Sau bài viết Chiến lược "săn" công ty cho Sinh viên IT sắp tốt nghiệp, tôi có nhận được câu hỏi của một số bạn về việc chia sẻ thêm các kinh nghiệm trong quá trình làm việc, làm thế nào có thể trang bị nhanh các kỹ năng trong thời gian ngắn nhất, đặc biệt cho các sinh viên mới ra trường. Thực sự thì tôi nghĩ mình chưa phải là một người đã trải qua nhiều công việc IT khác nhau, đa phần chỉ mới dừng lại ở những mảng liên quan đến lập trình viên. Tuy nhiên cũng rất hi vọng có thể chia sẻ được phần nào với các bạn một số kinh nghiệm trong lĩnh vực này
Do bài viết mang tính chia sẻ nên xin dùng tiếng Việt cho tiện, dùng tiếng Anh sợ hơi khô và việc xài từ không chính xác có thể dẫn tới một số hiểu lầm nhất định ;)
1. Cân nhắc thời gian (Student only): Nếu bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy từng bước cân nhắc và sắp xếp thời gian cho phù hợp với mục tiêu bạn đang theo đuổi. Sẽ rất khó để bạn có thể vừa đạt điểm xuất sắc ở những môn thi trong lớp và vừa trở thành một lập trình viên siêu giỏi, trừ khi bạn là một thiên tài. Do đó hãy xác định rõ bạn muốn đạt được mục tiêu nào, nếu cứ lưng lửng cả hai thì sẽ rất khó để tập trung hành động. Nhớ lại hồi SV, tôi chọn hướng đi theo lập trình và áp dụng một số chiến thuật chỉ cần thi qua các môn trên trường là đủ. Đôi lúc nợ nần chồng chất nhưng rốt cục cũng may nhờ thầy cô chiếu cố nên đã ra trường đúng hạn ^_^
2. Tham gia các kỳ thi: Hãy cố gắng tham gia vào nhiều cuộc thi lập trình cũng như những cuộc thi liên quan, bởi chúng sẽ buộc bạn phải làm việc hết sức mình và giúp bạn có cơ hội giao lưu cọ xát với bạn bè cùng giới, mở rộng tầm nhìn xa hơn, và hơn hết là được ...đi du lịch miễn phí :). Nếu không có những dịp như vậy, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng tự xem mình là số một và không biết những người xung quanh mình đã tiến tới trình độ nào, rất có thể bạn đã bị họ bỏ xa.
3. Dẹp bỏ tính tự ái: Hầu hết dân công nghệ tôi quen biết đều mắc phải tính tự ái, dễ tổn thương khi bị một ai đó từ chối. Nếu bạn là một người như vậy, hãy cố gắng vô hiệu hóa khuyết điểm này càng sớm càng tốt. Hãy thử nhìn sang những người làm sales, có thể họ phải giao tiếp với hàng chục khách hàng mới tìm được một người đồng ý mua sản phẩm của mình. Trong khi nếu dân công nghệ chúng ta chỉ vì một lời từ chối mà bỏ cuộc thì sẽ khó thích nghi được với những gì đang diễn ra ngoài xã hội và dần co cụm về chỉ sống với những người tự ái như mình. Nhắc tới chuyện này, tự nhiên tôi cảm thấy vui vui nhớ lại cảm giác bầu trời dường như sụp đổ khi lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với một quỹ đầu tư mạo hiểm và bị họ "đuổi khéo" về. Tuy nhiên, chúng tôi đã tự động viên mình phải vượt qua cảm giác đó nếu muốn đi tiếp ước mơ của mình. Và rồi sau đó chúng tôi đã đi gõ cửa qua hầu hết các quỹ đầu tư ở Việt Nam cũng như các nhà đầu tư cá nhân khác. Cứ mỗi lần như vậy chúng tôi thấy mình ngày càng dày dạn và tưởng thành hơn, và đến giờ chắc mặt mình cũng chai luôn, không khéo thành dân sales mất ;))
4. Nhiệt tình trong công việc: Hãy luôn nhiệt tình làm việc với tinh thần học hỏi, cho dù những việc đó có thể không mang lại những lợi ích cụ thể cho bạn trước mắt. Thời SV tôi thường hay lăng xăng làm những việc mà nhiều người xung quanh xem là dỗi hơi, nhưng nhờ đó mà sau này có nhiều cơ hội thầy cô đều ưu tiên tôi trước và tôi đã gặt hái được rất nhiều. Trong công việc sau này cũng vậy, khi tôi nhiệt tình thì những sếp đàn anh đi trước chỉ bảo tôi nhiều hơn, rồi đến một lúc nào đó họ xem tôi như là một người cộng sự thực thụ và chia sẻ với tôi mọi nỗi niềm tình huống khó xử trong công ty và nhờ đó tôi đã học hỏi được nhiều thứ trong thời gian rất ngắn.
