Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

Đi tìm những dot-com Việt nam tiềm năng (2): Những đối thủ của Google tại thị trường Việt nam


Sau phần 1, tôi có nhận được một vài ý kiến phản hồi là phân tích vẫn còn chung chung quá. Thực sự thì khi tôi đọc lại cũng thấy ...chung chung luôn ^_^. Có lẽ là do nhóm một là những công ty lớn nhiều sản phẩm, nên việc phân tích không thể hướng đến các sản phẩm cụ thể mà chỉ có thể đi lòng vòng bên ngoài chiến lược chung của từng công ty. Sang phần hai thì các công ty là những sản phẩm rất cụ thể và nằm trong lĩnh vực tìm kiếm tôi cũng đã ít nhiều có kinh nghiệm, nên hi vọng các phân tích sẽ rõ ràng hơn.

Nhóm 2: Những đối thủ của Google tại thị trường Việt Nam











Socbay.com là một công cụ tìm kiếm được phát triển từ một nghiên cứu đã đạt được một số giải thưởng trong nước do năm chàng trai 8x có chung niềm đam mê về CNTT cùng hợp tác xây dựng khi họ còn trên ghế nhà trường. Được VDC hỗ trợ và sau đó là IDGVV đầu tư, họ đã quyết định thành lập công ty vào cuối năm 2006 với khát vọng nâng công cụ tìm kiếm này lên một tầm cao hơn. Với những giải thưởng có được cùng một khát vọng của những con người trẻ, có thể nói vào thời điểm đó, rất nhiều người xem đây là một sản phẩm triển vọng và sẽ là một "Baidu của Việt Nam" trong tương lai.

Và tất nhiên tôi cũng là một trong những fan của họ và thực lòng cũng rất muốn xem Việt Nam sẽ có một sản phẩm mạnh mẽ có thể "đấu" với Google. Nên tôi đã theo dõi sát sao những bước đi của sản phẩm này trong suốt hai năm sau đó. Nhưng thực sự không hiểu điều gì đã xảy ra, gần như không có bất kì một sự cải thiện chất lượng trong công cụ tìm kiếm của họ, trong khi Google ngày càng tốt hơn. Có lẽ tìm kiếm Web đã là một cuộc chơi quá tầm đối với những con người trẻ tuổi này, cộng với việc xuất phát điểm quá trễ của Socbay trong giai đoạn mà Google đã bắt đầu có nguồn lợi nhuận khổng lồ, cỗ máy của họ đã vượt xa thuật toán PageRank của hai nhà sáng lập ban đầu. Trong khi đó Socbay thì vẫn loay hoay với bài toàn làm sao để "xử lý tiếng Việt" tốt hơn của mình.

Socbay cũng đã nhận ra điều đó và không còn cách nào khác, họ buộc phải tìm một chiến lược mới hơn là vô vọng đấu với Google mãi như thế này. Và con đường họ chọn là triển khai ứng dụng tìm kiếm của họ trên hàng loạt các lĩnh vực khác: Sách, Mp3, Video, Từ điển, Địa điểm... và thậm chí cả ...Du Lịch. Tuy nhiên với việc làm quá dàn trải các sản phẩm, họ không có thời gian để trau chuốt từng sản phẩm của mình. Cách thiết kế các sản phẩm kém về chất lượng cũng như hình thức nên vẫn không có nhiều người dùng đến với họ (Tôi nhớ Socbay vẫn còn ngụp lặn ngoài phạm vi Top 100.000 Alexa vào nửa cuối 2008)

Vào thời điểm hiện tại khi vào lại Socbay.com, chỉ còn lại 6 dịch vụ cơ bản là: Tin tức, Nhạc, Video, Rao vặt, Từ điển, Hình ảnh. Có lẽ Socbay đã hoàn toàn đầu hàng trên lĩnh vực Web Search để hướng đến tìm kiếm doanh nghiệp làm lĩnh vực chủ lực của mình, điển hình là các sản phẩm cho: Vinaphone, Thodia.vn, Yeuamnhac.com... Đây quả thực là một chiến lược đứng đắn bởi không ai hiện ở Việt Nam có tiềm năng như họ. Có lẽ đó cũng là lý do mà Softbank cũng đã tiếp tục nhảy vào.

