Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Giấc mộng "Go Global" của các công ty CNTT Việt

Làng CNTT Việt Nam đã chứng kiến hai sự kiện chấn động đầu tháng 10 này, đó là BKIS giới thiệu sản phẩm BKIS Internet Security với tham vọng ra biển lớn, cùng với tham vọng Viettel chuẩn bị tiếp tục đầu tư vào Bangledesh sau thành công tốc độ tại thị trường Campuchia. Hai sự kiện trên ít nhiều gợi lên trong suy nghĩ mỗi người làm CNTT như chúng tôi một điều gì đó tự hào. Có lẽ đã đến lúc CNTT Việt Nam phải từng bước có những công ty “dũng cảm” tiến ra thị trường toàn cầu, và những công ty trong giai đoạn này sẽ đóng vai trò tiên phong.

Lẽ dĩ nhiên, không phải công ty nào cũng có thể làm được điều này. Bản thân tôi suy nghĩ chỉ có những công ty với định hướng chiến lược tốt, mang đậm dấu ấn công nghệ và hơn hết phải thực sự có tầm nhìn mới có thể thực hiện sứ mệnh này. Vậy đâu sẽ là những công ty CNTT Việt Nam có khả năng như vậy? Đó là vấn đề tôi mong muốn chia sẻ qua bài viết này, và tôi nghĩ đó cũng là một câu trả lời tốt cho bài viết “Lối thoát nào cho lập trình viên Việt Nam?” mà tôi vẫn đang còn bỏ ngỏ ;)


Có lẽ không cần phải tốn nhiều thời gian để giới thiệu về đại gia này. Với sự hậu thuẫn từ quân đội cùng với tác phong làm việc chuyên nghiệp nên chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Viettel đã vươn lên trở thành một thế lực lớn trong làng CNTT Việt Nam. Ngoài ra với việc đã được chính phủ quy hoạch thành một trong hai đại gia cầm đầu lĩnh vực này trong vòng những năm kế tiếp, Viettel đã có thể yên tâm phần nào để thực hiện chiến dịch “Go Global” của mình.

Nhìn vào cách Viettel đang làm, có thể dễ dàng nhận thấy chiến lược của họ là tận dụng mô hình xây dựng hạ tầng tốc độ của mình. Đầu tiên họ sử dụng kỷ luật quân đội để đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng trong một thời gian cực ngắn, song song với việc cung cấp Internet miễn phí đến khắp các trường học để dành cảm tình người dân địa phương cũng như đánh bóng thương hiệu của mình.

Với cách này họ đã thành công tại Việt Nam, Campuchia, Lào và sắp tới có thể là Bangledesh. Tuy nhiên với mô hình này thì có lẽ Viettel chỉ có thể thành công tại các thị trường đang phát triển, diện tích hẹp, và còn tương đối sơ khai. Với các thị trường khác nếu muốn tiếp cận, họ sẽ cần phải có một chiến lược hoàn toàn mới, cũng như phải đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên đi được đến đây cũng đã có thể xem là một thành công đối với một công ty cung cấp hạ tầng như Viettel, và họ sẽ mở đường cho hàng loạt các công ty chư hầu khác tiến vào những thị trường này. Và trong số những công ty đó, sẽ có những công ty đủ năng động nhạy bén để tiếp tục tiến xa hơn.


Một công ty cũng không cần phải giới nhiều bởi đều đặn cách nhau vài tháng tôi thấy đều thấy có những tranh luận nảy lửa trên khắp các diễn đàn trong nước về công ty này :). Về mặt cá nhân, tôi nghĩ BKIS là một mẫu công ty thành công ở Việt Nam đáng để chúng ta học hỏi. Xuất phát điểm từ một trung tâm trực thuộc một trường đại học uy tín trong nước, họ đã tận dụng tối đa các mối quan hệ cũng như năng lực của mình để xây dựng những giải pháp cho thị trường chính phủ. Và nhiều tranh luận khác nhau đã xuất phát từ đây. 

