Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Vì sao Web 2.0 Việt Nam chưa kiếm được tiền?



Trong một năm làm việc vừa qua, tôi đã có cơ hội đi gặp gỡ rất nhiều các công ty cùng làm về web 2.0 khác nhau để cùng trao đổi về các cơ hội trong ngành cũng như Internet Việt Nam nói chung. Có một câu hỏi mà hầu hết chúng tôi đều phải thảo luận đó là "Tại sao các web 2.0 Việt Nam hiện nay vẫn chưa kiếm được tiền hoặc chưa kiếm đủ như các nhà đầu tư kỳ cọng". Nên tôi cũng tranh thủ ngày cuối tuần rảnh rỗi ngồi tổng kết lại để rút kinh nghiệm và chia sẻ cùng mọi người

1. Hầu hết dân làm về Web 2.0 đều là dân kỹ thuật: Chính vì vậy đều xuất phát với một ...lý tưởng cao đẹp ^_^ là chỉ cần sản phẩm mình có ích, được nhiều người sử dụng, là từ từ mình sẽ kiếm được tiền. Tôi hoàn toàn đồng ý và bản thân tôi lúc bắt tay làm cũng có suy nghĩ đó. Tuy nhiên có một điều ít ai để ý là không biết khoảng thời gian từ lúc có sản phẩm đến lúc ...kiếm được tiền là bao lâu. Nếu có thì cũng đưa ra những con số rất tượng trưng, không chắc chắn. Có thể nhìn vào các site nhạc phim ở VN làm ví dụ. Tiền bỏ ra cho server thì khá nhiều nhưng cũng không chắc đến bao giờ mới có thể kiếm tiền. Tất nhiên một số người xây dựng trông đợi làm để bán lại nhưng cũng câu hỏi tương tự, không biết từ lúc có sản phẩm đến lúc ...có thể bán lại (và bán cho ai) là bao lâu?

2. Nhiều sản phẩm bắt đầu với ý tưởng "clone" một sản phẩm đã thành công ở thị trường khác: Đây cũng là một ý tưởng hay nhưng áp dụng vào VN thì tôi nghĩ chỉ rất ít sản phẩm đáp ứng thực sự nhu cầu của thị trường mới có thể thành công. Có rất nhiều yếu tố khác biệt có thể nêu ra: GDP đầu người còn quá thấp nên nhiều dịch vụ có thể nói là quá xa xỉ nếu phải bỏ tiền ra, hạ tầng VN còn nhiều yếu tố chưa hoàn chỉnh điển hình như thanh toán điện tử, xã hội và các mối quan hệ có nhiều thứ không rõ ràng như ở các nước khác...

3. Tổ chức công ty và thiết kế sản phẩm kém: Do là start-up nên các nhóm thường không nhiều người nên hay xem nhẹ việc tổ chức quản lý và thiết kế sản phẩm theo quy trình. Phần lớn đều xem ý tưởng và thị trường là yếu tố quyết định, đợi khi lớn có tiền thuê người ...tổ chức lại chắc cũng không sao. Chính vì vậy mà khá nhiều trường hợp dẫn tới tình trạng lộn xộn, lủng củng nội bộ, các sản phẩm thiết kế ra không có cấu trúc rõ ràng, mang tính làm cho có, nhiều bug và không thể quản lý trong trường hợp bùng nổ sau này.

4. Sức ỳ của đội ngũ lãnh đạo: Thông thường lúc mới đầu mọi thứ còn màu hồng nên các anh em đều còn sung. Nhưng càng ngày khó khăn càng xuất hiện đòi hòi phải lựa chọn và giải quyết nhanh chóng. Và nếu đội ngũ lãnh đạo công ty không năng động dứt khoát trong trường hợp này thì hầu như sẽ kéo toàn bộ công ty ỳ theo, làm các kế hoạch dự án trễ tiến độ. Rồi đến một lúc xuất hiện một thỏa thuận ngầm giữa các thành viên với nhau, thôi thì ...chúng ta cùng ỳ :)). Đó là trường hợp tôi thấy ở khá nhiều công ty VN hiện nay. Một nhân viên quỹ đầu tư tâm sự với tôi rằng họ vẫn phải thường xuyên đi thăm hỏi và tạo áp lực cho những công ty mà họ đang đầu tư.

