Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Hướng đến hội thảo Cloud Computing


Sự kiện Cloud Computing vốn dĩ mới đầu được tổ chức với ý định giới thiệu về công nghệ Cloud.vn mà bạn Phương đang làm. Tuy nhiên, do có nhiều bạn quan tâm hỏi thăm đến Cloud nên BTC đã quyết định ...mời thêm một số khách VIP trong lĩnh vực này tại Việt Nam hiện nay, để mọi người có cơ hội cùng giao lưu và chia sẻ rõ hơn về những cơ hội và
thách thức trong lĩnh vực này.

Riêng trong suy nghĩ của tôi thì Cloud Computing là một công nghệ khá đặc biệt, không chỉ bởi đây sẽ là xu thế tất yếu của tương lai mà nó sẽ còn là một mối gắn kết để các công ty cung cấp dịch vụ CNTT dần hội tụ lại, cùng liên kết và làm việc với nhau. Và tôi tin Cloud cũng sẽ là một trong những công nghệ mà Việt Nam chúng ta có thể đi tắt đón đầu.

Thôi ...quảng cáo như vậy cũng đủ rồi ^_^, rất mong những ai quan tâm đến công nghệ này sẽ cùng tới tham dự và chia sẻ những ý kiến của mình

-----------
----------------------

Facebook Event Link: http://www.facebook.com/event.php?eid=121213732152

HỘI THẢO CLOUD COMPUTING
Thời gian: Thứ bảy 1/8/2009 14:00 – 18:00
Địa điểm: Khách sạn Lavender, 208-210 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Thành, Quận 1


I. CLOUD COMPUTING VÀ NHỮNG ỨNG DỤNG - Nguyễn Việt Anh (docjax.com) - 14:00 - 14:20

Bài trình bày giải thích cho người nghe những khái niệm tổng quan về công nghệ Cloud Computing và những ứng dụng phổ biến hiện nay như: AppEngine, IBM Blue, Amazon, Cloud.vn... Ngoài ra vấn đề tại sao nên sử dụng Cloud Computing cũng như xu hướng công nghệ này trong tương lai cũng sẽ được đề cập đến.

Link: http://phuongcsa.me.apps.vn/download/MTI0ODUwMzk5OS40CloudComputing_vietanh.ppt


II. HƯỚNG NGHIÊN CỨU CLOUD TẠI ĐHBK TPHCM - TS Thoại Nam (Trưởng khoa CNTT - ĐHBK TPHCM) - 14:20 - 14:40

Khoa CNTT, ĐHBK TPHCM là một trong những đơn vị ở Việt Nam sớm có những nghiên cứu về các lĩnh vực như Grid Computing, High Performance Computing và hiện là Cloud Computing với việc xây dựng một Cloud Lab trong thời gian sắp tới. Bài trình bày của TS Thoại Nam, trưởng khoa đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực, sẽ giải thích cho người nghe rõ hơn về hướng nghiên cứu này.

Link: http://www.cse.hcmut.edu.vn/~nam/


III. HƯỚNG ĐI CLOUD COMPUTING TẠI IBM VIETNAM - TS Trần Viết Huân (Kỹ sư trưởng IBM Việt Nam) - 14:40 - 15:00

IBM là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực Cloud Computing. Ở Việt Nam, IBM đã xây dựng trung tâm Cloud Computing ở TPHCM và Hà Nội cũng như sẽ đẩy mạnh lĩnh vực này trong thời gian sắp tới với việc khai trương IBM Innovation Center và bắt tay với các trường ĐH lớn trong nước. Bài trình bày của TS Trần Viết Huân sẽ giúp người nghe có thêm thông tin cùng những cơ hội trong lĩnh vực này.

Link: http://www.ibm.com/developerworks/vn/


IV. ỨNG DỤNG GOOGLE APPENGINE TẠI SKYDOOR.NET - Phạm Hữu Ngôn (skydoor.net) - 15:00 - 15:20

Bài trình bày sẽ giới thiệu những ứng dụng tại website SkyDoor.net được xây dựng trên nền tảng Google AppEngine, một trong những hiện thực Cloud tốt nhất hiện nay. Các vấn đề liên quan như: môi trường phát triển, quản trị ứng dụng... sẽ được đề cập đến nhằm giúp người nghe có thể hình dung được quá trình phát triển các ứng dụng một cách tốc độ trong kỷ nguyên Cloud Computing ngày nay!

