Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Chiến lược "săn" công ty cho Sinh viên IT sắp tốt nghiệp


Vào dịp cuối năm cứ gần đến lễ bảo vệ tốt nghiệp và chuẩn bị đi làm của các sinh viên CNTT thì thỉnh thoảng tôi lại nhận được các câu hỏi nhờ tư vấn: "Em không biết với khả năng của mình thì nên chọn công ty nào là phù hợp và triển vọng nhất?". Cứ mỗi lần như vậy tự nhiên tôi thấy vui vui, nhớ lại khoảng khắc mình chuẩn bị tốt nghiệp hồi đó cũng y như vậy, cũng băn khoăn thoáng một chút lo lắng về con đường mình sắp tới sẽ như thế nào so với cuộc sống hơn 4 năm trong giảng đường đại học. Và quả thực giờ nhìn lại thì đó là một trong những thời gian quyết định cho một lập trình viên để chuyển từ cuộc sống đầy "mơ mộng" sang một môi trường khắc nghiệt hơn rất nhiều. Và việc quyết định lựa chọn công ty sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp trong những năm sau đó. Và tôi thử nghĩ nếu giả sử mình có dịp quay trở lại vào khoảng khắc giao thời đó, thì tôi sẽ lựa chọn chiến lược như thế nào nhỉ ^_^. Và đó cũng là vấn đề tôi muốn chia sẻ trong bài viết này, hi vọng có thể tư vấn ít nhiều cho các bạn sinh viên IT trẻ sắp tốt nghiệp và muốn lựa chọn con đường lập trình viên cho sự nghiệp mình trong những năm sắp tới.

0. Có thể nói hầu hết các công ty IT Việt Nam hiện nay đều không trông đợi việc SV ra trường sẽ có khả năng làm việc được ngay và đều dành một khoảng thời gian để training lại theo yêu cầu của công ty. Chính vì vậy mà các công ty không hi vọng nhiều vào một tá các kĩ năng mà SV ghi trong CV hay các dự án nghiên cứu trước đó. Cái quan trọng nhất mà họ trông đợi là kỹ năng lập trình của SV đó. Kỹ năng lập trình càng cao thì thời gian training sẽ càng ngắn và sinh viên có thể nhanh chóng bắt tay vào làm việc được ngay. Đây là một điều quan trọng mà nếu chuẩn bị tốt, các bạn SV sẽ có thể dễ dàng thích nghi và cảm thấy không bị khớp khi chuyển từ môi trường học thuật sang công việc.

1. Với các bạn SV chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc va chạm trong các môi trường công nghiệp thực sự trước đó thì tôi nghĩ tốt nhất nên dành ít nhất 1 năm cho việc học hỏi các kinh nghiệm này. Để làm điều này, hãy apply vào những công ty gia công thật lớn, nơi các bạn sẽ "được" đào tạo quy trình một cách chặt chẽ, cách thức tổ chức và tiến hành công việc bài bản, giờ giấc chuyên nghiệp. Ngoài ra các công ty này sẽ có những dự án đủ lớn để bạn cảm nhận được môi trường công nghiệp IT thực sự khốc liệt như thế nào, cũng như sẽ có những chương trình đào tạo đặc biệt cho bạn. Những điều này các công ty trung bình nhỏ sẽ khó có được bởi họ trông đợi bạn vào sẽ có thể tự học và làm việc được ngay, do đó nếu bạn không có khả năng tự định hướng bản thân đủ mạnh thì rất dễ đi sai đường và bế tắc. Nếu sau thời gian này, bạn cảm thấy con đường gia công thích hợp với bạn thì hãy cứ tiếp tục trong những năm kế tiếp và từng bước tiến lên những chức vụ cao hơn.

2. Rồi đến một lúc nào đó bạn đã đủ lông đủ cánh, chán làm gia công và muốn làm một cái gì đó mới hơn, đây sẽ là thời điểm thích hợp nhất cho bạn để tham gia vào các công ty nghiên cứu và phát triển những sản phẩm chiến lược. Trước đây số lượng các công ty làm sản phẩm chuyên nghiệp VN rất ít nhưng trong những năm gần đây với xu hướng web 2.0 trên thế giới và cả Việt Nam nóng lên thì số lượng các công ty đang tăng nhanh. Hãy chọn một công ty chỉ tập trung làm sản phẩm với những con người thật chuyên nghiệp, không nên chọn những công ty lấy ngắn nuôi dài (tức vừa làm gia công vừa làm sản phẩm, hoặc vừa làm hợp đồng vừa nghiên cứu bởi các công ty này khi có hợp đồng ngon gần như sẽ lại ...bỏ hết việc làm sản phẩm sang một bên để làm hợp đồng ;)). Ở trong môi trường này, bạn sẽ học được rất nhiều các công đoạn trong quá trình làm sản phẩm, từ việc phát triển những nền tảng đầu tiên cho đến lúc sản phẩm thành hình và đến tay những end-users cuối cùng.

3. Rồi đến một lúc nào đó bạn muốn làm một sản phẩm gì đó của riêng mình, thế thì đã đến lúc bạn tìm những chiến hữu đồng chí hướng để start-up một công ty ;). Với kinh nghiệm chiến trường ở các công ty IT lớn và làm sản phẩm bạn đã tích lũy được từ hai bước trên sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều sai lầm không đáng có. Tuy nhiên bạn sẽ phải đương đầu thêm với rất nhiều bài toán đau đầu khác không thuộc phạm vi chuyên môn của mình: khách hàng, quỹ đầu tư, marketing, tài chính, kế toán.... Những công việc mà gần như nếu không có sự chuẩn bị sẽ rất dễ đưa công ty thất bại. Và nếu thành công bước này, hãy từng bước mở rộng công ty của mình lên một tầm cao mới.

4. Rồi đến một lúc đó bạn lại cảm thấy chán với những thành công mà mình có được. Đến lúc này có lẽ có hai hướng: Một là quay trở lại ...reset lại bước 1-2-3, rồi cứ thế nhưng bạn sẽ nâng cấp lên ở những vị trí cao hơn với những công việc thách thức và ý nghĩa hơn. Hai là tìm một niềm đam mê trong những lĩnh vực khác như Âm nhạc, Thơ văn... chẳng hạn :x, để bạn có thể bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác hơn so với thế giới IT trước đây của mình.

Thì tất cả những điều trên chỉ đơn thuần là những kinh nghiệm của riêng tôi, tất nhiên chỉ mang tính tham khảo bởi tôi nghĩ mình là người thiên về sống để trải nghiệm hơn là sống để quyết tâm làm một điều gì đó thật lớn lao vĩ đại. Với tôi mỗi môi trường, mỗi công việc đều có những thách thức thú vị riêng. Do đó tôi nghĩ điều quan trọng vẫn nằm ở bạn, bạn cảm thấy mình là người có những tính cách đặc biệt gì và liệu con đường nào mới là thích hợp nhất dành cho bạn.

Tuy nhiên có một điều mà tôi nghĩ sẽ luôn đúng và rất quan trọng là hãy luôn có cho mình một hoặc vài người cố vấn tại bất kì thời điểm nào, những người thực sự có nhiều kinh nghiệm giỏi hơn bạn ở một hay nhiều lĩnh vực nào đó. Bởi họ sẽ giúp bạn từng bước hoàn thiện bản thân mình và tránh rất nhiều sai lầm không đáng có. Đôi lúc sự tự tin quá sẽ dẫn bạn đến một lúc nào đó ngoảnh lại mới nhận ra được mình còn thiếu rất nhiều và có thể mọi thứ đã trở nên quá trễ để bắt đầu lại. Bản thân tôi cho đến giờ vẫn cảm thấy mình thực sự may mắn khi gần như tại bất kì thời điểm trong sự nghiệp IT của mình, tôi đều có được những người cố vấn rất tốt, họ nhiệt tình giúp đỡ và nâng tôi lên những nấc thang cao hơn. Và tôi ước gì mình sẽ luôn được như vậy, chừng nào tôi còn có được những người cố vấn, thì tôi vẫn còn cảm thấy an tâm và cảm nhận mình còn học hỏi được từ cuộc sống rất nhiều ^_^

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Những bài học cho CNTT Việt Nam từ Đài Loan


Có lẽ hầu hết mọi người đều biết đến Đài Loan như một trong những cường quốc về Công nghệ vi mạch của thế giới. Khá nhiều công ty nổi tiếng ở đất nước này cũng đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam như như Acer, Asus, Gigabyte, MSI, HTC... Bản thân tôi trước đây cũng đã tìm hiểu rất nhiều về quá trình hình thành và phát triển của quốc gia này. Tuy nhiên chỉ đến khi có dịp đến Đài Loan vừa rồi, tôi mới có thể tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước này trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng như khát vọng vươn ra tầm thế giới ở những lĩnh vực khác của họ trong một tương lai không xa.

Quay trở lại lịch sử của Đài Loan 50 năm về trước, vào khoảng những năm 60. Ngành công nghiệp vi mạch Đài Loan bắt đầu phát triển khi có sự đầu tư của các tập đoàn điện tử của Mỹ vào đất nước này. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Đài Loan (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam) trở thành các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng vệ tinh phụ trợ như dây cáp, vỏ máy... Và các doanh nghiệp Đài Loan đã nhanh chóng tiếp thu công nghệ để từng bước sản xuất được những linh kiện phức tạp hơn. Đến những thập niên 80-90, chính phủ Đài Loan đã có những chính sách đột phá trong việc thu hút lực lượng Hoa Kiều và người nước ngoài đến làm việc như thành lập khu công nghiệp Tân Trúc (được mệnh danh là Silicon của Đài Loan), hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập các viện nghiên cứu công nghệ... Những điều này đã đem lại thành công vượt bậc để đưa Đài Loan đến năm 1995 đã trở thành một cường quốc công nghệ vi mạch của thế giới. Và cho đến thời điểm hiện tại, đã có những công ty hùng mạnh của Đài Loan nổi danh toàn cầu như HTC, Acer, Asus với giá trị thị trường vào khoảng 9-10 tỉ USD (gấp khoảng 15 lần FPT của Việt Nam hiện nay) và hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh trực tiếp với các đại gia Mỹ như Dell, HP, Motorola...

Trở lại với tình hình CNTT Việt Nam hiện tại, tôi nhận thấy Việt Nam chúng ta có vẻ đang đứng trước giai đoạn giống như Đài Loan khoảng 40 năm về trước. Tức là hiện cũng đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư và phát triển công nghệ, sản xuất phần cứng, gia công phần mềm... Do đó một trong những chiến lược cần phải thực hiện gấp rút hiện nay là tiếp tục đẩy nhanh việc đào tạo một số lượng lớn nhân lực gia công đủ tốt cho các tập đoàn nước ngoài, song song với quá trình từng bước hỗ trợ các công ty trong nước hình thành những ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các tập đoàn này.

