Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Công nghiệp phần mềm Việt Nam: Tìm lối ra trên thị trường toàn cầu


Gần đây tôi đọc được một số bài viết trên báo chí về việc bàn cách thúc đẩy CNTT Việt Nam nói chung, mà cụ thể là ngành Công nghệ phần mềm và nội dung số nói riêng như một mũi nhọn tương lai, khi mà công nghiệp phần cứng hiện tại chỉ đơn thuần lắp ráp và đã bị các nước khác bỏ xa. Nhìn một cách tổng quan, mọi thứ có vẻ như đang tăng trưởng đều đặn, do phần lớn nằm ở yếu tố số lượng. Tuy nhiên đứng ở góc độ doanh nghiệp hay những người trong ngành như chúng tôi, thì phần lớn mọi người có lẽ đang phải chịu một áp lực rất lớn về hướng phát triển tương lai của mình.

1. Các công ty gia công

Thỉnh thoảng tôi có trao đổi với một vài anh làm chủ doanh nghiệp gia công tầm trung bình nhỏ ở Việt Nam. Gần như tất cả đều đồng ý phần lớn những việc Việt Nam đang làm đều tập trung ở phân khúc thấp, rồi hợp đồng đặt gì làm nấy, có là đã mừng rồi chứ chưa chưa tập trung những thế mạnh chuyên biệt :). Chính vì vậy mà yếu tố cạnh tranh chỉ nằm ở yếu tố giá cả. Với chi phí bình quân đầu người hiện nay từ 1500-2000$, trừ đi các chi phí khác thì gần như lương còn lại cho lập trình viên khó có thể cao được. Điều này sẽ dẫn đến một lúc các công ty gia công sẽ khó thu hút được người giỏi, kẻ ra người vào thường xuyên, sống chờ thời và bế tắc trong hướng phát triển tầm xa của mình.

2. Các công ty dịch vụ online/nội dung số

Có lẽ hiện tại ngành này đang rơi vào khủng hoảng và tình hình còn kém hơn cả các công ty gia công. Ngoại trừ một số rất ít các công ty thành công thì phần lớn còn lại đều bế tắc trong việc tìm đầu ra và vẫn phải sống ngắc ngoải nhờ tiền đầu tư rót vào. Có lẽ khi IDG đầu tư vào Việt Nam, họ kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ có những bước tăng trưởng đột phá và bùng nổ như Trung Quốc, và điều này đã tạo ra một làn sóng dot-com vào năm 2006-2007. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thị trường nội địa thực tế vẫn còn quá nhỏ. Đó là chưa kể bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các công ty toàn cầu, các công ty telcos đại gia  còn tham vọng lấn sân và sẽ gây ra những sức ép còn lớn hơn nữa lên những công ty này.

3. Các công ty phần mềm nội địa

Thị trường phần mềm nội địa vẫn còn sơ khai, luật bản quyền chưa được thực thi chặt và nhận thức khách hàng tương đối thấp dẫn đến nguồn doanh thu trong lĩnh vực còn rất hạn chế. Với các công ty triển khai giải pháp thì vẫn phải trông chờ vào các hợp đồng và quan hệ, dễ dàng bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà tình trạng cũng dần dẫn đến như các công ty gia công, khó thu hút được người giỏi và bế tắc trong chiến lược phát triển tầm xa. Đó là chưa kể một khi thị trường đủ hấp dẫn, chắc chắn các đại gia nước ngoài sẽ ập vào và tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt, điển hình như lĩnh vực phần mềm bảo mật hiện nay. Và liệu với lợi thế thị trường nội địa, liệu các công ty Việt Nam sẽ cạnh tranh cách nào với các công ty thị trường toàn cầu ngoài yếu tố quan hệ và văn hóa đang ngày càng trở nên mong manh?

Đó là đứng ở góc độ doanh nghiệp, còn đứng ở góc độ một người làm trong lĩnh vực, một ví dụ cụ thể như lập trình viên. Chắc chắn khi đã phát triển đến một trình độ nào đó và va phải sự bế tắc ở trên, nếu có lựa chọn tôi tin chắc gần như mọi người sẽ chuyển sang một lĩnh vực khác triển vọng hay những công ty nước ngoài với nhiều lợi ích tốt hơn.

Do đó riêng bản thân tôi suy nghĩ, có lẽ đã đến các công ty CNTT Việt Nam cần phải có tư duy toàn cầu, nếu như muốn tiếp tục với những tham vọng vươn xa của mình. Sẽ có nhiều người nghĩ điều này khá viển vông nhưng cho dù thế nào thì có lẽ đó sẽ là lựa chọn duy nhất nếu như bạn không muốn mệt mỏi sống qua ngày và khả năng biến mất khỏi thị trường trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ khác trong tương lai. Tất nhiên điều này sẽ rất khó khi hầu hết các công ty nội địa đều chưa có kinh nghiệm quốc tế, nhưng tôi tin nếu có một số công ty tham vọng toàn cầu và làm thành công, chắc chắn đó sẽ là những điểm sáng để nhiều các công ty khác tiếp bước.

Nhắc tới vấn đề này, tự nhiên tôi nhớ lại hồi mình còn là sinh viên năm ba. Lúc đó chúng tôi vẫn còn suy nghĩ ngông cuồng của tuổi trẻ, nghĩ rằng chỉ cần quyết tâm mình sẽ có thể làm tất cả. Và rồi chúng tôi đã làm VSpeech, đưa lên một số site phần mềm nước ngoài bán và đã bán được ...vài bản ;). Tuy nhiên sau đó do không có thời gian và chưa đủ độ chuyên nghiệp nên mọi thứ đã dần chìm vào quên lãng. Từ lúc đi làm ngày càng biết nhiều thứ, có vẻ tôi lại càng do dự trong những quyết định của mình. Thỉnh thoảng tôi ước gì mình lại có được sự ngông cuồng của 5 năm về trước, với xu thế di động ngày càng trở nên phổ biến, các kênh phân phối ứng dụng thị trường toàn cầu đang ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết thì nếu tôi có được sự liều lĩnh dám nghĩ dám làm như hồi xưa thì rất có thể sẽ làm nên chuyện ^_^

Rồi tôi lại ...mơ về một tương lai xa hơn. Có thể chỉ cần bán được 1000 bản với giá vài đô-la, hay kiếm được một nguồn doanh thu không đáng là bao nhưng ít ra sẽ chứng tỏ được một điều rằng hướng đi này là triển vọng và các công ty CNTT nhỏ Việt Nam có khả năng hoạt động trên thị trường toàn cầu. Một khoản đầu tư lớn sẽ được rót vào để đẩy số lượng bán hàng lên 1 triệu bản/1 năm, khi thị số lượng thiết bị di động toàn cầu đang ngày càng trở nên phổ biến. Và với doanh thu ví dụ chỉ $3/bản thì doanh thu đã là 3 triệu USD /năm. Với tỉ suất lợi nhuận 50% và P/E triển vọng 50, thì giá trị công ty sẽ vào tầm 75 triệu USD. Và như vậy thì một công ty chỉ 20-30 người nhưng sẽ tạo nên một giá trị ngang ngửa với một tập đoàn công nghệ của Việt Nam, ví dụ như CMC với gần 2000 nhân viên hiện nay. Đó là chưa kể còn nhiều rất nhiều nguồn doanh thu khác từ lĩnh vực liên quan như gia công, hợp đồng giải pháp... một khi công ty đã có danh tiếng và chứng tỏ được thực lực của mình.

Tất nhiên sẽ còn rất nhiều ý kiến tranh cãi về ý tưởng "siêu thực" này. Tuy nhiên tôi tin tương lai thuộc về những người biết mơ ước và dũng cảm hành động ;). Và thực sự nếu điều này có thể xảy ra thì chắc chắn những người trẻ thế hệ 8x như chúng tôi sẽ giữ vai trò nòng cốt tiên phong. Nên dù thế nào cũng vẫn phải tiếp tục phấn đấu và chờ những tín hiệu tích cực trong tương lai gần sắp tới ^_^

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Olp.vn - Hướng đến một cầu nối hiệu quả dành cho lập trình viên Việt Nam

Trong các buổi tối tuần này, tôi có dịp tham gia làm tình nguyện viên dự án xây dựng cổng www.olp.vn, cho một số cuộc thi tin học uy tín dành cho sinh viên Việt Nam hiện nay do Hội tin học tổ chức hàng năm. Với tôi, đây là một công việc khá thú vị bởi có lẽ đó là một câu trả lời tốt cho bài toán Đi tìm những siêu lập trình viên Việt Nam tôi đang nghiên cứu và tìm hiểu.

Sơ lược qua một số thông tin về các cuộc thi, có thể nói Olympic Tin học là cuộc thi tin học uy tín nhất dành cho sinh viên hiện nay, đã được tổ chức thường niên từ năm 1992. Đặc biệt từ năm 2006, Hội tin học đã đưa vào thêm phần thi ACM và biến Việt Nam trở thành một trong những điểm thi vòng loại trong hệ thống ACM toàn cầu. Điều này theo cá nhân tôi suy nghĩ đã góp phần từng bước đưa trình độ sinh viên Việt Nam gần hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Ngoài ra trên cơ sở thành công có được, cuộc thi đã từng bước mở rộng ra thêm một số khối thi hấp dẫn khác như Phần mềm nguồn mở, Mùa hè sáng tạo... Theo thống kê của riêng tôi, thì ít nhất phải 70% những lập trình viên giỏi nhất của Việt Nam đều đã từng tham dự một hoặc vài lần các cuộc thi này. 