Đến đây một câu hỏi được đặt ra là vậy làm thế nào để có thể thiết kế một sản phẩm Web 2.0 kiếm được tiền??? Thật lòng tôi cũng không biết, chỉ xin nêu một số kinh nghiệm nhằm hạn chế những rủi ro ở trên

1. Tránh đối đầu trực tiếp với các đại gia nước ngoài: Cá nhân tôi nghĩ rằng với trình độ Việt Nam hiện nay, trong một tương lai gần rất khó để xây dựng một sản phẩm "có cấu trúc" đủ sức cạnh tranh với các đại gia quốc tế như Google, Facebook... Thôi thì cứ để họ đầu tư và làm cho mình xài, các sản phẩm cũng dần dần có tiếng Việt hết đó thôi. Sẽ có một số người nghĩ tôi không có tinh thần dân tộc. Nhưng rõ ràng việc xài các sản phẩm quốc tế sẽ giúp nâng cao trình độ và khả năng giao lưu của người VN với thế giới bên ngoài. Rồi đến một lúc nào đó, số người dùng Blogger, Facebook... đông đảo, chúng ta có thể dễ dàng thiết kế những plugins phục vụ cho người Việt và từng bước đi ra bên ngoài. Một số chuyên gia kinh tế khuyên VN nên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, một số kỹ sư nước ngoài cũng khuyên tôi trước tiên nên phát triển các sản phẩm nhỏ trên hạ tầng của các hãng lớn. Bản thân tôi cũng thấy đây là một hướng đi tốt.

2. Xây dựng các sản phẩm gắn chặt với các hoạt động offline: VD như thương mại điện tử, kiếm việc... Những sản phẩm không quá lớn lao nhưng phục vụ cho lợi ích rất thiết thực hiện tại. Hơn nữa làm vậy thì đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ không nhiều, thay vì đó có thể dành nguồn kinh phí để tập trung cho các hoạt động offline cụ thể và kiếm tiền từ đây.

3. Hãy kiếm tiền từ sớm, dù ít: Tôi đã chứng kiến có vài dự án tự giải tán chỉ sau 1.5-2 năm, do nhà đầu tư không rót tiền nữa. Bởi vì họ không đủ kiên nhẫn mỗi năm bỏ vào vài tỷ, trong khi không hề thấy một thành quả nào từ nhóm phát triển. Tôi cũng hiểu công nghệ là cuộc đua lâu dài nhưng dường như rất ít nhà đầu tư VN nghĩ được như vậy. Nên chắc nhất vẫn nên cố gắng kiếm tiền từ sớm, bởi đó cũng sẽ là một niềm động viên cho lãnh đạo và nhân viên công ty, cũng như hứa hẹn cho nhà đầu tư về một tương lai tươi sáng dự án mình bỏ tiền vào.

4. Từng bước xây dựng tổ chức công ty, quy trình sản phẩm và mở rộng các mối quan hệ: Tất nhiên không cần quá lý thuyết như những gì trong sách vở, nhưng có một số thực hành hữu ích dành cho các công ty nhỏ có thể dễ dàng áp dụng, các buổi hội thảo/khóa học về quản lý cũng khá hữu ích. Cố gắng từng bước áp dụng, thích nghi làm cho tổ chức ngày một chuyên nghiệp hơn, tinh thần nhân viên cũng phấn chấn vì cảm thấy mình ngày một tiến bộ. Ngoài ra mở rộng các mối quan hệ là một vấn đề cần thiết, cố gắng xây dựng các mối quan hệ cá nhân vững bền thay vì chỉ những quan hệ đối tác thông thường. "Giàu vì bạn, sang vì vợ", thành công của bạn bè sẽ giúp mình nhiều thuận lợi hơn và ngược lại ^(^

Đến đây, tự nhiên tôi nảy sinh một ý tưởng là sao không thử điều tra và áp dụng các tiêu chí này để phân tích một số công ty Internet VN hiện nay? Ít ra là xác định thử công ty nào triển vọng để ...nhanh chân mua cổ phiếu kiếm lời sau này ;)). Nhưng giờ buồn ngủ quá rồi, thôi để khi nào có thời gian ngồi suy nghĩ tiếp :)

19 nhận xét:

dvhung nói...