Link: http://www.slideshare.net/ngonpham/google-appengine-applications-at-skydoornet-1777950


V. SANDBOX SECURITY - Phạm Đức Hải (Guru.net.vn) - 15:20 - 15:40
Bảo mật là một trong những vấn đề người dùng lo lắng nhất khi di chuyển lên Cloud. Thông thường những ứng dụng trên Cloud dưới hình thức Platform as a Service như Google AppEngine, Cloud.vn... sẽ chạy trong một vùng riêng biệt gọi là sandbox. Bài trình bày nhằm giới thiệu cho người dùng cách thức quản lý tài nguyên ứng dụng cũng như việc bảo mật sandbox của các hệ Cloud Computing, cùng các nguy cơ và rủi ro bảo mật liên quan đến sandbox.


VI. THE ANATOMY OF CLOUD.VN - Trần Xuân Phương (Cloud.vn) - 16:00 - 17:00

Bài trình bày giới thiệu và phân tích chi tiết về kiến trúc, cơ chế hoạt động của Cloud.vn, một sản phẩm Cloud Computing mới ở Việt Nam theo mô hình Platform as a Service. Lời giải cho bài toán tổ chức và xử lý dữ liệu quy mô lớn với sự ổn định và hiệu suất cao được trình bày chi tiết với cơ chế và giải thuật. Cách thức cloud.vn giải quyết vấn đề bảo toàn dữ liệu, giải quyết các vấn đề do hổng hóc vật lý (disk failure, server down...) sẽ được trình bày cụ thể. Và phần cuối là trình diễn trực tiếp (demo) cách xây dựng một ứng dụng web hoàn chỉnh trên cloud.vn và khả năng scalability.


VII. DISCUSS
Phần này là cuộc trao đổi cởi mở, diễn giả cũng như khách mời sẽ tham gia hỏi và trả lời, bình luận và nên các ý kiến xoay quanh vấn đề kỹ thuật và cả kinh doanh của Cloud Computing

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

Cuộc chiến Cloud Computing


Nhớ lại mới hồi tháng ba tôi có bài viết Từ SkyDoor nghĩ về tương lai Cloud computing. Vậy mà đến hôm nay, tức là mới chỉ sau 4 tháng, tôi đã dần cảm nhận được sức nóng cũng như sự hối hả dồn dập của công nghệ này.

Một số website ở VN đã bắt đầu lớn mạnh và nảy sinh những vấn đề về scale, dẫn đến phải giải quyết triệt để và di chuyển lên cloud computing là một trong những lựa chọn rất tốt và đảm bảo sự bền vững lâu dài. Một số công ty khác thì có nhu cầu xây dựng những ứng dụng web hướng tới hàng triệu người dùng ở Việt Nam và để có thể vận hành trơn tru thì việc xây dựng trên nền cloud computing sẽ là một lựa chọn tối ưu. Nhiều doanh nghiệp khác thì đang trông chờ ở một công nghệ mà giúp họ tối ưu hóa chi phí ban đầu, sau đó xài tới đâu trả tiền tới đó. Và có lẽ những bài toán thực tiễn này sẽ tạo ra cơ hội lớn để công nghệ Cloud Computing chuẩn bị bùng nổ :)

Hôm qua tôi mới được nghe bạn Phuongcsa giới thiệu về công nghệ Cloud của bạn ý :). Cũng chả hiểu làm thế nào mà bạn này lại kéo được cả VDC và một số VIP khác vào cuộc. Sau khi tôi phân tích một hồi thì thấy ý tưởng của sản phẩm này khá giống với mô hình Google App Engine, tức là cũng sẽ từng bước xây dựng một nền tảng tính toán cũng như cơ sở dữ liệu trên Cloud computing. Ngoài ra một điểm rất hay của site này là thiết kế các template sẵn có, điều này có nghĩ là sau này một doanh nghiệp hay cá nhân chỉ cần vài click chuột là sẽ có thể dễ dàng tạo ra 1 website cho riêng họ từ các chức năng bình thường của một site giới thiệu công ty cho đến các site cao cấp hơn như thương mại điện tử. Và với sự hỗ trợ từ hạ tầng của VDC thì mỗi site sẽ được hoàn toàn miễn phí cho 100M
dung lượng lưu trữ và 5GB băng thông.

Từ đây thì tôi nảy sinh một suy nghĩ rằng nếu sản phẩm này tiếp tục hoàn chỉnh về mặt công nghệ và có một chiến lược phân phối và kinh doanh tốt, thì với những ưu điểm ở trên họ sẽ có khả năng thuyết phục được hàng ngàn, thậm hàng chí hàng vạn các doanh nghiệp Việt Nam từng bước di chuyển lên cloud. Và từ đây sẽ từng bước có những doanh nghiệp với những ứng dụng lớn tiếp cận hàng triệu khách hàng thông qua kênh Internet ra đời.