5. Không xem thường người khác: Thông thường chúng ta hay có thái độ xem thường những người dở hơn hay nhỏ hơn mình. Điều này là cực kỳ sai lầm. Tôi đã từng rơi vào tình huống như vậy và gây tổn thương cho người cộng sự. Rồi đến lúc có việc phải "nhờ vả" mới thấy được vai trò của họ là quan trọng như thế nào. Từ đó về sau, tôi rút ra kinh nghiệm thôi tốt nhất cứ vui vẻ với tất cả mọi người, làm sao luôn thể hiện thái độ động viên và trân trọng của mình dành cho họ. Mình chả mất gì mà sau này cần nhờ vả thì mọi người đều quý mến giúp đỡ :x
6. Luôn dành thời gian tích lũy đủ nội lực: Là một lập trình viên, trong một số giai đoạn bạn luôn phải có những khoảng thời gian tập trung để tích lũy đủ nội lực trước khi thực hiện một dự định lớn nào đó. Nếu chưa tích lũy đủ và quá tự tin thì khi vào cuộc bạn sẽ không còn thời gian chuẩn bị và dễ dẫn đến thất bại. Với kinh nghiệm của bản thân tôi, tôi đã tập trung khổ luyện năm lớp 7 + 8 để có những sản phẩm thành tựu năm lớp 9, 10 + 11 cho năm 12, rồi năm 1 + 2 + 3 cho năm 4 + 5 đại học. Và hi vọng 5 năm kể từ lúc ra trường sẽ là giai đoạn tôi khổ luyện để có những thành tựu lớn hơn vào năm 2011 và sau đó.
7. Tránh xa sự so sánh và đố kỵ: Mỗi cá nhân đều có khả năng, sở thích và niềm đam mê riêng. Do đó mọi so sánh giữa mình với người khác đều khập khiễng và dễ dẫn tới sự đố kỵ không đáng có. Bản thân tôi xem sự đố kỵ là kẻ thù số một trong lĩnh vực này. Nó làm tôi tiêu tốn rất nhiều năng lượng và không giữ được sự thanh thản trong tâm hồn để tập trung toàn bộ cho công nghệ :">. Tuy nhiên thú thực rằng rất khó để từ bỏ điều này, sự đố kỵ có thể xảy ra bất kì lúc nào khi bạn thấy một người nào đó thành công hơn bạn hoặc bạn bị một ai đó dùng sự thành công của họ để lôi kéo bạn về phía mình. Trải qua nhiều lần như vậy, tôi rút ra kinh nghiệm là hãy cứ mở đọc một quyển sách nói về đức tính và thành công của người làm việc lớn, ngay khi sự đố kỵ vừa nảy sinh trong bạn. Nó sẽ giúp bạn suy nghĩ về những điều lớn lao bạn có thể phấn đấu đạt được trong tương lai và thấy được sự đố kỵ hiện tại trong bạn lúc này hóa ra còn quá thật nhỏ bé :)
Thì trên đây là một số kinh nghiệm xương máu mà tôi đã tích lũy được trong suốt 14 năm qua, hi vọng có thể ít nhiều giúp các bạn sinh viên IT hay lập trình viên trẻ hạn chế tối đa những sai lầm không đáng có trên con đường sự nghiệp của mình. Và cũng hi vọng nếu bạn có kinh nghiệm nào hay, hãy để lại ý kiến hoặc email để tôi và mọi người cùng học hỏi nhé ^_^
15 nhận xét:
Gần đây có lẽ vì anh có ít thời gian hơn cho mỗi bài viết nên độ sâu có giảm so với trước kia. Ví dụ như bài này, nó đơn giản là 1 danh sách n lời khuyên (dạng brainstorming), em nghĩ sẽ không hữu ích bằng một bài luận phân tích sâu sắc cách học lập trình hiệu quả.
