Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Định vị Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới tương lai


Trong thời gian gần đây, hầu như trong các lúc rảnh rỗi, tôi đều tranh thủ online để tìm hiểu về các các vấn đề CNTT mình đang băn khoăn hiện nay. Điều này đã đưa tôi đến rất nhiều điều thú vị khác nhau, giúp tôi dần có được một cái nhìn tổng quan hơn và hi vọng sẽ sớm tìm ra được các câu trả lời :)

CNTT Việt Nam từ góc nhìn nhân lực

Nhân lực vẫn luôn là vấn đề xem xét đầu tiên khi định vị một quốc gia trên bản đồ CNTT thế giới. Xét về khía cạnh này thì Việt Nam còn quá khiêm tốn. Theo một số liệu gần đây thì hiện tại Việt Nam mới chỉ có 57.000 người làm trong lĩnh vực phần mềm, có thể tạm thời hiểu là lập trình viên. Trong khi đó con số này ở Mỹ là 3 triệu, ở Trung Quốc và Ấn Độ là khoảng 2 triệu. Do đó việc các trường đại học, cao đẳng ào ạt tuyển sinh CNTT hiện nay ở một khía cạnh nào đó có thể xem là bước đi cần thiết. Vấn đề quan trọng còn lại là làm sao để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ này.

Ngoài ra, trình độ nhân lực lập trình viên ở Việt Nam nói chung vẫn còn ở mức độ thấp. Nên trong tương lai vài năm tới vẫn cần tập trung vào việc học hỏi nâng cao trình độ. Xét theo khía cạnh này thì phần lớn số đông vẫn nên theo lĩnh vực gia công, tuy nhiên nên dần tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế để chuẩn bị cho tương lai.

Đi tìm những công ty CNTT Việt Nam tiềm năng tương lai

Trong bối cảnh như ở trên thì tương lai gần sẽ khó có sự xuất hiện của các công ty với một đội ngũ dream team cùng những sản phẩm CNTT đột phá như tham vọng của một số công ty trẻ Việt Nam hiện nay.

Điều này có thể giải thích với việc hầu hết các công ty hiện nay đều đang tập trung thị trường trong nước. Trong khi đó thị trường trong nước vẫn còn quá nhỏ để tạo ra một nguồn thu đủ trả cho một đội ngũ những người giỏi, đôi lúc dù trả vẫn chưa chắc tìm được người phù hợp bởi nguồn nhân lực này đang khan hiếm nên họ có khá nhiều lựa chọn như ra nước ngoài hay làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia. Nơi họ có được các chế độ đãi ngộ, cơ hội và danh tiếng lớn hơn nhiều.

Do đó theo suy nghĩ của riêng tôi, những công ty CNTT Việt Nam triển vọng trong tương lai sẽ phải là những công ty có được thị trường quốc tế. Đây có thể là những công ty do Việt Kiều hay người nước ngoài đến Việt Nam thành lập, hay cũng có thể là những công ty Việt Nam nhanh nhẹn từng bước len lỏi vào các thị trường mới như các ứng dụng smartphone bán trên các App Store. Hoặc những công ty tận dụng tốt vị trí của Việt Nam như một thị trường CNTT lớn ở Đông Nam Á và từng bước vươn ra khu vực. Tuy nhiên sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để những công ty như vậy xuất hiện.

Chờ đợi những tập đoàn CNTT Việt Nam

Việt Nam là một nước nhỏ nếu đem ra so với Trung Quốc, Ấn Độ. Do đó việc phát triển dàn trải gần như sẽ không tạo ra được lợi thế nào đáng kể, điển hình là tình thế CNTT Việt Nam hiện nay. 

Nhìn sang Hàn Quốc và Đài Loan, họ đều tập trung toàn sức cho ngành vi mạch vào khoảng những năm 60-70 và đã nhanh chóng trở thành những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực hiện nay. Chính phủ hai nước này đều xoay quanh một vài tập đoàn CNTT chủ lực, ví dụ như LG & Samsung của Hàn Quốc, rồi từng bước hình thành các công ty vệ tinh xung quanh các hạt nhân này.

Do đó có thể nói vai trò của các tập đoàn viễn thông Việt Nam như Viettel, VNPT trong thời gian tới sẽ cực kì quan trọng. Đây sẽ là các công ty đóng vai trò nòng cốt trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng CNTT ở Việt Nam, từng bước vươn ra thị trường bên ngoài và làm hạt nhân để tạo ra hệ thống các công ty vệ tinh chư hầu. Có vẻ chính phủ đã xác định viễn thông và những dịch vụ mobile internet sẽ là chủ lực của các tập đoàn này. Nếu làm tốt, giá trị tương lai các tập đoàn này hoàn toàn có thể đạt ngưỡng 20-30 tỉ USD, và góp phần tạo ra hàng trăm công ty vệ tinh với giá trị chục triệu USD trở lên. Một tình thế tương tự so với Đài Loan hiện tại với các công ty vi mạch.