Điều này sẽ tạo ra một sự rung chuyển trong làng CNTT Việt Nam, dẫn tới việc các đại gia khác như Viettel, FPT cũng phải nhảy vào cuộc và tìm cho mình những tối tác liên minh. Cùng với cuộc chiến di động đang diễn ra một cách khá gay gắt thì sẽ dẫn đến một cuộc chiến khốc liệt trong lĩnh vực này, khi mà mỗi đại gia như VNPT, Viettel... sẽ là một sứ quân hùng mạnh với các chư hầu của mình là những công ty cung cấp dịch vụ và nội dung xung quanh. Và sứ quân nào với hạ tầng và đội ngũ công nghệ chư hầu tốt hơn sẽ là người chiếm ưu thế!

Nếu cuộc chiến này xảy ra thì tôi nghĩ sẽ góp phần thúc đẩy rất nhanh việc tin học hóa các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, cũng như hình thành nên những đội ngũ làm về một công nghệ
mới cloud computing tiên phong không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Ngoài ra một điều nữa, cuộc chiến này sẽ tạo ra vô số cơ hội cho những công ty trẻ và có thực lực về công nghệ dễ dàng vươn lên, bởi yếu tố thị trường gần như đã được san phẳng bởi các đại gia lãnh đạo.

Và liệu bạn có tin những ý tưởng ở trên sẽ trở thành sự thực trong thời gian sắp tới? Nếu có, hãy cùng tôi chuẩn bị sẵn sàng để bước vào một cuộc chiến khốc liệt nhưng cũng không kém phần thú vị này ^_^

Xem thêm:
Tổng kết Hội thảo Cloud Computing

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Nghĩ về sự kiện BKIS và việc Go Global


Trên các diễn đàn công nghệ Việt Nam trong hai ngày nay tràn ngập các thảo luận về việc BKIS đúng hay sai trong việc can thiệp vào vào các máy chủ ở nước ngoài, khá nhiều báo chí cũng đã bắt đầu vào cuộc. Thực hư vụ việc này cũng chưa rõ ràng và vẫn đang còn được nhiều người tranh cãi.

Riêng bản thân tôi thì không quan tâm đến việc BKIS đúng hay sai trong vụ việc này lắm mà chỉ quan trọng ở việc kết quả họ làm có thực sự đúng như họ nói. Qua tìm kiếm các bài viết tin tức và đọc nhận xét của báo chí nước ngoài thì tôi có cảm nhận đây là một sự kiện mà BKIS thực sự đã gây được tiếng vang trong giới bảo mật quốc tế.

Từ vấn đề này tự nhiên tôi nghĩ về việc Go Global đối với các công ty Việt Nam hiện nay. Nếu ai đã từng có suy nghĩ về việc này và bắt tay vào hành động mới thấy được đây là một công việc rất khó khăn và không phải là một sớm một chiều mới có thể làm được. Năm ngoái chúng tôi đã có thời gian nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng một sản phẩm như vậy, nhưng rốt cục vẫn chưa đạt được một thành tựu nào đáng kể. Nguyên nhân là chúng tôi nhận thấy rằng để tiến ra thị trường bên ngoài sẽ đòi hỏi công ty trước hết phải có được một sản phẩm cực tốt, sau đó cần phải có được một số sự kiện để tạo tiếng vang cho công ty và sản phẩm của mình. Để làm được việc này thì sẽ đòi hỏi các công ty phải rất vững về thị trường trong nước, có một hướng đi mang đậm dấu ấn công nghệ cùng với một chiến lược rõ ràng hạn chế tối đa nhiều điểm yếu và phát huy số ít ỏi điểm mạnh của văn hóa Việt Nam.

Xét về tình hình hiện nay thì có thể thấy rất ít các công ty Việt Nam đạt được những tiêu chí này. Và BKIS là một trong những công ty hội tụ được điều đó. Họ đã có những uy tín nhất định tại thị trường trong nước cũng như được sự hỗ trợ khá nhiều từ chính phủ. Ngoài ra các sản phẩm của họ bắt đầu có được những nguồn doanh thu ổn định (Theo tôi trao đổi bên lề tại hội thảo VCW vừa rồi thì chỉ riêng sản phẩm eOffice mà họ bán cho tỉnh Vũng Tàu đã thu về ~10 tỉ VNĐ/năm). Trên cơ sở đó, thì họ đã bắt đầu xây dựng một đội ngũ nghiên cứu tốt, và có những chiến lược nhất quán để bắt đầu đánh bóng tên tuổi ở tầm quốc tế, từng bước vươn ra bên ngoài.