Nhưng cũng có thể đây đơn giản là nhu cầu đọc của cá nhân em. Biết đâu nó lại phù hợp với nhiều nguời khác. Dù sao cũng hy vọng bài viết này vẫn sẽ có ich cho nhiều bạn LTV trẻ.
Nếu là một sinh viên mới vào trường thì đây là một bài viết thật sự hữu ích. Chính bản thân em cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ những suy nghĩ của anh! À em cũng sắp ra trường rùi, chắc lúc đó sẽ có nhiều thời gian hơn (chưa đi làm liền mà) và sẽ thăm anh như đã hứa nhé. ;)
Có một vấn đề em nghĩ là nên đưa thêm mục số 8 là : Begin with the end in mind. Hãy nghĩ xem 5 năm hay 10 năm nữa bạn muốn trở thành một người như thế nào. Và cân nhắc xem mọi thứ mình tích lũy, mọi công việc mình làm đã thực sự vì cái mục tiêu xa hơn hay chưa. Cái này thực sự rất khó, vì đa số các bạn sinh viên mới ra trường chưa thực sự có tầm nhìn xa.
dung.
Em rất thích entry này của anh, làm em mở mang ra nhiều điều :D. Có một vài cái phải chỉnh sửa lại thôi ^^! Làm sinh viên IT cũng thật không dễ D
@Seri: Nghe em nói anh cũng xem lại. Có lẽ đúng là dạo này do chạy theo số lượng nên chất lượng có vẻ hơi giảm, thôi ráng rút kinh nghiệm để làm sao vừa viết nhanh lại chất lượng như trước ^_^
@Thanh Tuân: OK e, khi nào bảo vệ xong nhớ alo anh nhé. Có gì qua nhà a chơi :)
@Keen: Đồng ý với em, nhưng cái này a thấy cũng hơi khó với một số người, vd như ...a chẳng hạn. Tại lúc mới vô trường anh cũng chưa biết mình sẽ làm gì cả, có lẽ hồi đó kinh nghiệm thực tế mình còn ít quá ;)
@Ngoc Man: ;)
@Ken VN: Thanks e, làm SV IT rất khó nhưng cũng sẽ có rất nhiều điều thú vị đó e ;))
Cảm ơn anh rất nhiều vì bài viết.
Em hiện năm 3. Thực sự em cũng chỉ muốn học lập trình chứ ko quan trọng chuyện bằng cấp. Các môn trên trường chỉ cần qua là mừng rồi. Nhưng chuyện thi cử này gây khá nhiều áp lực và hạn chế nhiều đến sự tập trung đầu tư trong lập trình....Nỗi niềm dân IT...Em chỉ mong ra trường thật nhanh mà thôi.;)
Ah cho em hỏi: Các nhà tuyển dụng đòi hỏi gì ở sv IT, bằng cấp có thực sự quang trọng ko ạ?
Thanks anh nhiều nhiều ạ.
Cũng như nhiều ngành nghề khác,sinh viên IT cũng nên biết về xác định mục tiêu,lập kế hoạch ngắn,trung và dài hạn.Tập trung cho những ưu tiên và quan trọng,điều chỉnh hướng đi khi có khúc mắc hoặc sự tác động của môi trường thay đổi.