Có một điểm H rất đồng ý là thay vì làm tất tần tật từ đầu, thì dựa vào mấy ông lớn, mình làm mấy cái con con như plugins, extensions gắn vào và kiếm lợi.

Đôi lúc tự hỏi, không biết là mình đang bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của Ngôn trong một số vấn đề không nữa. Chắc phải cai đọc những gì Ngôn viết một thời gian :D

ngonpham nói...

@dvhung: Haha, anh Hưng nói quá! Một số vấn đề thì khá rõ ràng rồi, nên nhiều người có cùng quan điểm mà :D

Nặc danh nói...

Thế khó cho VN, không chỉ ngành IT. Với nền tảng khoa học cơ bản hầu như ko có, chưa trải qua giai đoạn công nghiệp thực thụ nên trình độ quản lý, thói quen làm việc rất chụp giật, ăn xổi. Việc tạo ra 1 sản phẩm made in VN với hàm lượng công nghệ cao và chiếm lĩnh thị trường quốc gia và có thể vươn ra thế giới có lẽ là câu hỏi còn dài mới có câu trả lời. Chúng ta vốn sinh ra trong 1 nước tiểu nông, tư duy tiểu nông nhưng muốn làm "lớn", ngẫm?. Riêng về Internet những năm vừa qua, đi đâu người ta cũng nói đến web 2.0, xây dựng cộng đồng, quảng cáo... và tôi đặt câu hỏi: liệu cái cộng đồng đó lớn đến mức nào để kiếm được tiền bù vào hạ tầng, con người đầu tư cho cái cộng đồng đó. Bản chất IT là xử lý và truyền tải thông tin từ A ->[B]n, tôi rất vui vì thấy nhiều DN ứng dụng thành công như vinabook, viettravel, tôi đã tiếp xúc với họ và thấy họ là người kinh doanh thực thụ. Theo tôi chiêm nghiệm, giá trị của web 2.0 = ý tưởng + quy mô và tính sẵn sàng của thị trường (hic, cả 3 thứ này từ trước đến nay đều xuất phát từ America). Có lẽ chỉ nước Mỹ mới cho phép những ý tưởng mới sớm có khả năng kiểm nghiệm và mở rộng nhanh chóng, facebook và mới đây là twitter là 2 ví dụ điển hình. Với twitter, ý tưỏng thật tuyệt khi họ cho rằng short mesage trên mobile device được truyền dẫn qua hình thức following là cốt lõi của truyền thông đại chúng. Và bạn thấy đó, nước Mỹ với 50 tiểu bang, mỗi ban hoạt động gần như 1 quốc gia, văn hoá, đặc điểm kinh kế có sự khác nhau nhiều, và họ là thể thống nhất United States. Và chỉ nước Mỹ mới có tính sẵn sàng thị trường cao nhất, điển hình như vừa rồi, Barack Obama đã dùng ngay mạng twitter để thực hiện cho tranh cử. Còn bạn, VNese, bạn có ý tưởng gì đột phá ko? quy mô và sự sẵn sàng của thị trường có cho phép bạn kiểm nghiệm và mở rộng ko? Có lẽ, thời gian này tôi cũng cố suý với Ngôn rằng, nên làm các dự án online kết hợp với offline. Ví như mấy site nhạc, mai mối, diễn đàn gia đình, du lịch lên mở các shop, quán càfê dành cho thành viên và thi tiền đều đều :)... eo, tôi cũng muốn thử kiểu này quá, vừa bán phở nuôi thân, vừa nuôi ước vọng "lớn".
phuongcsa

Nặc danh nói...