Chính vì vậy mà theo quan điểm cá nhân, tôi rất ủng hộ những công ty như vậy. Có thể họ PR hơi quá, nhưng nghĩ lại dù sao đó cũng là điều mà bất kì công ty nào cũng cần làm để ngày một phát triển xa hơn. Nếu Việt Nam có được những công ty có thể vươn ra bên ngoài thì sẽ là một giải pháp rất tốt cho ngành CNTT Việt Nam vẫn còn loanh quanh ở thị trường nội địa và gia công ở mức độ thấp hiện nay. Và chính những công ty có tư tưởng đột phá và dám làm như vậy mới có thể từng bước góp phần đưa Việt Nam trở thành một cường quốc CNTT vào năm 2015 :)

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

Đặc điểm những lãnh đạo các công ty IT VN thành công


Trong quá trình tiếp xúc với các công ty IT VN, bên cạnh để ý đến các khía cạnh về môi trường văn hóa, một yếu tố khác mà tôi cũng rất quan tâm đó là đặc điểm và tính cách của các nhà lãnh đạo mỗi công ty, chủ yếu là để nhìn nhận so sánh và chắt chiu những kinh nghiệm cho bản nhân mình. Tôi nhận thấy một điều rằng nếu không xét đến yếu tố thị trường, thì sự thành công của mỗi công ty IT VN đều phụ thuộc rất lớn vào lãnh đạo các công ty đó. Các công ty với người lãnh đạo tốt sẽ dễ dàng xây dựng được một cơ sở hạ tầng vững chắc, phục vụ cho việc phát triển lớn mạnh sau này. Còn các công ty với những người lãnh đạo chưa tốt sẽ dễ bị rơi vào tình trạng ì à ì ạch, hạ tầng công ty nhiều điểm bất ổn dẫn đến khi phát triển đến một mức độ nào đó sẽ gặp nhiều bất cập, không có khả năng mở rộng thậm chí đi đến sự sụp đổ hoàn toàn.

Đến đây một câu hỏi sẽ được đặt ra là vậy thì đâu là những đặc điểm của một người lãnh đạo tốt? Tất nhiên sẽ có nhiều yếu tố khác nhau được đề ra, nhưng tôi chỉ xin nêu một số tiêu chí theo kinh nghiệm của riêng mình

1. Sự dứt khoát

Điểm đầu tiên dễ dàng nhìn thấy ở một nhà lãnh đạo tốt là ở tính dứt khoát. Sự dứt khoát được thể hiện ở việc hành động luôn đi đôi với lời nói của mình, một khi đã nói là sẽ quyết tâm làm đến cùng. Và tất cả các hành động đều tập trung xoay quanh những mục tiêu rõ ràng mà họ đã đề ra ban đầu, chứ không lan man mơ hồ và nước đôi như số đông nhiều công ty hiện nay. Chính điều này sẽ khiến các nhân viên luôn tin tưởng và vững lòng làm việc cho sự phát triển chung của công ty.

Ngoài ra, sự dứt khoát còn thể hiện ở việc họ tuân thủ thời gian biểu một cách khá chặt chẽ. Đây là một điểm nghe thì dễ nhưng thực hiện hoàn toàn không dễ dàng, đặc biệt với văn hóa người VN đã quá quen với giờ giấc cao su như hiện nay.

2. Góc nhìn đa diện

Một đặc điểm khác ở các nhà lãnh đạo tốt là họ luôn có một thái độ tích cực và cái nhìn đa diện về các vấn đề trong xã hội. Điều này thể hiện rõ nhất trong quá trình giao tiếp, khi tiếp xúc với một quan điểm khác với cách suy nghĩ của họ, họ vẫn lắng nghe và chia sẻ một cách thẳng thắn chứ không phê phán hay áp đặt người nghe theo hướng suy nghĩ của họ. Nhiều lúc còn từng bước "gài" người nghe dần tiến đến chung quan điểm với mình :)

Có lẽ đây là một điểm mà tôi thấy tối cần thiết trong một xã hội mà người Việt chúng ta vốn có tính hay tự ái. Điển hình như bản thân ...tôi chẳng hạn, khi mà ý tưởng của mình đưa ra bị người khác phản bác một cách gay gắt không lý do là tôi sẽ gạt ngay người đó ra khỏi đầu mình để sau này khỏi phải bận tâm (Bây giờ đã nhẹ hơn chứ như trước đây là tôi đưa vào danh sách kẻ thù để sau này kiếm cơ hội trả đũa rồi ^_^). Còn với những người lắng nghe thì tôi cảm thấy như mình có giá trị hơn, từ đó sẽ hình thành trong tôi một thái độ cảm kích và trân trọng lại người đó.

