Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Lối thoát nào cho lập trình viên Việt Nam?



Tuần rồi có gặp lại mấy người bạn cũ, nghe họ than thở sao đi làm lập trình viên áp lực và đòi hỏi suy nghĩ nhiều vậy mà lương lại không tăng được bao nhiêu. Nghe vậy tôi cũng không biết nói sao, chỉ cười thầm trong bụng "Ôi, làm ngành này mà không ...nhảy công ty thì bao giờ lương mới lên nhanh ;))"

Mở đầu tí xíu cho vui ^_^, sau khi bài viết "Làm giàu từ công nghệ ở Việt Nam?" của tôi được báo Tuổi Trẻ đăng thì nhiều diễn đàn đã trích đăng lại. Sau một hồi đọc các ý kiến phản hồi ở các diễn đàn khác nhau thì tôi có cảm giác đây có lẽ là vấn đề chung mà hầu hết những người làm CNTT ở Việt Nam đều băn khoăn hiện nay. Biết lập trình là cái nghiệp mình đã trót theo vì niềm đam mê hay một lý do nào khác, nhưng liệu nó có thực sự triển vọng để mình có thể gắn bó lâu dài?

Với tôi thì đây quả thật là một vấn đề cần tính đến bởi có lẽ hiếm có nghề nào lại ...."bạc bẽo" như lập trình viên. Nếu các ngành khác như giáo viên, bác sĩ, bán hàng... càng làm lâu càng có quan hệ và kinh nghiệm thì ngược lại khả năng tư duy của các lập trình viên sẽ ngày một chậm đi do tuổi tác. Đứng ở tư cách một chủ doanh nghiệp, rõ ràng bạn sẽ thích thuê những lập trình viên trẻ trung, vừa nhanh nhẹn, chi phí phải chăng hơn là thuê các lão tướng lương cao mà lại ngày một chậm chạp hơn.

Và rõ ràng trước tình hình như thế, người lập trình viên cần tính cho mình một lối thoát trước khi chạm đến ngưỡng không còn khả năng lập trình được nữa :)

1. Thăng tiến theo con đường lập trình

Với một lập trình viên thuộc loại khá, hiện nay sau khi ra trường sẽ được trả mức lương trung bình vào khoảng 400-500$ (Theo số liệu các công ty gia công ở TPHCM, ở Hà Nội có thể thấp hơn). Sau khoảng 2 năm con số này sẽ tăng lên khoảng 1000$, và 2-3 năm nữa có thể lên đến 2000$. Tuy nhiên đến đây có thể xem là đã chạm ngưỡng. Sở dĩ nói vậy vì theo tôi được biết một số công ty nước ngoài trả tiền gia công cho các công ty Việt Nam theo đầu người khoảng 2000$/người, trừ đi các chi phí điện nước, thuế má... thì có lẽ mức lương trung bình cho mỗi người sẽ chỉ có thể khoảng 1000-1500$ mà thôi, trả cho tôi 2000$ tức là phải bù lỗ từ các lập trình viên trung bình khác. Tất nhiên con số này có thể sẽ cao hơn ở những công ty gia công tầm cao không trả theo đầu người, tuy nhiên chỉ là thiểu số.

Để có thể leo đến mức này thì không chỉ đòi hỏi tôi phải có năng lực thật tốt mà còn phải khéo léo trong việc đàm phán, cũng như phải chọn đúng những công ty đủ triển vọng có hầu bao tốt sẵn sàng chi trả mức trên. Và đến khi đạt được, tất nhiên tôi cũng sẽ nhận được những áp lực cho "tương xứng" với mức lương đó cũng như sẽ là mục tiêu sa thải đầu tiên trong các thời kì kinh tế khó khăn. Một khi bị sa thải, sẽ rất khó để có thể tìm được công việc mới với mức lương như cũ.

Tuy nhiên nếu leo lên tới được mức ở trên thì theo tôi cũng đã đủ sống ở Việt Nam. Với giá một căn hộ dành cho người thu nhập trung bình vào khoảng 600 triệu hiện nay, thì tôi nhẩm tính với mức lương 1000$ mỗi tháng để dành 10 triệu là chỉ cần 5 năm là có thể trả hết. Với mức lương 2000$ thì chỉ cần 2.5 năm. Như vậy thì tôi cũng có thể tập trung vào công nghệ, từng bước trau dồi để leo lên các vị trí quản lý công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên phần lớn số lượng lập trình viên Việt Nam sẽ không nằm trong tốp này, cũng như các công việc gia công ở Việt Nam chỉ quanh quẩn ở tầm thấp nên đến một lúc nào đó những người có năng lực cũng sẽ từng bước tách ra tìm cho mình một con đường triển vọng hơn.

