Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2007

Phát triển một thành phố


Đã có bao giờ bạn suy nghĩ về việc phát triển một thành phố sẽ bao gồm những công việc nào? Và các chiến lược sẽ được thực hiện ra sao? Có lẽ điều này ở Việt Nam vẫn còn khá xa lạ và mang một chút gì đó hơi vĩ mô. Thực ra vấn đề này đã trở nên khá phổ biến đối với rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Châu Á và nam Châu Phi hiện nay. Bởi phát triển thành phố là một trong những giải pháp hiệu quả nhất cho việc giảm tỉ lệ nghèo đói và tiến tới xây dựng một cuộc sống thịnh vượng và bền vững.

Trong các nước thực hiện giải pháp này, có thể nói Trung Quốc là nước thu được những thành tựu lớn nhất. Họ đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc và nể phục trong suốt hai thập kỉ qua. Hàng loạt các thành phố ven biển đã được xây dựng với một tốc độ chóng mặt, đưa Trung Quốc trở thành một nước công nghiệp mới và sẽ nhanh chóng vượt mặt Mỹ trở thành một cường quốc số một thế giới trong nay mai.

Việt Nam chúng ta là một nước nhỏ và chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc hàng ngàn năm nay. Hiện tại mô hình xã hội chúng ta đang xây dựng gần như cũng là học hỏi từ họ và chúng ta cũng sử dụng chính sách phát triển thành phố như là một trong những giải pháp chủ đạo. Tuy nhiên tại sao chúng ta vẫn chưa có được sự phát triển vũ bão như họ mà lại có vẻ ngày càng tồi tệ hơn? Để làm rõ nguyên nhân này chúng ta sẽ đi tìm hiểu các bước để phát triển một thành phố sẽ diễn ra như thế nào. Thông thường một thành phố phát triển sẽ trải qua các giai đoạn sau

1. Trao đổi thương mại (Trade): Ở giai đoạn này, sự giao thương và phát triển trong thành phố đa phần xảy ra là do tự phát

2. Sản xuất (Manufacturing): Giai đoạn này, thành phố sẽ tập trung cho việc phát triển công nghiệp. Các biểu hiện là tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… Số dân nhập cư từ khu vực lân cận sẽ đổ về và làm tăng đột biến số lượng dân trong thành phố, và thành phố phải giải quyết chính sách nhà cửa cho họ một cách hợp lý cùng các dịch vụ cơ bản như: năng lượng, nước…

3. Dịch vụ (Service): Sau khi qua giai đoạn sản xuất, thành phố sẽ từng bước tập trung để chuyển dần sang các loại hình dịch vụ. Biểu hiện của giai đoạn này là nhu cầu về các dịch vụ của người dân tăng cao, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp dịch vụ và các nỗ lực trong việc cải thiện hạ tầng về môi trường.

4. Tiện nghi (Amenity): Nếu tới được giai đoạn này, thành phố sẽ tiến tới xây dựng một sự riêng biệt cho riêng mình. Trở thành một thành phố chuyên về công nghệ cao, một thành phố văn hóa, hay một thành phố cung cấp các dịch vụ nghĩ dưỡng y tế số một thế giới. Câu trả lời tùy vào đặc điểm vị trí, quan hệ của từng riêng thành phố.

Vậy thì các thành phố ở Việt Nam như TPHCM đang ở trong giai đoạn nào? Có thể dễ dàng thấy là chúng ta đang cố gắng chuyển sang hướng dịch vụ với biểu hiện rõ nhất là nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên điều cần quan tâm tới ở đây là lãnh đạo thành phố đã không lường trước được số dân đổ về thành phố lại tăng quá nhanh, và đã không có chính sách để giải quyết về nhà ở cũng như cơ sở hạ tầng để đáp ứng các nhu cầu cho họ. Kết cục dẫn đến là một xã hội rối beng như hiện nay: kẹt xe, ô nhiễm môi trường và nhiều điều bất ổn khác.

Lỗi ở trên thuộc về ai? Lãnh đạo không có tầm nhìn hay người dân chúng ta không có ý thức? Để làm rõ vấn đề này chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu về các điều kiện để một thành phố có thể phát triển một cách thuận lợi

1. Điều kiện đầu tiên là thành phố phải có được quyền tự chủ trong việc hoạch địch cũng như ra các quyết định về các vấn đề liên quan đến sự phát triển

2. Trong sự phát triển của thành phố, vai trò của nhà nước chỉ là tác nhân xúc tiến để tất cả các đơn vị trong thành phố như: cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài… hợp sức cũng giải quyết vấn đề. Bởi rõ ràng sự thông minh cũng như tiền bạc của nhà nước đều là có giới hạn.

Và với cơ chế bộ máy Việt Nam hiện nay thì hầu như đều vi phạm cả hai nguyên tắc trên. Tất cả mọi quyết định đều phải do bên trên chỉ đạo xuống và hầu như nhà nước đóng vai trò quyết định mà không cần đến ý kiến của mọi người xung quanh, họa chăng có cũng để tham khảo cho vui mà thôi.