Nên vì lý do này mà tôi nghĩ rằng đây cũng là đặc điểm quyết định để những người lãnh đạo tốt có thể chiêu dụ hiền tài đầu quân cho mình. Với những người có khả năng, tiền bạc vật chất tất nhiên là cần, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là họ cảm thấy mình được làm trong một môi trường đúng khả năng và nhiều người trân trọng.

3. Không ngừng cải tiến quy trình và tối ưu hóa doanh nghiệp

Đặc điểm này thể hiện rõ ở việc họ luôn tìm cách đổi mới quy trình để quản lý một cách hiệu quả hơn chứ không hài lòng với một mô hình đã đi vào ổn định. Ngoài ra họ cũng luôn tìm cách làm sao để có các sản phẩm tốt hơn với một chi phí tối ưu nhất, tổ chức chặt chẽ đâu là những phần chính yếu nhất của công ty cần phải duy trì và phát triển, đâu là những việc cần outsource ra bên ngoài để tiết kiệm chi phí và thời gian.

Điều này rất khác với đa phần các công ty IT ở VN hiện nay vẫn còn đang thích làm nhiều thứ. Một số cũng muốn outsource ra bên ngoài nhưng không xác định được đâu là những phần cốt lõi, dẫn đến tình trạng không dứt khoát và lại ì à ì ạch.

4. Nhà kỹ thuật am hiểu quản trị và xã hội

Một đặc điểm chung nữa của các nhà lãnh đạo tốt là gần như họ đều xuất phát từ dân kỹ thuật, có được một tố chất về quản trị cũng như sự nhạy bén các mối quan hệ trong xã hội. Đây là một lợi thế rất lớn so với các công ty có người quản trị và người kỹ thuật tách biệt. Tôi đã từng chứng kiến vài công ty sụp đổ chỉ vì sự không ăn ý giữa hai bộ phận này, khi mà người quản trị đa phần đều nghĩ rằng thị trường và sản phẩm là yếu tố quyết định mà không cần biết tới việc liệu công nghệ hiện tại chỉ có thể hỗ trợ mình đến mức độ nào.


Tóm lại đây là những yếu tố mà tôi nghĩ một nhà lãnh đạo IT ở VN cần có để dẫn dắt công ty của mình đến thành công. Bản thân tôi thường dùng những tiêu chí này để nhìn nhận về tiềm năng của mỗi công ty trong tương lai dựa vào chính những người lãnh đạo công ty đó. Ngoài ra đây cũng là các tiêu chí mà tôi vẫn luôn nỗ lực rèn luyện để có thể tiến nhanh hơn trên con đường lập nghiệp của mình :)

PS: Bài viết ban đầu có những ví dụ rất cụ thể cho từng phần. Tuy nhiên vì lý do tế nhị nên không tiện đưa lên, ai có nhu cầu xin ... cafe trực tiếp với tác giả :">

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2009

Sự khác biệt giữa các công ty CNTT hai miền Nam Bắc


Khoảng gần 3 năm trở lại đây, tôi có thêm một niềm đam mê trong lĩnh vực địa lý và lịch sử. Trong những khoảng thời gian rảnh rỗi tôi vẫn thường lên Wikipedia để tìm đọc các tài liệu về vấn đề này, đôi lúc thấy vùng nào thú vị thì sắp xếp thời gian để đi tham quan tìm hiểu trực tiếp luôn. Từng bước tôi nhận thấy Việt Nam là một đất nước có rất nhiều khác biệt về địa lý lịch sử so với các quốc gia khác. Chính điều này đã tạo nên nhiều vùng miền khác nhau với những nét văn hóa rất đặc trưng, đặc biệt là hai vùng Nam Bắc. Sự khác biệt này không chỉ thể hiện ở các vấn đề thường ngày như cách suy nghĩ, giao tiếp, cư xử... mà còn lan rộng đến mọi ngóc ngách trong các lĩnh vực của xã hội ngày nay.

Lẽ dĩ nhiên, lĩnh vực CNTT cũng không ngoại lệ. Là một người làm về công nghệ sống trong Nam nhưng thỉnh thoảng cũng hay ra ngoài Bắc công tác nên tôi đã có cơ hội để tìm hiểu về những sự khác biệt thú vị trong lĩnh vực này.

