi trường công nghiệp thực sự trước đó thì tôi nghĩ tốt nhất nên dành ít nhất 1 năm cho việc học hỏi các kinh nghiệm này. Để làm điều này, hãy apply vào những công ty gia công thật lớn, nơi các bạn sẽ "được" đào tạo quy trình một cách chặt chẽ, cách thức tổ chức và tiến hành công việc bài bản, giờ giấc chuyên nghiệp. Ngoài ra các công ty này sẽ có những dự án đủ lớn để bạn cảm nhận được môi trường công nghiệp IT thực sự khốc liệt như thế nào, cũng như sẽ có những chương trình đào tạo đặc biệt cho bạn. Những điều này các công ty trung bình nhỏ sẽ khó có được bởi họ trông đợi bạn vào sẽ có thể tự học và làm việc được ngay, do đó nếu bạn không có khả năng tự định hướng bản thân đủ mạnh thì rất dễ đi sai đường và bế tắc. Nếu sau thời gian này, bạn cảm thấy con đường gia công thích hợp với bạn thì hãy cứ tiếp tục trong những năm kế tiếp và từng bước tiến lên những chức vụ cao hơn.

2. Rồi đến một lúc nào đó bạn đã đủ lông đủ cánh, chán làm gia công và muốn làm một cái gì đó mới hơn, đây sẽ là thời điểm thích hợp nhất cho bạn để tham gia vào các công ty nghiên cứu và phát triển những sản phẩm chiến lược. Trước đây số lượng các công ty làm sản phẩm chuyên nghiệp VN rất ít nhưng trong những năm gần đây với xu hướng web 2.0 trên thế giới và cả Việt Nam nóng lên thì số lượng các công ty đang tăng nhanh. Hãy chọn một công ty chỉ tập trung làm sản phẩm với những con người thật chuyên nghiệp, không nên chọn những công ty lấy ngắn nuôi dài (tức vừa làm gia công vừa làm sản phẩm, hoặc vừa làm hợp đồng vừa nghiên cứu bởi các công ty này khi có hợp đồng ngon gần như sẽ lại ...bỏ hết việc làm sản phẩm sang một bên để làm hợp đồng ;)). Ở trong môi trường này, bạn sẽ học được rất nhiều các công đoạn trong quá trình làm sản phẩm, từ việc phát triển những nền tảng đầu tiên cho đến lúc sản phẩm thành hình và đến tay những end-users cuối cùng.

3. Rồi đến một lúc nào đó bạn muốn làm một sản phẩm gì đó của riêng mình, thế thì đã đến lúc bạn tìm những chiến hữu đồng chí hướng để start-up một công ty ;). Với kinh nghiệm chiến trường ở các công ty IT lớn và làm sản phẩm bạn đã tích lũy được từ hai bước trên sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều sai lầm không đáng có. Tuy nhiên bạn sẽ phải đương đầu thêm với rất nhiều bài toán đau đầu khác không thuộc phạm vi chuyên môn của mình: khách hàng, quỹ đầu tư, marketing, tài chính, kế toán.... Những công việc mà gần như nếu không có sự chuẩn bị sẽ rất dễ đưa công ty thất bại. Và nếu thành công bước này, hãy từng bước mở rộng công ty của mình lên một tầm cao mới.

4. Rồi đến một lúc đó bạn lại cảm thấy chán với những thành công mà mình có được. Đến lúc này có lẽ có hai hướng: Một là quay trở lại ...reset lại bước 1-2-3, rồi cứ thế nhưng bạn sẽ nâng cấp lên ở những vị trí cao hơn với những công việc thách thức và ý nghĩa hơn. Hai là tìm một niềm đam mê trong những lĩnh vực khác như Âm nhạc, Thơ văn... chẳng hạn :x, để bạn có thể bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác hơn so với thế giới IT trước đây của mình.