Chào anh Ngôn,

Tôi là Minh Nghĩa, Biên tập viên trang Nhịp Sống Số báo Tuổi Trẻ TPHCM.
Tôi xin phép anh lấy bài này đăng trên trang Blog quanh ta cua nhipsongso.tuoitre.com.vn có được không? Những bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ đều được trả nhuận bút.
Địa chỉ mail của tôi là minhnghiatuoitre@gmail.com
Mong anh trả lời sớm
Xin cảm ơn

ngonpham nói...

@phuongcsa: Vậy là mình cùng chí hướng rồi. Đúng là dẫu biết Việt Nam còn nhiều bất cập nhưng chúng ta vẫn nên cố gắng từng bước, phát triển chắt chiu từng sản phẩm nhỏ. Khi đã thành công thì từng bước vươn xa rồi phát triển các sản phẩm lớn hơn. Nhất định là từ từ xã hội cũng sẽ thay đổi và hoàn chỉnh hơn ^_^
@Nghĩa: Cám ơn anh Nghĩa đã quan tâm đến bài viết, Ngôn rất vui và sẵn lòng. Anh Nghĩa cứ lấy và biên tập lại bài viết nếu thấy cần thiết ;)

Unknown nói...

Wow, mới đọc bài viết của anh lúc tối, trưa nay lên Tuổi trẻ đã thấy bài viết của anh chiễm chệ trên đó rùi, hay quá, hehe, anh sắp có nhuận bút rùi kìa.
Nói chung em đồng tình với các ý kiến của anh.
1. Dân web 2.0 cả trong nước và nước ngoài là dân thuật, hoặc được khởi nghiệp từ dân kỹ thuật
2. Về các sản phẩn clone, nếu chỉ bắt chước y chang mà không gắn với tính-bản-địa thì cam go lắm. Em chỉ tiếc cho clip.vn!(chẳng biết VC dạo này có buông xuôi không, mà trang load video chậm hẳn)
Ngoài ra, một lý do khác như anh phuongcsa nói, vì đất nước mình còn nghèo, không như ở Mỹ, em đọc về những ngày khởi nghiệp của facebook, mức độ thu hút đầu tư của họ thật ghê gớm, thêm vào đó, cộng đồng của họ dễ chấp nhận, thích ứng với một ý tưởng mới hơn, bởi chỉ sau 1 tháng, nửa số sinh viên Harvard đã đăng ký thành viên trên facebook rùi.

Em sắp ra trường, biết rằng các công ty khởi nghiệp có nhiều khó khăn nhưng em lại thích làm việc ở đó hơn, bởi em nghĩ mình sẽ có cơ hội học được nhiều thứ, có cơ hội đeo đuổi một ý tưởng nào đó, chứ không phải ràng buột và các project như các công ty lớn.
Ah, cho em hỏi, công ty anh có định tuyển thêm nhân viên lập trình không vậy? Nếu được làm việc cùng anh thì hay quá.

ngonpham nói...

@KING: Em nói đúng đó, đúng là các công ty start-up trong lĩnh vực này ở VN sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đôi lúc anh cũng tự hỏi rằng liệu mình ...có đi lộn ngành ;). Nhưng rồi anh vẫn tin VN sẽ từng bước đi lên, cũng như anh em ta phải tiếp tục cùng cố gắng góp sức.

À, công ty anh thì chưa có ý định tuyển thêm, nhưng khi nào tốt nghiệp thì cứ liên hệ với anh. Anh quen vài công ty khởi nghiệp cũng rất tốt và triển vọng ;)

CungHi nói...

Chào Ngôn,

Việc một trang web có kiếm ra tiền hay không theo mình nó tùy thuộc vào việc mình hiểu rõ vấn đề mình cần giải quyết cho khách hàng hay không và vấn đề nào khách hàng đồng ý trả tiền chứ không phụ thuộc vào người founder là dân kỹ thuật hay kinh tế. Công ty của mình làm trang web www.cunghi.com và hiện đang làm ra tiền chỉ sau 2 tháng mà mình chắc chắn không cần fund từ VC công ty mình vẫn ổn. Theo mình thấy, có rất nhiều cơ hội cho các công ty internet tại VN và mình khuyến khích các bạn startup không nên dựa vào VC funding thì các bạn sẽ tìm ra được các tồn tại cho mình.