1. Dáng vẻ bên ngoài

Các công ty phía Bắc dường như rất thận trọng trong việc thể hiện dáng vẻ bên ngoài, nên tôi có cảm giác hầu hết mọi công ty ngoài này đều rất "pro". Do đó mỗi lần muốn gặp mặt, tôi đều phải thông qua người giới thiệu hoặc phải cố gắng làm một cái gì đó để thể hiện rằng ít ra mình cũng có một cái gì đó đủ
để xứng tầm với họ. Sự thận trọng này không chỉ ở thể hiện ở bề ngoài mà còn ở trong cách ăn nói, nhiều lúc tôi phải rất cố gắng để hiểu ý tứ của mọi người sau mỗi câu nói là thế nào. Đây là kinh nghiệm do một sư huynh ngoài đó chỉ tôi "Ngoài Hà Nội này người ta nghe ...chỉ để tham khảo, còn thực chất là phải hiểu đối phương đang muốn điều gì" ;))

Còn các công ty trong Nam thì nhìn phóng khoáng và bình dân hơn. Đôi lúc có một số đối tác tôi chủ động bắt chuyện, chỉ cần trao đổi một vài câu và thấy cách nói chuyện hợp nhau là đã có thể trở thành bạn bè, rồi rủ đi cafe tăng cường mối quan hệ. Ngoài ra, cách ăn nói của mọi người trong đây cũng khá thoải mái, đôi lúc gặp một số vấn đề khó xử mọi người cũng cố gắng để làm rõ mọi thứ, chứ không vòng vo như các đối tác phía Bắc :)

2. Chiến lược quản lý công ty

Do gần "lửa" hơn, nên các công ty phía Bắc hiểu rất rõ tầm quan trọng trong việc quan hệ ngoại giao và chính trị. Chính vì thế mà hầu hết đều dành rất nhiều nỗ lực cho các khâu liên quan đến vấn đề này như: quan hệ nhà nước, bán hàng, đầu tư.... Trong khi đó các công ty trong Nam sống trong môi trường thoải mái hơn nên đa phần đều có tư tưởng "Chỉ cần có ý tưởng tốt và thực lực mạnh, nhất định ta sẽ thành công"

Trong một cơ chế xã hội Việt Nam như hiện nay thì có thể dự đoán được phần nào là các công ty phía Bắc sẽ dễ thành công hơn, còn các công ty phía Nam sẽ gặp nhiều khó khăn với cách suy nghĩ của mình. Nhìn số lượng các công ty Internet được đầu tư mạo hiểm ở hai miền hiện nay có thể thấy được phần nào.

Tuy nhiên chính vì lý do này mà môi trường miền Nam sẽ rất thích hợp để các công ty gia công cho nước ngoài phát triển, ở lĩnh vực mà dựa phần lớn vào năng lực. Từ đó từng bước hình thành nên trong này một môi trường chuyên nghiệp trong cách làm cũng như quản lý. Chính vì vậy mà bản thân tôi nghĩ sau này đến một lúc nào đó Việt Nam có cơ hội tiến ra bên ngoài, thì các công ty trong Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn hẳn so với các công ty phía Bắc.

3. Các mối quan hệ liên minh

Thực ra vấn đề này tôi cũng chưa dám khẳng định hoàn toàn nên chỉ nhìn ở góc độ cá nhân bản thân.

Tôi cũng có quan hệ với khá nhiều các công ty phía Bắc. Nhưng thực sự tôi chỉ dám đẩy mạnh một số mối quan hệ nhất định, chỉ khi mình thực sự hiểu và thấy có nhiều nét tương đồng với đối phương. Nguyên nhân là từ vấn đề tôi đã nêu ở trên, các công ty phía Bắc rất thận trọng trong giao tiếp và ý tứ của họ đôi lúc cũng khó đoán, nên nếu tiến xa mà chẳng may có một số mâu thuẫn nảy sinh thì quan hệ sẽ dễ dàng bị vỡ và gần như rất khó để hàn gắn. Nếu vậy thôi thì ta cứ anh anh em em vui vẻ vài câu giữ gìn mối quan hệ ở mức vừa đủ là ổn ^_^

Còn các công ty trong Nam thì thường nói chuyện thoải mái hơn. Anh em nói đủ mọi thứ trời trăng mây nước, rồi quan hệ tiến xa được tới đâu hay tới đấy ;)). Đôi lúc dẫn đến những mâu thuẫn đụng chạm tưởng chừng không thể hàn gắn được, nhưng mấy tháng sau từ từ mọi người cũng quên rồi anh em mình lại ...cafe nói chuyện tiếp. Nói chung chỉ cần làm sao các bên đều cảm thấy hài lòng về quyền lợi của mình là ổn.

4. Bonus: Con trai CNTT miền Nam vs Con trai CNTT miền Bắc ^)^

Thỉnh thoảng có cơ hội giao lưu với các anh chị em hai miền tôi cũng hay "buôn dưa" khảo sát về vấn đề này, sẵn tiện làm sinh động thêm buổi nói chuyện

Có lẽ khi một cô gái miền Nam lấy một anh IT miền Bắc thì sẽ rất khó để thích nghi. Với tính cách thận trọng và hơi gia trưởng, các anh sẽ cố gắng tìm cách "lập trình" để các cô gái miền Nam đã quen với lối sống tự do từng bước đi vào các khuôn khổ phép tắc trong một gia đình miền Bắc.