Thì tất cả những điều trên chỉ đơn thuần là những kinh nghiệm của riêng tôi, tất nhiên chỉ mang tính tham khảo bởi tôi nghĩ mình là người thiên về sống để trải nghiệm hơn là sống để quyết tâm làm một điều gì đó thật lớn lao vĩ đại. Với tôi mỗi môi trường, mỗi công việc đều có những thách thức thú vị riêng. Do đó tôi nghĩ điều quan trọng vẫn nằm ở bạn, bạn cảm thấy mình là người có những tính cách đặc biệt gì và liệu con đường nào mới là thích hợp nhất dành cho bạn.

Tuy nhiên có một điều mà tôi nghĩ sẽ luôn đúng và rất quan trọng là hãy luôn có cho mình một hoặc vài người cố vấn tại bất kì thời điểm nào, những người thực sự có nhiều kinh nghiệm giỏi hơn bạn ở một hay nhiều lĩnh vực nào đó. Bởi họ sẽ giúp bạn từng bước hoàn thiện bản thân mình và tránh rất nhiều sai lầm không đáng có. Đôi lúc sự tự tin quá sẽ dẫn bạn đến một lúc nào đó ngoảnh lại mới nhận ra được mình còn thiếu rất nhiều và có thể mọi thứ đã trở nên quá trễ để bắt đầu lại. Bản thân tôi cho đến giờ vẫn cảm thấy mình thực sự may mắn khi gần như tại bất kì thời điểm trong sự nghiệp IT của mình, tôi đều có được những người cố vấn rất tốt, họ nhiệt tình giúp đỡ và nâng tôi lên những nấc thang cao hơn. Và tôi ước gì mình sẽ luôn được như vậy, chừng nào tôi còn có được những người cố vấn, thì tôi vẫn còn cảm thấy an tâm và cảm nhận mình còn học hỏi được từ cuộc sống rất nhiều ^_^

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Những bài học cho CNTT Việt Nam từ Đài Loan


Có lẽ hầu hết mọi người đều biết đến Đài Loan như một trong những cường quốc về Công nghệ vi mạch của thế giới. Khá nhiều công ty nổi tiếng ở đất nước này cũng đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam như như Acer, Asus, Gigabyte, MSI, HTC... Bản thân tôi trước đây cũng đã tìm hiểu rất nhiều về quá trình hình thành và phát triển của quốc gia này. Tuy nhiên chỉ đến khi có dịp đến Đài Loan vừa rồi, tôi mới có thể tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước này trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng như khát vọng vươn ra tầm thế giới ở những lĩnh vực khác của họ trong một tương lai không xa.

Quay trở lại lịch sử của Đài Loan 50 năm về trước, vào khoảng những năm 60. Ngành công nghiệp vi mạch Đài Loan bắt đầu phát triển khi có sự đầu tư của các tập đoàn điện tử của Mỹ vào đất nước này. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Đài Loan (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam) trở thành các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng vệ tinh phụ trợ như dây cáp, vỏ máy... Và các doanh nghiệp Đài Loan đã nhanh chóng tiếp thu công nghệ để từng bước sản xuất được những linh kiện phức tạp hơn. Đến những thập niên 80-90, chính phủ Đài Loan đã có những chính sách đột phá trong việc thu hút lực lượng Hoa Kiều và người nước ngoài đến làm việc như thành lập khu công nghiệp Tân Trúc (được mệnh danh là Silicon của Đài Loan), hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập các viện nghiên cứu công nghệ... Những điều này đã đem lại thành công vượt bậc để đưa Đài Loan đến năm 1995 đã trở thành một cường quốc công nghệ vi mạch của thế giới. Và cho đến thời điểm hiện tại, đã có những công ty hùng mạnh của Đài Loan nổi danh toàn cầu như HTC, Acer, Asus với giá trị thị trường vào khoảng 9-10 tỉ USD (gấp khoảng 15 lần FPT của Việt Nam hiện nay) và hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh trực tiếp với các đại gia Mỹ như Dell, HP, Motorola...