2. Tìm một nghề mới triển vọng hơn

Vậy nếu không làm lập trình viên thì sẽ làm gì? Nhìn vào số lượng những người bạn xung quanh, tôi thấy phổ biến nhất là chọn một ngành triển vọng hơn nhưng có liên quan đến IT

- Làm IT trong các ngân hàng, công ty chứng khoán: Các công ty này cũng cần rất nhiều đến IT, đôi lúc cả những công việc lập trình. Làm trong những công ty này có thể dễ dàng tiếp cận được với những nguồn thông tin khá tốt, cộng với khả năng xử lý thông tin thế mạnh của các lập trình viên thì có lẽ sớm muộn cũng tìm được một hướng đi triển vọng như một nghề tay trái bên cạnh nghề lập trình hiện tại. Tôi còn biết có vài đại ca ngành này làm một hồi còn chuẩn bị có ý định tách ra lập ngân hàng nữa chứ ;)

- Đi Sale IT: Với một thị trường khá tiềm năng thì Việt Nam đang là đích đến của rất nhiều công ty sales như Microsoft, IBM, Cisco, Oracle, HP... Làm nghề này thì đòi hỏi khả năng giao tiếp cũng nhiều mối quan hệ. Với mức lương khá cao cũng như hưởng huê hồng theo doanh số thì đến một lúc nào đó hoàn toàn có thể bứt xa so với mức lương lập trình viên ở trên. Ngoài ra làm nghề này được thêm cái dễ nhảy, không làm cho Microsoft thì sang làm cho IBM, Cisco... Nói chung với một thị trường đông dân và còn tăng trưởng cao như Việt Nam hiện nay thì không thiếu cơ hội.

- Đi buôn Bất Động Sản: Đi buôn BĐS cũng vui, chỉ có điều là nó không liên quan tới IT lắm và đòi hỏi vốn cũng phải kha khá. Nhưng nếu quyết tâm theo đuổi trong thời gian dài thì sớm hay muộn cũng sẽ đạt được những thành tựu, thậm chí là rất lớn. Nhìn quanh quẩn thấy đa phần tầng lớp giàu có ở Việt Nam đều giàu lên từ ngành này (Theo thống kê không chính thức là 50%). Do đó với khả năng của suy luận của lập trình viên cộng thêm giao tiếp khéo léo và từng bước mở rộng quan hệ, thì đây cũng là một hướng đi triển vọng có thể cân nhắc

- Đi làm nhà giáo: Suy nghĩ này có vẻ hơi "điên" bởi đa phần mọi người nghĩ lương nhà giáo ba cọc ba đồng, làm sao mà sống. Tôi cũng nghĩ vậy cho đến khi nghe một anh bạn nói trung bình mỗi buổi anh đó đi dạy được 1 triệu, Sau vài giây tính toán, tôi nhẩm tính như vậy là một tháng anh cũng kiếm được 30-40 triệu, với những người có tiếng tăm có lẽ còn cao hơn nữa. Ngoài ra làm ngành này được thêm lợi thế là xã hội trọng vọng, cũng như tích lũy được rất nhiều mối quan hệ để làm vô số điều khác sau này. Có lẽ đây là một trong những lối thoát rất tốt và tôi sẽ còn đề cập trong một bài viết khác ;))

3. Lập công ty tự xây dựng sự nghiệp cho mình

Bên cạnh hướng tìm một nghề triển vọng hơn ở trên, với những người với cá tính mạnh thì họ lại muốn tự lập công ty để khẳng định mình. Nhưng nếu làm một công ty IT thì nên đi hướng nào?

- Gia công: Đây là một trong những hướng mà tôi thấy khá nhiều các công ty phía Nam ưa chuộng. Xuất phát từ một số hợp đồng có được, họ tuyển nhân công vào làm rồi cứ thế từng bước mở rộng. Tuy nhiên làm nghề này có cái bấp bênh là nhân sự không ổn định, bởi rõ ràng với hướng này thì chỉ có thể mở rộng theo quy mô số lượng nhân viên mà thôi. Điều này thì buộc công ty phải luôn tìm kiếm những hợp đồng mới và việc này hoàn toàn không đơn giản bởi đòi hỏi những doanh nhân trẻ phải có nhiều mối quan hệ quốc tế. Ngoài ra, đến một lúc nào đó quy mô lớn thì chỉ cần không có hợp đồng trong vài tháng thì công ty cũng đi luôn. Nhiều công ty ở gia công ở VN đã rơi vào tình trạng như vậy.