Tuy nhiên tôi nghĩ hơn ai hết, BKIS là người hiểu rất rõ vấn đề này. Sau khi có những nguồn thu cực lớn từ thị trường chính phủ, họ sẽ có nhiều lợi thế để từng bước hoàn thiện sản phẩm và đánh đồng loạt ở các phân khúc khác. Chiến dịch vừa rồi đã cho thấy rõ tham vọng của họ. Trong suy nghĩ của tôi thì với việc hiểu rõ thị trường Việt Nam cùng với cách làm việc nhanh nhạy, BKIS hoàn toàn có khả năng chiếm phần lớn thị trường nội địa trong thời gian sắp tới.

Vậy còn tham vọng “Go Global” họ sẽ thực hiện như thế nào? Tôi nghĩ BKIS sẽ xuất phát từ thị trường Việt Kiều ở các nước trên thế giới. Bởi những đối tượng này hiện nay cũng thường xuyên ghé các website trong nước, trao đổi với bạn bè qua chat... Chính vì vậy cũng rất dễ dính "chưởng" từ các tay hacker nội địa. Trong những trường hợp như vậy thì BKAV quả là có lợi thế hơn hẳn so với các chương trình nước ngoài bởi họ là người am hiểu virus nội nhất cùng khả năng hỗ trợ nhanh nhất. Và có lẽ tham vọng trong một vài năm tới của BKIS sẽ chỉ dừng lại tại đây. Chỉ khi đã chiếm lĩnh được thị trường này thì họ mới có thể nghĩ đến những tham vọng xa hơn. Và chúng ta hãy cùng theo dõi xem họ sẽ thực hiện chiến dịch "Go Global" như thế nào ;)
Có lẽ sẽ có nhiều người hơi ngạc nhiên khi tôi xếp MISA vào trong nhóm các công ty “Go Global”. Thực ra theo suy nghĩ của tôi, MISA là một trong những công ty tiềm năng nhất hiện nay. Điều nổi bật ở công ty này là họ chỉ tập trung làm phần mềm kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên lợi nhuận của họ trong những năm gần đây đã ngang ngửa, thậm chí vượt mặt nhiều công ty tên tuổi trong làng CNTT Việt Nam vẫn đang làm rất nhiều thứ khác nhau.

Với một lượng khách hàng khoảng 40.000 doanh nghiệp hiện nay, cùng với quy trình quản lý và làm sản phẩm cực tốt. Có thể hình dung trong những năm sắp tới, MISA có thể sẽ mở rộng quy mô lên gấp 5, thậm chí 10 lần hiện tại. Cùng với chiến lược tập trung vào những phần mềm doanh nghiệp như: kế toán, CRM, HRM thì rõ ràng họ đang nắm trong tay những lợi thế mà gần như bất kì công ty nào cũng mơ ước. Một ví dụ đơn giản, họ có thể đi vào lĩnh vực thương mại điện tử và thuyết phục các khách hàng hiện tại của họ dễ hơn rất nhiều so với các công ty mới nổi và còn non kinh nghiệm. Vấn đề còn lại đối với MISA chỉ còn nằm ở yếu tố con người và thời gian mà thôi.

Với xu thế các ứng dụng từng bước chuyển sang môi trường Internet thì MISA tất yếu cũng phải chuyển sang mô hình này, cho thuê dịch vụ và tính tiền theo tháng. Và khả năng “Go Global” của họ cũng sẽ bắt đầu từ đây. Với một nền tảng dịch vụ khá tốt, cộng với việc bán một giá tương đối cạnh tranh với các đối thủ, tôi nghĩ họ hoàn toàn có thể xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới ở thị trường quốc tế và cạnh tranh trong một lĩnh vực hẹp trực tiếp với các đại gia như Salesforce hiện nay. Cụ thể hơn Salesforce bán dịch vụ 100$/tháng, MISA có thể làm một dịch vụ vào phân khúc hẹp và phục vụ khách hàng tốt hơn, rồi bán với giá 50$. Tuy nhiên MISA sẽ cần một cách tiếp cận thị trường thật tự nhiên theo kiểu Mỹ và đây không phải là một bài toán có thể làm trong một sớm một chiều. Điều này cũng sẽ đòi hỏi họ phải có những thay đổi nhất định để mang lại những yếu tố mới so với mô hình truyền thống đã đi vào ổn định của họ hiện nay.


Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới FPT, một trong những công ty có tham vọng tiến ra thị trường quốc tế đầu tiên. Vào năm 2000, họ đã từng có chiến dịch đánh đồng loạt trên một số mặt trận như Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên do nhận định không đúng thị trường và một số yếu tố khách quan khác, họ đã không thành công. Nhưng dù sao điều này cũng đã để lại cho họ những bài học kinh nghiệm nhất định để rồi đến năm 2008, họ đã bắt đầu quay lại với tham vọng gần 10 năm trước của mình.

Nhưng nhìn vào cách bành trướng ra quá nhiều lĩnh vực như hiện nay. Thực sự sẽ rất khó để FPT tập trung cho những thế mạnh công nghệ chuyên biệt và có lẽ tham vọng của họ sẽ chỉ là một công ty gia công toàn cầu như một số công ty Ấn Độ mà thôi. Một cách cụ thể họ sẽ tập trung vào số lượng và chất lượng của đội ngũ nhân sự, còn việc làm cái gì và như thế nào sẽ do khách hàng quyết định. Với chiến lược như vậy, họ đã từng bước cụ thể hóa bằng những hành động như thành lập Đại học FPT, xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, đô thị công nghệ Đà Nẵng...

Theo tôi đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng, có thể FPT sẽ không có điều kiện để trở thành một công ty với những công nghệ mang tính đột phá của tương lai, nhưng họ sẽ tạo ra được một môi trường với những yếu tố mới, và nhiều thủ lĩnh công nghệ tương lai của Việt Nam sẽ xuất phát từ đây. 

...đến những giấc mộng "Go Global" thế hệ 8x 

Và tất nhiên, "Go Global" không chỉ là những tham vọng của những công ty lắm tiền nhiều của ở trên mà đó cũng là tham vọng của một số những con người trẻ tuổi và có khát vọng hiện nay, ví dụ như ...tôi chẳng hạn :">. Tôi vẫn đang chuẩn bị cho những hoạch định của mình trong những năm sắp tới. Một cách cụ thể hơn, tôi đang cố gắng tận dụng tối đa những mối quan hệ mình có được, sự hỗ trợ từ bên ngoài cũng như những chính sách ưu tiên phát triển CNTT của chính phủ để từng bước xây dựng một bàn đạp vững chắc cho thị trường trong nước. Giải quyết được bài toán này, tôi sẽ tiến thẳng sang Silicon Valley để làm những "hippy guys" và từng bước thực hiện "American Dream" của mình ;)). Nghe đến đây có vẻ hơi bay và xa rời thực tế, nhưng nếu bạn chưa một lần tới thung lung hoa vàng Sillicon xinh đẹp, hãy dành dụm tiền để đến đây sống vài tuần. Bạn sẽ nhận ra rằng đây là một trong những nơi trên thế giới bạn có thể sống thoải mái chỉ bằng hai thứ, năng lực và khát vọng của mình.

Và với tôi đó cũng là lối thoát tốt nhất cho lập trình viên Việt Nam hiện nay ^_^. Đứng trước thời cuộc đất nước thay đổi từng ngày, những người làm CNTT như chúng tôi chỉ có hai lựa chọn: hoặc gia nhập cuộc chơi quốc tế để nhìn thấy được sự rộng lớn của thế giới và cảm thấy mình ngày một trưởng thành hơn, hoặc tự hài lòng với chiếc ao làng Việt Nam thân quen và tự giới hạn mình. Tất nhiên sẽ có ý kiến cho rằng không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Bản thân tôi nghĩ mỗi cá nhân sinh ra và trưởng thành trong những môi trường khác nhau nên đều đã có những sứ mệnh của riêng mình. Quan trọng là chúng ta nhận ra mình đang đứng ở đâu và ở vị trí nào có thể phát huy khả năng một cách tốt nhất. Một công ty không thể chỉ hình thành bởi những lãnh đạo tham vọng có tầm nhìn, mà còn quan trọng hơn bởi một đội ngũ nhân viên đam mê công việc, kiên trì thực hiện đều đặn công việc hằng ngày.