Trở lại với tình hình CNTT Việt Nam hiện tại, tôi nhận thấy Việt Nam chúng ta có vẻ đang đứng trước giai đoạn giống như Đài Loan khoảng 40 năm về trước. Tức là hiện cũng đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư và phát triển công nghệ, sản xuất phần cứng, gia công phần mềm... Do đó một trong những chiến lược cần phải thực hiện gấp rút hiện nay là tiếp tục đẩy nhanh việc đào tạo một số lượng lớn nhân lực gia công đủ tốt cho các tập đoàn nước ngoài, song song với quá trình từng bước hỗ trợ các công ty trong nước hình thành những ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các tập đoàn này.

Ngoài ra ngành công nghiệp gia công Việt Nam cũng đã bắt đầu đạt đến độ chín khi có nhiều công ty gia công lớn đã vượt con số hơn 10 năm tuổi đời. Do đó đã đến lúc chính phủ Việt Nam từng bước có những chính sách kêu gọi số lượng lớn những Việt Kiều hay người nước ngoài đang làm trong những ngành công nghiệp cao ở nước ngoài quay trở về đầu tư nghiên cứu và từng bước chuyển giao công nghệ. Và thực sự nếu chúng ta có thể làm tốt những chính sách và tập trung cho những lĩnh vực chủ lực như Smartphone hay Cloud Computing, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ trong 10-20 năm nữa, Việt Nam sẽ có thể trở thành một trong những cường quốc về CNTT của thế giới và đến lúc đó những người làm CNTT như chúng tôi hoàn toàn có thể tự hào khi nói với bạn bè nước ngoài rằng "I'm Vietnamese software engineer" ^_^

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Sức mạnh của sự chia sẻ



Tháng rồi tôi có dịp gặp gỡ mấy bác đang làm cho Google sang Việt Nam chơi, trong lúc trao đổi mấy bác nêu ra câu hỏi "Sao tao thấy số lượng trang web tiếng Việt vẫn còn ít quá, không biết có cách nào bọn tao có thể hỗ trợ để tăng số lượng lên không?". Nghe xong tự nhiên tôi cười thầm trong bụng "Mấy bác Google này đúng là sướng thật, giờ họ đã là bá chủ tìm kiếm ở thị trường Việt Nam thì doanh thu của họ cứ thế mà tăng đều đều với sự nở rộ của các trang web tiếng Việt. Chỉ tội nghiệp mấy bác làm web ở Việt Nam mấy năm nay, doanh thu thì chả thấy đâu còn Google cứ thế mà hốt bạc" ;))

Mở đầu tí xíu cho vui ^_^, quay trở về câu hỏi ban đầu tự nhiên tôi thấy đúng là thời gian qua mình có cảm tưởng thị trường nội dung Internet của Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ nhưng ngẫm lại thấy rốt cục nội dung tiếng Việt đúng là mình chỉ đang quanh quẩn các website tin tức, diễn đàn cục bộ, nhạc phim giải trí... Rồi nhiều site thi đua phong trào copy-paste xào nấu tin tức làm mọi người có cảm giác tăng, nhưng thực ra thì vẫn vậy.

Có lẽ một trong những con gà đẻ trứng nội dung mà các công cụ tìm kiếm rất thích hiện nay đó là các blog cá nhân và các website của tổ chức doanh nghiệp. Chẳng phải đó là lý do mà Google có Blogger/Google Sites, Yahoo có Yahoo 360 Plus/GeoCities. Cứ tưởng tượng mỗi cá nhân chỉ cần có 100 trang đơn giản, nhân lên 10.000.000 người thì số trang đã lên kinh khủng như thế nào.

Nhưng về khía cạnh này thì tôi thấy có vẻ Việt Nam hơi ảm đạm, nhìn bạn bè xung quanh tôi những người có blog có thể đếm trên đầu ngón tay. Một số người viết blog được một thời gian nhưng sau đó bận rộn nên bỏ hoang :). Bản thân tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra những hạn chế rất lớn. Có rất nhiều sai lầm chung trong cuộc sống mà giả sử nếu có một người nào đó trải qua và chia sẻ lại thì rõ ràng những người đi sau sẽ đỡ mất thời gian hơn rất nhiều. Còn nếu không có sự chia sẻ, chắc chắn những người đi sau cũng sẽ phải mất thời gian để học lại chính những sai lầm đó. 