Tất nhiên tất cả viễn cảnh nêu trên đều nhìn dưới lăng kính của một người khá lạc quan như tôi :). Rất có thể với cách phát triển lộn xộn như hiện nay, Việt Nam sẽ vẫn là một thị trường tiêu thụ CNTT như hiện tại. Tuy nhiên tương lai vẫn đang còn ở phía trước, chúng ta vẫn cứ nên hy vọng để ...tiếp tục phấn đấu ;)). Riêng bản thân tôi vẫn tin vào những nỗ lực của chính phủ, cũng như một số bạn bè xung quanh cùng chí hướng. Vấn đề hiện tại là hạ tầng Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện và sẽ còn phải mất ít nhất từ 3-5 năm nữa. Nên tôi nghĩ có lẽ đây là thời điểm tốt để tôi quay lại niềm đam mê nghiên cứu học tập và mơ về giấc mơ triệu phú công nghệ trong vòng 5-10 năm nữa của mình ^_^

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Những con đường sự nghiệp của lập trình viên Việt Nam


Gần đây thỉnh thoảng tôi có nhận được một vài yêu cầu của bạn bè xung quanh đề nghị tư vấn trong việc ...nhảy công ty. Có lẽ điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh tình hình nhân sự CNTT đã bắt đầu nóng trở lại như hiện nay thì sự dịch chuyển nhân sự giữa các công ty CNTT đang bắt đầu có chiều hướng gia tăng. Với riêng bản thân tôi không khuyến khích việc nhảy việc cho lắm, trừ khi biết chắc công ty mới có điều kiện tốt hơn hẳn và phù hợp với thế mạnh của mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều là làm việc ở các công ty khác nhau sẽ đem lại cho lập trình viên một cái nhìn toàn diện hơn về lĩnh vực mình đang theo đuổi để từng bước định hướng tốt hơn con đường tương lai của mình sau này.

Nếu tính từ hồi sinh viên cho đến hiện tại, tôi cũng đã làm được cho cỡ ...chục công ty CNTT khác nhau. Từ thực tập, cộng tác, làm bán thời gian cho đến toàn thời gian. Thể loại các công ty cũng khá đa dạng, từ các công ty gia công, start-up, làm sản phẩm cho đến các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên đừng vì thế mà bạn nghĩ tôi là một người ham ...lương cao hoặc không kiên định ;)). Có thể nói trong một thị trường CNTT mới ở giai đoạn lộn xộn ban đầu như Việt Nam hiện nay thì việc tìm cho mình một công việc phù hợp hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng. Điều này đối với những sinh viên chân ướt chân ráo mới ra trường còn khó khăn hơn khi đa phần vẫn chưa xác định được thế mạnh và đam mê của mình. Cho nên đôi lúc phải trải qua một vài công ty khác nhau bạn mới xác định được đâu mới là môi trường phù hợp nhất. Với một số người lỡ rơi vào môi trường không đúng với niềm đam mê, không dũng cảm dứt khoát dần dần tạo nên những áp lực lớn cho bản thân và khiến họ chán nản và rời ngành.

Do đó tôi nghĩ với những lập trình viên trẻ, đặc biệt các bạn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc tìm những cơ hội để va chạm trong các môi trường khác nhau là một điều khá hữu ích. Những điều này sẽ góp phần giúp bản thân mỗi người nhìn nhận ra đây là những thế mạnh và đam mê của mình. Với kinh nghiệm bản thân tôi mặc dù đã trải qua nhiều công ty khác nhau, nhưng tại bất kì thời điểm nào tôi cũng chỉ làm cho tối đa 2 công ty. Và tôi luôn xác định đâu là công việc chính mình sẽ dành toàn bộ sức lực của mình. Rồi với mỗi công việc tôi đều cố gắng làm thật tốt trong khả năng của mình, do đó gần như sau khi kết thúc công việc tôi đều giữ được mối quan hệ tốt với những người cộng sự và trở thành những người bạn tốt cho đến hiện tại. Và hẳn nhiên điều này đã mang lại cho tôi những giá trị vô hình rất lớn về sau, nên hi vọng sẽ được chia sẻ ít nhiều với mọi người qua bài viết này. 

