Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Sự khác biệt giữa dân công nghệ và kinh doanh


Có cơ hội chơi với nhiều người trong cả hai giới công nghệ và kinh doanh, trao đổi về các dự án ý tưởng, tôi nhận thấy có một sự
khác biệt rõ nét trong suy nghĩ của những con người thuộc hai thế giới này.

Đối với dân kinh doanh, trước một công nghệ mới, họ thường suy nghĩ chỉ cần tìm hiểu sơ qua về công nghệ này để xem có thể ứng dụng tạo thành những ý tưởng thế nào kinh doanh được là ok. Điều này nghe có vẻ rất hợp lý nhưng tôi có cảm giác một điều gì đó không ổn. Có lẽ điều này chỉ đúng cho những công nghệ đơn giản, còn với những công nghệ phức tạp thì tôi nghĩ phải thực sự là người trong cuộc mới có thể hiểu sâu mọi khía cạnh của vấn đề. Ngoài ra thêm một điều nữa là dân kinh doanh cũng hay có suy nghĩ ý tưởng kinh doanh là cái quan trọng, còn công nghệ chỉ là yếu tố phụ, cứ thuê mấy người coder trung bình là dư sức làm rồi ;)). Điều này dễ dẫn tới những ứng dụng cũng có một kiến trúc ...trung bình, không vững chắc và dễ vỡ. Tôi đã chứng kiến một số công ty thất bại với cách suy nghĩ như vậy.

Còn đối với dân công nghệ, trước một công nghệ mới, họ thường tìm hiểu về những yếu tố mới do công nghệ này đem lại so với công nghệ cũ. Rồi họ suy nghĩ với yếu tố mới này thì liệu mình có thể tạo nên được những ứng dụng với những tính năng ưu việt thế nào so với những cái hiện có. Và thế là họ sẵn sàng bắt tay vào làm mà ít để ý tới việc đầu ra của sản phẩm có bán được hay không. Đa phần những giải pháp này mang tính chờ thời là chủ yếu và thành công đến được với sản phẩm có lẽ
cũng phần nhiều nhờ yếu tố may mắn.

Từ hai hướng suy nghĩ khác nhau ở trên, tôi nhận thấy để có được những dự án công nghệ với khả năng thành công cao nhất, thì rất cần những người có khả năng kết hợp được những điểm mạnh của hai hướng này. Đó là những con người với một tầm nhìn về kinh doanh sâu sắc đồng thời am hiểu về công nghệ để có thể vẽ ra được một kiến trúc ứng dụng vững chắc cho cấp dưới triển khai.

Xét về tình hình thực tế hiện nay thì đa phần những người đáp ứng được tiêu chí trên đều xuất phát từ dân công nghệ với một sự nhạy bén trong kinh doanh. Họ từng bước xây dựng sản phẩm cốt lõi, tổ chức bộ máy nhân sự và thống lĩnh thị trường ở lĩnh vực thế mạnh của mình. Còn dân kinh doanh nếu đi theo cách tự làm như này sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi họ không đủ mức độ am hiểu như những người công nghệ, rốt cục những người kinh doanh làm công nghệ thành công đa phần đều xuất phát từ những sản phẩm phân phối lại của nước ngoài.

Từ đây tôi nhận ra một bài học, với những team start-up ban đầu rất cần hiểu rõ những thế mạnh của mình để có thể tận dụng tốt nhất những ưu điểm trước các đối thủ. Một team công nghệ không thể lấy yếu tố kinh doanh làm lợi thế và ngược lại một team về kinh doanh không thể quá chủ quan về mặt công nghệ. Tất nhiên cả hai đều phải nỗ lực để có thể kết hợp hài hòa
cả hai yếu tố này. Đến một lúc nào đó vượt qua được một ngưỡng thành công nhất định thì sự khác biệt này không còn quan trọng nữa bởi họ đã có đủ sức và thế để tìm những đối tác bổ sung cho mình :)

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Nhà mới - Khát vọng mới


Từ lúc chuyển về nhà mới đến giờ tự nhiên mình có thêm yếu tố mới trong lúc buôn chuyện với bạn bè ;))

..........
- Anh Ngôn dạo này đang sống ở đâu?

- À, anh mới dọn về sống ở Quận 2 em!
- Nhà anh ở khu nào thế?
- Ở khu An Phú - An Khánh đấy em
- Ôi, anh Ngôn đại gia quá!