Chúc mọi người vui vẻ và mạnh dạn startup công ty internet tại VN vì có nhiều cơ hội. Nếu các bạn nào cần mình đóng góp ý kiến cho dự án thì vui lòng liên hệ mình.

Thân chào

Nguyễn Việt Dũng nói...

Hi anh Ngôn,

Một bài viết rất hay, nhẹ nhàng, dí dỏm mà rất chính xác. Nhân tiện, em là Việt Dũng - cũng là một Bk-er, có connect với anh Ngôn trên cyvee đó ạ.

Em cũng lăn lộn trong ngành online được gần 2 năm [em bắt đầu làm trong ngành này tháng 1/2008 tại YAN JSC do IDG Ventures đầu tư] nên cũng xin chia sẻ ít kinh nghiệm của mình:

@1/ Hầu hết dân làm web 2.0 là dân kỹ thuật: điều này khá chính xác, nên họ hơi nhầm lẫn giữa khái niệm "tốt" trên mặt kỹ thuật so với khái niệm "tốt" của người tiêu dùng và thị trường. Không cần các công nghệ quá hoàng tráng hay tiên tiến, quan trọng nhất là tính thân thiện và quen thuộc với người sử dụng - như bằng chứng là 4rum vẫn đóng một vai trò khá quan trọng trong các technical platform hiện nay của các web lớn tại Việt Nam chứ không phải các 2.0 hay open social site technical platform. YAN sau hơn 1 năm phát triển YanHO với tham vọng "YAN 2.0" và tiến lên "YAN 3.0" - hiện đã quay trở lại back-up nguồn lực cộng đồng trên 4rum, vốn ít nhiều bị bỏ bê khi IDG Ventures đầu tư vào YAN tháng 11/2006.

@3/Tổ chức công ty và phát triển sản phẩm kém: điều này cũng rất đúng. Đa phần các công ty của IDG Ventures đầu tư rơi vào 2 tình trạng: đội ngũ founders ban đầu bất đồng và rời bỏ công ty vì mâu thuẫn với các bên đầu tư [vd: vietnamb2b hay các sản phẩm của VC Corp], hay ngược lại: trở nên quá phụ thuộc vào các nhà đầu tư - dễ dàng để nhà đầu tư lái theo hướng dễ-có-doanh-thu mà mất đi nhiệt tình và hướng đi cũng như giá trị riêng của mình. Ngoài ra rất ít các công ty [trừ Vinagame] có một hệ thống tester chuyên nghiệp trước khi ra các sản phẩm mới - mà trong môi trường online, thử nghiệm là bảo hiểm giá rẻ.

@4/ Sức ý của đội ngũ lãnh đạo: Đây một phần cũng là do các cá nhân hay nhóm khởi nghiệp chưa thật sự chuẩn bị nghĩ và cam kết lâu dài với dự án của mình. Hầu hết các web owners em gặp đều tâm sự không rõ sẽ phải làm gì với trang web của mình sau khoảng thời gian từ 3 - 5 năm. Nhiệt tình buổi ban đầu cạn dần mà khó khăn thì cứ dồn dập, lợi ích thì chưa thấy đâu khiến không ít trang web rơi vào tình trạng "nửa vời" - "hồn mất xác còn".

Nguyễn Việt Dũng nói...