Nhưng thực sự về quan điểm cá nhân, tôi thấy vẫn chưa có một sự quyết đoán và rõ ràng từ đội ngũ lãnh đạo công ty non trẻ này. Có lẽ họ nên có một nhà lãnh đạo dày dạn từng trải kiểu như E. Schmidt đến với Google, và bản thân họ vẫn còn phải nỗ lực tập trung rất nhiều về mặt kỹ thuật hơn nữa mới có thể "đủ" cho những gì họ đã ...quảng cáo cũng như những điều mà nhiều người đang trông đợi ở họ hiện nay






Tiền thân là Vinaseek đã được phát triển từ năm 2001, nhưng sau khi chọn Fast Search của Microsoft làm nền tảng cho công cụ tìm kiếm mới, có lẽ Tinh Vân không kế thừa được nhiều từ những gì họ đã xây dựng mà gần như phải làm lại từ đầu.

Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, với bổ sung thêm các tập luật & thông số cho nền tảng có sẵn, Xalo.vn đã có được một loạt các sản phẩm tìm kiếm chất lượng tốt. Ngay khi thử công cụ tìm kiếm mới của họ lần đầu vào tháng 4/2008, tôi đã cảm nhận được chất lượng tìm kiếm của họ vượt xa Socbay và thực sự sau đó họ đã nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm số một của Việt Nam.

Tuy nhiên vấn đề nào cũng có hai mặt, Fast Search giúp họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhưng cũng chính vấn đề này đã đem lại cho họ những bất lợi lớn. Fast Search là một giải pháp tìm kiếm chủ yếu dành cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, mà cho dù khả năng của nó có tùy biến cao cỡ nào thì chắc chắn rằng cũng không thể bằng được cỗ máy tìm kiếm web do chính Google xây dựng cũng với khả năng tùy biến cao. Đó là chưa kể về mặt tìm kiếm, Microsoft vẫn còn kém Google một bậc. Nên gần như chất lượng tìm kiếm web của Xalo.vn hiện đã đạt đến mức giới hạn, không có nhiều chuyển biến trong thời gian gần đây, trong khi Google vẫn đang tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng của mình.

Không còn khả năng đấu trong thị trường chủ lực Web, Xalo cũng đành phải vươn ra các lĩnh vực khác như Tin Tức, Nhạc. Nhưng va phải lĩnh vực này thì đã bị những đối thủ khác như Baamboo, Baomoi ..."án ngữ" với một giải pháp tìm kiếm đơn giản nhưng hiệu quả hơn. Dịch Anh - Việt là một lĩnh vực họ có nhiều thành tựu nhưng tốc độ chậm và chỉ dịch được cho những đoạn/câu đơn giản. Nên cuối cùng chỉ còn Blog/Forum là những dịch vụ xem ra triển vọng nhất của họ. Tuy nhiên, đây là những dịch vụ khá chuyên biệt và xét ra cũng chỉ là một phần nhỏ của tìm kiếm web nên không có nhiều người sử dụng. Ngoài ra thì hai lĩnh vực này hoàn toàn có thể được xây dựng với tính năng Custom Search Google cung cấp thông qua việc giới hạn và tùy chỉnh một số thông số. Nếu để ý bạn cũng thấy Google đã bắt đầu có những Search Option rất hiểu quả phục vụ cho vấn đề này.

Một khó khăn cho Xalo nữa là việc họ cũng không thể tiến vào thị trường Tìm kiếm Doanh nghiệp như Socbay bởi giải pháp của họ là mua lại, trong khi nguồn đầu tư đã bắt đầu cạn dần. Vậy Xalo sẽ sử dụng chiến lược nào cho thời điểm sắp tới. Đến đây thì tôi cũng ...đang tiếp tục suy nghĩ và xin dành câu trả lời cho mọi người ;)