Ngoài ra ngành công nghiệp gia công Việt Nam cũng đã bắt đầu đạt đến độ chín khi có nhiều công ty gia công lớn đã vượt con số hơn 10 năm tuổi đời. Do đó đã đến lúc chính phủ Việt Nam từng bước có những chính sách kêu gọi số lượng lớn những Việt Kiều hay người nước ngoài đang làm trong những ngành công nghiệp cao ở nước ngoài quay trở về đầu tư nghiên cứu và từng bước chuyển giao công nghệ. Và thực sự nếu chúng ta có thể làm tốt những chính sách và tập trung cho những lĩnh vực chủ lực như Smartphone hay Cloud Computing, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ trong 10-20 năm nữa, Việt Nam sẽ có thể trở thành một trong những cường quốc về CNTT của thế giới và đến lúc đó những người làm CNTT như chúng tôi hoàn toàn có thể tự hào khi nói với bạn bè nước ngoài rằng "I'm Vietnamese software engineer" ^_^

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Sức mạnh của sự chia sẻ



Tháng rồi tôi có dịp gặp gỡ mấy bác đang làm cho Google sang Việt Nam chơi, trong lúc trao đổi mấy bác nêu ra câu hỏi "Sao tao thấy số lượng trang web tiếng Việt vẫn còn ít quá, không biết có cách nào bọn tao có thể hỗ trợ để tăng số lượng lên không?". Nghe xong tự nhiên tôi cười thầm trong bụng "Mấy bác Google này đúng là sướng thật, giờ họ đã là bá chủ tìm kiếm ở thị trường Việt Nam thì doanh thu của họ cứ thế mà tăng đều đều với sự nở rộ của các trang web tiếng Việt. Chỉ tội nghiệp mấy bác làm web ở Việt Nam mấy năm nay, doanh thu thì chả thấy đâu còn Google cứ thế mà hốt bạc" ;))

Mở đầu tí xíu cho vui ^_^, quay trở về câu hỏi ban đầu tự nhiên tôi thấy đúng là thời gian qua mình có cảm tưởng thị trường nội dung Internet của Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ nhưng ngẫm lại thấy rốt cục nội dung tiếng Việt đúng là mình chỉ đang quanh quẩn các website tin tức, diễn đàn cục bộ, nhạc phim giải trí... Rồi nhiều site thi đua phong trào copy-paste xào nấu tin tức làm mọi người có cảm giác tăng, nhưng thực ra thì vẫn vậy.

Có lẽ một trong những con gà đẻ trứng nội dung mà các công cụ tìm kiếm rất thích hiện nay đó là các blog cá nhân và các website của tổ chức doanh nghiệp. Chẳng phải đó là lý do mà Google có Blogger/Google Sites, Yahoo có Yahoo 360 Plus/GeoCities. Cứ tưởng tượng mỗi cá nhân chỉ cần có 100 trang đơn giản, nhân lên 10.000.000 người thì số trang đã lên kinh khủng như thế nào.

Nhưng về khía cạnh này thì tôi thấy có vẻ Việt Nam hơi ảm đạm, nhìn bạn bè xung quanh tôi những người có blog có thể đếm trên đầu ngón tay. Một số người viết blog được một thời gian nhưng sau đó bận rộn nên bỏ hoang :). Bản thân tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra những hạn chế rất lớn. Có rất nhiều sai lầm chung trong cuộc sống mà giả sử nếu có một người nào đó trải qua và chia sẻ lại thì rõ ràng những người đi sau sẽ đỡ mất thời gian hơn rất nhiều. Còn nếu không có sự chia sẻ, chắc chắn những người đi sau cũng sẽ phải mất thời gian để học lại chính những sai lầm đó. 

Và tôi cảm thấy trong từng lĩnh vực nói chung và lĩnh vực công nghệ nói riêng, chúng ta đang rất cần những người có kinh nghiệm thế mạnh về một công nghệ đi trước có thể đứng lên tổ chức các nhóm hoạt động chuyên biệt và chia sẻ lại với những người đi sau làm cùng trong lĩnh vực. Có như vậy chúng ta sẽ tạo ra được một cộng đồng lớn mạnh và phát triển nhanh hơn rất nhiều so với những cá nhân/nhóm nhỏ hoạt động một cách riêng rẽ. Và sự thành công của trang vi.wikipedia.org có lẽ là một dẫn chứng rõ nhất cho vấn đề này.

Tuy nhiên dù sao có lẽ đây vẫn đang là một trong những hạn chế lớn của đa phần người Việt chúng ta hiện nay. Hi vọng rằng đến những thế hệ 8x, 9x như chúng tôi với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ có thể dần thay đổi được điều này trong thời gian sắp tới :)


Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Smarphone & Cloud Computing - Cơ hội vàng cho Việt Nam

Trong những tháng cuối năm 2009, rất nhiều báo công nghệ đều có những bài báo dự đoán năm 2010 sẽ là một năm bùng nổ của các máy điện thoại thông minh Smartphone, cùng với điện toán đám mây Cloud Computing. Bản thân tôi trong năm nay cũng tìm hiểu khá nhiều về Cloud Computing và đã có một số bài viết về công nghệ này, tuy nhiên với các smartphone thì tôi cũng chưa quan tâm lắm. Chỉ đến khi có dịp qua Đài Loan như vừa rồi thì tôi mới cảm nhận được sức nóng của công nghệ này. Có thể nói cùng với điện toán đám mây, Smarphone sẽ là một công nghệ bùng nổ trong những năm kế tiếp, không chỉ ở trên thế giới mà sẽ còn cả ở Việt Nam.

Để hình dung rõ hơn về công nghệ này, hãy nghĩ thử tương lai trong từ 1-2 năm sắp tới, với sự trưởng thành của hệ điều hành Android và sự tham gia của các tập đoàn có thể mạnh phần cứng như Acer, Asus, Dell... Các smarphone có để sẽ down giá chỉ còn từ 3-4 triệu đồng. Cùng với một kho ứng dụng khổng lồ đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và giá mobile Internet ngày một trở nên rẻ hơn ở Việt Nam, chắc chắn một số lượng lớn người sử dụng là giới trẻ hiện nay sẽ từ bỏ những chiếc Nokia quen thuộc để chuyển sang những chiếc smartphone thông minh hơn, nơi họ có thể truy cập các dịch vụ tương tác mọi lúc mọi nơi. Và thực sự nếu chính phủ Việt Nam có thể đón đầu thời cơ này và đẩy nhanh việc xây dựng các trung tâm dữ liệu với các dịch vụ công dưới dạng Cloud Computing services, chắc chắn việc phổ cập chính phủ điện tử sẽ phát triển một cách mạnh mẽ.

Và hãy tưởng tượng chỉ với một chiếc smartphone cơ bản, bạn - một công dân Việt Nam - sẽ có thể truy cập tất cả các dịch vụ của chính phủ như đăng ký hộ khẩu, thủ tục thành lập công ty, thanh toán tiền điện nước... Và khi chính phủ đã có dữ liệu số hóa chi tiết thông tin mỗi cá nhân, khi có một thông tin chính sách liên quan đến nhóm người nào nào đó, máy tính sẽ tự động quyét tất cả các số lượng người trong nhóm này và phân phát tin đến đúng các địa chỉ cần thiết. Một xã hội tuyệt vời trên nền tảng công nghệ :)

Tất nhiên là sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng ai cũng biết như thế nhưng liệu với cơ chế hiện tại thì không biết ...bao nhiêu năm nữa Việt Nam mới làm được điều này? Bản thân tôi suy nghĩ thực ra Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để làm được điều đó. Không phủ nhận việc chúng ta đang gặp nhiều khó khăn và bất cập về mặt hạ tầng như đường xá, điện nước, cơ cấu nhà nước... Nhưng trong lĩnh vực viễn thông thì chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Đó là chưa kể đến sự quyết tâm cao độ của chính phủ trong thời gian gần đây với việc xem CNTT là một ngành trọng điểm cũng như sự nhòm ngó của nhiều đại gia và các quỹ đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Do đó tôi nghĩ có thể Việt Nam sẽ còn rất lâu mới có thể xây dựng được một hạ tầng xã hội hiện đại như các nước phát triển, nhưng về một siêu xa lộ thông tin Internet thì hoàn toàn có thể trong vòng 5-10 năm tới.

Và tôi nghĩ có lẽ điều mà Việt Nam vẫn còn đang thiếu và trông chờ hiện nay là sự xuất hiện của một tập đoàn đứng lên thực hiện sứ mệnh cao cả này. Có thể là Viettel, FPT, VTC, Vinagame... hay một công ty mà hiện tại chúng ta chưa được biết tới. Chỉ có một điều tôi dám khẳng định là thế mạnh của tập đoàn này sẽ phải nằm ở một đội ngũ những "siêu lập trình viên", những người có khả năng mạnh mẽ về kỹ thuật với một phong cách làm việc chuyên nghiệp với năng suất ngang ngửa các kỹ sư giỏi của nước ngoài. Sau đó sẽ dần từng bước mở rộng tập hợp những anh tài về đầu quân. Và chắc chắn nếu có một công ty như vậy xuất hiện thì khả năng công ty này sẽ có nhiều lợi thế để từng bước vươn ra thị trường quốc tế với giá trị thị trường có thể lên đến ngang ngửa các công ty lớn của Đài Loan như HTC, Acer, Asus vào tầm vào khoảng 9-10 tỉ USD. Bởi như tôi đã nêu ở trên, Smartphone và Cloud Computing cũng là những lĩnh vực rất nóng mà các tập đoàn trên thế giới đang ra sức chạy đua. Và nếu thực sự Việt Nam có thể tận dụng được những lợi thế của mình làm điều đó thì sẽ tạo nên một sức mạnh tổng thế rất lớn.

Và tất nhiên bản thân tôi cũng đang mong chờ ngày xuất hiện của một công ty như vậy, bởi sự xuất hiện của nó sẽ là đầu tàu để các công ty Việt Nam khác ...ăn theo từng bước tiến ra thị trường bên ngoài ;)). Chắc chắn nếu có công ty như vậy xuất hiện thì tôi sẽ là một trong những người nhảy vào tham gia đầu tiên. Và có lẽ chúng hãy cùng hi vọng và chờ đợi sự xuất hiện của một "Google Việt Nam" trong tương lai không xa ^_^

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Giáng sinh buồn thời công nghệ


Một mùa Giáng Sinh nữa lại đến. Với tôi có lẽ Giáng Sinh là mùa đẹp nhất giữa các mùa lễ trong năm. Cứ mỗi lần gần tới, trong lòng tôi lại xuất hiện một tâm trạng nao nao khó tả. Một cảm giác se lạnh, đơn độc bất chợt đến xen vào giữa những áp lực công việc và lo toan cuộc sống hàng ngày. Tự nhiên làm xuất hiện trong tôi một cảm giác thanh bình hạnh phúc.