Quay trở lại vấn đề website cuộc thi, sau một thời gian bàn bạc thì chúng tôi, các cựu thí sinh cũng như ban tổ chức, nhận ra rằng có rất tiềm năng từ các cuộc thi này cần tích hợp lại để tạo nên giá trị hơn cho những người tham gia, cũng như góp phần thiết thực vào quá trình phát triển của CNTT Việt Nam nói chung. Chính vì vậy, ý tưởng về một cầu nối hiệu quả giữa ban tổ chức với các thí sinh, giữa các thí sinh với môi trường công nghiệp được hình thành. Và mục tiêu mà website hướng đến là sẽ trở thành một điểm đến hữu ích, nơi bất kì sinh viên CNTT hay yêu thích CNTT của Việt Nam đều có thể truy xuất toàn bộ tài nguyên từ các cuộc thi dành riêng cho họ, từng bước tích lũy và bồi dưỡng đam mê của mình. Còn với các nhà tuyển dụng, chỉ cần vài click chuột họ sẽ có thể truy xuất vào toàn bộ danh sách các cựu thí sinh, những lập trình viên thuộc hàng top Việt Nam hiện nay. Và trong tương lai xa hơn chúng tôi hi vọng trang web sẽ trở thành một sân chơi dành cho các sinh viên CNTT và lập trình viên đẳng cấp Việt Nam có thể cùng giao lưu chia sẻ, và tìm kiếm những cơ hội tốt nhất phù hợp với thế mạnh của mình.

Nhưng đó là câu chuyện tương lai, trước mắt chúng tôi lựa chọn giải pháp đơn giản Google Sites làm nền tảng để tổ chức nội dung và phối hợp giữa các tình nguyện viên cho đơn giản và hiệu quả, giảm tối đa công sức trong việc quản lý vận hành cũng như dễ dàng kiểm soát thông qua Google Sites API sau này. Và nếu bạn là một sinh viên CNTT, một lập trình viên, nhà tuyển dụng, hay ai khác nhưng có hứng thú với vấn đề này. Hãy dành thời gian ghé thăm website và gửi ý kiến cho nhóm tình nguyện để có thể làm tốt hơn nữa những tính năng phục vụ cho bạn cũng như cộng đồng. Và nếu có thể, hãy cùng tham gia ^_^

(Mọi thông tin xin email đến địa chỉ admin@olp.vn)

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Từ Google I/O nghĩ về một thế giới Internet mở và cơ hội quá độ cho CNTT Việt Nam

Sự kiện Google I/O 2010 diễn ra tuần trước quả là một bữa tiệc hoành tráng làm no mắt những người yêu thích công nghệ Google. Đây cũng là lần đầu tiên các bài diễn thuyết chính (keynote) của hội nghị này được truyền hình trực tiếp trên Youtube nên những lập trình viên như tôi, mặc dù ở cách xa nửa vòng trái đất và lệch tới 14 tiếng đồng hồ vẫn có cơ hội cùng xem và cảm giác được sự hồi hộp từng phút qua sự dẫn dắt chương trình vui nhộn của các Googlers. Tuy nhiên xen lẫn trong niềm vui là một cảm giác gì đó hơi ...choáng ngợp, quả thật không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được những kỹ sư đạt đẳng cấp ngang ngửa những kỹ sư của Google và cũng không biết liệu có một lúc nào đó các công ty CNTT trong nước có thể cùng bắt tay như những công ty nước ngoài đang làm để định nghĩa những chuẩn mở chung định hướng cộng đồng, cho dù họ có thể là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên một số lĩnh vực nào đó :)

Quay trở về nội dung chính của hội nghĩ năm nay, có thể thấy Google vẫn đang nỗ lực xoay quanh hai mục tiêu chính như năm ngoái, nhưng đã có những nỗ lực và tiến triển hơn rất nhiều

  • Về mục tiêu thứ nhất, Google vẫn đang nỗ lực khuyến khích và đẩy mạnh các ứng dụng web tương lai trên nền tảng mở HTML5 với tham vọng các ứng dụng web có thể đạt sức mạnh ngang ngửa với các ứng dụng desktop hiện tại như: video, games, các ứng dụng đòi hỏi nhu cầu lưu trữ cục bộ... Đây là một nước cờ chiến lược của Google bởi nếu họ đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực này thì sẽ là một đòn cực mạnh nhắm tới đối thủ Microsoft hiện vẫn đang là bá chủ trong lĩnh vực hệ điều hành và phần mềm văn phòng hiện nay. Tuy nhiên HTML5 vẫn còn là một công nghệ quá mới để được chấp nhận một cách rộng rãi trong cộng đồng và sự ra đời sắp tới của Chrome OS cũng như Chrome App Store hi vọng sẽ phần nào làm rõ hơn về diện mạo và vị thế của Google trong cuộc chiến này.

  • Nỗ lực thứ hai cũng không kém phần quan trọng và thú vị, hệ điều hành đang nổi đình đám hiện nay, Google Android 2.2. Có lẽ đa phần mọi người đều nghĩ mục tiêu chính của Android là nhắm tới thị trường smartphone đang có những tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên qua hội nghị lần này, có thể thấy tham vọng rất rõ của Google là sẽ từng bước bành trướng sang các lĩnh vực khác như TV (với sự ra mắt trong năm nay của Google TV), máy tính bảng, máy chơi games như xBox, Play Station và có thể còn nhiều các thiết bị khác. Những lĩnh vực có vẻ phần nào Microsoft đã bỏ quên do chưa thấy tiềm năng lợi nhuận lúc trước, nhưng giờ đây khi đặt dưới tay Google, đối thủ lớn nhất trong lĩnh vực quảng cảo trực tuyến, đã trở thành một vũ khí mạnh hơn bao giờ hết.

Đó là đứng dưới góc độ nhìn nhận của cộng đồng nói chung về những mục tiêu mà Google đang theo đuổi. Còn đứng dưới góc độ cá nhân của một người đã nghiên cứu và tìm hiểu sâu của Google trong vòng 4 năm trở lại đây, tôi nghĩ Google thực sự là đối thủ mạnh nhất về công nghệ tại thời điểm hiện tại. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào cách thiết kế kiến trúc sản phẩm của họ rất tốt và có tính mở cao so với các đại gia khác như Microsoft hay Apple. Hướng đi của họ cũng được sự hưởng ứng rất lớn của cộng đồng do đã từng bước mở mã nguồn các sản phẩm của mình cũng như góp phần định nghĩa ra những chuẩn mở thay vì đóng lại. Do đó tôi hoàn toàn có thể dựa trên các công nghệ của Google, nhưng vẫn có khả năng quản lý toàn bộ dự án và chuyển sang hệ thống của riêng mình trong tương lai. Một điều gần như không thể với các phần mềm đóng của Apple hay Microsoft.

Còn dưới góc nhìn vĩ mô hơn, tôi nghĩ chỉ trong tương lai gần sắp tới, các công nghệ của Google sẽ trở nên cực kỳ phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ nếu một chiếc smartphone Android của Google với đầy đủ tính năng giải trí, học tập, kết nối những chỉ có giá 100USD thì chắc chắn một lượng lớn khách hàng ở Việt Nam sẽ ào ạt chuyển sang. Điều này hoàn toàn khả thi khi tình hình thực tế hiện nay là một số thương hiệu điện thoại Việt như QMobile, FMobile đều xuất phát từ Trung Quốc nhưng được thị trường chấp nhận khá tốt. Và cũng nên lưu ý rằng, Trung Quốc đã có những điện thoại nhái Android với giá chỉ 100USD không kèm hợp đồng. Điều này sẽ tạo ra những động thái tích cực cho giới trẻ Việt Nam được đánh giá là yêu thích công nghệ và ham học hỏi như hiện tại. Một ví dụ khác, với sự ra đời của Google TV cũng sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các công ty truyền hình như VTC, Yeah1, YanTV... phổ biến rộng rãi hơn hình thức truyền hình theo yêu cầu của mình, khi mà đường truyền ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn.