- Làm giải pháp cho thị trường trong nước: Các công ty theo hướng này thi đa phần tôi nhận thấy họ thường có một khách hàng ban đầu với nhu cầu về một sản phẩm nào đó. Và họ từng bước làm sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng này rồi kì vọng sẽ bán được cho các khách hàng tiếp theo. Tuy nhiên phần lớn các công ty theo lĩnh vực này không ổn định và doanh số bấp bênh. Câu hỏi đặt ra là liệu thị trường sản phẩm họ đang làm có đủ để nuôi họ, cũng như việc các hợp đồng có quy mô ở Việt Nam đa phần đều dựa trên quan hệ. Việc họ có được hợp đồng ban đầu không chắc là họ sẽ kiếm được những hợp đồng tiếp theo. Có lẽ các công ty dù thành công trong lĩnh vực này cũng đều hiểu đây không phải là hướng đi lâu dài, họ cần phải có những sản phẩm chủ lực và bền vững hơn.

- Làm các dịch vụ dot-com: Có lẽ đây là một trong những lối thoát tốt nhất cho các công ty CNTT. Một sản phẩm thành công và doanh số ổn định sẽ là một nguồn đảm bảo rất lớn cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Nhiều quỹ đầu tư lớn như IDG, DFJ Vinacapital... cũng đã vào Việt Nam để hỗ trợ cho những sản phẩm như vậy. Tuy nhiên thị trường này đang chịu một sức ì rất lớn, ngoài những sản phẩm đánh trúng mục tiêu vào thị trường game online, SMS... thì hầu hết các công ty còn lại đều đăng nằm trong tình trạng chờ thời và nỗ lực tìm kiếm đầu ra. Nhưng dẫu sao theo tôi đây vẫn là một hướng đi triển vọng, đặc biệt trong trường hợp sản phẩm mang một số yếu tố mới thì khi thành công ở Việt Nam sẽ có thể từng bước vươn ra thị trường bên ngoài, có thể chỉ dưới dạng gia công như ở trên nhưng sẽ ở một cấp độ cao hơn và đem lại giá trị gia tăng hơn rất nhiều.

Tổng kết lại thì trên đây là một số hướng đi theo quan điểm của riêng tôi mà những lập trình viên có thể cân nhắc cho sự nghiệp tương lai của mình. Khó có một cá nhân nào có thể gắn bó với nghề lập trình mãi mãi. Tất nhiên việc chọn hướng đi nào sẽ phụ thuộc vào tính cách của từng người khác nhau. Với riêng bản thân, thì tôi vẫn đang trên đường tự đào tạo để trở thành một trong những "nhân vật chủ chốt" góp phần xây dựng một công ty IT hùng mạnh của Việt Nam trong tương lai và từng bước vươn ra bên ngoài. Có thể bạn sẽ cho tôi là người "mơ mộng" nhưng đôi lúc tôi nghĩ nếu cả cuộc đời mình có thể sống với những lý tưởng cá nhân thì không phải tôi đã là một người rất hạnh phúc à, dẫu cho những lý tưởng đó là ...không tưởng ;)). Tất nhiên cũng có thể đến một lúc nào đó tôi nhận ra sự thật phũ phàng đó, nếu vậy thì thôi đành an phận làm một leader bình thường hướng dẫn thế hệ đàn em đi sau hay chuyển sang nghề nhà giáo, nếu được như ở trên thì cũng triển vọng phết nhỉ ^_^. Vậy còn với bạn, nếu bạn là lập trình viên thì bạn sẽ tính sao?

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu?