Em cũng xin chia sẻ vài kinh nghiệm của mình về cách kiếm tiền từ trang web 2.0 tại Việt Nam - theo kinh nghiệm của mình. Theo em có vài điểm cần lưu ý như sau:

1/ Cần tự hỏi mình 4 câu hỏi chính sau đây:

a)Khách hàng mục tiêu của bạn là gì? Mô tả thật kỹ. [Customer description]

b)Trang web/công cụ/Mxh/... của bạn mang lại những lợi ích[benefit] gì? [User benefit].

c)Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai? online? Offline? Điểm mạnh - điểm yếu? [Competitors]

d)Làm sao bạn tạo ra được lợi ích một cách khác biệt với các đối thủ của mình? [Diffirentation]

e)Làm sao bạn quy lợi ích [benefit] đó thành lợi nhuận[profit]? [Making profit]


Đây là các câu hỏi khá căn bản với bất kỳ dự án online nào. Nhưng đa phần các công ty online Việt Nam "quên" trả lời - nhất là câu [e)Làm sao bạn quy lợi ích [benefit] đó thành lợi nhuận[profit]? [Making profit]].

Chính bằng việc trả lời câu e) chúng ta mới có thể quyết định loại hình công ty và loại hình kinh doanh của chúng ta được. Đừng nhầm lẫn tôi làm một website thì tôi là công ty dot com. Công ty dot com đơn thuần tại Việt Nam rất khó phát triển vì các dịch vụ kiếm tiền từ online tại Việt Nam còn khan hiếm. Nhưng đa phần các công ty online Việt Nam lại "nghiễm nhiêm" xem mình là công ty "dot com".

Q:Vậy không là công ty dot com thì là công ty gì?
A: Bất cứ loại hình công ty gì phù hợp với chiến lược kinh doanh và dễ dàng thu lời. Như công ty của em hiện nay tự định nghĩa mình là "digital marketing agency" - có nghĩa là cạnh tranh với Admicro, admax, red.vn hay notch.vn [ex-Liquidline] trong lĩnh vực digital marketing. Bên em ngoài online thì còn kết hợp với Vietguys [www.vietguys.biz] để cung cấp các giải pháp mobile + online - như vậy mình sẽ chủ động tìm clients hơn là ngồi chờ sales mang từng banner về.

Q: Sao lại phân biệt giữa "benefit" và "profit"?
A: Vì online thường mang lại great benefit [media, database, traffic, ....] nhưng không nhất thiết phải dùng chính online để kiếm tiền. Nghĩa là không cần thiết chúng ta phải nhăn nhó đi bán từng cái banner, hay bán cả database trong một số trường hợp web nhỏ [dù việc này có thể bị xem là bất hợp pháp], mà chúng ta có rất nhiều hướng có doanh thu khác. Vd kết hợp với một nhãn hàng mới nào đó để promote cho họ, ăn chia trên % chẳng hạn, hay dùng thế mạnh media online có sẵn của mình đầu tư vào một hệ thống kinh doanh offline nào đó [bên em cũng đang incharge phần digital marketing cho 1 chuỗi cửa hàng cafe của người quen với thỏa thuận là 30% doanh thu hàng tháng].

Vài chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân là vậy. Rất mong hôm nào sẽ có dịp cafe với anh Ngôn và bà con trong ngành để trao đổi thêm nhé.

Nice new week bà con. Cám ơn anh Ngôn lần nữa về bài viết rất bổ ích.

ngonpham nói...

@ChungHi: Cái này thì đồng ý hoàn toàn với bạn. Tuy nhiên web 2.0 có nhiều điểm khác biệt, do đó đôi lúc khách hàng chưa đồng ý với sản phẩm của mình lúc đầu nhưng về sau thì sẽ rất có tiềm năng :). Hihi, sắp tới nếu có khó khăn chắc chắn sẽ liên hệ với bạn

@Nguyễn Việt Dũng: Đầu tiên, cám ơn em về những chia sẻ rất nhiệt tình và thực tế. Thực ra những kinh nghiệm mà anh nêu ra cũng xuất phát từ những công ty mà anh đã tiếp xúc cùng chia sẻ lại

A nhận thấy hướng đi của công ty em khá triển vọng. Đúng là không nhất thiết cần phải làm online thì mới là công ty dot-com và thành công. Chỉ cần mình có thể tận dụng tốt các thế mạnh của online và phục vụ cho những lợi ích của khách hàng và thu được lợi nhuận, có lẽ đó là hướng đi tốt nhất mà a đồng ý chúng ta nên làm tại thời điểm hiện tại, trước khi có đủ lực để thực hiện những dự án xa hơn ;)

Nguyễn Việt Dũng nói...