Vậy thì hướng giải quyết tương lai của chính phủ Việt Nam sẽ ra sao trước sự bế tắc ở trên? Không còn cách nào khác nhà nước sẽ phải dần san sẻ quyền lực sang cho người dân mà cụ thể là tầng lớp doanh nghiệp và đội ngũ tri thức, tuy nhiên nhà nước sẽ quyết nắm giữ tất cả các quyết định quan trọng trong tay mình. Và nhà nước Việt Nam vẫn sẽ cần một chiếc lồng để giới hạn tất cả mọi thứ trong đó cho dễ quản lý, nhưng chiếc lồng đó cũng phải đủ lớn để Việt Nam bắt đầu có những doanh nghiệp vươn ra toàn cầu. Đó là mô hình mà Trung Quốc đã làm rất thành công và chắc chắn Việt Nam cũng sẽ làm tương tự.

Mọi việc dường như đã trở nên lạc quan hơn? Không hẳn là như vậy bởi Việt Nam sẽ phải đương đầu với một chướng ngại cực lớn. Suốt một thời gian dài hàng chục năm bì kìm chế nhiều quyền hạn đã tạo ra một thế hệ cực kì thụ động và hầu như không có động cơ tiến lên. Họ ngại thay đổi bản thân cũng như góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Với họ một cuộc sống yên bình có lẽ đã là quá đủ. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự rất quan trọng, thiếu tiền và các vật chất khác đều có thể chấp nhận được. Nhưng một khi thiếu yếu tố con người thì rất khó để cứu vãn. Và hướng này sẽ gần như chiếm khả năng rất lớn để biến Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ, nơi mọi người chỉ làm việc vì động cơ tiền bạc, còn các doanh nghiệp thì sẽ hầu như tập trung chủ yếu trong lĩnh vực phân phối hàng hóa và làm đại lý cho các hãng nước ngoài.

Đến đây chúng ta đã có thể được một cái nhìn phần nào về tương lai của Việt Nam trong tươn
g lai 10 năm kế tiếp. Sẽ có thêm rất nhiều cơ hội cho những con người có trình độ và tri thức. Tuy nhiên để có thể làm nên một cái gì đó lớn lao, họ sẽ cần phải có được một sức mạnh rất lớn để húc đổ những vấn đề nằm trong chính khía cạnh suy nghĩ của con người đã nêu ở trên.

Lâu lắm rồi mình mới lại có được bài viết dài như vậy . Có thể coi đó là tổng kết những gì mình đã học hỏi được trong năm nay. Sau khi rời môi trường Đại học đầy gian nan, mình đã phải bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn trong thực tế. Các tháng vừa qua là thời gian mà mình đã được học tập và làm việc hết mình. Có lẽ đã đến lúc dành thời gian cuối năm cho việc đi du lịch nghỉ ngơi. Biết đâu sau đó mình sẽ lại có thêm được nhiều ý tưởng khác thì sao nhỉ

Và mục tiêu kế tiếp sẽ là ...Phú Yên – Bình Định – Quảng Ngãi – Quảng Bình – Nghệ An. Còn sau đó? Đón Giáng Sinh ở Singapore & Malaysia và chào năm mới ở Hongkong – Ma Cao – Thẩm Quyến. Nếu được như vậy thì còn gì tuyệt vời hơn nhỉ


6 nhận xét:

SF++ nói...

"Đã có bao giờ bạn suy nghĩ về việc phát triển một thành phố sẽ bao gồm những công việc nào?"

Chưa, tôi chưa nghĩ về việc này bao giờ. Chỉ mới nghĩ tới việc tham quan những thành phố đã phát triển thôi :P

beta nói...

Hom nay boc duoc 2 cai tem, nhung chua doc bai viet nao ca.:)

nobody nói...

Ngôn có quan tâm đến sự kiện Miss Universe 2008 không vậy?
Một số doanh nghiệp trong nước - nhằm quảng bá hình ảnh VN nói chung và Tỉnh Khánh Hòa nói riêng, cũng như để tạo đòn bẩy thu hút đầu tư - đã đứng ra đầu tư tài chính và sức lực để được đăng cai tổ chức sự kiện này tại VN, Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt chính sách là chủ yếu. Điều này có giống với cái gọi là "quyền tự chủ" và "vai trò của nhà nước chỉ là tác nhân xúc tiến" mà Ngôn đã đề cập ở trên không nhỉ?
Chưa biết kết cuộc thế nào, nhưng có vẻ như Tỉnh Khánh Hòa làm tốt công tác này đấy chứ :)

Ngôn Action++ nói...

@beta: Hehe, Tâm làm tui ...sốc quá hà :p
@SF++: Haha, em cũng thích đi du lịch giống anh SF hơn :))
@nobody: Đúng đó, hi vọng với các chính sách thoáng như vậy, trong tương lai Việt Nam sẽ khá hơn :)

Phantom (Phân Tôm) nói...

Chời,tham thế,đi du lịch hoài.
Chúc Ngôn mau an phận (đồng nghĩa với đạt được mục tiêu) nha,hí hí

Mr.chai-tinh nói...

nhung kien thuc rat bo ich

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More