Và cuối cùng, đứng dưới góc độ một lập trình viên, tôi nhìn nhận những công nghệ mở sẽ mang lại những giá trị lớn cho ngành CNTT Việt Nam nếu Việt Nam biết tận dụng một cách đúng đắn và hiệu quả. Thị trường các ứng dụng web và smartphone đang tăng trưởng với tốc độ cao, dẫn đến nhu cầu sản phẩm và cả gia công trong tương lai sẽ rất lớn. Và chính phủ cũng có thể tận dụng các chuẩn này để tiến lên một chính phủ điện tử mở hơn và nằm trong tầm kiểm soát của mình, hơn là lệ thuộc vào các chuẩn đóng. Các dịch vụ công sẽ từng bước được mở ra cho các công ty tư nhân tham gia cùng phát triển, còn nhiều người dân vốn chưa xài PC có thể quá độ lên thẳng các điện thoại thông minh giá rẻ và tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ công trong hệ thống chính phủ điện tử. Một xã hội tuyệt vời, ít ra về mặt khía cạnh công nghệ, trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Tất nhiên sẽ có những ý kiến về những viễn cảnh "quá lạc quan" này, tuy nhiên trước mắt có lẽ những lập trình viên như tôi vẫn sẽ tiếp tục ăn theo các chuẩn mở Google và cùng chờ xem ^_^

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Goonline.vn và sự tác động đến thị trường online Việt


Như vậy là hôm qua Goonline.vn, mạng xã hội được trông chờ nhất tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, với sự hậu thuẫn lớn của chính phủ, đã được chính thức khai trương. Sự kiện này có vẻ nhanh chóng gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng CNTT, chủ yếu về hình thức trình bày, cấu trúc, nội dung sản phẩm. Với riêng suy nghĩ cá nhân, tôi không chú trọng tới giao diện bề ngoài cho lắm. Những sản phẩm phiên bản đầu tiên có sai sót là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên nếu đúng như Goonline.vn đưa tin là sản phẩm của họ được hoàn thành trong 75 ngày thì quả thật đây có thể xem là một nỗ lực rất lớn và tất nhiên đằng sau đó sẽ là những tham vọng không nhỏ của chính phủ Việt Nam trong cuộc chơi này :)

Trong thời buổi hiện nay, khi vai trò truyền thông Internet đang ngày càng trở nên quan trọng bên cạnh các phương tiện truyền thống như báo chí, TV... thì đứng ở góc độ một đất nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, việc kiểm soát nội dung trên siêu xa lộ thông tin này đã trở thành một vấn đề cần thiết. Có thể thấy, một mạng xã hội thuần Việt thu hút được số lượng lớn user và nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ sẽ dễ dàng và thuận tiên hơn nhiều so với việc nó được kiểm soát bởi một công ty đa quốc gia như Facebook hay một công ty tư nhân như FPT hay Vinagame.

Xét ở góc độ nào đó, sẽ có nhiều phản đối bởi điều này sẽ khiến tự do trên Internet bị giảm sút do ngày càng bị chính phủ kiểm soát chi phối. Tuy nhiên xét ở một khía cạnh khác, điều này cũng sẽ tạo ra một số thuận lợi nhất định bởi có những lĩnh vực đem lại lợi ích cho cộng đồng chỉ có chính phủ mới có đủ sức và tiềm năng để thực hiện. Ví dụ như sản phẩm giáo dục goEdu, tôi trông chờ sản phẩm này tương lai sẽ có thể số hóa toàn bộ giáo trình sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để bất kì học sinh nào đất nước cũng có thể truy cập và nâng cao kiến thức của mình, một điều mà các công ty tư nhân chạy theo lợi nhuận hầu như sẽ khó lòng thực hiện. Một ví dụ khác về thanh toán trực tuyến, chính phủ sẽ từng bước tiến đến ưu tiên sử dụng một công cụ thanh toán trực tuyến duy nhất và dẹp loạn tình hình loạn 12 sứ quân hiện tại, mở đường cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển.

Cho nên với riêng bản thân, tôi đón nhận sự ra đời của Goonline.vn như một yếu tố tích cực. Có lẽ do một phần tôi đã quá ngán ngẩm với các website thông tin giật gân câu khách của các công ty online chạy theo lợi nhuận hiện tại. Việt Nam cần có một mô hình phát triển online thực chất và đem lại giá trị thực sự cho cộng đồng hơn là chạy đua bằng các nội dung câu khách rỗng tuếch về mặt nội dung. Và VTC, một công ty có tiềm lực lớn, đã được chính phủ tin tưởng trao sứ mệnh ^_^

Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu GoOnline.vn có thành công hay không hay sẽ lại nhanh chóng chìm vào quên lãng. Tuy nhiên dù sao sự ra đời của nó chắc chắn sẽ gây ra một sự tác động lớn đến làng online Việt Nam. VTC là một đối thủ không dễ chơi cho bất kì công ty nào. Trong lĩnh vực truyền hình, họ có thể cạnh tranh ngang ngửa VTV, online game thuộc hàng nhất nhì, mobile & Internet thì được sự hậu thuẫn của VNPT và họ cũng đã từng bước có tham vọng bành trướng ra thị trường quốc tế với việc mở các chi nhánh ở một số nước hiện tại. Như vậy có thể thấy doanh thu của họ tương lai được đảm bảo sẽ tiến triển một cách đều đặn và điều này chắc chắn sẽ gây nên một áp lực lớn cho các đối thủ có tham vọng bành trướng như FPT hay Vinagame, khả năng có thể bị trượt chân bất cứ lúc nào chỉ với một thay đổi trong chính sách của chính phủ. Và hi vọng điều này sẽ phần nào giúp làng online Việt tìm lại sự sôi động như thời kì hoàng kim năm 2007.

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Định vị Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới tương lai


Trong thời gian gần đây, hầu như trong các lúc rảnh rỗi, tôi đều tranh thủ online để tìm hiểu về các các vấn đề CNTT mình đang băn khoăn hiện nay. Điều này đã đưa tôi đến rất nhiều điều thú vị khác nhau, giúp tôi dần có được một cái nhìn tổng quan hơn và hi vọng sẽ sớm tìm ra được các câu trả lời :)

CNTT Việt Nam từ góc nhìn nhân lực

Nhân lực vẫn luôn là vấn đề xem xét đầu tiên khi định vị một quốc gia trên bản đồ CNTT thế giới. Xét về khía cạnh này thì Việt Nam còn quá khiêm tốn. Theo một số liệu gần đây thì hiện tại Việt Nam mới chỉ có 57.000 người làm trong lĩnh vực phần mềm, có thể tạm thời hiểu là lập trình viên. Trong khi đó con số này ở Mỹ là 3 triệu, ở Trung Quốc và Ấn Độ là khoảng 2 triệu. Do đó việc các trường đại học, cao đẳng ào ạt tuyển sinh CNTT hiện nay ở một khía cạnh nào đó có thể xem là bước đi cần thiết. Vấn đề quan trọng còn lại là làm sao để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ này.

Ngoài ra, trình độ nhân lực lập trình viên ở Việt Nam nói chung vẫn còn ở mức độ thấp. Nên trong tương lai vài năm tới vẫn cần tập trung vào việc học hỏi nâng cao trình độ. Xét theo khía cạnh này thì phần lớn số đông vẫn nên theo lĩnh vực gia công, tuy nhiên nên dần tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế để chuẩn bị cho tương lai.

Đi tìm những công ty CNTT Việt Nam tiềm năng tương lai

Trong bối cảnh như ở trên thì tương lai gần sẽ khó có sự xuất hiện của các công ty với một đội ngũ dream team cùng những sản phẩm CNTT đột phá như tham vọng của một số công ty trẻ Việt Nam hiện nay.

Điều này có thể giải thích với việc hầu hết các công ty hiện nay đều đang tập trung thị trường trong nước. Trong khi đó thị trường trong nước vẫn còn quá nhỏ để tạo ra một nguồn thu đủ trả cho một đội ngũ những người giỏi, đôi lúc dù trả vẫn chưa chắc tìm được người phù hợp bởi nguồn nhân lực này đang khan hiếm nên họ có khá nhiều lựa chọn như ra nước ngoài hay làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia. Nơi họ có được các chế độ đãi ngộ, cơ hội và danh tiếng lớn hơn nhiều.

Do đó theo suy nghĩ của riêng tôi, những công ty CNTT Việt Nam triển vọng trong tương lai sẽ phải là những công ty có được thị trường quốc tế. Đây có thể là những công ty do Việt Kiều hay người nước ngoài đến Việt Nam thành lập, hay cũng có thể là những công ty Việt Nam nhanh nhẹn từng bước len lỏi vào các thị trường mới như các ứng dụng smartphone bán trên các App Store. Hoặc những công ty tận dụng tốt vị trí của Việt Nam như một thị trường CNTT lớn ở Đông Nam Á và từng bước vươn ra khu vực. Tuy nhiên sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để những công ty như vậy xuất hiện.

Chờ đợi những tập đoàn CNTT Việt Nam

Việt Nam là một nước nhỏ nếu đem ra so với Trung Quốc, Ấn Độ. Do đó việc phát triển dàn trải gần như sẽ không tạo ra được lợi thế nào đáng kể, điển hình là tình thế CNTT Việt Nam hiện nay. 

Nhìn sang Hàn Quốc và Đài Loan, họ đều tập trung toàn sức cho ngành vi mạch vào khoảng những năm 60-70 và đã nhanh chóng trở thành những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực hiện nay. Chính phủ hai nước này đều xoay quanh một vài tập đoàn CNTT chủ lực, ví dụ như LG & Samsung của Hàn Quốc, rồi từng bước hình thành các công ty vệ tinh xung quanh các hạt nhân này.