Nói chung câu chuyện nên dừng lại ở đây thì tốt đẹp. Có lẽ không nên khai thêm rằng mình đang sống trong một căn hộ thuộc loại ...nhỏ và nghèo nhất ở khu biệt thự này ^_^

Mở đầu tí xíu cho vui :), từ lúc chuyển về nhà mới đến giờ thì cuộc sống mình có vẻ thư thả hơn, không còn phải hay bức xúc về đường phố lầy lội, nóng nực và kẹt xe mãi như trước. Nhớ lại trước đây nhiều lúc mình muốn bứt ra đi đến một nơi thật xa, hoàn toàn mới mẻ để tránh xa cái thành phố đầy khói bụi ô nhiễm này. Những giờ thì đã đỡ hơn, có lẽ chỉ khi sống trong một môi trường có hạ tầng tốt, cảnh quan xung quanh hài hòa thì con người ta mới có cảm giác như được sống và hết mình cho công việc.

Mỗi sáng cứ đến tầm 7h là mình tự động được đánh thức bởi tiếng động của mấy bác tập thể dục và chị bán hàng bên dưới. Vệ sinh xong là có thể hạ cánh ngay xuống mặt đất đi "thể dục" vài vòng, sau đó ngồi làm ổ bánh mì và ly cafe sữa đá, buôn chuyện với các chú bác xung quanh về ...tình hình chính trị xã hội thế giới. Sau đó, 8h trở lên lại làm việc cho đến 12h. Nói chung do may mắn được ở lầu 11 (1107 - chín nút hên ghê ^^), trên đây gió thổi vi vu suốt, nên cũng tiết kiệm được một khoản kha khá hàng tháng cho tiền máy lạnh ;)). 12h trưa lại xuống ăn cơm, sau đó lại leo lên ngủ đến 13h dậy rồi tiếp tục công việc cho đến 17h00. Sau đó tùy tình hình có thể phải lội vào trung tâm đi học, xem phim, hay cafe với mấy chiến hữu. Một thời gian biểu tương đối dễ chịu.

Tuy nhiên khoảng thời gian mình thích nhất trong ngày là vào khoảng 23:00 tối. Sau một ngày làm việc mệt mỏi thì chỉ cần vươn vai đứng dậy nhìn ra cửa sổ là mình có thể ngắm nhìn được toàn cảnh trung tâm thành phố bên sông rực sáng trong ánh đèn, ngó xuống dưới là những căn biệt thự xinh xắn lặng lẽ về đêm. Tự nhiên xuất hiện trong mình một sự thôi thúc tiếp tục phấn đấu để góp phần vào sự phát triển tốc độ của một thành phố năng động cũng như mong muốn 5-10 năm nữa mình sẽ có thể "hạ san" :)

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

Tổng kết Hội thảo Cloud Computing



Ảnh: KhanhLNQ

Như vậy là Hội thảo Cloud Computing đã diễn ra một cách khá thành công tốt đẹp. Điều này thể hiện ở việc số người đến tham gia hội thảo rất đông, mọi người trao đổi ý kiến rất ..."máu" đến gần 18h30 mới kết thúc. Sau khi ra về thì nhiều dư âm vẫn còn đọng lại, mọi người có thể tham khảo bài viết của một số người tham gia ở đây

http://konqueror112.wordpress.com/2009/08/02/some-thoughts-after-cloud-computing-conf/
http://vnhacker.blogspot.com/2009/08/nay-la-cloud-computing.html
http://www.fresco20.com/sneaking-into-the-cloud/
http://linkhay.com/link47864/viet-nam-co-du-nhan-luc-va-tien-de-lam-cloud-computing-khong
http://linkhay.com/link47546/hoi-thao-ve-cloud-computing-tai-sai-gon
http://www.facebook.com/home.php#/note.php?note_id=108714423260&id=723290726&ref=share
http://www.facebook.com/home.php#/event.php?eid=121213732152

Bản thân tôi do kỳ này được đứng "ké" trong BTC cũng cảm thấy vui vui. Tôi thì không quan trọng các ý kiến đúng hay sai bởi mỗi người đều đứng trên một quan điểm khác nhau, nhưng đã viết ra thì đều có phần muốn đóng góp xây dựng, chỉ sợ nhất là không ai thèm để ý nói gì mình hết ^_^. Nên tôi cứ ngồi ...đếm số người đến tham gia cũng như số lượng ý kiến phản hồi để đo mức độ thành công của hội thảo ;))