PHỤ LỤC:
Một số số liệu do tôi thử nghiệm trên các công cụ tìm kiếm tiếng Việt cuối năm ngoái (Web Search). Sử dụng 10 mẫu từ khóa khác nhau, kết quả được đánh giá tương đối dựa trên tốc độ và số lượng các kết quả liên quan (Số lượng kết quả liên quan trong Top 10, xem cụ thể nội dung từng trang liên quan bao nhiêu đến từ khóa, không phải số lượng kết quả các công cụ tìm kiếm trả về như một số bạn hiểu lầm)

  • Google.com.vn - Điểm: 9/10
  • Yahoo Vietnam - Điểm: 8/10
  • Xalo.vn - Điểm: 5/10
  • Socbay.com - Điểm: 3/10

Mời mọi người tiếp tục theo dõi Phần 3: Những con tàu ủi băng Thương mại điện tử Việt Nam

9 nhận xét:

rongxanhnet nói...

Khoan bàn tới công nghệ. Nhưng em cho rằng mp3.zing.vn, baamboo là cổng search được nhiều người sử dụng nhất, thế mà thiếu trong danh sách của anh rồi.
Nếu anh cho rằng vì nó thuộc nhóm 1 thì có lẽ bài viết của anh sẽ thiếu tổng quát. Vì anh nhóm vào nhóm các search và so sánh về tiện ích lẫn người dùng thì các search kia chiếm ưu thế nhất. Giống kiểu nhạc thị trường với nhạc vàng vậy.

Trình Tuấn nói...

Sau khi đọc xong 2 bài của Ngôn mình nghĩ Ngôn nên viết thêm một bài về các quỹ đầu tư. Họ là ai? Vai trò và ảnh hưởng tới các start-up cũng như công ty nhận đầu tư?

ngonpham nói...

@rongxanhnet: A cũng đồng ý với em đó là những cổng search được nhiều người sử dụng. Nhưng xét ở bản chất thì đó không phải là những công cụ tìm kiếm thuần túy.

VD như mp3.zing.vn gần như lưu tất tần tật nhạc trên server của mình (mặc dù kết quả có thể có từ các trang khác) và tìm kiếm nhạc chủ yếu trên đó. Ngoài ra cách thức họ thiết kế công cụ tìm kiếm cũng đơn giản (VD tổ chức lưu trữ dùng database thông thường). Nên chỉ có thể xem đó là công cụ tìm kiếm cục bộ mà thôi ;)

Một phần khác đúng như em nói, đây là một sản phẩm của các đại gia trong phần trước chứ không phải là các dot-com theo chủ đề, cũng hơi khó xử lý nên anh không đưa vào.

@Trình Tuấn: Thanks vì các góp ý hữu ích của bạn. Mình sẽ cố gắng làm một bài về vấn đề này sau khi đã đi qua hết các công ty dot-com trong danh sách ^_^

Nặc danh nói...

Một số ý kiến của em:

Kiểm tra vài từ khóa có thể thấy mp3.zing chưa có chức năng full text search mà chỉ là so chuỗi kiểu kiểu LIKE '% query for search %' nên không phải đối tượng để bàn bạc. Tuy nhiên Zing SEO tốt nên được biết đến nhiều hơn các SE kia.

Baamboo và zing cùng bỏ hết dấu trước khi search nên search 'mắt' và 'mất' đều cho kết quả như nhau. Baamboo hình như vì lí do SEO nữa nên khi search có dấu thì đều redirect đến 1 URL chứa cụm từ không dấu.

Các phần khác em không biết nhưng kiểm tra thử với music search thì chỉ có baamboo là SE duy nhất trong bài này không cache file lên server của họ. Và để đối phó với khả năng các chủ site nhạc đổi link, Baamboo tìm lại link nhạc mỗi khi người dùng yêu cầu download (có lẽ là có cache lại trong vài giờ để tăng performance). Các SE khác đã cache file rồi thì không còn lo về vấn đề này.

Vấn đề bản quyền là vấn đề không nhỏ khi các SE này phát triển. Ví dụ với search tin tức, nếu chỉ tổng hợp RSS thì không sao, nhưng kiểu bóc tách dữ liệu để lấy trọn bản tin của socbay thì có thể bị kiện vì khi đó lợi nhuận quảng cáo của các trang tin chính thống bị chia sẻ bởi các News SE như vậy. Phần này cần phải học thêm cách làm của Google News.