Ngược lại khi một cô gái miền Bắc lấy được một anh IT miền Nam thì sẽ thật tuyệt vời :D. Với bản tính xuề xòa phóng khoáng của các anh, các cô chỉ cần lập trình lại các hoạt động trong ngày thì các anh cứ thế như vậy mà theo, rất ít khi cằn nhằn phản kháng :)

Đoạn này em PR cho các anh em IT phía Nam tí xíu, các anh IT miền Bắc đọc được thì thông cảm bỏ qua, đừng đập em ạ ^_^

5. Tổng kết

Tổng kết lại thì các công ty mỗi miền đều có những điều thú vị riêng cũng như các điểm mạnh yếu khác nhau. Chính vì thế mà sẽ thật lý tưởng nếu có được những công ty VN có thể tận dụng được những lợi thế tốt nhất của mỗi vùng miền. Đó sẽ là những công ty có bộ sậu ở ngoài Bắc làm các quan hệ ngoại giao chính trị, chiến lược công ty... Còn bộ phận trong Nam sẽ làm công việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, khai thác sức mạnh của thị trường kinh tế lớn nhất nước, cũng như đảm nhận việc bành trướng ra bên ngoài sau này.

Đó cũng là mục tiêu mà một số công ty CNTT đang nỗ lực để đạt được. Với các công ty CNTT phía Bắc thì để trở thành số một VN, họ không chỉ phải chiếm lĩnh thị trường miền Bắc mà còn buộc phải "Nam tiến" để tạo được một thế đứng tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Còn ngược lại với các công ty trong Nam thì e dè hơn, họ ngại va chạm với một thế giới ngầm của những mối quan hệ đằng sau một thủ đô cổ kính. Nhưng để lớn mạnh, họ vẫn phải làm và từng bước tìm cho mình những nhân vật có thế lực để len vào mớ quan hệ bòng bong này.

Và cuộc đua này vẫn đang diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ, nhưng không kém phần quyết liệt. Theo suy nghĩ của tôi thì những công ty nào có thể khai thác được lợi thế
tối ưu nhất của mỗi vùng miền sẽ có cơ hội lớn để trở thành những công ty tầm cỡ của Việt Nam cũng như đủ lực từng bước vươn ra cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn của nước ngoài trong vòng những năm sắp tới :)

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Chiến lược cho các công ty IT VN vừa và nhỏ


Trong buổi học cuối tuần vừa rồi tôi có dịp tiếp xúc với một giảng viên khá đặc biệt, một người xuất phát từ dân kỹ sư xây dựng đã từng lăn lộn qua rất nhiều vị trí khác nhau, từ một nhà thiết kế công trình, quản lý nhà nước và hiện giờ ở độ tuổi gần 60 thì thầy tạm hài lòng với vị trí phó giám đốc của một công ty bất động sản có tiếng ở Việt Nam. Thầy đến lớp học một buổi duy nhất nhằm chia sẻ những góc nhìn của mình về ngành và nền kinh tế dưới góc nhìn của một người kỹ thuật. Mặc dù đề tài thảo luận là "Chiến lược cho các công ty địa ốc VN vừa và nhỏ" nhưng tôi thấy có rất nhiều sự tương đồng với các công ty IT VN, nên cũng ...tranh thủ hỏi và trao đổi với thầy rất nhiều về những vấn đề mình đang suy nghĩ. Thật là thú vị khi lắng nghe những chia sẻ của một người kỹ sư với rất nhiều kinh nghiệm từng trải trên thương trường

Xây dựng một đội ngũ kỹ thuật tốt

Gần như tất cả các công ty vừa và nhỏ địa ốc ở Việt Nam (vốn < 20 triệu USD) đều xuất phát từ việc thành công của một vài thương vụ cá nhân. Hầu hết đều không có kinh nghiệm liên quan cũng như các kinh nghiệm quản lý. Chính vì vậy mà với các dự án bình thường thì chưa có gì nảy sinh, chỉ đến những dự án lớn thì các hạn chế về mặt kỹ thuật mới bắt đầu bộc lộ, gây hao tốn nhiều tiền của trong việc khắc phục và mọi người xung quanh mới biết được đâu là những sản phẩm tốt thực sự. Nhìn lại thị trường các công ty IT VN cũng thấy vấn đề hoàn toàn tương tự. Nhiều công ty xuất phát lắm tiền và nhiều thế lực nhưng không có một đội ngũ kỹ thuật tốt, chỉ chăm vào ý tưởng và thị trường. Do hiện tại các ứng dụng giải pháp vẫn còn ở mức đơn giản, đến khi ứng dụng bắt đầu bùng nổ thì những điểm yếu mới bắt đầu bộc lộ và sẽ gây ra các vấn đề có thể dẫn tới sự sụp độ hoàn toàn của chính sản phẩm đó.