Do đó có thể nói vai trò của các tập đoàn viễn thông Việt Nam như Viettel, VNPT trong thời gian tới sẽ cực kì quan trọng. Đây sẽ là các công ty đóng vai trò nòng cốt trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng CNTT ở Việt Nam, từng bước vươn ra thị trường bên ngoài và làm hạt nhân để tạo ra hệ thống các công ty vệ tinh chư hầu. Có vẻ chính phủ đã xác định viễn thông và những dịch vụ mobile internet sẽ là chủ lực của các tập đoàn này. Nếu làm tốt, giá trị tương lai các tập đoàn này hoàn toàn có thể đạt ngưỡng 20-30 tỉ USD, và góp phần tạo ra hàng trăm công ty vệ tinh với giá trị chục triệu USD trở lên. Một tình thế tương tự so với Đài Loan hiện tại với các công ty vi mạch.


Tất nhiên tất cả viễn cảnh nêu trên đều nhìn dưới lăng kính của một người khá lạc quan như tôi :). Rất có thể với cách phát triển lộn xộn như hiện nay, Việt Nam sẽ vẫn là một thị trường tiêu thụ CNTT như hiện tại. Tuy nhiên tương lai vẫn đang còn ở phía trước, chúng ta vẫn cứ nên hy vọng để ...tiếp tục phấn đấu ;)). Riêng bản thân tôi vẫn tin vào những nỗ lực của chính phủ, cũng như một số bạn bè xung quanh cùng chí hướng. Vấn đề hiện tại là hạ tầng Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện và sẽ còn phải mất ít nhất từ 3-5 năm nữa. Nên tôi nghĩ có lẽ đây là thời điểm tốt để tôi quay lại niềm đam mê nghiên cứu học tập và mơ về giấc mơ triệu phú công nghệ trong vòng 5-10 năm nữa của mình ^_^

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Những con đường sự nghiệp của lập trình viên Việt Nam


Gần đây thỉnh thoảng tôi có nhận được một vài yêu cầu của bạn bè xung quanh đề nghị tư vấn trong việc ...nhảy công ty. Có lẽ điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh tình hình nhân sự CNTT đã bắt đầu nóng trở lại như hiện nay thì sự dịch chuyển nhân sự giữa các công ty CNTT đang bắt đầu có chiều hướng gia tăng. Với riêng bản thân tôi không khuyến khích việc nhảy việc cho lắm, trừ khi biết chắc công ty mới có điều kiện tốt hơn hẳn và phù hợp với thế mạnh của mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều là làm việc ở các công ty khác nhau sẽ đem lại cho lập trình viên một cái nhìn toàn diện hơn về lĩnh vực mình đang theo đuổi để từng bước định hướng tốt hơn con đường tương lai của mình sau này.

Nếu tính từ hồi sinh viên cho đến hiện tại, tôi cũng đã làm được cho cỡ ...chục công ty CNTT khác nhau. Từ thực tập, cộng tác, làm bán thời gian cho đến toàn thời gian. Thể loại các công ty cũng khá đa dạng, từ các công ty gia công, start-up, làm sản phẩm cho đến các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên đừng vì thế mà bạn nghĩ tôi là một người ham ...lương cao hoặc không kiên định ;)). Có thể nói trong một thị trường CNTT mới ở giai đoạn lộn xộn ban đầu như Việt Nam hiện nay thì việc tìm cho mình một công việc phù hợp hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng. Điều này đối với những sinh viên chân ướt chân ráo mới ra trường còn khó khăn hơn khi đa phần vẫn chưa xác định được thế mạnh và đam mê của mình. Cho nên đôi lúc phải trải qua một vài công ty khác nhau bạn mới xác định được đâu mới là môi trường phù hợp nhất. Với một số người lỡ rơi vào môi trường không đúng với niềm đam mê, không dũng cảm dứt khoát dần dần tạo nên những áp lực lớn cho bản thân và khiến họ chán nản và rời ngành.

Do đó tôi nghĩ với những lập trình viên trẻ, đặc biệt các bạn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc tìm những cơ hội để va chạm trong các môi trường khác nhau là một điều khá hữu ích. Những điều này sẽ góp phần giúp bản thân mỗi người nhìn nhận ra đây là những thế mạnh và đam mê của mình. Với kinh nghiệm bản thân tôi mặc dù đã trải qua nhiều công ty khác nhau, nhưng tại bất kì thời điểm nào tôi cũng chỉ làm cho tối đa 2 công ty. Và tôi luôn xác định đâu là công việc chính mình sẽ dành toàn bộ sức lực của mình. Rồi với mỗi công việc tôi đều cố gắng làm thật tốt trong khả năng của mình, do đó gần như sau khi kết thúc công việc tôi đều giữ được mối quan hệ tốt với những người cộng sự và trở thành những người bạn tốt cho đến hiện tại. Và hẳn nhiên điều này đã mang lại cho tôi những giá trị vô hình rất lớn về sau, nên hi vọng sẽ được chia sẻ ít nhiều với mọi người qua bài viết này. 

1. Công ty gia công

Có lẽ lợi thế lớn của các công ty gia công nằm ở môi trường chuyên nghiệp và cơ hội tham gia cọ xát các dự án lớn của nước ngoài. Những điều này đặc biệt hữu ích cho những lập trình viên trẻ mới bước từ môi trường giảng đường sang thực tế, và việc đặt mình dưới áp lực của các dự án lớn đòi hỏi các quy trình chặt chẽ sẽ giúp lập trình viên nhanh chóng chuyên nghiệp hóa bản thân mình.

Tuy nhiên môi trường gia công cũng có những hạn chế nhất định, việc vẫn còn ít những dự án xứng tầm cũng như việc trả chi phí cố định theo đầu người ở đa phần các công ty sẽ dần khiến nhiều lập trình viên chán nản và từng bước tìm cho mình những hướng đi mới mẻ hơn. 

2. Công ty Start-up/Sản phẩm

Làm việc trong một công ty start-up thực sự sẽ đòi hỏi bạn làm việc >100% khả năng của mình. Ngoài ra, do công việc của công ty start-up khá nhiều mà số người lại hạn chế, nên gần như sẽ đòi hỏi bạn phải biết thêm rất nhiều thứ không nằm trong kiến thức của bạn được trang bị ở các công ty lớn. Trong một môi trường như vậy sẽ khiến bạn trưởng thành lên rất nhiều.

Lẽ dĩ nhiên môi trường start-up cũng có những hạn chế. Hạn chế thứ nhất là tỉ lệ các công ty start-up thành công là rất thấp, nên đôi lúc việc gắn bó trong một môi trường start-up chờ thời quá lâu mà vẫn chưa thấy đầu ra sẽ khiến bạn lãng phí rất nhiều thời gian và đánh mất nhiều cơ hội, thực tế chứng minh các công ty start-up thành công lớn đa phần đều có những bước tiến thần tốc trong một thời gian nhất định. Hạn chế thứ hai, môi trường start-up đòi hỏi bạn biết rộng hơn là biết sâu. Do đó nếu bạn là một người chuyên sâu về một công nghệ nhất định thì sẽ không thích hợp trong môi trường này. 

3. Công ty đa quốc gia

Có lẽ vị trí cho lập trình viên trong các công ty này không nhiều khi phần lớn hiện nay vẫn xem Việt Nam là một thị trường phân phối và tiêu thụ. Tuy nhiên gần đây tình hình đã dần khá hơn khi thị trường Việt Nam bắt đầu lớn và chứng tỏ vị trí tiềm năng trong tương lai gần sắp tới.

Làm việc trong các công ty này được lợi là quy trình đã khá bài bản nên lập trình viên chỉ cần tập trung vào những hướng nhất định, rất phù hợp cho những ai đam mê đào sâu vào một công nghệ mũi nhọn. Ngoài ra làm việc trong môi trường này cũng giúp lập trình viên mở rộng tầm nhìn lên rất nhiều bởi có cơ hội cọ xát trong một môi trường mang tính quốc tế. Tuy nhiên điểm yếu ở các công ty này là lập trình viên sẽ không có được một cái nhìn tổng quát về công ty như trong môi trường công ty start-up đã nêu trên. 

4. Công ty/Tổ chức nhà nước

Làm trong nhà nước thì lương khá thấp so với thị trường. Tuy nhiên đổi lại môi trường tương đối nhẹ hơn, cũng như sẽ có những giá trị vô hình nhất định và tiềm năng trong tương lai, đặc biệt trong một xã hội mà nhà nước vẫn còn nắm giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế như Việt Nam hiện nay.

Bản thân tôi chưa có nhiều cơ hội cọ xát trong môi trường này. Tuy nhiên qua chia sẻ với một số bạn bè, thì ngoài công việc chính thì họ có thể tham gia một số dự án để kiếm thêm thu nhập. Với một số bạn bè khác tôi biết thì gia đình của họ đã khá dư dả về tài chính và có thế đứng nhất định, nên việc lương bổng không còn quá quan trọng đối với họ mà mục đích họ sẽ từng bước tiến lên nắm giữ những vị trí quan trọng của CNTT Việt Nam trong tương lai. 