Hi anh Ngôn, rất vui vì anh có cùng quan điểm với em. Hôm nào rảnh cafe nói chuyện thêm hen anh :)

Unknown nói...

Một vấn đề khá nhức nhối của các cty 2.0 hiện nay, Hiện tại IDG là cty đang quản lý nhiều dự án 2.0 hàng đầu VN hiện nay. Nhưng chỉ mỗi bác Vinagame là thành công, còn lại các dự án khác đang vào tình trạng khủng hoảng lối đi. Lăn lội trong AHA từ ngày đầu thành lập cũng là 1 cty IDG đầu tư. một vấn đề lớn của các cty là tầm nhìn ko đc nhất quán. Nguyên nhân, chính ở con người, như bác nói xuất thân từ dân kt, và thường rất trẻ tầm U30 nên vốn sống và kinh nghiệm chưa được nhiều. Nên lập trường không vững, và mắc 1 bệnh khá nặng là cứ chăm chăm vào sản phẩm, đã từng nghe bác trưởng phòng kt nọ bảo chỉ cần làm sp tốt còn chuyện khách hàng dùng hay ko tính sau. Khi giới thiệu chức năng mới các bác thường bỏ quên yếu tố người dùng. Vì các bác kt thường sống khép kính thế giới đối với các bác chỉ là màn hình laptop. Còn ngoài kia khách hàng đang nghĩ gì thì bác ko biết, mãi mê chạy theo công nghệ mới nhất nhưng ko thể áp dụng vào thực tiễn VN. Và phần lớn chả có tester gì cả, cứ làm, tới đâu sửa tới đó mà chưa tính đc dài hạn.

Ngoài ra còn là tính hợp tác giữa các cty, các bộ phận còn kém, xuất thân là nông dân và tư tưởng ích kỷ hẹp hòi nên khi hội nhập bác nào cũng khư khư ko chịu open chia sẽ.

Và ngủ quên trên chiến thắng, phần lớn các dự án 2.0 ở VietNam là copy và việt hóa đầu tiên so với những cty khác. Vì thế khi được báo chí tung hô, pr là các bác quên luôn đường về với mặt đất sống với ảo tưởng lớn lao. Quên đi thực tại của xh đang tồn tại. Người Việt nghĩ khác người Mỹ hay người Châu Âu, một sp hay dịch vụ mới và tiên tiến thành công bên đó, về VN chưa chắc đã thắng, bởi các yếu tố hạ tầng và con người có quá nhiều sự khác biệt.

Các bác quên đi cái chân lý " Hữu xạ tự nhiên hương", bởi vì ngày này ko có hương thì dùng nước hoa hương quá trời. Mọi công ty đều là công ty marketing, các bác đang xài hàng của microsoft nhưng microsoft ko phải là cty có những phần mềm tốt nhất, mà là cty marketing giỏi nhất.

ngonpham nói...

@masieu_return: Cám ơn bạn đã chia sẻ thêm những kinh nghiệm rất thực tế khác.

Mình cũng đã từng đi gặp nhiều người, có những người không am hiểu về thị trường web nhưng họ vẫn ...quả quyết rằng cứ sản phẩm tốt là sẽ kiếm được tiền. Có lẽ đó cũng chính là một trong những nguyên nhân động viên các nhóm cứ liên tục phát triển sản phẩm, còn đầu ra thì không cần biết thế nào cũng được.