Một chủ đề lớn xuất hiện trên hầu hết các báo chí Việt Nam tuần rồi là thông qua Diễn đàn CNTT Thế Giới, chính phủ Việt Nam đã thể hiện rất rõ quyết tâm sẽ coi CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn và sớm đưa VN thành một nước cường quốc về CNTT vào năm 2015. Trước tuyên bố khá ...hùng hồn này, thì có lẽ mỗi người sẽ có một suy nghĩ khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực. Và tất nhiên một người làm trong ngành CNTT như tôi cũng không ngoại lệ. Trong đầu tôi từ trước đến nay vẫn luôn băn khoăn một câu hỏi rằng liệu tương lai CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu? Trở thành một đất nước hùng mạnh trong lĩnh vực này hay vẫn sẽ là một thị trường tiêu thụ các sản phẩm CNTT và cung cấp dịch vụ gia công giá rẻ như hiện nay. Đó cũng là những suy nghĩ tôi xin được chia sẻ qua bài viết này

Thực trạng CNTT Việt Nam hiện nay

Nếu không tính tới ngành công nghiệp phần cứng và các dịch vụ cơ sở hạ tầng như viễn thông thì có thể tạm chia CNTT VN thành ba lĩnh vực: Gia công phần mềm, triển khai giải pháp và thị trường nội dung số. Và nội dung bài viết của tôi cũng chỉ tập trung vào các công ty trong các lĩnh vực này (đồng nghĩa với việc không tính tới các đại gia nhà nước như VNPT, Viettel...)

1. Với văn hóa phóng khoáng khá phù hợp với phong cách làm việc của các công ty nước ngoài, có thể nói TPHCM là một vùng đất màu mỡ cho việc gia công phần mềm hiện nay. Rất nhiều các công ty gia công phần mềm đang tập trung tại đây như CSC, TMA, Global Cybersoft, Pyramid... Hầu hết các công ty này đều là chi nhánh của các công ty mẹ nước ngoài hoặc do các thế hệ Việt Kiều quay về nước thành lập, với những mối quan hệ vững chắc và đầu ra ổn định.

2. Ngược lại với TPHCM, với vị thế là thủ đô của cả nước, Hà Nội là nơi tập trung những cơ quan đầu não của chính phủ cũng như những doanh nghiệp nhà nước lớn. Điều này đã tạo ra một thị trường sôi động trong việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin. Các công ty lớn có thể kể đến là: FPT, CMC, Tinh Vân, HPT... Ngoài ra còn hàng loạt các công ty quy mô trung bình và nhỏ khác, hầu hết đều dựa trên các mối quan hệ khác nhau để từng bước xây dựng và bán giải pháp của riêng mình.

3. Bên cạnh hai lĩnh vực kể trên thì trong thời gian gần đây, một lĩnh vực mới là thị trường nội dung số đang nổi lên rất nhanh, cụ thể là các dịch vụ nội dung Internet và mobile. Hầu hết các công ty thành công trong lĩnh vực này hiện nay đều nằm ở mảng thị trường trò chơi trực tuyến và dịch vụ SMS cho mobile. Các lĩnh vực còn lại như thương mại điện tử, tìm kiếm, mạng xã hội... đang phải đối mặt với những sức ì rất lớn và vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.

Chính phủ Việt Nam muốn gì từ CNTT?

1. Với vị thế là một nước đang phát triển, có lẽ chính phủ Việt Nam rất mong có thể sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ lợi hại để đẩy nhanh sự phát triển của đất nước mình. Điều này đã được cụ thể hóa bằng những hành động rất thực tế trong việc đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng CNTT viễn thông và trực tuyến hóa các dịch vụ công trong chương trình chính phủ điện tử. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh nằm ở việc cơ chế nhà nước còn khá nhiều bất cập, dẫn tới bộ máy nhân sự không có được con người tốt nhất, nhiều người vào với ý định để mưu đồ lợi ích cá nhân. Chính điều này đã gây ra rất nhiều bất cập trong việc triển khai cũng như từng bước làm suy giảm uy tín của chính phủ dưới mắt người dân.

2. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ tin học hóa, một điều khác mà chính phủ cũng đang rất kỳ vọng đó là ở thị trường gia công phần mềm cho nước ngoài. Hiểu một cách đơn giản là nếu đến năm 2020, Việt Nam có thể đào tạo ra được 1 triệu người làm trong lĩnh vực này, với năng suất 20.000$/năm, thì đã có thể tính sơ VN sẽ có được doanh thu 20 tỉ $ từ xuất khẩu phần mềm. Đây thực sự là một con số rất lớn nếu so với các ngành xuất khẩu thô của Việt Nam hiện nay như Cafe, Dệt may...

Tương lai CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu?