Tôi còn nhớ khi còn là học sinh ở với gia đình, cứ khoảng vào đầu tháng 12 là tôi bắt đầu được nghe những bài nhạc Giáng Sinh vang lên từ nhà hàng xóm. Rồi sau đó gần tới lễ hơn thì tôi bắt đầu nhận được những tấm thiệp Giáng Sinh từ bạn bè xung quanh (đặc biệt tôi vẫn còn cảm nhận được cảm giác thật hạnh phúc khi nhận được thiệp từ các bạn nữ :">), rồi sau đó chúng tôi rủ nhau đi xem hang đá ở các nhà thờ. Giờ nhớ lại tự nhiên thấy vui vui, đúng là thời học trò bao giờ cũng là đẹp nhất :x

Thế rồi sau đó bắt đầu lúc vô đại học: Email, Chat, Internet, Điện thoại di động dần xuất hiện và dường như đã khiến thế giới những cảm xúc của riêng tôi bị xáo trộn. Tôi nhận ra sự cảm nhận không khí Giáng Sinh trong những năm trở lại đây của mình ngày càng mất dần. Có vẻ như bất kì lúc nào những dòng suy nghĩ trong tôi đều có thể bị cắt đứt bởi những tin nhắn, email, hay một cú điện thoại. Đúng là thế giới công nghệ đã đem lại cho con người nhiều cơ hội trong việc tiếp cận với một thế giới thông tin rộng lớn, nhưng về một mặt nào đó có vẻ nó đang dần bào mòn những cảm xúc riêng của từng cá nhân, khiến con người ngày càng trở nên bận rộn và lạnh lùng như những cỗ máy rôbô :)

Rồi tự nhiên tôi nghĩ đến những chuyến du lịch bụi của tôi trong những năm vừa qua. Có lẽ tôi thật sự thích thú khi được đặt chân đến những vùng vẫn còn hoang sơ, nơi sóng di động chưa phủ tới. Bởi ở những nơi đó, con người vẫn sống và đối xử với nhau một cách tình cảm, trái ngược hoàn toàn so với cuộc sống ở thành phố nơi tôi đang sống, có thể cả năm trời mình cũng chẳng biết hàng xóm bên cạnh mình là ai. Đôi lúc tôi tự hỏi liệu Việt Nam có cần phải chạy đua về kinh tế, để rồi phải trả giá bằng những nét văn hóa mà chúng ta đã đã tích lũy được trong hàng ngàn năm qua.

Rồi tôi lại mơ nếu sau này 20-30 năm tôi có thể trở thành ...thủ tướng của nước Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ không cố gắng phát triển Việt Nam trở thành một đất nước như Mỹ hay Nhật, những nước có GDP cao ngất ngưởng nhưng con người luôn đói thời gian và hoạt động như những cỗ máy. Thay vào đó tôi sẽ phát triển Việt Nam thành một điểm đến thanh bình, nơi kết hợp giữa những thành tựu của công nghệ và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Có thể GDP không cần quá cao nhưng mọi người luôn có thời gian để tận hưởng hết những giá trị mà họ tạo ra được trong công việc. Nghe đến đây cũng có vẻ cũng thích nhỉ, vậy thêm giả sử nếu sau này tôi ra tranh cử với lời hứa như vậy thì bạn có ủng hộ tôi không ^_^

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Cuộc chiến nhân lực CNTT

Sau bài viết "Lối thoát nào cho lập trình viên Việt Nam?", có nhiều bạn nghĩ tôi nói quá bởi làm gì có lập trình viên nào ở Việt Nam được trả tới 1500, thậm chí 2000$. Thực ra điều này là có, nhưng không phải phổ biến. Tuy nhiên gần đây khi cuộc đua CNTT bắt đầu nóng trở lại, và khi Việt Nam từng bước có nhiều code guru hơn, thì tôi nghĩ mức lương này hoàn toàn có thể trở nên phổ biến trong tương lai.

Có nhiều lý do để khiến điều này trở thành hiện thực. Trong hai thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của CNTT và đa phần mọi người đều nghĩ CNTT đã bước qua giai đoạn đỉnh cao của nó. Tuy nhiên một số người trong ngành như chúng tôi chỉ nghĩ đây là thời điểm bắt đầu, thập niên sắp tới chúng ta sẽ còn thấy CNTT còn làm được nhiều việc hơn nữa và len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tất nhiên nước Mỹ sẽ vẫn là nơi xuất phát của những người làm CNTT tốt nhất. Mặc dù vậy, số lượng này sẽ vẫn không đủ và các công ty vẫn sẽ phải tiếp tục săn thêm các chuyên gia từ các nước khác. Do đó, nếu thực sự ở VN có những chuyên gia ngang ngửa bên Mỹ thì việc trả một mức lương bằng 1/3 so với bên US hay cao hơn sẽ hoàn toàn là điều có thể chấp nhận đối với các công ty. Và trong thời gian sắp tới, có thể ngay trong năm sau, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến khốc liệt về nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Mặc dù các công ty sẵn sàng trả lương cao cho những người có kinh nghiệm, nhưng có một điều tôi nhận thấy là hầu hết các công ty đều không thích việc training cho những SV mới tốt nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu bởi các công ty không muốn mất thời gian và chi phí cho quá trình này, họ trông đợi những người tham gia có thể làm và đem lại hiệu quả ngay. Và có lẽ điều này đã tạo ra một khoảng cách rất lớn trong việc cung cầu nguồn nhân lực CNTT hiện nay. Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT sẽ luôn thiếu, trong khi một số lượng SV CNTT mới tốt nghiệp từ các trường ít có tên tuổi lại loay hoay tìm đầu ra bởi nhiều CNTT không thích nhận những người mới chưa có kinh nghiệm như vậy.

Và đây có lẽ sẽ là một trong những bài toán khó các công ty CNTT nói riêng, và CNTT Việt Nam nói chung sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới ;)

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Mỗi ngày một câu chuyện



Đã hơn hai tháng rồi tôi không đụng đến blog, khoảng thời gian lâu nhất trong bốn năm trở lại đây. Đúng là đến giờ mới hiểu lúc nào vô công rỗi nghề hóa ra lại là lúc mình viết lách được nhiều nhất, còn đến lúc ngập đầu trong công việc rồi thì bù đầu bù cổ, không còn thời gian để viết lách nữa :)

Đùa một chút cho vui, khoảng vài tháng cuối năm tự nhiên công việc tôi nhiều lên hẳn. Tôi có một cảm giác dường như CNTT Việt Nam đang nóng trở lại, nhiều công ty đang ào ạt tuyển người và chuẩn bị mạnh mẽ cho thời gian sắp tới. Năm 2010 có lẽ sẽ là một năm hoàng kim của CNTT Việt Nam. Có thể cuộc chơi dot-com sẽ bùng nổ trở lại và bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, hoặc đó cũng có thể là một năm mà ngành gia công Việt Nam sẽ đạt được con số tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, và còn nhiều điều khác nữa...

Và với tôi, năm 2010 có lẽ cũng sẽ là một năm cực kỳ bận rộn. Tuy nhiên trong thời gian qua tôi nhận ra một điều rằng gần đây tôi đã bị cuốn quá nhiều vào công việc đến nỗi không còn thời gian dành cho bản thân để cảm nhận những cảm xúc cá nhân và nhìn lại chính mình. Nên trong thời gian sắp tới dù bận rộn thế nào đi nữa, tôi tự hứa với mình sẽ dành ra một khoảng thời gian nhất định để ...viết một bài blog vào cuối mỗi ngày :x. Đó không cần là những bài viết dài và vĩ mô như các bài viết về chuyên môn gần đây, mà đơn giản chỉ là những câu chuyện hay suy ngẫm thú vị mà tôi cảm nhận được mỗi ngày.

Hi vọng rằng điều này sẽ giúp tôi cân bằng được một cuộc sống với đầy áp lực công việc với một thế giới những cảm xúc của riêng mình. Và cũng hi vọng có thể chia sẻ với mọi người xung quanh những góc nhìn về cuộc sống dưới con mắt của những người làm CNTT như chúng tôi. Và hi vọng trong vòng 1 năm sắp tới, tôi sẽ có được 365 câu chuyện thú vị ^_^


Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Giấc mộng "Go Global" của các công ty CNTT Việt

Làng CNTT Việt Nam đã chứng kiến hai sự kiện chấn động đầu tháng 10 này, đó là BKIS giới thiệu sản phẩm BKIS Internet Security với tham vọng ra biển lớn, cùng với tham vọng Viettel chuẩn bị tiếp tục đầu tư vào Bangledesh sau thành công tốc độ tại thị trường Campuchia. Hai sự kiện trên ít nhiều gợi lên trong suy nghĩ mỗi người làm CNTT như chúng tôi một điều gì đó tự hào. Có lẽ đã đến lúc CNTT Việt Nam phải từng bước có những công ty “dũng cảm” tiến ra thị trường toàn cầu, và những công ty trong giai đoạn này sẽ đóng vai trò tiên phong.

Lẽ dĩ nhiên, không phải công ty nào cũng có thể làm được điều này. Bản thân tôi suy nghĩ chỉ có những công ty với định hướng chiến lược tốt, mang đậm dấu ấn công nghệ và hơn hết phải thực sự có tầm nhìn mới có thể thực hiện sứ mệnh này. Vậy đâu sẽ là những công ty CNTT Việt Nam có khả năng như vậy? Đó là vấn đề tôi mong muốn chia sẻ qua bài viết này, và tôi nghĩ đó cũng là một câu trả lời tốt cho bài viết “Lối thoát nào cho lập trình viên Việt Nam?” mà tôi vẫn đang còn bỏ ngỏ ;)


Có lẽ không cần phải tốn nhiều thời gian để giới thiệu về đại gia này. Với sự hậu thuẫn từ quân đội cùng với tác phong làm việc chuyên nghiệp nên chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Viettel đã vươn lên trở thành một thế lực lớn trong làng CNTT Việt Nam. Ngoài ra với việc đã được chính phủ quy hoạch thành một trong hai đại gia cầm đầu lĩnh vực này trong vòng những năm kế tiếp, Viettel đã có thể yên tâm phần nào để thực hiện chiến dịch “Go Global” của mình.

Nhìn vào cách Viettel đang làm, có thể dễ dàng nhận thấy chiến lược của họ là tận dụng mô hình xây dựng hạ tầng tốc độ của mình. Đầu tiên họ sử dụng kỷ luật quân đội để đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng trong một thời gian cực ngắn, song song với việc cung cấp Internet miễn phí đến khắp các trường học để dành cảm tình người dân địa phương cũng như đánh bóng thương hiệu của mình.

Với cách này họ đã thành công tại Việt Nam, Campuchia, Lào và sắp tới có thể là Bangledesh. Tuy nhiên với mô hình này thì có lẽ Viettel chỉ có thể thành công tại các thị trường đang phát triển, diện tích hẹp, và còn tương đối sơ khai. Với các thị trường khác nếu muốn tiếp cận, họ sẽ cần phải có một chiến lược hoàn toàn mới, cũng như phải đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên đi được đến đây cũng đã có thể xem là một thành công đối với một công ty cung cấp hạ tầng như Viettel, và họ sẽ mở đường cho hàng loạt các công ty chư hầu khác tiến vào những thị trường này. Và trong số những công ty đó, sẽ có những công ty đủ năng động nhạy bén để tiếp tục tiến xa hơn.