Tổng kết lại, những loại công ty nêu trên đều có những ưu nhược điểm khác nhau, nên sẽ phù hợp cho những đối tượng khác nhau tùy vào niềm đam mê sở thích của mỗi người. Với riêng bản thân, thì tôi cảm thấy mình khá may mắn khi đã có cơ hội làm việc qua nhiều công ty khác nhau. Điều này đã đem lại cho tôi những trải nghiệm quý giá trên con đường sự nghiệp của mình, cũng giống như việc ...đi thi vậy. Mặc dù điều này đôi lúc khiến tôi mất phương hướng khi đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, nhưng tôi tin mình đã đang dần xác định được niềm đam mê, thế mạnh và mục tiêu lớn nhất của chính mình ^_^

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Đi tìm những siêu lập trình viên Việt Nam


Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong vài năm qua, nhưng có vẻ tôi là người không có duyên trong việc kinh doanh tiền bạc. Trong lúc một số bạn bè xung quanh phất lên nhanh chóng, thì tôi vẫn cứ ...đều đều :(. Trái lại các kỹ năng về giao tiếp cộng đồng của tôi lại phát triển khá đều đặn. Bên cạnh công việc của một kỹ sư phần mềm, tôi đã có cơ hội tham gia khá nhiều khóa đào tạo "luyện gà", các hội thảo, hoạt động cộng đồng, rồi vinh hạnh trở thành giám khảo trẻ nhất của một số cuộc thi uy tín như Olympic Tin học Sinh viên, Mùa hè sáng tạo... :x. Tôi nhận thấy những công việc như vậy đã nâng tầm nhìn của tôi lên rất nhiều so với khi chỉ làm một lập trình viên hay kinh doanh thông thường. Và có vẻ tôi đã dần nhận ra đâu mới thực sự là những thế mạnh và công việc yêu thích tôi có thể làm trong suốt cuộc đời :)

Có lẽ trong các đối tượng từng đi dạy, tôi thích nhất là các em học sinh Cấp 2. Với niềm đam mê tin học ở độ tuổi còn khá tinh nghịch, các em dễ làm toát lên trong suy nghĩ của những người đi dạy một nét ngây ngô, trong sáng và đáng yêu. Bao nhiêu kiến thức chia sẻ đều được các em tích cực tiếp thu đều đặn. Và tôi nhận ra có lẽ đây chính là độ tuổi thích hợp nhất để phát triển niềm đam mê Tin học cho một thế hệ. Sớm quá có thể dễ làm các em xao nhãng bởi chưa đủ độ chín, còn trễ quá sẽ khó hình thành nên một niềm đam mê đủ lớn để giữ chân các em trước những ...cám dỗ cơm áo gạo tiền :). Và thực tế rất nhiều lập trình viên giỏi tôi được biết đều xuất phát từ độ tuổi này.

Rồi lên cấp 3 và những năm đầu đại học có lẽ là độ tuổi thích hợp nhất để phát triển các tư duy thuật toán. Nhớ lại 10 năm về trước tôi và bạn bè đã có một thời gian tuyệt vời làm việc ngày đêm với những thuật toán và ngôn ngữ lập trình Pascal già nua trong sáng. Những điều này đã tạo nên nền tảng vững chắc để chúng tôi định vị mình tốt hơn trong thế giới CNTT sau này. Tuy nhiên có một điều tôi không thích lắm là hiện tại Việt Nam hầu hết vẫn còn sử dụng Pascal chạy trên ...DOS. Nếu chuyển sang một số ngôn ngữ mạnh hơn như Java + Eclipse thì chắc chắn sẽ mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho học sinh tiếp cận nhanh hơn với những lợi thế trong một thế giới phẳng hôm nay.

Rồi đến những năm trên giảng đường đại học sẽ là thời điểm tốt nhất để tiến vào thế giới công nghệ và từng bước hiện thực hóa những ý tưởng của mình, tung hoành ngang dọc tại hàng tá cuộc thi tổ chức chỉ dành cho sinh viên hàng năm. Với các kiến thức cơ bản đã được tích lũy, sự định hướng tốt trên một siêu xa lộ thông tin trên Internet, hàng loạt cơ hội trong lĩnh vực này sẽ mở ra cho những người trẻ tuổi có đủ niềm đam mê và dũng cảm dấn thân.

Đến đây có vẻ tôi hơi lạc đề so với tiêu đề của bài viết này. Tuy nhiên một trong những vấn đề CNTT Việt Nam đang đối mặt hiện nay là rất thiếu những siêu lập trình viên với một nền tảng kiến thức công nghệ vững chắc, tư duy sáng tạo và đột phá. Với những người như vậy thì gần như không thể đào tạo chỉ trong 4-5 năm của môi trường đai học, mà có lẽ phải trong một thời gian dài xuyên suốt như tôi đã nêu ở trên. Và tôi không tin Việt Nam sẽ có thể trở thành một cường quốc CNTT nếu không đào tạo được một thế hệ những con người như vậy. Nhiều công ty ở Việt Nam tôi có dịp tiếp xúc cũng có tham vọng trở thành một đế chế CNTT và vươn ra tầm khu vực trong những năm sắp tới, tuy nhiên nếu không giải quyết tốt vấn đề này và xây dựng được một đội ngũ những lập trình viên đủ tốt thì đó vẫn sẽ mãi là mục tiêu xa vời và mọi thứ rốt cục cũng chỉ quanh quẩn trong tầm Việt Nam mà thôi.

Nên trong thời gian sắp tới tôi dự định sẽ dành thêm thời gian để tiếp tục đi sâu vào vấn đề này. Tất nhiên tôi không có tham vọng sẽ phải làm một cái gì đó vĩ mô. Đơn giản tôi nhận thấy mình có một số thế mạnh trong vấn đề này và tôi muốn phát huy để xây dựng bản thân trở thành một mắt xích quan trọng trong một công ty CNTT Việt Nam toàn cầu tương lai. Và liệu đó có phải niềm đam mê của tôi không nhỉ ^_^

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Tôi 26 và những ước mơ


Tôi luôn cảm thấy mình là một người hạnh phúc và may mắn, chỉ bởi một điều đơn giản, gần như trong suốt thời gian 26 năm cuộc đời đã qua, tôi đã luôn có đủ đam mê và khát vọng để sống thật với những ước mơ của chính mình :)

Tôi vẫn nhớ rõ hồi mình còn học lớp ba, khi cầm trên tay quyển "Tuyển tập các đề thi Học sinh giỏi Toán Quốc Gia", tôi đã ước mơ một ngày nào đó mình cũng sẽ có cơ hội tham gia vào kỳ thi này. Và rồi sau đó trong suốt từ năm lớp 5 cho đến năm cuối cùng ngồi trên ghế giảng đường đại học, không có năm nào mà tôi không đi thi vài lần. Trải qua mỗi cuộc thi, tôi lại có dịp "du lịch" đến các vùng đất mới :x, quen thêm những người bạn mới, học hỏi thêm nhiều điều mới để ngày một trưởng thành và chín chắn hơn trong những suy nghĩ của mình. Và không chỉ dừng lại ở những kỳ thi quốc gia như ước mơ hồi còn nhỏ, tôi đã có cơ hội vươn xa hơn rất nhiều. Những điều đó đã trở thành những ký ức đẹp tôi sẽ mãi không quên trong suốt cuộc đời này.

Rời giảng đường đại học từng bước va chạm vào cuộc sống khắc nghiệt của xã hội, tôi lại có những ước mơ mới hơn, đó là "được đi chu du vòng quanh Việt Nam để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như thưởng thức các món ăn độc đáo của tất cả các vùng miền :">. Rồi từng bước sử dụng những kỹ năng mình đã tích lũy được để góp phần vào sự phát triển của ngành CNTT nước nhà". Và tôi cũng đã có một khoảng thời gian tuyệt vời với hai ước mơ dễ thương này ^_^

Đến thời điểm hiện tại, ước mơ đầu tiên đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên tôi đã gặp nhiều trở ngại ở ước mơ thứ hai. Tôi đã nhận ra có nhiều hạn chế mà chỉ với kiến thức công nghệ của một kỹ sư CNTT như tôi sẽ không thể xử lý được. Và điều đó đã khiến tôi đôi lần rơi vào khủng hoảng và mất phương hướng trong năm vừa qua. 

Tuy nhiên, trong thời gian đó tôi lại dần nhận ra một niềm đam mê của mình trong lĩnh vực lịch sử, địa lý và kinh tế. Trong thời gian gần đây, hầu như tối nào tôi cũng về cặm cụi đọc các tài liệu trên Wikipedia, xem các chương trình liên quan trên CNN, Channel News Asia... Và tôi có cảm giác niềm đam mê đã bắt đầu quay trở lại, hệt như những gì lần đầu tiên tôi đến với tin học hay thời gian sinh viên cặm cụi tìm hiểu những công nghệ mới. Có vẻ tôi đã dần nhận ra một điều gì đó, để giải quyết bài toán CNTT hiệu quả, tôi sẽ không chỉ cần những kiến thức vững chắc về mặt công nghệ, mà sẽ còn phải cần thêm một tư duy kinh tế và chiến lược sắc bén để khắc phục những hạn chế sâu xa hơn về mặt xã hội.