1. Công ty gia công

Có lẽ lợi thế lớn của các công ty gia công nằm ở môi trường chuyên nghiệp và cơ hội tham gia cọ xát các dự án lớn của nước ngoài. Những điều này đặc biệt hữu ích cho những lập trình viên trẻ mới bước từ môi trường giảng đường sang thực tế, và việc đặt mình dưới áp lực của các dự án lớn đòi hỏi các quy trình chặt chẽ sẽ giúp lập trình viên nhanh chóng chuyên nghiệp hóa bản thân mình.

Tuy nhiên môi trường gia công cũng có những hạn chế nhất định, việc vẫn còn ít những dự án xứng tầm cũng như việc trả chi phí cố định theo đầu người ở đa phần các công ty sẽ dần khiến nhiều lập trình viên chán nản và từng bước tìm cho mình những hướng đi mới mẻ hơn. 

2. Công ty Start-up/Sản phẩm

Làm việc trong một công ty start-up thực sự sẽ đòi hỏi bạn làm việc >100% khả năng của mình. Ngoài ra, do công việc của công ty start-up khá nhiều mà số người lại hạn chế, nên gần như sẽ đòi hỏi bạn phải biết thêm rất nhiều thứ không nằm trong kiến thức của bạn được trang bị ở các công ty lớn. Trong một môi trường như vậy sẽ khiến bạn trưởng thành lên rất nhiều.

Lẽ dĩ nhiên môi trường start-up cũng có những hạn chế. Hạn chế thứ nhất là tỉ lệ các công ty start-up thành công là rất thấp, nên đôi lúc việc gắn bó trong một môi trường start-up chờ thời quá lâu mà vẫn chưa thấy đầu ra sẽ khiến bạn lãng phí rất nhiều thời gian và đánh mất nhiều cơ hội, thực tế chứng minh các công ty start-up thành công lớn đa phần đều có những bước tiến thần tốc trong một thời gian nhất định. Hạn chế thứ hai, môi trường start-up đòi hỏi bạn biết rộng hơn là biết sâu. Do đó nếu bạn là một người chuyên sâu về một công nghệ nhất định thì sẽ không thích hợp trong môi trường này. 

3. Công ty đa quốc gia

Có lẽ vị trí cho lập trình viên trong các công ty này không nhiều khi phần lớn hiện nay vẫn xem Việt Nam là một thị trường phân phối và tiêu thụ. Tuy nhiên gần đây tình hình đã dần khá hơn khi thị trường Việt Nam bắt đầu lớn và chứng tỏ vị trí tiềm năng trong tương lai gần sắp tới.

Làm việc trong các công ty này được lợi là quy trình đã khá bài bản nên lập trình viên chỉ cần tập trung vào những hướng nhất định, rất phù hợp cho những ai đam mê đào sâu vào một công nghệ mũi nhọn. Ngoài ra làm việc trong môi trường này cũng giúp lập trình viên mở rộng tầm nhìn lên rất nhiều bởi có cơ hội cọ xát trong một môi trường mang tính quốc tế. Tuy nhiên điểm yếu ở các công ty này là lập trình viên sẽ không có được một cái nhìn tổng quát về công ty như trong môi trường công ty start-up đã nêu trên. 

4. Công ty/Tổ chức nhà nước

Làm trong nhà nước thì lương khá thấp so với thị trường. Tuy nhiên đổi lại môi trường tương đối nhẹ hơn, cũng như sẽ có những giá trị vô hình nhất định và tiềm năng trong tương lai, đặc biệt trong một xã hội mà nhà nước vẫn còn nắm giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế như Việt Nam hiện nay.

Bản thân tôi chưa có nhiều cơ hội cọ xát trong môi trường này. Tuy nhiên qua chia sẻ với một số bạn bè, thì ngoài công việc chính thì họ có thể tham gia một số dự án để kiếm thêm thu nhập. Với một số bạn bè khác tôi biết thì gia đình của họ đã khá dư dả về tài chính và có thế đứng nhất định, nên việc lương bổng không còn quá quan trọng đối với họ mà mục đích họ sẽ từng bước tiến lên nắm giữ những vị trí quan trọng của CNTT Việt Nam trong tương lai. 


Tổng kết lại, những loại công ty nêu trên đều có những ưu nhược điểm khác nhau, nên sẽ phù hợp cho những đối tượng khác nhau tùy vào niềm đam mê sở thích của mỗi người. Với riêng bản thân, thì tôi cảm thấy mình khá may mắn khi đã có cơ hội làm việc qua nhiều công ty khác nhau. Điều này đã đem lại cho tôi những trải nghiệm quý giá trên con đường sự nghiệp của mình, cũng giống như việc ...đi thi vậy. Mặc dù điều này đôi lúc khiến tôi mất phương hướng khi đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, nhưng tôi tin mình đã đang dần xác định được niềm đam mê, thế mạnh và mục tiêu lớn nhất của chính mình ^_^

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More