Một công ty cũng không cần phải giới nhiều bởi đều đặn cách nhau vài tháng tôi thấy đều thấy có những tranh luận nảy lửa trên khắp các diễn đàn trong nước về công ty này :). Về mặt cá nhân, tôi nghĩ BKIS là một mẫu công ty thành công ở Việt Nam đáng để chúng ta học hỏi. Xuất phát điểm từ một trung tâm trực thuộc một trường đại học uy tín trong nước, họ đã tận dụng tối đa các mối quan hệ cũng như năng lực của mình để xây dựng những giải pháp cho thị trường chính phủ. Và nhiều tranh luận khác nhau đã xuất phát từ đây. 

Tuy nhiên tôi nghĩ hơn ai hết, BKIS là người hiểu rất rõ vấn đề này. Sau khi có những nguồn thu cực lớn từ thị trường chính phủ, họ sẽ có nhiều lợi thế để từng bước hoàn thiện sản phẩm và đánh đồng loạt ở các phân khúc khác. Chiến dịch vừa rồi đã cho thấy rõ tham vọng của họ. Trong suy nghĩ của tôi thì với việc hiểu rõ thị trường Việt Nam cùng với cách làm việc nhanh nhạy, BKIS hoàn toàn có khả năng chiếm phần lớn thị trường nội địa trong thời gian sắp tới.

Vậy còn tham vọng “Go Global” họ sẽ thực hiện như thế nào? Tôi nghĩ BKIS sẽ xuất phát từ thị trường Việt Kiều ở các nước trên thế giới. Bởi những đối tượng này hiện nay cũng thường xuyên ghé các website trong nước, trao đổi với bạn bè qua chat... Chính vì vậy cũng rất dễ dính "chưởng" từ các tay hacker nội địa. Trong những trường hợp như vậy thì BKAV quả là có lợi thế hơn hẳn so với các chương trình nước ngoài bởi họ là người am hiểu virus nội nhất cùng khả năng hỗ trợ nhanh nhất. Và có lẽ tham vọng trong một vài năm tới của BKIS sẽ chỉ dừng lại tại đây. Chỉ khi đã chiếm lĩnh được thị trường này thì họ mới có thể nghĩ đến những tham vọng xa hơn. Và chúng ta hãy cùng theo dõi xem họ sẽ thực hiện chiến dịch "Go Global" như thế nào ;)
Có lẽ sẽ có nhiều người hơi ngạc nhiên khi tôi xếp MISA vào trong nhóm các công ty “Go Global”. Thực ra theo suy nghĩ của tôi, MISA là một trong những công ty tiềm năng nhất hiện nay. Điều nổi bật ở công ty này là họ chỉ tập trung làm phần mềm kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên lợi nhuận của họ trong những năm gần đây đã ngang ngửa, thậm chí vượt mặt nhiều công ty tên tuổi trong làng CNTT Việt Nam vẫn đang làm rất nhiều thứ khác nhau.

Với một lượng khách hàng khoảng 40.000 doanh nghiệp hiện nay, cùng với quy trình quản lý và làm sản phẩm cực tốt. Có thể hình dung trong những năm sắp tới, MISA có thể sẽ mở rộng quy mô lên gấp 5, thậm chí 10 lần hiện tại. Cùng với chiến lược tập trung vào những phần mềm doanh nghiệp như: kế toán, CRM, HRM thì rõ ràng họ đang nắm trong tay những lợi thế mà gần như bất kì công ty nào cũng mơ ước. Một ví dụ đơn giản, họ có thể đi vào lĩnh vực thương mại điện tử và thuyết phục các khách hàng hiện tại của họ dễ hơn rất nhiều so với các công ty mới nổi và còn non kinh nghiệm. Vấn đề còn lại đối với MISA chỉ còn nằm ở yếu tố con người và thời gian mà thôi.

Với xu thế các ứng dụng từng bước chuyển sang môi trường Internet thì MISA tất yếu cũng phải chuyển sang mô hình này, cho thuê dịch vụ và tính tiền theo tháng. Và khả năng “Go Global” của họ cũng sẽ bắt đầu từ đây. Với một nền tảng dịch vụ khá tốt, cộng với việc bán một giá tương đối cạnh tranh với các đối thủ, tôi nghĩ họ hoàn toàn có thể xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới ở thị trường quốc tế và cạnh tranh trong một lĩnh vực hẹp trực tiếp với các đại gia như Salesforce hiện nay. Cụ thể hơn Salesforce bán dịch vụ 100$/tháng, MISA có thể làm một dịch vụ vào phân khúc hẹp và phục vụ khách hàng tốt hơn, rồi bán với giá 50$. Tuy nhiên MISA sẽ cần một cách tiếp cận thị trường thật tự nhiên theo kiểu Mỹ và đây không phải là một bài toán có thể làm trong một sớm một chiều. Điều này cũng sẽ đòi hỏi họ phải có những thay đổi nhất định để mang lại những yếu tố mới so với mô hình truyền thống đã đi vào ổn định của họ hiện nay.


Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới FPT, một trong những công ty có tham vọng tiến ra thị trường quốc tế đầu tiên. Vào năm 2000, họ đã từng có chiến dịch đánh đồng loạt trên một số mặt trận như Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên do nhận định không đúng thị trường và một số yếu tố khách quan khác, họ đã không thành công. Nhưng dù sao điều này cũng đã để lại cho họ những bài học kinh nghiệm nhất định để rồi đến năm 2008, họ đã bắt đầu quay lại với tham vọng gần 10 năm trước của mình.

Nhưng nhìn vào cách bành trướng ra quá nhiều lĩnh vực như hiện nay. Thực sự sẽ rất khó để FPT tập trung cho những thế mạnh công nghệ chuyên biệt và có lẽ tham vọng của họ sẽ chỉ là một công ty gia công toàn cầu như một số công ty Ấn Độ mà thôi. Một cách cụ thể họ sẽ tập trung vào số lượng và chất lượng của đội ngũ nhân sự, còn việc làm cái gì và như thế nào sẽ do khách hàng quyết định. Với chiến lược như vậy, họ đã từng bước cụ thể hóa bằng những hành động như thành lập Đại học FPT, xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, đô thị công nghệ Đà Nẵng...

Theo tôi đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng, có thể FPT sẽ không có điều kiện để trở thành một công ty với những công nghệ mang tính đột phá của tương lai, nhưng họ sẽ tạo ra được một môi trường với những yếu tố mới, và nhiều thủ lĩnh công nghệ tương lai của Việt Nam sẽ xuất phát từ đây. 

...đến những giấc mộng "Go Global" thế hệ 8x 

Và tất nhiên, "Go Global" không chỉ là những tham vọng của những công ty lắm tiền nhiều của ở trên mà đó cũng là tham vọng của một số những con người trẻ tuổi và có khát vọng hiện nay, ví dụ như ...tôi chẳng hạn :">. Tôi vẫn đang chuẩn bị cho những hoạch định của mình trong những năm sắp tới. Một cách cụ thể hơn, tôi đang cố gắng tận dụng tối đa những mối quan hệ mình có được, sự hỗ trợ từ bên ngoài cũng như những chính sách ưu tiên phát triển CNTT của chính phủ để từng bước xây dựng một bàn đạp vững chắc cho thị trường trong nước. Giải quyết được bài toán này, tôi sẽ tiến thẳng sang Silicon Valley để làm những "hippy guys" và từng bước thực hiện "American Dream" của mình ;)). Nghe đến đây có vẻ hơi bay và xa rời thực tế, nhưng nếu bạn chưa một lần tới thung lung hoa vàng Sillicon xinh đẹp, hãy dành dụm tiền để đến đây sống vài tuần. Bạn sẽ nhận ra rằng đây là một trong những nơi trên thế giới bạn có thể sống thoải mái chỉ bằng hai thứ, năng lực và khát vọng của mình.

Và với tôi đó cũng là lối thoát tốt nhất cho lập trình viên Việt Nam hiện nay ^_^. Đứng trước thời cuộc đất nước thay đổi từng ngày, những người làm CNTT như chúng tôi chỉ có hai lựa chọn: hoặc gia nhập cuộc chơi quốc tế để nhìn thấy được sự rộng lớn của thế giới và cảm thấy mình ngày một trưởng thành hơn, hoặc tự hài lòng với chiếc ao làng Việt Nam thân quen và tự giới hạn mình. Tất nhiên sẽ có ý kiến cho rằng không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Bản thân tôi nghĩ mỗi cá nhân sinh ra và trưởng thành trong những môi trường khác nhau nên đều đã có những sứ mệnh của riêng mình. Quan trọng là chúng ta nhận ra mình đang đứng ở đâu và ở vị trí nào có thể phát huy khả năng một cách tốt nhất. Một công ty không thể chỉ hình thành bởi những lãnh đạo tham vọng có tầm nhìn, mà còn quan trọng hơn bởi một đội ngũ nhân viên đam mê công việc, kiên trì thực hiện đều đặn công việc hằng ngày.

Và chính vì vậy tôi nghĩ nếu bạn là một người trẻ tuổi có năng lực và khát vọng, hãy nên nghĩ lớn và mạnh dạn đứng lên để thiết lập hoặc tham gia vào những công ty như ở trên ;). Có thể những công ty đó sẽ thất bại nhưng chắc chắn họ sẽ để lại những bài học quý giá để những thế hệ đi sau có thể kế thừa, vẫn tốt hơn so với việc an phận trong chiếc ao làng Việt Nam nhỏ hẹp. Còn với những cá nhân những người tham gia vào đó thì chắc chắn sẽ không bao giờ thất bại bởi những người như vậy sẽ luôn là mục tiêu săn đuổi của những công ty hàng đầu hiện nay, bởi các công ty đều hiểu rõ rằng, chỉ có những người với tư tưởng lạc quan tích cực cùng khát vọng dám nghĩ dám làm mới có thể góp phần vực dậy bộ máy chung của toàn thể công ty, cũng như đủ khả năng lãnh đạo tầm cao để góp phần vào chiến dịch "Go Global" chung cho Việt Nam vào những thập niên 20-30 của thế kỷ 21 :)

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Lối thoát nào cho lập trình viên Việt Nam?



Tuần rồi có gặp lại mấy người bạn cũ, nghe họ than thở sao đi làm lập trình viên áp lực và đòi hỏi suy nghĩ nhiều vậy mà lương lại không tăng được bao nhiêu. Nghe vậy tôi cũng không biết nói sao, chỉ cười thầm trong bụng "Ôi, làm ngành này mà không ...nhảy công ty thì bao giờ lương mới lên nhanh ;))"

Mở đầu tí xíu cho vui ^_^, sau khi bài viết "Làm giàu từ công nghệ ở Việt Nam?" của tôi được báo Tuổi Trẻ đăng thì nhiều diễn đàn đã trích đăng lại. Sau một hồi đọc các ý kiến phản hồi ở các diễn đàn khác nhau thì tôi có cảm giác đây có lẽ là vấn đề chung mà hầu hết những người làm CNTT ở Việt Nam đều băn khoăn hiện nay. Biết lập trình là cái nghiệp mình đã trót theo vì niềm đam mê hay một lý do nào khác, nhưng liệu nó có thực sự triển vọng để mình có thể gắn bó lâu dài?