Và rồi tôi lại có thêm những ước mơ mới ;)). Đôi lúc thực sự tôi cũng không biết những ước mơ này sẽ dẫn mình đến đâu. Có thể tôi sẽ vẫn chỉ là một người ...lông bông như hiện tại và không có được thành công như bạn bè xung quanh. Tuy nhiên, có một điều tôi biết là tôi đã và luôn cảm thấy hạnh phúc với những ước mơ và công việc mình đang làm. Phải chăng điều đó đã là đủ cho cuộc sống của một con người. Và tôi hi vọng sẽ có thể sớm đạt được mục tiêu này để chuyển sang những ước mơ mới hơn, trở thành một nhà hoạch định kinh tế hay một nhạc sĩ tài ba chẳng hạn ^_^

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Games Online và những hệ lụy xã hội


Tôi là một người có cái nhìn không mấy thiện cảm với những trò chơi online ở Việt Nam, mặc dù tôi là một người cũng rất thích games ;). Có lẽ trong những năm qua khi du lịch vòng quanh Việt Nam, tôi mới có dịp chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của online games đến giới trẻ Việt Nam như thế nào. Và tôi tin nếu tiếp tục với tình trạng hiện tại thì chỉ trong 10 năm nữa, sẽ có một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt trưởng thành không có kỹ năng nghề nghiệp ổn định, ăn chơi nhậu nhẹ và tất yếu sẽ dẫn tới một loạt các bất ổn xã hội như trộm cắp, giết người...  Nên sẵn tiện báo Vietnamnet có các bài viết về vấn đề này, tôi cũng muốn ăn theo để bày tỏ "bức xúc" của mình ;))

- Về mặt tiêu cực của online games đã có nhiều người đề cập nên có lẽ tôi không cần nói nhiều. Sẽ có một số người tranh luận rằng online games chỉ đơn thuần là hình thức giải trí, tốt hay xấu là do ...games thủ. Tuy nhiên trong trường hợp ở Việt Nam thì có lẽ lời giải thích này mang tính chất hơi ngụy biện. Chúng ta đều biết đối tượng chính của online games hiện nay là giới trẻ, đặc biệt tầng lớp học sinh. Và ở độ tuổi này tôi nghĩ hầu hết đều không có nhận thức về những tốt xấu của games online. Cộng với việc các bậc phụ huynh đều tương đối bận rộn trong công việc làm ăn thì gần như sẽ không có ai quản lý và định hướng để các em phát triển theo hướng có lợi cho bản thân mình như ở các nước phát triển khác.

- Tuổi trẻ cũng là tuổi có nhiều suy nghĩ thiếu chín chắn, bồng bột nhất. Cộng với tác động của một số games online bạo lực có thể dẫn tới những hệ quá khôn lường cực kỳ nguy hiểm như giết người. Điều này gần như thật khó tin ở một đất nước như Việt Nam. Và khi những người trẻ đã dám hành động như vậy, thử hỏi trong tương lai sẽ còn dẫn đến những hệ lụy còn kinh khủng hơn thế nào nữa.

- Ở một góc nhìn khác, trong khi nhiều công ty gia công đang cố gắng làm việc để kiếm từng đồng ngoại tệ và góp phần vào sự phát triển của nền CNTT Việt Nam thì lại có những công ty dễ dàng kiếm được những khoản lợi nhuận kếch xù và góp phần vào việc hủy hoại một bộ phận thế hệ trẻ. Điều này hẳn ít nhiều khiến những người làm CNTT bức xúc (vd như ...tôi chẳng hạn :">), thấy chán nản rồi từng bước bỏ nghề hoặc chuyển sang các nước khác nơi mà môi trường tốt hơn.

Do đó, bản thân tôi nghĩ hơn ai hết, chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng can thiệp để giải quyết vấn đề này, trước khi tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ . Tất nhiên là không bằng những biện pháp tiêu cực như đóng cửa các games online, như vậy hẳn sẽ ảnh hưởng tới những games thù lành mạnh. Các biện pháp có thể là:

- Cấm triệt để những games có hình thức bạo lực, chém giết... Khuyến khích các games giáo dục, kích thích sự sáng tạo và truyền thống văn hóa Việt Nam.

- Hạn chế thời gian chơi games mỗi ngày, chắc khoảng 2 tiếng là đủ.

Và tôi nghĩ nếu làm tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành nên một công nghiệp games lành mạnh với những games tương tác hiệu quả mang tính định hướng cao. Và đây cũng sẽ là một công cụ tốt hỗ trợ vào việc cải cách giáo dục Việt Nam hiện nay :)

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Chiến tranh lạnh dot-com Việt Nam


Có lẽ hầu hết mọi người thông thường đều nghĩ Google đạt được thành công lớn như ngày nay là nhờ vào tài năng của hai nhà sáng lập là Sergey Brin và Lawrence Page, bản thân tôi cũng đã từng nghĩ như vậy cho đến khi lao vào cuộc chiến dot-com thực sự. Có thể nói yếu tố quyết định nhất đến sự thành công của Google ngày nay là sự may mắn. Google xuất hiện đúng vào lúc thời kì Internet bắt đầu bùng nổ và thế giới dotcom đang cần một sự sắp xếp thông tin có trật tự hơn. Google đã tận dụng rất tốt điều này và sớm có được nguồn doanh thu lớn và tương đối bền vững. Dựa trên đó họ đã đi chiêu binh và mua lại các công ty khác để hình thành nên một đế chế Google như hiện tại. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa phủ nhận tài năng và sự liều lĩnh của hai nhà đồng sáng lập, nhưng nhìn lại thì ngay cả Google cũng phải thừa nhận rằng thuật toán PageRank ngày xưa chỉ còn là một trong hàng trăm yếu tố góp phần vào cỗ máy tìm kiếm khổng lồ của họ ngày nay.

Trong một xã hội như Việt Nam thì tôi tin yếu tố này càng thể hiện sự quyết định. Đôi lúc việc tôi có được một thực lực mạnh và sản phẩm tốt không quan trọng bằng việc tôi có được tầm nhìn sắc bén về thị trường, tận dụng tốt các mối quan hệ và chớp thời cơ đúng lúc. Đó cũng là vấn đề mà tôi muốn tìm hiểu thông qua bài viết này.

1. Lĩnh vực tìm kiếm

Socbay là một công cụ tìm kiếm không có gì đặc sắc về công nghệ. Nhưng họ lại xuất phát vào thời điểm IDG đang cần giải ngân nên đã được rót vào một số tiền đầu tư tương đối. Cộng với việc một số thành viên sáng lập của họ xuất thân từ gia đình có thế nên đã giúp Socbay có được những lợi thế nhất định về mặt chính trị như hiện nay. Có thể rất nhiều người tranh cãi về hướng đi đậm chất ...PR quảng cáo này ;)), nhưng rõ ràng nếu tương lai Socbay bổ sung hay mua lại được một team công nghệ hiệu quả và tìm được doanh thu đầu ra thì họ hoàn toàn có khả năng trở thành một công ty online thành công ở Việt Nam.

Còn Moom là một công cụ tìm kiếm không nhiều người biết đến, mặc dù đây là một team làm việc khá nghiêm túc theo nhận định của riêng tôi. Moom xuất phát vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu diễn ra, cũng như sau khi các nhà đầu tư đã nhìn thấy những khó khăn nhất định trong lĩnh vực tìm kiếm. Cộng thêm việc họ chưa có được bộ sậu mạnh về marketing, chiến lược và quan hệ nên hiện tại họ vẫn còn là startup nhỏ với nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, khi cuộc đua mạng xã hội cùng với nhu cầu data mining bùng nổ, nếu Moom tận dụng tốt thì họ sẽ có được những bước tiến quan trọng so với các đối thủ khác hiện nay.

Và tất nhiên khả năng Socbay mua lại Moom cũng có thể xảy ra và nếu như vậy sẽ là điển hình cho việc yếu tố quan hệ/may mắn sẽ chiến thắng yếu tố thực lực mà tôi đã đề cập ở trên ;)

2. Lĩnh vực mạng xã hội

Vinagame là một điển hình trong việc nhạy bén chớp thời cơ và đã đạt được thành công tốc độ trong lĩnh vực online ở Việt Nam chỉ trong thời gian 5 năm ngắn ngủi. Tuy nhiên phần lớn nguồn doanh thu đều tập trung trong mảng games nên họ buộc phải tìm một hướng đi bền vững khác trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ vào lĩnh vực trong thời gian sắp tới. Do là một công ty trẻ và không có thế đứng về chính trị tốt như các đối thủ khác nên Vinagame đã từng bước đa dạng hóa cổ đông, với sự tham gia của Tencent và Goldman Sachs nhằm củng cố kinh nghiệm và thế đứng cho mình.

Ngược lại, FPT là một công ty thâm niên có thế đứng tốt cả về mặt thị trường lẫn chính trị. Tuy nhiên do xuất phát sau nên họ đã bị Vinagame bỏ một khoảng tương đối xa trong lĩnh vực online. Và dĩ nhiên FPT sẽ phải dồn sức vào trận chiến này nếu như không muốn bị Vinagame vượt mặt về giá trị thị trường chỉ trong 2-3 năm nữa. Nếu có thể liên kết các dịch vụ, hẳn nhiên FPT sẽ là người chiến thắng nhưng rõ ràng với bộ máy cơ chế cồng kềnh như hiện nay, cùng với việc cuộc chiến nhân lực bắt đầu diễn ra một cách gay gắt thì thực sự sẽ rất khó để FPT có được một đội ngũ nhận lực tốt và đạt được sự linh động như các công ty online thuần túy khác.