Và tôi cảm thấy trong từng lĩnh vực nói chung và lĩnh vực công nghệ nói riêng, chúng ta đang rất cần những người có kinh nghiệm thế mạnh về một công nghệ đi trước có thể đứng lên tổ chức các nhóm hoạt động chuyên biệt và chia sẻ lại với những người đi sau làm cùng trong lĩnh vực. Có như vậy chúng ta sẽ tạo ra được một cộng đồng lớn mạnh và phát triển nhanh hơn rất nhiều so với những cá nhân/nhóm nhỏ hoạt động một cách riêng rẽ. Và sự thành công của trang vi.wikipedia.org có lẽ là một dẫn chứng rõ nhất cho vấn đề này.

Tuy nhiên dù sao có lẽ đây vẫn đang là một trong những hạn chế lớn của đa phần người Việt chúng ta hiện nay. Hi vọng rằng đến những thế hệ 8x, 9x như chúng tôi với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ có thể dần thay đổi được điều này trong thời gian sắp tới :)


Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Smarphone & Cloud Computing - Cơ hội vàng cho Việt Nam

Trong những tháng cuối năm 2009, rất nhiều báo công nghệ đều có những bài báo dự đoán năm 2010 sẽ là một năm bùng nổ của các máy điện thoại thông minh Smartphone, cùng với điện toán đám mây Cloud Computing. Bản thân tôi trong năm nay cũng tìm hiểu khá nhiều về Cloud Computing và đã có một số bài viết về công nghệ này, tuy nhiên với các smartphone thì tôi cũng chưa quan tâm lắm. Chỉ đến khi có dịp qua Đài Loan như vừa rồi thì tôi mới cảm nhận được sức nóng của công nghệ này. Có thể nói cùng với điện toán đám mây, Smarphone sẽ là một công nghệ bùng nổ trong những năm kế tiếp, không chỉ ở trên thế giới mà sẽ còn cả ở Việt Nam.

Để hình dung rõ hơn về công nghệ này, hãy nghĩ thử tương lai trong từ 1-2 năm sắp tới, với sự trưởng thành của hệ điều hành Android và sự tham gia của các tập đoàn có thể mạnh phần cứng như Acer, Asus, Dell... Các smarphone có để sẽ down giá chỉ còn từ 3-4 triệu đồng. Cùng với một kho ứng dụng khổng lồ đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và giá mobile Internet ngày một trở nên rẻ hơn ở Việt Nam, chắc chắn một số lượng lớn người sử dụng là giới trẻ hiện nay sẽ từ bỏ những chiếc Nokia quen thuộc để chuyển sang những chiếc smartphone thông minh hơn, nơi họ có thể truy cập các dịch vụ tương tác mọi lúc mọi nơi. Và thực sự nếu chính phủ Việt Nam có thể đón đầu thời cơ này và đẩy nhanh việc xây dựng các trung tâm dữ liệu với các dịch vụ công dưới dạng Cloud Computing services, chắc chắn việc phổ cập chính phủ điện tử sẽ phát triển một cách mạnh mẽ.

Và hãy tưởng tượng chỉ với một chiếc smartphone cơ bản, bạn - một công dân Việt Nam - sẽ có thể truy cập tất cả các dịch vụ của chính phủ như đăng ký hộ khẩu, thủ tục thành lập công ty, thanh toán tiền điện nước... Và khi chính phủ đã có dữ liệu số hóa chi tiết thông tin mỗi cá nhân, khi có một thông tin chính sách liên quan đến nhóm người nào nào đó, máy tính sẽ tự động quyét tất cả các số lượng người trong nhóm này và phân phát tin đến đúng các địa chỉ cần thiết. Một xã hội tuyệt vời trên nền tảng công nghệ :)