Với tôi thì đây quả thật là một vấn đề cần tính đến bởi có lẽ hiếm có nghề nào lại ...."bạc bẽo" như lập trình viên. Nếu các ngành khác như giáo viên, bác sĩ, bán hàng... càng làm lâu càng có quan hệ và kinh nghiệm thì ngược lại khả năng tư duy của các lập trình viên sẽ ngày một chậm đi do tuổi tác. Đứng ở tư cách một chủ doanh nghiệp, rõ ràng bạn sẽ thích thuê những lập trình viên trẻ trung, vừa nhanh nhẹn, chi phí phải chăng hơn là thuê các lão tướng lương cao mà lại ngày một chậm chạp hơn.

Và rõ ràng trước tình hình như thế, người lập trình viên cần tính cho mình một lối thoát trước khi chạm đến ngưỡng không còn khả năng lập trình được nữa :)

1. Thăng tiến theo con đường lập trình

Với một lập trình viên thuộc loại khá, hiện nay sau khi ra trường sẽ được trả mức lương trung bình vào khoảng 400-500$ (Theo số liệu các công ty gia công ở TPHCM, ở Hà Nội có thể thấp hơn). Sau khoảng 2 năm con số này sẽ tăng lên khoảng 1000$, và 2-3 năm nữa có thể lên đến 2000$. Tuy nhiên đến đây có thể xem là đã chạm ngưỡng. Sở dĩ nói vậy vì theo tôi được biết một số công ty nước ngoài trả tiền gia công cho các công ty Việt Nam theo đầu người khoảng 2000$/người, trừ đi các chi phí điện nước, thuế má... thì có lẽ mức lương trung bình cho mỗi người sẽ chỉ có thể khoảng 1000-1500$ mà thôi, trả cho tôi 2000$ tức là phải bù lỗ từ các lập trình viên trung bình khác. Tất nhiên con số này có thể sẽ cao hơn ở những công ty gia công tầm cao không trả theo đầu người, tuy nhiên chỉ là thiểu số.

Để có thể leo đến mức này thì không chỉ đòi hỏi tôi phải có năng lực thật tốt mà còn phải khéo léo trong việc đàm phán, cũng như phải chọn đúng những công ty đủ triển vọng có hầu bao tốt sẵn sàng chi trả mức trên. Và đến khi đạt được, tất nhiên tôi cũng sẽ nhận được những áp lực cho "tương xứng" với mức lương đó cũng như sẽ là mục tiêu sa thải đầu tiên trong các thời kì kinh tế khó khăn. Một khi bị sa thải, sẽ rất khó để có thể tìm được công việc mới với mức lương như cũ.

Tuy nhiên nếu leo lên tới được mức ở trên thì theo tôi cũng đã đủ sống ở Việt Nam. Với giá một căn hộ dành cho người thu nhập trung bình vào khoảng 600 triệu hiện nay, thì tôi nhẩm tính với mức lương 1000$ mỗi tháng để dành 10 triệu là chỉ cần 5 năm là có thể trả hết. Với mức lương 2000$ thì chỉ cần 2.5 năm. Như vậy thì tôi cũng có thể tập trung vào công nghệ, từng bước trau dồi để leo lên các vị trí quản lý công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên phần lớn số lượng lập trình viên Việt Nam sẽ không nằm trong tốp này, cũng như các công việc gia công ở Việt Nam chỉ quanh quẩn ở tầm thấp nên đến một lúc nào đó những người có năng lực cũng sẽ từng bước tách ra tìm cho mình một con đường triển vọng hơn.

2. Tìm một nghề mới triển vọng hơn

Vậy nếu không làm lập trình viên thì sẽ làm gì? Nhìn vào số lượng những người bạn xung quanh, tôi thấy phổ biến nhất là chọn một ngành triển vọng hơn nhưng có liên quan đến IT

- Làm IT trong các ngân hàng, công ty chứng khoán: Các công ty này cũng cần rất nhiều đến IT, đôi lúc cả những công việc lập trình. Làm trong những công ty này có thể dễ dàng tiếp cận được với những nguồn thông tin khá tốt, cộng với khả năng xử lý thông tin thế mạnh của các lập trình viên thì có lẽ sớm muộn cũng tìm được một hướng đi triển vọng như một nghề tay trái bên cạnh nghề lập trình hiện tại. Tôi còn biết có vài đại ca ngành này làm một hồi còn chuẩn bị có ý định tách ra lập ngân hàng nữa chứ ;)

- Đi Sale IT: Với một thị trường khá tiềm năng thì Việt Nam đang là đích đến của rất nhiều công ty sales như Microsoft, IBM, Cisco, Oracle, HP... Làm nghề này thì đòi hỏi khả năng giao tiếp cũng nhiều mối quan hệ. Với mức lương khá cao cũng như hưởng huê hồng theo doanh số thì đến một lúc nào đó hoàn toàn có thể bứt xa so với mức lương lập trình viên ở trên. Ngoài ra làm nghề này được thêm cái dễ nhảy, không làm cho Microsoft thì sang làm cho IBM, Cisco... Nói chung với một thị trường đông dân và còn tăng trưởng cao như Việt Nam hiện nay thì không thiếu cơ hội.

- Đi buôn Bất Động Sản: Đi buôn BĐS cũng vui, chỉ có điều là nó không liên quan tới IT lắm và đòi hỏi vốn cũng phải kha khá. Nhưng nếu quyết tâm theo đuổi trong thời gian dài thì sớm hay muộn cũng sẽ đạt được những thành tựu, thậm chí là rất lớn. Nhìn quanh quẩn thấy đa phần tầng lớp giàu có ở Việt Nam đều giàu lên từ ngành này (Theo thống kê không chính thức là 50%). Do đó với khả năng của suy luận của lập trình viên cộng thêm giao tiếp khéo léo và từng bước mở rộng quan hệ, thì đây cũng là một hướng đi triển vọng có thể cân nhắc

- Đi làm nhà giáo: Suy nghĩ này có vẻ hơi "điên" bởi đa phần mọi người nghĩ lương nhà giáo ba cọc ba đồng, làm sao mà sống. Tôi cũng nghĩ vậy cho đến khi nghe một anh bạn nói trung bình mỗi buổi anh đó đi dạy được 1 triệu, Sau vài giây tính toán, tôi nhẩm tính như vậy là một tháng anh cũng kiếm được 30-40 triệu, với những người có tiếng tăm có lẽ còn cao hơn nữa. Ngoài ra làm ngành này được thêm lợi thế là xã hội trọng vọng, cũng như tích lũy được rất nhiều mối quan hệ để làm vô số điều khác sau này. Có lẽ đây là một trong những lối thoát rất tốt và tôi sẽ còn đề cập trong một bài viết khác ;))

3. Lập công ty tự xây dựng sự nghiệp cho mình

Bên cạnh hướng tìm một nghề triển vọng hơn ở trên, với những người với cá tính mạnh thì họ lại muốn tự lập công ty để khẳng định mình. Nhưng nếu làm một công ty IT thì nên đi hướng nào?

- Gia công: Đây là một trong những hướng mà tôi thấy khá nhiều các công ty phía Nam ưa chuộng. Xuất phát từ một số hợp đồng có được, họ tuyển nhân công vào làm rồi cứ thế từng bước mở rộng. Tuy nhiên làm nghề này có cái bấp bênh là nhân sự không ổn định, bởi rõ ràng với hướng này thì chỉ có thể mở rộng theo quy mô số lượng nhân viên mà thôi. Điều này thì buộc công ty phải luôn tìm kiếm những hợp đồng mới và việc này hoàn toàn không đơn giản bởi đòi hỏi những doanh nhân trẻ phải có nhiều mối quan hệ quốc tế. Ngoài ra, đến một lúc nào đó quy mô lớn thì chỉ cần không có hợp đồng trong vài tháng thì công ty cũng đi luôn. Nhiều công ty ở gia công ở VN đã rơi vào tình trạng như vậy.

- Làm giải pháp cho thị trường trong nước: Các công ty theo hướng này thi đa phần tôi nhận thấy họ thường có một khách hàng ban đầu với nhu cầu về một sản phẩm nào đó. Và họ từng bước làm sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng này rồi kì vọng sẽ bán được cho các khách hàng tiếp theo. Tuy nhiên phần lớn các công ty theo lĩnh vực này không ổn định và doanh số bấp bênh. Câu hỏi đặt ra là liệu thị trường sản phẩm họ đang làm có đủ để nuôi họ, cũng như việc các hợp đồng có quy mô ở Việt Nam đa phần đều dựa trên quan hệ. Việc họ có được hợp đồng ban đầu không chắc là họ sẽ kiếm được những hợp đồng tiếp theo. Có lẽ các công ty dù thành công trong lĩnh vực này cũng đều hiểu đây không phải là hướng đi lâu dài, họ cần phải có những sản phẩm chủ lực và bền vững hơn.

- Làm các dịch vụ dot-com: Có lẽ đây là một trong những lối thoát tốt nhất cho các công ty CNTT. Một sản phẩm thành công và doanh số ổn định sẽ là một nguồn đảm bảo rất lớn cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Nhiều quỹ đầu tư lớn như IDG, DFJ Vinacapital... cũng đã vào Việt Nam để hỗ trợ cho những sản phẩm như vậy. Tuy nhiên thị trường này đang chịu một sức ì rất lớn, ngoài những sản phẩm đánh trúng mục tiêu vào thị trường game online, SMS... thì hầu hết các công ty còn lại đều đăng nằm trong tình trạng chờ thời và nỗ lực tìm kiếm đầu ra. Nhưng dẫu sao theo tôi đây vẫn là một hướng đi triển vọng, đặc biệt trong trường hợp sản phẩm mang một số yếu tố mới thì khi thành công ở Việt Nam sẽ có thể từng bước vươn ra thị trường bên ngoài, có thể chỉ dưới dạng gia công như ở trên nhưng sẽ ở một cấp độ cao hơn và đem lại giá trị gia tăng hơn rất nhiều.