Hướng tới một sản phẩm khác biệt

Khi so sánh với doanh nghiệp lớn nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài thì có thể thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thua đủ mọi bề. Từ vốn cho đến các kinh nghiệm quản lý, thương hiệu... Đó là chưa kể bất cập ở việc các doanh nghiệp nước ngoài còn được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam luôn bị nhũng nhiễu, chèn ép. Chính vì vậy mà hầu như không có khả năng cho các công ty vừa và nhỏ VN có thể thực hiện cuộc chiến trực tiếp với các đại gia này. Thay vì đưa sản phẩm trở thành số một Việt Nam, hãy hướng đến mục tiêu trở thành một sản phẩm khác biệt.

Có lẽ kinh nghiệm này hoàn toàn đúng cho các công ty Internet Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các công ty đang có ý định cạnh tranh vị trí số một với các đại gia nước ngoài ;))

Cố gắng giữ gìn thương hiệu công ty

Thầy nói một điều đáng buồn của người Viêt hiện nay là việc liên kết giữa các doanh nghiệp hay các cá nhân với nhau còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do khi liên kết mỗi bên đều có tư tưởng hủ lợi, tức là muốn được lợi hơn bên kia, ngay cả công ty con trong các tổng công ty cũng hoạt động rất rời rạc mà hầu như không có sự gắn kết. Ngoài ra việc giữ chữ tín của người Việt còn rất kém @_@

Điều này xuất phát từ chính văn hóa của chúng ta nên hầu như khó có thể thay đổi được. Chỉ ráng cố gắng về phía bản thân mình để trở thành một công ty tốt và biết giữ chữ tín. Cố gắng tránh tối đa những tranh chấp và khiếu kiện, trong trường hợp xảy ra thì đôi lúc nên nhường một bước để giữ thương hiệu cho mình. Người nghèo mà có uy tín thì mọi người còn tin, còn đã nghèo mà không có uy tín thì ai tin được nữa.

Chọn người tài để chuyển giao cho thế hệ thứ hai

Phần lớn sự thành công của các công ty vừa và nhỏ ở VN xuất phát từ các quan hệ cũng như khả năng chớp thời cơ đúng lúc mà chưa dựa nhiều vào đội ngũ nhân lực. Chính vì điều này mà để có thể vươn xa hơn, các công ty này cần phải tuyển chọn những người tài vào vị trí lãnh đạo kế thừa. Đây là một vấn đề cũng dễ hiểu nhưng ...không dễ để thực hiện :)

Thầy cũng chia sẻ thêm về vấn đề chọn người vào vị trí lãnh đạo. Ở các nước như Nga, Trung Quốc, Việt Nam... thì vai trò các nhà lãnh đạo đất nước sẽ từng bước là: Quân sự - Chính Trị - Kỹ trị - Luật Trị. Ở Trung Quốc thì đã chuyển sang Kỹ Trị từ lâu và đang hướng đến Luật Trị (Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo đều là các kỹ sư), trong khi Việt Nam hiện nay thì vẫn còn nằm ở giai đoạn Chính Trị (thủ tướng Dũng, chủ tịch Triết) từng bước chuyển giao sang Kỹ Trị (phó thủ tướng Thiện Nhân và Trung Hải). Do đó có thể thấy sắp tới vai trò của những nhà lãnh đạo mang ...âm hưởng kỹ sư ở Việt Nam sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Theo quan điểm của cá nhân thầy, nên cân nhắc để chọn những người này vào vị trí lãnh đạo (Tôi cũng đồng ý luôn bởi cùng là kỹ sư mà ^_^)


Tổng kết lại qua buổi học này tôi đã biết được thêm nhiều điều hay. Tôi nhận ra rằng mình đang có nhiều lợi thế của lớp trẻ đầy năng động tự tin, tuy nhiên tôi cần phải có thêm những người cố vấn từng trải của thế hệ đi trước như thầy để có thể giúp tôi hạn chế tối đa những sai lầm không đáng có và tiến nhanh hơn tới mục tiêu của mình. Và có lẽ đó cũng là điều mà các công ty IT Việt Nam còn non trẻ hiện nay nên có trước khi họ có thể vươn xa với những tham vọng của mình :)

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More