Tất nhiên là sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng ai cũng biết như thế nhưng liệu với cơ chế hiện tại thì không biết ...bao nhiêu năm nữa Việt Nam mới làm được điều này? Bản thân tôi suy nghĩ thực ra Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để làm được điều đó. Không phủ nhận việc chúng ta đang gặp nhiều khó khăn và bất cập về mặt hạ tầng như đường xá, điện nước, cơ cấu nhà nước... Nhưng trong lĩnh vực viễn thông thì chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Đó là chưa kể đến sự quyết tâm cao độ của chính phủ trong thời gian gần đây với việc xem CNTT là một ngành trọng điểm cũng như sự nhòm ngó của nhiều đại gia và các quỹ đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Do đó tôi nghĩ có thể Việt Nam sẽ còn rất lâu mới có thể xây dựng được một hạ tầng xã hội hiện đại như các nước phát triển, nhưng về một siêu xa lộ thông tin Internet thì hoàn toàn có thể trong vòng 5-10 năm tới.

Và tôi nghĩ có lẽ điều mà Việt Nam vẫn còn đang thiếu và trông chờ hiện nay là sự xuất hiện của một tập đoàn đứng lên thực hiện sứ mệnh cao cả này. Có thể là Viettel, FPT, VTC, Vinagame... hay một công ty mà hiện tại chúng ta chưa được biết tới. Chỉ có một điều tôi dám khẳng định là thế mạnh của tập đoàn này sẽ phải nằm ở một đội ngũ những "siêu lập trình viên", những người có khả năng mạnh mẽ về kỹ thuật với một phong cách làm việc chuyên nghiệp với năng suất ngang ngửa các kỹ sư giỏi của nước ngoài. Sau đó sẽ dần từng bước mở rộng tập hợp những anh tài về đầu quân. Và chắc chắn nếu có một công ty như vậy xuất hiện thì khả năng công ty này sẽ có nhiều lợi thế để từng bước vươn ra thị trường quốc tế với giá trị thị trường có thể lên đến ngang ngửa các công ty lớn của Đài Loan như HTC, Acer, Asus vào tầm vào khoảng 9-10 tỉ USD. Bởi như tôi đã nêu ở trên, Smartphone và Cloud Computing cũng là những lĩnh vực rất nóng mà các tập đoàn trên thế giới đang ra sức chạy đua. Và nếu thực sự Việt Nam có thể tận dụng được những lợi thế của mình làm điều đó thì sẽ tạo nên một sức mạnh tổng thế rất lớn.

Và tất nhiên bản thân tôi cũng đang mong chờ ngày xuất hiện của một công ty như vậy, bởi sự xuất hiện của nó sẽ là đầu tàu để các công ty Việt Nam khác ...ăn theo từng bước tiến ra thị trường bên ngoài ;)). Chắc chắn nếu có công ty như vậy xuất hiện thì tôi sẽ là một trong những người nhảy vào tham gia đầu tiên. Và có lẽ chúng hãy cùng hi vọng và chờ đợi sự xuất hiện của một "Google Việt Nam" trong tương lai không xa ^_^

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Giáng sinh buồn thời công nghệ


Một mùa Giáng Sinh nữa lại đến. Với tôi có lẽ Giáng Sinh là mùa đẹp nhất giữa các mùa lễ trong năm. Cứ mỗi lần gần tới, trong lòng tôi lại xuất hiện một tâm trạng nao nao khó tả. Một cảm giác se lạnh, đơn độc bất chợt đến xen vào giữa những áp lực công việc và lo toan cuộc sống hàng ngày. Tự nhiên làm xuất hiện trong tôi một cảm giác thanh bình hạnh phúc.