Còn về mối liên kết đúng là VN vẫn còn nhiều cái lỏng lẻo, nếu các công ty chịu liên kết chia sẻ thông tin thì có thể sẽ hạn chế được khá nhiều rủi ro. Tuy nhiên đúng là như bạn nói vẫn còn tính không chịu open ở phần lớn người Việt Nam

Vấn đề thứ ba thì mình cũng đồng tình luôn. Hầu hết mọi người khi được báo chí đưa lên mây là bắt đầu xao lãng công việc chính. Điển hình ở các cuộc thi mình đã chứng kiến mấy em học sinh cấp 1, cấp 2 mới chỉ đạt được một số giải thưởng ban đầu. Tuy nhiên cũng chính các điều đó chôn vùi khả năng của mấy em bởi gia đình và mọi người đã gây ảo tưởng khiến các em nghĩ mình đã là tài năng rồi và không cần cố gắng phấn đầu nữa :(

CungHi nói...

Chào các bạn,

Kinh nghiệm của mình là khi startup các bạn đừng nên quá quan tâm về web 1.0 hay web 2.0, những cái đó nó không quan trọng. Cái quan trọng nhất là làm sao giải quyết vấn đề nào mà khách hàng đồng ý trả tiền. Nguyên nhân đa số các công ty web ở VN thất bại là do không xác định rõ được cái nào là quan trọng nhất. Hiện tại trong founding team của CungHi.com có người hiện đang là Lead Architect cho CSC Việt Nam nhưng nếu các bạn xem qua thì thấy web site rất đơn giản vì theo mình việc hiện thực theo web 2.0 không phải là cái mà mình cần quan tâm hiện nay.

Chia sẽ chút kinh nghiệm, mình có 2 người bạn hiện đã startup 2 công ty tại VN và xây dựng web site
Công ty 1: nhận được đầu tư rất lớn từ VC nhưng chưa có lợi nhuận sau 4 năm. Founding team trục trặc với nhau
Công ty 2: chưa có lợi nhuận sau 2 năm và đã tốn rất nhiều vốn.
Lý do 2 công ty trên chưa thành công là do giải quyết đúng vấn dề mà khách hàng đồng ý trả tiền.

Chúc các bạn thành công
CungHi

Phan Tới nói...

www.globalfreeblog.com là site bàn về các phương pháp kiếm tiền trên mạng và download phần mềm miễn phí. Đây là site tập hợp các site PTC, PTS, offers, Affiliate, Bet, Casino, Poker, Adsense..... Ngoài ra còn có những phần mềm download miễn phí dành cho máy tính cũng như điện thoại .....Hãy ghé thăm và cùng phát triển!!! Trao đổi link, logo xin vui lòng liên hệ qua site ở mục Contact!!! WWW.GLOBALFREEBLOG.COM xin trân thành cảm ơn!!!!

phanbonmy.com nói...

Cám ơn bạn đã chia sẻ thêm những kinh nghiệm rất thực tế khác.
www.cunghi.com
CungHi mới ra phiên bản 2 viết bằng Java ,thiết kế đơn giản...mình thấy trang web làm rất hay....còn ý kiến các bác thì sao

Nặc danh nói...

Tại sao 2.0 mà còn hạn chế bởi thực tế 2.0 nội địa đúng nghĩa với 2 từ 'Nội Địa', không gian hạn chế (bao gồm lãnh thổ hoạt động, giao diện, tiện ích, nội dung). Tại sao lại không giám đối đầu, không những đối đầu mà còn phải làm giỏi hơn những "Ông Lớn" của thế giới.
Tôi một người nông dân, không trình độ + không bằng cấp Nhưng dám nghĩ và đang có kế hoạch làm việc đó. vấn đề là ở chỗ 'con người'. Tôi tìm hiểu thông tin và thấy bạn là một người có thành tích nhưng mặc dù đã gửi thông điệp liên hệ nhiều lần mà vẫn không nhận được hồi âm. Một khi còn bỏ ngoài tai những điều cần nghe thì thử hỏi làm sao mà tiến bộ cho được!.

Hoa Anh Nguyen nói...

Bài này: Tản mạn internet Vietnam: http://www.yousecond.com/NguyenAnhHoa/blog/11906/

cũng được viết đầu năm 2009.

[Lưu ý là cách nhìn 3.5 năm trước].

YouNet vì lí do đó đã ra thế giới để học cách làm sản phẩm.

[www.younetco.com]

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More