Tổng kết lại thì trên đây là một số hướng đi theo quan điểm của riêng tôi mà những lập trình viên có thể cân nhắc cho sự nghiệp tương lai của mình. Khó có một cá nhân nào có thể gắn bó với nghề lập trình mãi mãi. Tất nhiên việc chọn hướng đi nào sẽ phụ thuộc vào tính cách của từng người khác nhau. Với riêng bản thân, thì tôi vẫn đang trên đường tự đào tạo để trở thành một trong những "nhân vật chủ chốt" góp phần xây dựng một công ty IT hùng mạnh của Việt Nam trong tương lai và từng bước vươn ra bên ngoài. Có thể bạn sẽ cho tôi là người "mơ mộng" nhưng đôi lúc tôi nghĩ nếu cả cuộc đời mình có thể sống với những lý tưởng cá nhân thì không phải tôi đã là một người rất hạnh phúc à, dẫu cho những lý tưởng đó là ...không tưởng ;)). Tất nhiên cũng có thể đến một lúc nào đó tôi nhận ra sự thật phũ phàng đó, nếu vậy thì thôi đành an phận làm một leader bình thường hướng dẫn thế hệ đàn em đi sau hay chuyển sang nghề nhà giáo, nếu được như ở trên thì cũng triển vọng phết nhỉ ^_^. Vậy còn với bạn, nếu bạn là lập trình viên thì bạn sẽ tính sao?

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu?


Một chủ đề lớn xuất hiện trên hầu hết các báo chí Việt Nam tuần rồi là thông qua Diễn đàn CNTT Thế Giới, chính phủ Việt Nam đã thể hiện rất rõ quyết tâm sẽ coi CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn và sớm đưa VN thành một nước cường quốc về CNTT vào năm 2015. Trước tuyên bố khá ...hùng hồn này, thì có lẽ mỗi người sẽ có một suy nghĩ khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực. Và tất nhiên một người làm trong ngành CNTT như tôi cũng không ngoại lệ. Trong đầu tôi từ trước đến nay vẫn luôn băn khoăn một câu hỏi rằng liệu tương lai CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu? Trở thành một đất nước hùng mạnh trong lĩnh vực này hay vẫn sẽ là một thị trường tiêu thụ các sản phẩm CNTT và cung cấp dịch vụ gia công giá rẻ như hiện nay. Đó cũng là những suy nghĩ tôi xin được chia sẻ qua bài viết này

Thực trạng CNTT Việt Nam hiện nay

Nếu không tính tới ngành công nghiệp phần cứng và các dịch vụ cơ sở hạ tầng như viễn thông thì có thể tạm chia CNTT VN thành ba lĩnh vực: Gia công phần mềm, triển khai giải pháp và thị trường nội dung số. Và nội dung bài viết của tôi cũng chỉ tập trung vào các công ty trong các lĩnh vực này (đồng nghĩa với việc không tính tới các đại gia nhà nước như VNPT, Viettel...)

1. Với văn hóa phóng khoáng khá phù hợp với phong cách làm việc của các công ty nước ngoài, có thể nói TPHCM là một vùng đất màu mỡ cho việc gia công phần mềm hiện nay. Rất nhiều các công ty gia công phần mềm đang tập trung tại đây như CSC, TMA, Global Cybersoft, Pyramid... Hầu hết các công ty này đều là chi nhánh của các công ty mẹ nước ngoài hoặc do các thế hệ Việt Kiều quay về nước thành lập, với những mối quan hệ vững chắc và đầu ra ổn định.

2. Ngược lại với TPHCM, với vị thế là thủ đô của cả nước, Hà Nội là nơi tập trung những cơ quan đầu não của chính phủ cũng như những doanh nghiệp nhà nước lớn. Điều này đã tạo ra một thị trường sôi động trong việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin. Các công ty lớn có thể kể đến là: FPT, CMC, Tinh Vân, HPT... Ngoài ra còn hàng loạt các công ty quy mô trung bình và nhỏ khác, hầu hết đều dựa trên các mối quan hệ khác nhau để từng bước xây dựng và bán giải pháp của riêng mình.

3. Bên cạnh hai lĩnh vực kể trên thì trong thời gian gần đây, một lĩnh vực mới là thị trường nội dung số đang nổi lên rất nhanh, cụ thể là các dịch vụ nội dung Internet và mobile. Hầu hết các công ty thành công trong lĩnh vực này hiện nay đều nằm ở mảng thị trường trò chơi trực tuyến và dịch vụ SMS cho mobile. Các lĩnh vực còn lại như thương mại điện tử, tìm kiếm, mạng xã hội... đang phải đối mặt với những sức ì rất lớn và vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.

Chính phủ Việt Nam muốn gì từ CNTT?

1. Với vị thế là một nước đang phát triển, có lẽ chính phủ Việt Nam rất mong có thể sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ lợi hại để đẩy nhanh sự phát triển của đất nước mình. Điều này đã được cụ thể hóa bằng những hành động rất thực tế trong việc đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng CNTT viễn thông và trực tuyến hóa các dịch vụ công trong chương trình chính phủ điện tử. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh nằm ở việc cơ chế nhà nước còn khá nhiều bất cập, dẫn tới bộ máy nhân sự không có được con người tốt nhất, nhiều người vào với ý định để mưu đồ lợi ích cá nhân. Chính điều này đã gây ra rất nhiều bất cập trong việc triển khai cũng như từng bước làm suy giảm uy tín của chính phủ dưới mắt người dân.

2. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ tin học hóa, một điều khác mà chính phủ cũng đang rất kỳ vọng đó là ở thị trường gia công phần mềm cho nước ngoài. Hiểu một cách đơn giản là nếu đến năm 2020, Việt Nam có thể đào tạo ra được 1 triệu người làm trong lĩnh vực này, với năng suất 20.000$/năm, thì đã có thể tính sơ VN sẽ có được doanh thu 20 tỉ $ từ xuất khẩu phần mềm. Đây thực sự là một con số rất lớn nếu so với các ngành xuất khẩu thô của Việt Nam hiện nay như Cafe, Dệt may...

Tương lai CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu?

Từ tình hình thực tế ở trên thì một câu hỏi được đặt ra là liệu tương lai CNTT Việt Nam sẽ ra sao và đâu sẽ là những công ty CNTT Việt Nam hùng mạnh nhất? Với kinh nghiệm từ các công ty CNTT lớn thành công từ Hàn Quốc, Nhật đều là những công ty đi rất sát với đường lối chiến lược của chính phủ, nên có lẽ với trường hợp của Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ.

1. Với việc muốn đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNTT, trong khi năng lực không đủ. Chính phủ sẽ từng bước outsource các hợp đồng lớn ra bên ngoài. Có thể dễ đoán được là những công ty lớn đang thành công hiện nay gần như sẽ tiếp tục là những công ty đảm nhận trong thời gian kế tiếp. Sẽ rất ít cơ hội để các công ty quy mô trung bình nhỏ và quan hệ tầm thấp có cơ hội chen vào.

2. Các công ty gia công cũng sẽ tiếp tục phát triển. Với lợi thế nguồn nhân lực giá tương đối "phải chăng" so với các nước trong khu vực thì Việt Nam có lẽ vẫn sẽ là điểm đến gia công của nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt khi đã qua thời gian khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Ngoài ra các công ty gia công cũng ý thức việc sẽ phải cố gắng từng bước chuyển qua các công đoạn gia công giá trị cao hơn để cải thiện năng suất so với tình trạng hiện nay.

3. Tuy nhiên có lẽ mảng thị trường tiềm năng nhất mà hiện chưa có nhiều dấu hiệu rõ ràng sẽ nằm ở phân khúc các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Với khoảng 350.000 doanh nghiệp và hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam hiện nay, thì những công ty nào với những sản phẩm dịch vụ tận dụng tối ưu thế mạnh của mình và chiếm được thị phần lớn từ khối thị trường này sẽ tạo ra được những giá trị cực lớn. Nguồn doanh thu cũng sẽ ổn định hơn nhiều so với khối các công ty triển khai giải pháp hay gia công. Bản thân tôi nghĩ những công ty trong lĩnh vực này sẽ là lai giữa các công ty phần mềm và công ty cung cấp nội dung số hiện nay (bao gồm các công ty dot-com trong đó)

4. Ngoài ra, với những người thích "mơ mộng" như tôi thì ngoài những công ty kể trên, tôi vẫn đang nghĩ đến một cái đích xa hơn. Nếu VN có được những công ty có thể kết hợp được mô hình số 2 và số 3 thì chúng ta sẽ dần có được những công ty CNTT tầm cỡ quốc tế. Một ví dụ cụ thể, giả sử công ty của tôi đã có được một sản phẩm đặc trưng với nguồn doanh thu ổn định từ thị trường trong nước, tôi sẽ từng bước thông qua các mối quan hệ để tìm kiếm các doanh nhân Việt Kiều thế hệ thứ 2 ở thị trường Mỹ (họ hàng càng tốt ;))), những người đã sống đủ lâu để hiểu văn hóa thị trường này, để từng bước hợp tác xây dựng những dịch vụ quy mô toàn cầu. Tất nhiên tôi không có ảo tưởng mình sẽ có khả năng xây dựng một Google, Microsoft... nhưng những công ty với những dịch vụ nhỏ với giá trị tầm khoảng 50 triệu USD đổ lại thì có thể trong tầm tay, một khi tôi thực sự có được sản phẩm ứng dụng công nghệ mới đã được kiểm nghiệm tốt tại thị trường Việt Nam.

Đến đây có vẻ tôi đã bắt đầu "bay" quá xa :). Dĩ nhiên đó chỉ là những suy nghĩ hơi lạc quan của bản thân tôi, bởi cũng có thể CNTT Việt Nam sẽ phát triển theo hướng trở thành một mớ hỗn độn khổng lồ với hàng vạn người thất nghiệp phải chuyển nghề mỗi năm. Có lẽ những kết quả trái ngược này sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc liệu nền giáo dục Việt Nam sắp tới có thể tạo ra được một đội ngũ những con người làm công nghệ chất lượng tốt, cùng những doanh nhân với hoài bão lớn dám nghĩ dám làm chứ không chỉ giỏi ...PR ;)). Tương lai vẫn còn đang ở phía trước, dẫu sao chúng ta vẫn cứ nên hi vọng và hãy cùng chờ xem ^_^

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Sự khác biệt giữa dân công nghệ và kinh doanh


Có cơ hội chơi với nhiều người trong cả hai giới công nghệ và kinh doanh, trao đổi về các dự án ý tưởng, tôi nhận thấy có một sự
khác biệt rõ nét trong suy nghĩ của những con người thuộc hai thế giới này.

Đối với dân kinh doanh, trước một công nghệ mới, họ thường suy nghĩ chỉ cần tìm hiểu sơ qua về công nghệ này để xem có thể ứng dụng tạo thành những ý tưởng thế nào kinh doanh được là ok. Điều này nghe có vẻ rất hợp lý nhưng tôi có cảm giác một điều gì đó không ổn. Có lẽ điều này chỉ đúng cho những công nghệ đơn giản, còn với những công nghệ phức tạp thì tôi nghĩ phải thực sự là người trong cuộc mới có thể hiểu sâu mọi khía cạnh của vấn đề. Ngoài ra thêm một điều nữa là dân kinh doanh cũng hay có suy nghĩ ý tưởng kinh doanh là cái quan trọng, còn công nghệ chỉ là yếu tố phụ, cứ thuê mấy người coder trung bình là dư sức làm rồi ;)). Điều này dễ dẫn tới những ứng dụng cũng có một kiến trúc ...trung bình, không vững chắc và dễ vỡ. Tôi đã chứng kiến một số công ty thất bại với cách suy nghĩ như vậy.