Tôi còn nhớ khi còn là học sinh ở với gia đình, cứ khoảng vào đầu tháng 12 là tôi bắt đầu được nghe những bài nhạc Giáng Sinh vang lên từ nhà hàng xóm. Rồi sau đó gần tới lễ hơn thì tôi bắt đầu nhận được những tấm thiệp Giáng Sinh từ bạn bè xung quanh (đặc biệt tôi vẫn còn cảm nhận được cảm giác thật hạnh phúc khi nhận được thiệp từ các bạn nữ :">), rồi sau đó chúng tôi rủ nhau đi xem hang đá ở các nhà thờ. Giờ nhớ lại tự nhiên thấy vui vui, đúng là thời học trò bao giờ cũng là đẹp nhất :x

Thế rồi sau đó bắt đầu lúc vô đại học: Email, Chat, Internet, Điện thoại di động dần xuất hiện và dường như đã khiến thế giới những cảm xúc của riêng tôi bị xáo trộn. Tôi nhận ra sự cảm nhận không khí Giáng Sinh trong những năm trở lại đây của mình ngày càng mất dần. Có vẻ như bất kì lúc nào những dòng suy nghĩ trong tôi đều có thể bị cắt đứt bởi những tin nhắn, email, hay một cú điện thoại. Đúng là thế giới công nghệ đã đem lại cho con người nhiều cơ hội trong việc tiếp cận với một thế giới thông tin rộng lớn, nhưng về một mặt nào đó có vẻ nó đang dần bào mòn những cảm xúc riêng của từng cá nhân, khiến con người ngày càng trở nên bận rộn và lạnh lùng như những cỗ máy rôbô :)

Rồi tự nhiên tôi nghĩ đến những chuyến du lịch bụi của tôi trong những năm vừa qua. Có lẽ tôi thật sự thích thú khi được đặt chân đến những vùng vẫn còn hoang sơ, nơi sóng di động chưa phủ tới. Bởi ở những nơi đó, con người vẫn sống và đối xử với nhau một cách tình cảm, trái ngược hoàn toàn so với cuộc sống ở thành phố nơi tôi đang sống, có thể cả năm trời mình cũng chẳng biết hàng xóm bên cạnh mình là ai. Đôi lúc tôi tự hỏi liệu Việt Nam có cần phải chạy đua về kinh tế, để rồi phải trả giá bằng những nét văn hóa mà chúng ta đã đã tích lũy được trong hàng ngàn năm qua.

Rồi tôi lại mơ nếu sau này 20-30 năm tôi có thể trở thành ...thủ tướng của nước Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ không cố gắng phát triển Việt Nam trở thành một đất nước như Mỹ hay Nhật, những nước có GDP cao ngất ngưởng nhưng con người luôn đói thời gian và hoạt động như những cỗ máy. Thay vào đó tôi sẽ phát triển Việt Nam thành một điểm đến thanh bình, nơi kết hợp giữa những thành tựu của công nghệ và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Có thể GDP không cần quá cao nhưng mọi người luôn có thời gian để tận hưởng hết những giá trị mà họ tạo ra được trong công việc. Nghe đến đây cũng có vẻ cũng thích nhỉ, vậy thêm giả sử nếu sau này tôi ra tranh cử với lời hứa như vậy thì bạn có ủng hộ tôi không ^_^

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Cuộc chiến nhân lực CNTT

Sau bài viết "Lối thoát nào cho lập trình viên Việt Nam?", có nhiều bạn nghĩ tôi nói quá bởi làm gì có lập trình viên nào ở Việt Nam được trả tới 1500, thậm chí 2000$. Thực ra điều này là có, nhưng không phải phổ biến. Tuy nhiên gần đây khi cuộc đua CNTT bắt đầu nóng trở lại, và khi Việt Nam từng bước có nhiều code guru hơn, thì tôi nghĩ mức lương này hoàn toàn có thể trở nên phổ biến trong tương lai.