Và,điều quan trọng là không được hoài nghi,lưỡng lự với những gì bản thân đã chọn.
Tôi thấy nhiều bạn tạo cho mình một con đường để đi tới mục tiêu,song song với nó là một cây cầu để tháo chạy.Suy nghĩ kĩ,quyết định dứt khoát,hành động kiên quyết.
Chúc tác giả khỏe mạnh,có những bài viết chia sẻ thú vị ( và xương máu ) như trên.
Chúc SV Việt Nam luôn bản lĩnh và máu lửa
@A.Ngôn: Hihi em vẫn là fan của anh mà. Để anh "tham khảo" thêm về thị hiếu đọc của em (:D) em list một số bài viết cũ của anh mà em rất thích:
Thế giới các đại gia
Đam mê và tiền bạc
(Ngoài ra còn nhiều nhưng tạm thời em không nhớ)
Thường thì trong mỗi bài viết này anh chỉ đi sâu vào 1 ý, và ý đó xuất phát từ cảm xúc rất thật ^^
Cũng có thể em chia sẻ những cảm giác có trong mấy bài đó nên thiên vị :P Nhưng có lẽ điều này đúng: đi sâu vào 1 ý thì bao giờ cũng dễ ngấm hơn là dàn trải, nhất là trong 1 chủ đề rộng như "lời khuyên cho sinh viên IT".
@Seri: Hihi, cám ơn em nhé. Chắc em là người đọc blog anh nhiều nhất rồi, mấy bài cũ lắm rồi mà em vẫn ...không bỏ qua :p. Đúng là những chủ đề quá rộng đôi lúc anh cũng dễ có cảm giác mông lung lạc hướng, nhưng mà viết ra cũng có cái hay là mọi người như em góp ý, từ đó ráng cố gắng cải thiện ^_^
Theo mình thì sinh viên và ngay cả những người đã đi làm nên đọc nhiều sách về blog về IT, có các cuốn kinh điển nên đọc như:
Agile software development, clean code, ...
#5 rất thú vị, nhưng mình lại có thói quen không thích và không muốn hợp tác những ngừơi đàn anh đi trước nhưng làm việc không chuyên nghiệp :D
Hi anh, em là một đọc giả mới của anh nè, lang thang trên mạng hi vọng tìm được một hướng đi thích hợp cho ngành IT em đang theo đuổi nhưng dường như em đang bị lạc anh ạ. Em là Tùng, sinh viên năm đầu đại học công nghệ. Một học kỳ qua đi với bao sự kiện xảy ra làm em tự hỏi, mình đang đi về đâu? đi đâu? Có tham gia một vài hoạt động ngoài của các công ty, làm thêm, .... nhằm nếm mùi cuộc đời. Em bỗng cảm thấy lạc lõng quá, IT rộng quá anh ơi. Trước đây, em cũng rất thích lập trình, nhưng bây h, lười quá, mỗi khi động đến một bài toán tin học, em chỉ ngồi nghĩ ra thuật toán thui thì đã hết sức rùi, mệt, k còn muốn lập trình nữa, phải chăng niềm yêu thích tin học của em đã hết. Học các môn khác ở trường thì thấy bình thường, k quá khó để qua( chắc tại năm đầu chưa có gì), em cũng biết nếu không xác định được hướng đi rõ ràng trong ngành, em không thể nào thành công được. Anh ơi, anh giúp em với, với cái nhìn của em về cntt thì thật khó. hiện em mới chỉ biết về lập trình và về phần mềm. Em muốn hướng về ngành phần mềm nhưng không biết mình phải đi như thế nào, cần có những gì,... Thật bế tắc quá.
bài viết hay quá, thanks!
Đúng là với một sinh viên năm đầu ngành CNTT thì việc khó nhất là tự định hướng cho mình nên theo học cái gì bởi vì thế giới công nghệ thông tin rất rộng lớn. Cám ơn những bài viết của anh Ngôn.
Đăng nhận xét