Từ tình hình thực tế ở trên thì một câu hỏi được đặt ra là liệu tương lai CNTT Việt Nam sẽ ra sao và đâu sẽ là những công ty CNTT Việt Nam hùng mạnh nhất? Với kinh nghiệm từ các công ty CNTT lớn thành công từ Hàn Quốc, Nhật đều là những công ty đi rất sát với đường lối chiến lược của chính phủ, nên có lẽ với trường hợp của Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ.

1. Với việc muốn đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNTT, trong khi năng lực không đủ. Chính phủ sẽ từng bước outsource các hợp đồng lớn ra bên ngoài. Có thể dễ đoán được là những công ty lớn đang thành công hiện nay gần như sẽ tiếp tục là những công ty đảm nhận trong thời gian kế tiếp. Sẽ rất ít cơ hội để các công ty quy mô trung bình nhỏ và quan hệ tầm thấp có cơ hội chen vào.

2. Các công ty gia công cũng sẽ tiếp tục phát triển. Với lợi thế nguồn nhân lực giá tương đối "phải chăng" so với các nước trong khu vực thì Việt Nam có lẽ vẫn sẽ là điểm đến gia công của nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt khi đã qua thời gian khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Ngoài ra các công ty gia công cũng ý thức việc sẽ phải cố gắng từng bước chuyển qua các công đoạn gia công giá trị cao hơn để cải thiện năng suất so với tình trạng hiện nay.

3. Tuy nhiên có lẽ mảng thị trường tiềm năng nhất mà hiện chưa có nhiều dấu hiệu rõ ràng sẽ nằm ở phân khúc các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Với khoảng 350.000 doanh nghiệp và hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam hiện nay, thì những công ty nào với những sản phẩm dịch vụ tận dụng tối ưu thế mạnh của mình và chiếm được thị phần lớn từ khối thị trường này sẽ tạo ra được những giá trị cực lớn. Nguồn doanh thu cũng sẽ ổn định hơn nhiều so với khối các công ty triển khai giải pháp hay gia công. Bản thân tôi nghĩ những công ty trong lĩnh vực này sẽ là lai giữa các công ty phần mềm và công ty cung cấp nội dung số hiện nay (bao gồm các công ty dot-com trong đó)

4. Ngoài ra, với những người thích "mơ mộng" như tôi thì ngoài những công ty kể trên, tôi vẫn đang nghĩ đến một cái đích xa hơn. Nếu VN có được những công ty có thể kết hợp được mô hình số 2 và số 3 thì chúng ta sẽ dần có được những công ty CNTT tầm cỡ quốc tế. Một ví dụ cụ thể, giả sử công ty của tôi đã có được một sản phẩm đặc trưng với nguồn doanh thu ổn định từ thị trường trong nước, tôi sẽ từng bước thông qua các mối quan hệ để tìm kiếm các doanh nhân Việt Kiều thế hệ thứ 2 ở thị trường Mỹ (họ hàng càng tốt ;))), những người đã sống đủ lâu để hiểu văn hóa thị trường này, để từng bước hợp tác xây dựng những dịch vụ quy mô toàn cầu. Tất nhiên tôi không có ảo tưởng mình sẽ có khả năng xây dựng một Google, Microsoft... nhưng những công ty với những dịch vụ nhỏ với giá trị tầm khoảng 50 triệu USD đổ lại thì có thể trong tầm tay, một khi tôi thực sự có được sản phẩm ứng dụng công nghệ mới đã được kiểm nghiệm tốt tại thị trường Việt Nam.

Đến đây có vẻ tôi đã bắt đầu "bay" quá xa :). Dĩ nhiên đó chỉ là những suy nghĩ hơi lạc quan của bản thân tôi, bởi cũng có thể CNTT Việt Nam sẽ phát triển theo hướng trở thành một mớ hỗn độn khổng lồ với hàng vạn người thất nghiệp phải chuyển nghề mỗi năm. Có lẽ những kết quả trái ngược này sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc liệu nền giáo dục Việt Nam sắp tới có thể tạo ra được một đội ngũ những con người làm công nghệ chất lượng tốt, cùng những doanh nhân với hoài bão lớn dám nghĩ dám làm chứ không chỉ giỏi ...PR ;)). Tương lai vẫn còn đang ở phía trước, dẫu sao chúng ta vẫn cứ nên hi vọng và hãy cùng chờ xem ^_^

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More