Đùa một chút cho vui! Tôi cũng xin được tổng kết lại hội thảo Cloud Computing tuần rồi để những bạn không tới được có thể tham khảo phần nào, tất nhiên cũng chỉ dưới hình thức suy nghĩ một cá nhân có cái nhìn tích cực đối với Cloud và mong muốn triển khai Cloud để đem lại hiệu quả cho các ứng dụng trong doanh nghiệp mình

I. CLOUD COMPUTING VÀ NHỮNG ỨNG DỤNG - Nguyễn Việt Anh

Bài trình bày của Việt Anh được chuẩn bị khá công phu và chi tiết, thể hiện rõ nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm Cloud Computing. Tuy nhiên, có lẽ do Việt Anh hôm đó có vẻ hơi ...run nên trình bày không được lưu loát và tự tin lắm, nên chưa toát hết được những ý mong muốn chia sẻ qua bài trình bày.

Điều mà tôi thấy thú vị nhất trong bài trình bày này là câu nói của CEO Oracle "Tôi không hiểu Cloud Computing là cái gì hết, có lẽ chỉ cần thay đổi quảng cáo sản phẩm của chúng tôi thêm chữ này để bán là đủ ;)"

II. HƯỚNG NGHIÊN CỨU CLOUD TẠI ĐHBK TPHCM - TS Thoại Nam

Bài trình bày của thầy Nam giới thiệu cho người nghe toàn cảnh chương trình nghiên cứu Cloud ở ĐHBK TPHCM hiện nay. Với một lực lượng hùng hậu trong lĩnh vực Cloud bao gồm nhiều tiến sỹ và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, các chương trình hợp tác quốc tế cùng như một đội ngũ sinh viên đầu vào tốt, có thể nói "ĐHBK là một trong những đội ngũ tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực này, còn vấn đề sẽ làm được những gì thì phải ...chờ hồi sau sẽ rõ" (j/k, tường thuật lại lời thầy nói vui tại hội thảo)

Theo suy nghĩ của tôi đây là một yếu tố rất tích cực và quan trọng để chuẩn bị một đội ngũ nhân lực hùng hậu làm về Cloud Computing ở Việt Nam trong thời gian sắp tới. Ngoài ra như thầy Nam cũng trao đổi Cloud Computing là một đầu ra giữa những nghiên cứu của khoa trước đây trong lĩnh vực Grid Computing, High Performance Computing với giới công nghiệp bên ngoài. Một khi nhân lực đã đầy đủ và thị trường đã sẵn sàng thì tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể thành công trong lĩnh vực này.

III. HƯỚNG ĐI CLOUD COMPUTING TẠI IBM VIETNAM - TS Trần Viết Huân

Có một số bạn như Thái nói vui là IBM vào lập trung tâm Cloud ở VN nhằm sales để chủ yếu. Điều này tất nhiên là ...đúng bởi ở thị trường VN thì tôi thấy tất cả các công ty như Microsoft, Oracle, Sun... nhảy vào cũng chỉ để ráng sales mà thôi, càng nhiều tiền càng tốt. Các hoạt động quảng cáo giúp đỡ này nọ cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích sales mà thôi (Ngẫm lại mới thấy có vẻ Google là công ty hiền nhất, đều đều ra mắt sản phẩm cho VN mà nguồn thu thì cũng chưa cần tới)

Tuy nhiên điều làm tôi cảm thấy trân trọng ở IBM Việt Nam là ở chỗ, nhóm của anh Huân (trong đó có anh Long - tác giả Unikey) đã thuyết phục được IBM toàn cầu đặt trung tâm Cloud đầu tiên (1 trong 6 trung tâm toàn cầu) ở Đông Nam Á tại Việt Nam. Theo tôi hiểu điều này có nghĩa là sau này nếu IBM bán các giải pháp về Cloud ở Đông Nam Á thì team ở Việt Nam sẽ là người đứng ra customize các sản phẩm theo ý muốn của khách hàng. Điều này cũng đã là quá tốt, bởi sẽ từng bước nâng cao kinh nghiệm của đội ngũ VN trong lĩnh vực Cloud.