Có nhiều lý do để khiến điều này trở thành hiện thực. Trong hai thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của CNTT và đa phần mọi người đều nghĩ CNTT đã bước qua giai đoạn đỉnh cao của nó. Tuy nhiên một số người trong ngành như chúng tôi chỉ nghĩ đây là thời điểm bắt đầu, thập niên sắp tới chúng ta sẽ còn thấy CNTT còn làm được nhiều việc hơn nữa và len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tất nhiên nước Mỹ sẽ vẫn là nơi xuất phát của những người làm CNTT tốt nhất. Mặc dù vậy, số lượng này sẽ vẫn không đủ và các công ty vẫn sẽ phải tiếp tục săn thêm các chuyên gia từ các nước khác. Do đó, nếu thực sự ở VN có những chuyên gia ngang ngửa bên Mỹ thì việc trả một mức lương bằng 1/3 so với bên US hay cao hơn sẽ hoàn toàn là điều có thể chấp nhận đối với các công ty. Và trong thời gian sắp tới, có thể ngay trong năm sau, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến khốc liệt về nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Mặc dù các công ty sẵn sàng trả lương cao cho những người có kinh nghiệm, nhưng có một điều tôi nhận thấy là hầu hết các công ty đều không thích việc training cho những SV mới tốt nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu bởi các công ty không muốn mất thời gian và chi phí cho quá trình này, họ trông đợi những người tham gia có thể làm và đem lại hiệu quả ngay. Và có lẽ điều này đã tạo ra một khoảng cách rất lớn trong việc cung cầu nguồn nhân lực CNTT hiện nay. Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT sẽ luôn thiếu, trong khi một số lượng SV CNTT mới tốt nghiệp từ các trường ít có tên tuổi lại loay hoay tìm đầu ra bởi nhiều CNTT không thích nhận những người mới chưa có kinh nghiệm như vậy.

Và đây có lẽ sẽ là một trong những bài toán khó các công ty CNTT nói riêng, và CNTT Việt Nam nói chung sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới ;)

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Mỗi ngày một câu chuyện



Đã hơn hai tháng rồi tôi không đụng đến blog, khoảng thời gian lâu nhất trong bốn năm trở lại đây. Đúng là đến giờ mới hiểu lúc nào vô công rỗi nghề hóa ra lại là lúc mình viết lách được nhiều nhất, còn đến lúc ngập đầu trong công việc rồi thì bù đầu bù cổ, không còn thời gian để viết lách nữa :)

Đùa một chút cho vui, khoảng vài tháng cuối năm tự nhiên công việc tôi nhiều lên hẳn. Tôi có một cảm giác dường như CNTT Việt Nam đang nóng trở lại, nhiều công ty đang ào ạt tuyển người và chuẩn bị mạnh mẽ cho thời gian sắp tới. Năm 2010 có lẽ sẽ là một năm hoàng kim của CNTT Việt Nam. Có thể cuộc chơi dot-com sẽ bùng nổ trở lại và bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, hoặc đó cũng có thể là một năm mà ngành gia công Việt Nam sẽ đạt được con số tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, và còn nhiều điều khác nữa...

Và với tôi, năm 2010 có lẽ cũng sẽ là một năm cực kỳ bận rộn. Tuy nhiên trong thời gian qua tôi nhận ra một điều rằng gần đây tôi đã bị cuốn quá nhiều vào công việc đến nỗi không còn thời gian dành cho bản thân để cảm nhận những cảm xúc cá nhân và nhìn lại chính mình. Nên trong thời gian sắp tới dù bận rộn thế nào đi nữa, tôi tự hứa với mình sẽ dành ra một khoảng thời gian nhất định để ...viết một bài blog vào cuối mỗi ngày :x. Đó không cần là những bài viết dài và vĩ mô như các bài viết về chuyên môn gần đây, mà đơn giản chỉ là những câu chuyện hay suy ngẫm thú vị mà tôi cảm nhận được mỗi ngày.

Hi vọng rằng điều này sẽ giúp tôi cân bằng được một cuộc sống với đầy áp lực công việc với một thế giới những cảm xúc của riêng mình. Và cũng hi vọng có thể chia sẻ với mọi người xung quanh những góc nhìn về cuộc sống dưới con mắt của những người làm CNTT như chúng tôi. Và hi vọng trong vòng 1 năm sắp tới, tôi sẽ có được 365 câu chuyện thú vị ^_^


Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More