Còn đối với dân công nghệ, trước một công nghệ mới, họ thường tìm hiểu về những yếu tố mới do công nghệ này đem lại so với công nghệ cũ. Rồi họ suy nghĩ với yếu tố mới này thì liệu mình có thể tạo nên được những ứng dụng với những tính năng ưu việt thế nào so với những cái hiện có. Và thế là họ sẵn sàng bắt tay vào làm mà ít để ý tới việc đầu ra của sản phẩm có bán được hay không. Đa phần những giải pháp này mang tính chờ thời là chủ yếu và thành công đến được với sản phẩm có lẽ
cũng phần nhiều nhờ yếu tố may mắn.

Từ hai hướng suy nghĩ khác nhau ở trên, tôi nhận thấy để có được những dự án công nghệ với khả năng thành công cao nhất, thì rất cần những người có khả năng kết hợp được những điểm mạnh của hai hướng này. Đó là những con người với một tầm nhìn về kinh doanh sâu sắc đồng thời am hiểu về công nghệ để có thể vẽ ra được một kiến trúc ứng dụng vững chắc cho cấp dưới triển khai.

Xét về tình hình thực tế hiện nay thì đa phần những người đáp ứng được tiêu chí trên đều xuất phát từ dân công nghệ với một sự nhạy bén trong kinh doanh. Họ từng bước xây dựng sản phẩm cốt lõi, tổ chức bộ máy nhân sự và thống lĩnh thị trường ở lĩnh vực thế mạnh của mình. Còn dân kinh doanh nếu đi theo cách tự làm như này sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi họ không đủ mức độ am hiểu như những người công nghệ, rốt cục những người kinh doanh làm công nghệ thành công đa phần đều xuất phát từ những sản phẩm phân phối lại của nước ngoài.

Từ đây tôi nhận ra một bài học, với những team start-up ban đầu rất cần hiểu rõ những thế mạnh của mình để có thể tận dụng tốt nhất những ưu điểm trước các đối thủ. Một team công nghệ không thể lấy yếu tố kinh doanh làm lợi thế và ngược lại một team về kinh doanh không thể quá chủ quan về mặt công nghệ. Tất nhiên cả hai đều phải nỗ lực để có thể kết hợp hài hòa
cả hai yếu tố này. Đến một lúc nào đó vượt qua được một ngưỡng thành công nhất định thì sự khác biệt này không còn quan trọng nữa bởi họ đã có đủ sức và thế để tìm những đối tác bổ sung cho mình :)

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Nhà mới - Khát vọng mới


Từ lúc chuyển về nhà mới đến giờ tự nhiên mình có thêm yếu tố mới trong lúc buôn chuyện với bạn bè ;))

..........
- Anh Ngôn dạo này đang sống ở đâu?

- À, anh mới dọn về sống ở Quận 2 em!
- Nhà anh ở khu nào thế?
- Ở khu An Phú - An Khánh đấy em
- Ôi, anh Ngôn đại gia quá!

Nói chung câu chuyện nên dừng lại ở đây thì tốt đẹp. Có lẽ không nên khai thêm rằng mình đang sống trong một căn hộ thuộc loại ...nhỏ và nghèo nhất ở khu biệt thự này ^_^

Mở đầu tí xíu cho vui :), từ lúc chuyển về nhà mới đến giờ thì cuộc sống mình có vẻ thư thả hơn, không còn phải hay bức xúc về đường phố lầy lội, nóng nực và kẹt xe mãi như trước. Nhớ lại trước đây nhiều lúc mình muốn bứt ra đi đến một nơi thật xa, hoàn toàn mới mẻ để tránh xa cái thành phố đầy khói bụi ô nhiễm này. Những giờ thì đã đỡ hơn, có lẽ chỉ khi sống trong một môi trường có hạ tầng tốt, cảnh quan xung quanh hài hòa thì con người ta mới có cảm giác như được sống và hết mình cho công việc.

Mỗi sáng cứ đến tầm 7h là mình tự động được đánh thức bởi tiếng động của mấy bác tập thể dục và chị bán hàng bên dưới. Vệ sinh xong là có thể hạ cánh ngay xuống mặt đất đi "thể dục" vài vòng, sau đó ngồi làm ổ bánh mì và ly cafe sữa đá, buôn chuyện với các chú bác xung quanh về ...tình hình chính trị xã hội thế giới. Sau đó, 8h trở lên lại làm việc cho đến 12h. Nói chung do may mắn được ở lầu 11 (1107 - chín nút hên ghê ^^), trên đây gió thổi vi vu suốt, nên cũng tiết kiệm được một khoản kha khá hàng tháng cho tiền máy lạnh ;)). 12h trưa lại xuống ăn cơm, sau đó lại leo lên ngủ đến 13h dậy rồi tiếp tục công việc cho đến 17h00. Sau đó tùy tình hình có thể phải lội vào trung tâm đi học, xem phim, hay cafe với mấy chiến hữu. Một thời gian biểu tương đối dễ chịu.

Tuy nhiên khoảng thời gian mình thích nhất trong ngày là vào khoảng 23:00 tối. Sau một ngày làm việc mệt mỏi thì chỉ cần vươn vai đứng dậy nhìn ra cửa sổ là mình có thể ngắm nhìn được toàn cảnh trung tâm thành phố bên sông rực sáng trong ánh đèn, ngó xuống dưới là những căn biệt thự xinh xắn lặng lẽ về đêm. Tự nhiên xuất hiện trong mình một sự thôi thúc tiếp tục phấn đấu để góp phần vào sự phát triển tốc độ của một thành phố năng động cũng như mong muốn 5-10 năm nữa mình sẽ có thể "hạ san" :)

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

Tổng kết Hội thảo Cloud Computing



Ảnh: KhanhLNQ

Như vậy là Hội thảo Cloud Computing đã diễn ra một cách khá thành công tốt đẹp. Điều này thể hiện ở việc số người đến tham gia hội thảo rất đông, mọi người trao đổi ý kiến rất ..."máu" đến gần 18h30 mới kết thúc. Sau khi ra về thì nhiều dư âm vẫn còn đọng lại, mọi người có thể tham khảo bài viết của một số người tham gia ở đây

http://konqueror112.wordpress.com/2009/08/02/some-thoughts-after-cloud-computing-conf/
http://vnhacker.blogspot.com/2009/08/nay-la-cloud-computing.html
http://www.fresco20.com/sneaking-into-the-cloud/
http://linkhay.com/link47864/viet-nam-co-du-nhan-luc-va-tien-de-lam-cloud-computing-khong
http://linkhay.com/link47546/hoi-thao-ve-cloud-computing-tai-sai-gon
http://www.facebook.com/home.php#/note.php?note_id=108714423260&id=723290726&ref=share
http://www.facebook.com/home.php#/event.php?eid=121213732152

Bản thân tôi do kỳ này được đứng "ké" trong BTC cũng cảm thấy vui vui. Tôi thì không quan trọng các ý kiến đúng hay sai bởi mỗi người đều đứng trên một quan điểm khác nhau, nhưng đã viết ra thì đều có phần muốn đóng góp xây dựng, chỉ sợ nhất là không ai thèm để ý nói gì mình hết ^_^. Nên tôi cứ ngồi ...đếm số người đến tham gia cũng như số lượng ý kiến phản hồi để đo mức độ thành công của hội thảo ;))

Đùa một chút cho vui! Tôi cũng xin được tổng kết lại hội thảo Cloud Computing tuần rồi để những bạn không tới được có thể tham khảo phần nào, tất nhiên cũng chỉ dưới hình thức suy nghĩ một cá nhân có cái nhìn tích cực đối với Cloud và mong muốn triển khai Cloud để đem lại hiệu quả cho các ứng dụng trong doanh nghiệp mình

I. CLOUD COMPUTING VÀ NHỮNG ỨNG DỤNG - Nguyễn Việt Anh

Bài trình bày của Việt Anh được chuẩn bị khá công phu và chi tiết, thể hiện rõ nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm Cloud Computing. Tuy nhiên, có lẽ do Việt Anh hôm đó có vẻ hơi ...run nên trình bày không được lưu loát và tự tin lắm, nên chưa toát hết được những ý mong muốn chia sẻ qua bài trình bày.

Điều mà tôi thấy thú vị nhất trong bài trình bày này là câu nói của CEO Oracle "Tôi không hiểu Cloud Computing là cái gì hết, có lẽ chỉ cần thay đổi quảng cáo sản phẩm của chúng tôi thêm chữ này để bán là đủ ;)"

II. HƯỚNG NGHIÊN CỨU CLOUD TẠI ĐHBK TPHCM - TS Thoại Nam

Bài trình bày của thầy Nam giới thiệu cho người nghe toàn cảnh chương trình nghiên cứu Cloud ở ĐHBK TPHCM hiện nay. Với một lực lượng hùng hậu trong lĩnh vực Cloud bao gồm nhiều tiến sỹ và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, các chương trình hợp tác quốc tế cùng như một đội ngũ sinh viên đầu vào tốt, có thể nói "ĐHBK là một trong những đội ngũ tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực này, còn vấn đề sẽ làm được những gì thì phải ...chờ hồi sau sẽ rõ" (j/k, tường thuật lại lời thầy nói vui tại hội thảo)

Theo suy nghĩ của tôi đây là một yếu tố rất tích cực và quan trọng để chuẩn bị một đội ngũ nhân lực hùng hậu làm về Cloud Computing ở Việt Nam trong thời gian sắp tới. Ngoài ra như thầy Nam cũng trao đổi Cloud Computing là một đầu ra giữa những nghiên cứu của khoa trước đây trong lĩnh vực Grid Computing, High Performance Computing với giới công nghiệp bên ngoài. Một khi nhân lực đã đầy đủ và thị trường đã sẵn sàng thì tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể thành công trong lĩnh vực này.

III. HƯỚNG ĐI CLOUD COMPUTING TẠI IBM VIETNAM - TS Trần Viết Huân

Có một số bạn như Thái nói vui là IBM vào lập trung tâm Cloud ở VN nhằm sales để chủ yếu. Điều này tất nhiên là ...đúng bởi ở thị trường VN thì tôi thấy tất cả các công ty như Microsoft, Oracle, Sun... nhảy vào cũng chỉ để ráng sales mà thôi, càng nhiều tiền càng tốt. Các hoạt động quảng cáo giúp đỡ này nọ cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích sales mà thôi (Ngẫm lại mới thấy có vẻ Google là công ty hiền nhất, đều đều ra mắt sản phẩm cho VN mà nguồn thu thì cũng chưa cần tới)

Tuy nhiên điều làm tôi cảm thấy trân trọng ở IBM Việt Nam là ở chỗ, nhóm của anh Huân (trong đó có anh Long - tác giả Unikey) đã thuyết phục được IBM toàn cầu đặt trung tâm Cloud đầu tiên (1 trong 6 trung tâm toàn cầu) ở Đông Nam Á tại Việt Nam. Theo tôi hiểu điều này có nghĩa là sau này nếu IBM bán các giải pháp về Cloud ở Đông Nam Á thì team ở Việt Nam sẽ là người đứng ra customize các sản phẩm theo ý muốn của khách hàng. Điều này cũng đã là quá tốt, bởi sẽ từng bước nâng cao kinh nghiệm của đội ngũ VN trong lĩnh vực Cloud.