VTC là một đối thủ tuyệt nhiên có lợi thế lớn nhất về thế đứng chính trị khi được chính phủ công khai ủng hộ xây dựng mạng xã hội cho toàn Việt Nam, tuy nhiên hiện họ vẫn là một câu hỏi lớn. Bản thân tôi nghĩ với mô hình dù sao vẫn là một công ty nhà nước nên sẽ không dễ dàng để VTC cạnh tranh với các đối thủ khác trừ khi nhà nước có cơ chế "khuyến khích" người dân sử dụng dịch vụ mạng xã hội của họ.

Còn các đối thủ khác như Tamtay, Cyworld... thì có lẽ đã không còn đủ sức. Mạng xã hội giờ đã trở thành cuộc chơi của các đại gia lắm tiền hoặc có thế đứng chính trị. Không có được yếu tố này thì gần như sẽ rất khó để tồn tại chứ chưa nói đến việc đợi đến lúc có thể tìm được doanh thu đầu ra.

3. Yếu tố chính phủ Việt Nam

Và tất nhiên không thể không nhắc tới yếu tố can thiệp của chính phủ Việt Nam vào thế giới online trong vòng tương lai ít nhất 10 năm sắp tới, đặc biệt trong các lĩnh vực truyền thông, tìm kiếm, mạng xã hội... Trong một thế giới phẳng như hiện tại sẽ rất dễ để tạo ra các sự kiến diễn biến hòa bình thông qua các công cụ phổ cập như Internet, và chính phủ Việt Nam sẽ buộc phải tạo ra một rào cản để giới hạn người dân trong nước tiếp xúc với những thông tin nhạy cảm này. Xét về yếu tố này thì có vẻ chính phủ Việt Nam giống như ...Microsoft ^_^

Ngược lại chính phủ Mỹ luôn đi đầu trong việc kêu gọi tự do thông tin Internet. Nghe ban đầu có vẻ hay và công bằng nhưng ngẫm lại thì nơi nào có dân chủ thì sẽ có lợi cho Mỹ trong việc tạo ra đồng minh của mình. Điều này cũng giống như Google luôn kêu gọi và ủng hộ phong trào open source nhưng cứ thêm một tổ chức tham gia thì sẽ lại là một đòn nhắm vào gã khổng lồ Microsoft. Và tất nhiên Microsoft cũng sẽ phải tìm cách để bảo vệ thế đứng của mình ;))

Nên nếu làm dot-com ở Việt Nam, chắc chắn bạn phải chấp nhận luật chơi của chính phủ Việt Nam, cho dù tư tưởng bạn có khác biệt thế nào đi nữa. Tuy nhiên đổi lại, bạn sẽ được lợi thế ít nhiều nhờ rào cản vô hình mà chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra cho những sản phẩm không chấp nhận luật chơi này. Còn nếu bạn không chấp nhận, setup công ty ở các thị trường khác là lựa chọn duy nhất còn lại.


Do đó theo suy nghĩ cá nhân tôi, để thành công ở Việt Nam, các công ty sẽ cần phải có một độ "nhạy" về mặt chiến lược, đặc biệt là yếu tố quan hệ và chính trị nhất định. Tất nhiên có thể nhiều người cho rằng nhiều công ty vẫn thành công mà không cần quan tâm đến yếu tố này. Nhưng tôi tin rằng đến một lúc nào đó khi một công ty phát triển đến mức độ đủ lớn, chắc chắn họ sẽ phải đương đầu với những yếu tố này dù họ có quan tâm hay không. Và việc hoạch định chiến lược từ sớm sẽ giúp công ty đỡ gặp nhiều trở ngại và tiến nhanh hơn tới mục tiêu của mình ;)

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

CNTT Việt Nam 2010 - 2020: Thời thế tạo anh hùng!


"Một công việc trong lĩnh vực thế mạnh với mức lương ngang hiện tại ở Sài Gòn và bao toàn bộ chi phí ăn ở đi lại, sự hỗ trợ tối đa của chính quyền địa phương cùng sự hậu thuẫn của một tập đoàn lớn từ Mỹ, cùng những quyền lợi như một co-founder ban đầu". Tôi nghĩ có lẽ đó đã là offer tốt nhất mà mình có thể có được tại thị trường Việt Nam lúc này. Trước sự kiện như vậy tự nhiên tôi cảm thấy vui vui, không hẳn bởi offer hấp dẫn, mà có lẽ vì thời của những người làm CNTT như chúng tôi đã gần đến. Và sắp tới những kỹ sư CNTT có đam mê và năng lực như chúng tôi sẽ không còn phải bận tâm quá nhiều về vấn đề cơm áo gạo tiền như trước đây, mà sẽ có đủ điều kiện để tập trung vào đam mê chuyên môn của mình.

Có lẽ đa phần mọi người đều nghĩ CNTT là một ngành gì đó khá sang trọng và dễ kiếm nhiều tiền, nhưng chỉ những người làm trong lĩnh vực này đủ lâu mới cảm nhận được sự khốc liệt của nó. Bạn có thể khởi đầu với một mức lương khá nhưng đến một lúc nào đó tự nhiên bạn cảm thấy thua hẳn một số bạn bè xung quanh trong các lĩnh vực tiềm năng khác. Đôi lúc lương vài năm của bạn chưa bằng thành công của họ trong một phi vụ. Tất nhiên sẽ có nhiều người không đồng tình và xem đây là hướng đi ngắn hạn và  ăn theo thời thế. Nhưng thử nghĩ rằng những người làm CNTT đa phần là những người có năng lực và khi chuyển sang các nghề khác thì họ hoàn toàn có thể vươn lên vào top dẫn đầu và thành công lớn như nhiều trường hợp tôi biết. Có lẽ đó là lý do mà rất nhiều người đã rời ngành để chuyển sang những hướng đi triển vọng hơn!

Bản thân tôi cũng đã từng trăn trở và suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Có lẽ do Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển, thu nhập đầu người còn thấp nên hầu hết mọi người đến một độ tuổi nào đó thì mục tiêu lớn nhất vẫn là làm sao để có một thu nhập khá để thỏa mãn nhu cầu bản thân và gia đình của mình. Đó là lý do mà hầu hết mọi người rốt cục đều tiến đến đích xoay quanh những ngành như kinh doanh, ngân hàng, bất động sản... Thực sự bản thân tôi cũng đã từng bị dao động mạnh với những suy nghĩ tương tự. Dẫu biết Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững và vươn xa nếu xây dựng được những ngành kinh tế mũi nhọn mang đậm dấu ấn tri thức công nghệ, nhưng nếu nó không có cơ chế để tạo ra tương lai triển vọng cho những cá nhân trong ngành thì đó vẫn sẽ mãi là mục tiêu xa vời và không tưởng mà thôi.

Nhưng rất may là chính phủ Việt Nam có lẽ đã từng bước nhận ra điều đó ;)) và có những quyết tâm mạnh mẽ để tập trung cho CNTT trong vòng từ 2010 - 2020. Tôi nghĩ một nguồn tài chính lớn từ nước ngoài cùng những chính sách ưu đãi từ phía chính phủ sẽ đổ vào lĩnh vực này trong thời gian sắp tới. Đó là chưa kể một lượng tiền khá dồi dào từ các đại gia trong nước từ các lĩnh vực khác cũng sẽ có thể đổ vào. Những điều này sẽ tạo ra vô vàn cơ hội cho những người làm CNTT như chúng tôi, ví dụ điển hình như offer mà tôi đã nhận được ở trên. Và chúng tôi sẽ không còn phải quá bận tâm về vấn đề cơm áo mà chỉ cần tập trung vào những đam mê cùng với giấc mơ làm giàu từ công nghệ của mình :)

Trước một tương lai tươi sáng như vậy thì có lẽ điều tôi cần làm gấp rút hiện nay là tiếp tục ...làm việc, học hỏi và trang bị những năng lực mình còn thiếu. Thực sự tôi cảm thấy mình chưa đủ khả năng và tự tin để trở thành một leader công nghệ giỏi. Nếu bắt tay vào trong thời điểm hiện nay, rất có thể tôi sẽ bị trượt dài như nhiều công ty trẻ Việt Nam khác. Tôi sẽ cần phải tiếp tục hoàn thiện bản thân mình hơn, tập trung cao độ hơn, cũng như tìm hướng giải quyết thật tốt cho vấn đề xây dựng một đội ngũ nhân lực mạnh có thể xem là yếu tố quyết định. Và tôi tin rằng nếu mình vẫn không ngừng học tập như hiện tại, cộng với thời thế công nghệ sẽ diễn ra như những gì đã dự đoán, thì ít nhất tôi cũng sẽ trở thành triệu phú đô-la công nghệ trong vòng 10 năm sắp tới ;). Còn nếu may mắn hơn thì chắc ...chục triệu đô-la cũng không chừng :">

Nếu bạn là một người làm trong lĩnh vực CNTT thì bạn có cùng suy nghĩ lạc quan như tôi không ^_^