Theo quan điểm của em vấn đề bản quyền của các Vertical search là không thể giải quyết triệt để được vì bản chất của các SE này là cố gắng tái tạo lại toàn bộ database của website bị search thông qua cron và parse dữ liệu để cung cấp trên website của mình. Lúc này người dùng chỉ cần vào các SE này là tìm được đầy đủ thông tin mình cần, các website bị search sẽ mất khách. Điều này ngược lại hoàn toàn với Google là khi tìm thông tin trên Google người dùng phải đến trang gốc để đọc được thông tin đầy đủ (và các webmaster có thể yêu cầu Google không được index, hoặc không được cache các trang web của họ nữa nếu họ muốn -> các bác SE của Việt Nam mà tuân thủ luật này thì chắc không còn đường làm ăn).

Tuy nhiên vấn đề có thể giải quyết phần nào nếu vi dụ khi tìm nhạc thì chỉ trả về link file nhạc và link trang nghe nhạc gốc, và không được embed nhạc vào các trang SE mà người dùng chỉ có một cách duy nhất để nghe được bản nhạc là đến trang gốc. Làm vậy thì quyền lợi của SE và site bị search không còn dẫm đạp lên nhau.

ngonpham nói...

@Phle: Thực ra Baamboo cũng cache nhạc một số site đấy em à! Nhưng không hoàn toàn như Socbay hay Xalo.vn

Còn về vấn đề cache hết tin tức và nhạc trên site như em nói thì anh hoàn toàn cũng không đồng tình chút nào. Ở nước khác, các công cụ tìm kiếm nhạc hay P2P share còn bị khởi kiện nữa là, chắc chỉ có Việt Nam là dám chơi chiêu này.

Tuy nhiên điều này giúp chúng ta suy ra được phần nào là thị trường Việt Nam có lẽ vẫn còn quá nhỏ, trong khi số lượng vốn và số công ty nhảy vào lĩnh vực này càng nhiều, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nên các công ty sẵn sàng dùng các chiêu không fair lắm như em nói, chỉ để giành giật từng khách hàng một, không tôn trọng quyền tác giả của người khác :(

Nặc danh nói...

socbay không phải cache đâu. Họ mua nhạc rồi up lên host của họ đó. Xem mấy cái nguồn thì rõ mà.

Lê Văn Tiên nói...

Không hiểu socbay dùng thuật toán gì để tìm kiếm, ví dụ search hình ảnh: mình gõ vào "Manchester united" thì ra một số kết quả, tuy nhiên khi gõ "Manchester united logo" thì không được kết quả nào cả, chịu không hiểu ông này tìm kiếm kiểu chi nữa :(

Unknown nói...

không bit chừng nào socbay tiến bộ vượt bậc hơn nữa, chứ cái đà này người dungf thông thường chả bít họ là ai, ngoài dân công nghệ như các anh,
e là sv năm 2 đại học ngân hàng, có làm bài tiểu luận về google VN và các công cj tim kiếm Việt, thực ra cũng khó bên vực sản phẩm của VN vì nó quá tệ so với google . còn zing.mp3 nghe nói mua công nghệ từ TQ fai ko, đó thực chất ko fai hàng Việt, với lại hiện nay gioi trẻ vào zing khá nhiều nhưng theo e zing ko có trách nhiệm cho lắm khi đăng quá nhiều tin nhảm, ảnh hưởng tư tưởng của giới trẻ về lâu về dài

Unknown nói...

theo e ,quỹ đầu tư mạo hiểm là con dao hai lưỡi nhưng các quỹ này rất cần cho dân công nghệ trẻ như các a (chị) vào thời kỳ này... chứ còn hy vọng vào các ngân hàng và chính sách của nhà nước chỉ là hảo huyền mà thôi?? công nghệ mới là mạo hiểm mà, chẳng ai tự tin rót vốn vào điều chưa thể nói trước đc điều gì. chúc các anh luôn may mắn, thành công. hôm nào xem duyên dang sinh viên ngân hàng nhớ liên lạc với em, để e giới thiệu cho vài nàng..hehe

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More