IV. ỨNG DỤNG GOOGLE APPENGINE TẠI SKYDOOR.NET - Phạm Hữu Ngôn

Còn đây là bài trình bày của tôi :">. Nếu tự nhận xét thì coi bộ không khách quan lắm.

Có một câu hỏi vui mà một bạn trong lúc giải lao có hỏi tôi là sao SkyDoor làm sản phẩm giống như ...gà đẻ trứng vậy ;)). Bản thân tôi suy nghĩ là người Việt chúng ta có rất nhiều ý tưởng, vấn đề là liệu có triển khai hết được hay không thôi. Với công nghệ Cloud hiện nay cũng như các dịch vụ Internet dần xích thì chỉ trong vài ngày chúng ta đã có thể tạo ra được một ứng dụng tương đối xài được. Vậy thì tại sao không thử bỏ công ra làm chục cái rồi đem thử nghiệm, được một hai cái thành công cũng đã là tốt rồi ;). Với lại mấy công nghệ như Google AppEngine là hoàn toàn miễn phí, riêng các bạn SV nếu tận dụng tốt các nguồn tài trợ như cuộc thi Mùa hè sáng tạo, thì đã có chi phí để nuôi mình trong 2 tháng hè, chắc cũng phải làm được vài cái là ít ^_^

V. SANDBOX SECURITY - Phạm Đức Hải
VI. THE ANATOMY OF CLOUD.VN - Trần Xuân Phương

Có lẽ đây là phần gây ra nhiều ...tranh luận nhất tại hội thảo. Một số người thì ủng hộ, một số người lại chưa tin tưởng. Riêng ở góc nhìn về cách trình bày, tôi thấy các tác giả nói hơi chi tiết về mặt kỹ thuật nên làm nhiều người nghe đa phần không làm sâu trong lĩnh vực Cloud đều cảm thấy hơi buồn ngủ, còn những người am hiểu thì sẽ lắng nghe tích cực hơn.

Về hạ tầng bên dưới thì thực sự không là người trong cuộc nên tôi cũng không dám đưa ra bình luận về sản phẩm. Còn đứng ở quan điểm của một nhà phát triển, tôi tin rằng nếu thực sự sản phẩm này có thể làm được đúng như những gì họ nói thì đây sẽ là một trong những sản phẩm rất triển vọng ở Việt Nam trong tương lai. Có thể hiện tại hệ thống họ còn chưa hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật như đã bị "xâm nhập" vài lần sau hội thảo, nhưng nếu sản phẩm có thể đạt đến điểm bùng phát và khai thông được thị trường, thì họ hoàn toàn có thể thuê những người tốt hơn về làm cho họ, ở cùng một cách như Google đã làm.

Còn ở mức độ vĩ mô hơn thì tôi rất trân trọng những sản phẩm như Cloud.vn, Socbay.com, Moom.vn... Mặc dù là một người theo trường phái Google nhưng tôi ý thức rất rõ rằng nếu Việt Nam không có được những công ty dám đâm đầu vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản thì rốt cục Việt Nam chúng ta sẽ ở đâu trên bản đồ CNTT thế giới. Một thị trường mãi gia công ở mức độ thấp, quanh quẩn với các giải pháp Tin tức, CMS, eCommerce... như hiện nay? Và liệu đó có phải là cái đích mà những người làm CNTT ở VN đã có thể tự hào?


Thì lướt sơ qua về các phần trình bày trong hội thảo. Tổng kết lại thì tôi thấy có lẽ chưa lĩnh vực nào như Cloud Computing mà lại có nhiều điều kiện tốt như ở Việt Nam hiện nay: Một lĩnh vực nghiên cứu chính quy của các trường đại học lớn, định hướng tương lai rõ ràng từ các công ty đa quốc gia như IBM - Google - Amazon - ..., một số các công ty trong nước đã bắt đầu có nhu cầu, các em SV và nhiều các start-up cũng rất hào hứng (Nếu thử nhìn sang các lĩnh vực khác ở VN như Search Engine, Xử lý ảnh, Nhận dạng âm thanh... thì có thể thấy rất rõ lợi thế này). Thế thì tại sao chúng ta không "thử một lần xem", biết đâu chỉ trong vòng vài năm nữa chúng ta sẽ có được những thành công "hơn cả sự mong đợi", không chỉ tốt cho mình và còn góp phần vào tương lai của ngành CNTT Việt Nam nói chung nữa ^_^

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Hướng đến hội thảo Cloud Computing


Sự kiện Cloud Computing vốn dĩ mới đầu được tổ chức với ý định giới thiệu về công nghệ Cloud.vn mà bạn Phương đang làm. Tuy nhiên, do có nhiều bạn quan tâm hỏi thăm đến Cloud nên BTC đã quyết định ...mời thêm một số khách VIP trong lĩnh vực này tại Việt Nam hiện nay, để mọi người có cơ hội cùng giao lưu và chia sẻ rõ hơn về những cơ hội và
thách thức trong lĩnh vực này.

Riêng trong suy nghĩ của tôi thì Cloud Computing là một công nghệ khá đặc biệt, không chỉ bởi đây sẽ là xu thế tất yếu của tương lai mà nó sẽ còn là một mối gắn kết để các công ty cung cấp dịch vụ CNTT dần hội tụ lại, cùng liên kết và làm việc với nhau. Và tôi tin Cloud cũng sẽ là một trong những công nghệ mà Việt Nam chúng ta có thể đi tắt đón đầu.

Thôi ...quảng cáo như vậy cũng đủ rồi ^_^, rất mong những ai quan tâm đến công nghệ này sẽ cùng tới tham dự và chia sẻ những ý kiến của mình

-----------
----------------------

Facebook Event Link: http://www.facebook.com/event.php?eid=121213732152

HỘI THẢO CLOUD COMPUTING
Thời gian: Thứ bảy 1/8/2009 14:00 – 18:00
Địa điểm: Khách sạn Lavender, 208-210 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Thành, Quận 1


I. CLOUD COMPUTING VÀ NHỮNG ỨNG DỤNG - Nguyễn Việt Anh (docjax.com) - 14:00 - 14:20

Bài trình bày giải thích cho người nghe những khái niệm tổng quan về công nghệ Cloud Computing và những ứng dụng phổ biến hiện nay như: AppEngine, IBM Blue, Amazon, Cloud.vn... Ngoài ra vấn đề tại sao nên sử dụng Cloud Computing cũng như xu hướng công nghệ này trong tương lai cũng sẽ được đề cập đến.

Link: http://phuongcsa.me.apps.vn/download/MTI0ODUwMzk5OS40CloudComputing_vietanh.ppt


II. HƯỚNG NGHIÊN CỨU CLOUD TẠI ĐHBK TPHCM - TS Thoại Nam (Trưởng khoa CNTT - ĐHBK TPHCM) - 14:20 - 14:40

Khoa CNTT, ĐHBK TPHCM là một trong những đơn vị ở Việt Nam sớm có những nghiên cứu về các lĩnh vực như Grid Computing, High Performance Computing và hiện là Cloud Computing với việc xây dựng một Cloud Lab trong thời gian sắp tới. Bài trình bày của TS Thoại Nam, trưởng khoa đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực, sẽ giải thích cho người nghe rõ hơn về hướng nghiên cứu này.

Link: http://www.cse.hcmut.edu.vn/~nam/


III. HƯỚNG ĐI CLOUD COMPUTING TẠI IBM VIETNAM - TS Trần Viết Huân (Kỹ sư trưởng IBM Việt Nam) - 14:40 - 15:00

IBM là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực Cloud Computing. Ở Việt Nam, IBM đã xây dựng trung tâm Cloud Computing ở TPHCM và Hà Nội cũng như sẽ đẩy mạnh lĩnh vực này trong thời gian sắp tới với việc khai trương IBM Innovation Center và bắt tay với các trường ĐH lớn trong nước. Bài trình bày của TS Trần Viết Huân sẽ giúp người nghe có thêm thông tin cùng những cơ hội trong lĩnh vực này.

Link: http://www.ibm.com/developerworks/vn/


IV. ỨNG DỤNG GOOGLE APPENGINE TẠI SKYDOOR.NET - Phạm Hữu Ngôn (skydoor.net) - 15:00 - 15:20

Bài trình bày sẽ giới thiệu những ứng dụng tại website SkyDoor.net được xây dựng trên nền tảng Google AppEngine, một trong những hiện thực Cloud tốt nhất hiện nay. Các vấn đề liên quan như: môi trường phát triển, quản trị ứng dụng... sẽ được đề cập đến nhằm giúp người nghe có thể hình dung được quá trình phát triển các ứng dụng một cách tốc độ trong kỷ nguyên Cloud Computing ngày nay!

Link: http://www.slideshare.net/ngonpham/google-appengine-applications-at-skydoornet-1777950


V. SANDBOX SECURITY - Phạm Đức Hải (Guru.net.vn) - 15:20 - 15:40
Bảo mật là một trong những vấn đề người dùng lo lắng nhất khi di chuyển lên Cloud. Thông thường những ứng dụng trên Cloud dưới hình thức Platform as a Service như Google AppEngine, Cloud.vn... sẽ chạy trong một vùng riêng biệt gọi là sandbox. Bài trình bày nhằm giới thiệu cho người dùng cách thức quản lý tài nguyên ứng dụng cũng như việc bảo mật sandbox của các hệ Cloud Computing, cùng các nguy cơ và rủi ro bảo mật liên quan đến sandbox.


VI. THE ANATOMY OF CLOUD.VN - Trần Xuân Phương (Cloud.vn) - 16:00 - 17:00

Bài trình bày giới thiệu và phân tích chi tiết về kiến trúc, cơ chế hoạt động của Cloud.vn, một sản phẩm Cloud Computing mới ở Việt Nam theo mô hình Platform as a Service. Lời giải cho bài toán tổ chức và xử lý dữ liệu quy mô lớn với sự ổn định và hiệu suất cao được trình bày chi tiết với cơ chế và giải thuật. Cách thức cloud.vn giải quyết vấn đề bảo toàn dữ liệu, giải quyết các vấn đề do hổng hóc vật lý (disk failure, server down...) sẽ được trình bày cụ thể. Và phần cuối là trình diễn trực tiếp (demo) cách xây dựng một ứng dụng web hoàn chỉnh trên cloud.vn và khả năng scalability.


VII. DISCUSS
Phần này là cuộc trao đổi cởi mở, diễn giả cũng như khách mời sẽ tham gia hỏi và trả lời, bình luận và nên các ý kiến xoay quanh vấn đề kỹ thuật và cả kinh doanh của Cloud Computing

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More