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Những mong ước đầu năm


Một năm mới lại tới, thế là tôi lại lớn thêm một tuổi. Ở cái tuổi gần "tam thập nhi lập" mà tôi cảm thấy mình vẫn còn hơi lông bông, ham ăn ham ngủ và chưa có được sự kiên định của một người đàn ông từng trải như một số người xung quanh nhận xét. Thực sự đôi lúc tôi cũng thấy khó hiểu về chính bản thân mình, có vẻ trong tôi luôn có một sự mâu thuẫn giữa lý trí và cảm xúc và chừng nào chưa giải quyết được vấn đề đó thì có lẽ tôi vẫn sẽ là một người như bây giờ, và không có sự thay đổi nào đáng kể :). Mặc dù không có gì để phàn nàn về cuộc sống hiện tại, nhưng có lẽ sang năm mới cũng cần phải có một số mục tiêu để cải tiến mình tốt hơn nhỉ ^_^

Sức khỏe

Tôi cảm thấy mình đã không còn sung sức, sự nhanh nhẹn và chiến đầu như hồi còn sinh viên lúc trước. Có vẻ từ lúc đi làm, sức ép công việc cùng với việc giao tiếp mở rộng các mối quan hệ đã lấy đi rất nhiều thời gian và làm sức khỏe tôi giảm sút đi một cách đáng kể. Nhiều lúc bây giờ chỉ mới ngồi vài tiếng mà đã mệt mỏi, mất tinh thần chiến đấu rồi sinh ra nghĩ quẩn "Thôi cứ tìm công việc nào an nhàn, lương cao rồi hưởng thụ thế là xong" :(

Do đó mục tiêu trong năm nay phải cố gắng quyết tâm dành mỗi ngày một tiếng cho thể dục thể thao để lấy lại phong độ như lúc trước ^_^

Gia đình

Cổ nhân có câu "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Do đó tôi chưa đủ khả năng làm việc lớn có lẽ là do tôi chưa ...lấy vợ chăng :D. Đôi lúc thấy có gia đình rồi cũng hay, có người chăm sóc hàng ngày và đi du lịch chung :x, rồi mình cũng phải có trách nhiệm hơn chứ không sống kiểu tự do như trước được nữa => Yếu tố cần thiết của người làm việc lớn!

Nếu vậy thì cũng phải từng bước đưa vấn đề này thành một trong những việc quan trọng để sắp tới tập trung đầu tư nghiêm chỉnh mới được ;))

Công việc

Trong năm qua tôi đã học và thấm được một bài học lớn đó là thành công chỉ là hệ quả của những niềm đam mê và nỗ lực của bản thân, cũng như điều đó chỉ xảy ra khi thời thế đã sẵn sàng. Do đó việc quyết tâm phải thành công đôi lúc lại là một điều gì đó hơi thái quá và không thực tế.

Nên trong thời gian sắp tới tôi muốn dành thời gian để đi ...ăn chơi nhiều hơn :">, cũng như tìm câu trả lời cho những vấn đề tôi vẫn còn đang băn khoăn hiện nay và xác định rõ sở trường lớn nhất của mình trong lĩnh vực CNTT rộng lớn này. Tôi tin rằng khi thị trường CNTT ở Việt Nam đã sẵn sàng, với một kiến thức và đủ sự kiên định cùng những mối quan hệ cần thiết, thành công sẽ chỉ còn là hệ quả tất yếu.


Ngoài ra còn một số mong ước khác nữa, nhưng có lẽ ba vấn đề trên là mục tiêu trọng điểm cần tập trung trong năm nay ;), phải hạ quyết tâm cố gắng mới được!

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

Đi tìm lời giải cho những thách thức CNTT


Trong vài tháng trở lại đây, khi cuộc đua CNTT có vẻ bắt đầu nóng trở lại thì tự nhiên tôi lại có cảm giác nhiều cơ hội bắt đầu đến với mình. Những hợp đồng dự án, nhưng cơ hội đầu tư hay những vị trí công việc tốt. Tuy nhiên trước quá nhiều cơ hội như vậy, tôi lại cảm thấy phân vân bởi ...không biết hướng nào là tốt và phù hợp với mình :)

Nếu như vào thời điểm khoảng một hai năm trước, có lẽ tôi sẽ chọn một con đường tiến tới tự xây dựng một cái gì đó của riêng mình cho thật lớn, rồi tôi sẽ thành công, có rất nhiều tiền và được mọi người xung quanh ...ngưỡng mộ ^_^.  Tuy nhiên để tiến tới mục tiêu đó, tôi sẽ phải hi sinh rất nhiều thứ và sống trong một môi trường không khác gì một con rôbô . Cũng như cho dù có quyết tâm làm điều đó, chưa chắc tôi đã có thể thành công bởi điều này còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời cuộc. Trong khi đó, tôi dần nhận ra rằng hiện tại tôi vẫn đang còn khát khao học hỏi những điều mới lạ cũng như đi tìm lời giải cho những thách thức trong suy nghĩ mình.

Trong thế giới riêng của bản thân, tôi thường suy nghĩ về rất nhiều thứ khác nhau. Không chỉ về các vấn đề chuyên môn như công nghệ thông tin, internet, kinh doanh... mà còn cả những lĩnh vực không liên quan như ...thơ văn, âm nhạc, ẩm thực. Đôi lúc nói chuyện với một số người bạn thân, thỉnh thoảng tôi lại tâm sự rằng đến một lúc nào đó, khi tôi đã thành công ở lĩnh vực của mình và có điều kiện tương đối, tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới của một nhạc sĩ, một nhà thơ, hay một nhà văn, để có thể cảm nhận từng khoảng khắc đẹp của cuộc sống giản dị đời thường và cất giữ thành những kí ức tồn tại mãi với thời gian. Hoặc tôi cũng có thể mở một tiệm ăn hay nhà hàng nho nhỏ để thỏa sức sáng tạo với niềm đam mê ẩm thực của riêng mình :">. Rồi tôi cũng đã từng nghĩ đến một lúc nào đó xã hội thoáng hơn, tôi sẽ tự ra ...ứng cử chủ tịch của một thành phố nho nhỏ nào đó của Việt Nam chẳng hạn và phát triển nó thành một thành phố hiện đại và sung túc bậc nhất nước ;)). Tất nhiên những suy nghĩ này có vẻ mơ mộng và xa vời, những quả thật mỗi lần nghĩ đến tôi lại vui sướng và tự nhiên thấy yêu đời hơn hẳn :x. Đúng là nếu con người sống mà không có ước mơ thì liệu người đó có được hạnh phúc thực sự không nhỉ?

Tuy nhiên cũng phải quay lại thực tế, có lẽ trong vòng 10 năm sắp tới, tôi vẫn sẽ ở lại trong lĩnh vực CNTT mà mình đã theo đuổi trong 14 năm qua. Và tất nhiên tôi cũng có những câu hỏi cùng những thách thức mà tôi rất muốn đi tìm câu trả lời trong thời gian sắp tới 

1. Tôi muốn biết liệu nếu có một công ty CNTT Việt Nam với một đội ngũ những nhân viên có kỹ năng tốt, đam mê và khát vọng vươn cao thì liệu công ty đó sẽ có thể vươn ra được tầm khu vực và nếu được sẽ vươn bao xa? Tôi đã có dịp gặp gỡ trao đổi với khá nhiều các công ty CNTT ở Việt Nam. Tôi nhận thấy hầu hết mỗi công ty chỉ tầm 2-3 người giỏi và đều hướng tới việc làm sao để trở thành số một Việt Nam. Điều này hẳn nhiên là tốt và không có gì để phàn nàn nhưng nếu có một công ty mới với một "dream team" và một tầm nhìn chiến lược xa hơn thì chắc sẽ là một điều rất thú vị nhỉ?

2. Tôi muốn biết liệu có thể hình thành một mạng lưới để những người làm việc trong ngành có khả năng kết nối giao lưu, phát huy một sức mạng tổng thể cho các công ty cũng như CNTT Việt Nam nói chung. Có thể nói hiện tại CNTT Việt Nam vẫn còn đang hoạt động rất rời rạc, âu đó cũng là một trong những điểm dở của người Việt. Và việc nếu có thể hình thành nên một mạng lưới như vậy sẽ tạo ra được những giá trị rất lớn và hữu ích 

3. Liệu CNTT sẽ có thể hỗ trợ như thế nào vào quá trình phát triển chung của Việt Nam trong thập kỷ 2010-2020 cũng như những năm sau đó. Tôi vẫn đang theo đuổi suy nghĩ Việt Nam là một nước đang phát triển sau, nên có khá nhiều cơ hội cũng như lợi thế trong việc tận dụng những thành tựu mới để tiến nhanh hơn đến những mục tiêu của mình. Một trong những yếu tố then chốt là CNTT, cụ thể là các mũi nhọn Internet, điện thoại di động, mạng xã hội...

Và tôi đã xác định con đường sắp tới của mình sẽ đi tìm lời giải cho những thách thức này. Tất nhiên đây hoàn toàn không phải là những câu hỏi dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều thời gian và đôi lúc có thể sẽ không có câu trả lời. Nhưng hẳn trên con đường đó, tôi sẽ có cơ hội tiếp tục học hỏi hoàn thiện thêm bản thân cũng như tiếp xúc với rất nhiều con người thú vị. Và tôi tin nếu đến một lúc nào đó ngành CNTT Việt Nam mà phát triển được như Đài Loan chẳng hạn, thì chắc chắn tôi sẽ có được những thành công nhất định để từng bước chuyển sang những thách thức thú vị khác trong thế giới của riêng mình ^_^

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More