IV. ỨNG DỤNG GOOGLE APPENGINE TẠI SKYDOOR.NET - Phạm Hữu Ngôn

Còn đây là bài trình bày của tôi :">. Nếu tự nhận xét thì coi bộ không khách quan lắm.

Có một câu hỏi vui mà một bạn trong lúc giải lao có hỏi tôi là sao SkyDoor làm sản phẩm giống như ...gà đẻ trứng vậy ;)). Bản thân tôi suy nghĩ là người Việt chúng ta có rất nhiều ý tưởng, vấn đề là liệu có triển khai hết được hay không thôi. Với công nghệ Cloud hiện nay cũng như các dịch vụ Internet dần xích thì chỉ trong vài ngày chúng ta đã có thể tạo ra được một ứng dụng tương đối xài được. Vậy thì tại sao không thử bỏ công ra làm chục cái rồi đem thử nghiệm, được một hai cái thành công cũng đã là tốt rồi ;). Với lại mấy công nghệ như Google AppEngine là hoàn toàn miễn phí, riêng các bạn SV nếu tận dụng tốt các nguồn tài trợ như cuộc thi Mùa hè sáng tạo, thì đã có chi phí để nuôi mình trong 2 tháng hè, chắc cũng phải làm được vài cái là ít ^_^

V. SANDBOX SECURITY - Phạm Đức Hải
VI. THE ANATOMY OF CLOUD.VN - Trần Xuân Phương

Có lẽ đây là phần gây ra nhiều ...tranh luận nhất tại hội thảo. Một số người thì ủng hộ, một số người lại chưa tin tưởng. Riêng ở góc nhìn về cách trình bày, tôi thấy các tác giả nói hơi chi tiết về mặt kỹ thuật nên làm nhiều người nghe đa phần không làm sâu trong lĩnh vực Cloud đều cảm thấy hơi buồn ngủ, còn những người am hiểu thì sẽ lắng nghe tích cực hơn.

Về hạ tầng bên dưới thì thực sự không là người trong cuộc nên tôi cũng không dám đưa ra bình luận về sản phẩm. Còn đứng ở quan điểm của một nhà phát triển, tôi tin rằng nếu thực sự sản phẩm này có thể làm được đúng như những gì họ nói thì đây sẽ là một trong những sản phẩm rất triển vọng ở Việt Nam trong tương lai. Có thể hiện tại hệ thống họ còn chưa hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật như đã bị "xâm nhập" vài lần sau hội thảo, nhưng nếu sản phẩm có thể đạt đến điểm bùng phát và khai thông được thị trường, thì họ hoàn toàn có thể thuê những người tốt hơn về làm cho họ, ở cùng một cách như Google đã làm.

Còn ở mức độ vĩ mô hơn thì tôi rất trân trọng những sản phẩm như Cloud.vn, Socbay.com, Moom.vn... Mặc dù là một người theo trường phái Google nhưng tôi ý thức rất rõ rằng nếu Việt Nam không có được những công ty dám đâm đầu vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản thì rốt cục Việt Nam chúng ta sẽ ở đâu trên bản đồ CNTT thế giới. Một thị trường mãi gia công ở mức độ thấp, quanh quẩn với các giải pháp Tin tức, CMS, eCommerce... như hiện nay? Và liệu đó có phải là cái đích mà những người làm CNTT ở VN đã có thể tự hào?


Thì lướt sơ qua về các phần trình bày trong hội thảo. Tổng kết lại thì tôi thấy có lẽ chưa lĩnh vực nào như Cloud Computing mà lại có nhiều điều kiện tốt như ở Việt Nam hiện nay: Một lĩnh vực nghiên cứu chính quy của các trường đại học lớn, định hướng tương lai rõ ràng từ các công ty đa quốc gia như IBM - Google - Amazon - ..., một số các công ty trong nước đã bắt đầu có nhu cầu, các em SV và nhiều các start-up cũng rất hào hứng (Nếu thử nhìn sang các lĩnh vực khác ở VN như Search Engine, Xử lý ảnh, Nhận dạng âm thanh... thì có thể thấy rất rõ lợi thế này). Thế thì tại sao chúng ta không "thử một lần xem", biết đâu chỉ trong vòng vài năm nữa chúng ta sẽ có được những thành công "hơn cả sự mong đợi", không chỉ tốt cho mình và còn góp phần vào tương lai của ngành CNTT Việt Nam nói chung nữa ^_^

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More