Và chính vì vậy tôi nghĩ nếu bạn là một người trẻ tuổi có năng lực và khát vọng, hãy nên nghĩ lớn và mạnh dạn đứng lên để thiết lập hoặc tham gia vào những công ty như ở trên ;). Có thể những công ty đó sẽ thất bại nhưng chắc chắn họ sẽ để lại những bài học quý giá để những thế hệ đi sau có thể kế thừa, vẫn tốt hơn so với việc an phận trong chiếc ao làng Việt Nam nhỏ hẹp. Còn với những cá nhân những người tham gia vào đó thì chắc chắn sẽ không bao giờ thất bại bởi những người như vậy sẽ luôn là mục tiêu săn đuổi của những công ty hàng đầu hiện nay, bởi các công ty đều hiểu rõ rằng, chỉ có những người với tư tưởng lạc quan tích cực cùng khát vọng dám nghĩ dám làm mới có thể góp phần vực dậy bộ máy chung của toàn thể công ty, cũng như đủ khả năng lãnh đạo tầm cao để góp phần vào chiến dịch "Go Global" chung cho Việt Nam vào những thập niên 20-30 của thế kỷ 21 :)

13 nhận xét:

Pham Son nói...

Thanks

Ác Quỷ nói...

Hi admin ^^! Site perfect! Happy 20/11, Happy Viet Nam Woman's Day ^^!

Enzo nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Enzo nói...

Tôi cũng làm một lập trình viên, và cũng đã từng có suy nghĩ "Việt Nam là cái ao làng nhỏ hẹp". Nhưng với những gì tôi đang có hiện giờ, dám so sánh với những người bạn có điều kiện tiếp xúc với sân chơi quốc tế và thành công, tôi tự tin nói rằng nếu bạn muốn thành công, đừng xem Việt Nam là cái "ao làng". Tất cả phụ thuộc vào chính bạn, cách bạn nghĩ và bạn biết bạn phải làm gì khi đang ở vị trí nào để đạt được vị trí cao hơn. Đó mới là điều quan trọng...
Có nhiều cách để "Go Global", cách của tôi là "Let Global go VietNam". Với cá nhân tôi hiện tại, tôi đang làm tốt

Lan Lan nói...

Mình cũng đồng tình với bạn Enzo. Make global Vietnam.

dzexpress.com nói...

Chúng ta đang ở "biển lớn" hay mới bắt đầu ra "biển lớn" ?

Tư tưởng sẽ quyết định hành động. Nên theo mình, cần có tư tưởng dám đua tranh cùng thế giới đã, khi đó ắt sẽ phải có hành động để khỏi bị "chìm".

Tinh nói...

Theo quan điểm của mình (mặc dù không phải dân IT mà là dân INGO chuyên làm nhân đạo cho nên tham vọng có thể nhỏ bé hơn) thì các lập trình viên rất giỏi nhưng hầu hết chưa dám "liều mình" và nếu các lập trình viên có khả năng cộng với đầu óc của các businessman thì American Dream sẽ không xa vời chút nào cả.

Mình cũng có một vài người bạn đã từng là Hiệp sỹ CNTT nhưng họ lại không dám mạo hiểm nên giấc mơ "ra biển lớn" vẫn chỉ là giấc mơ ban ngày :-)

Rất hy vọng sẽ thấy nhiều lập trình viên VN có trí hướng và dám làm cộng thêm chút mạo hiểm thì tương lai CNTT VN sẽ khác nhiều và đất nước VN sẽ không thể thua kém nước nào nếu xét về góc độ CNTT.

Tinh

auto deals nói...

viet nam can fai co nhung nguoi nhu the de fat trien chu

Enzo nói...

Theo mình, "không dám mạo hiểm nên giấc mơ 'ra biển lớn' vẫn chỉ là giấc mơ" vì họ luôn nghĩ họ đang đứng trên chiếc ao làng. Đúng là tư tưởng quyết định nhiều đến sự tự tin và thành công.

Cao Sỹ Dũng nói...

Bài viết rất hay và có cái nhìn rất đúng về các cty công nghệ. Hình như doanh nghiệp Việt Nam từ lớn đến bé hầu như ít có suy nghĩ phát triển mở rộng ra nước ngoài ( trừ cty xuất khẩu thì do đặc thù rồi ).
PS: Tiêu đề là "giấc mộng" mình thấy không đúng lắm, có thể là từ tham vọng, hoặc chiến lược hợp hơn. Cảm ơn vì bài viết

dangkiena3 nói...

Cảm ơn vì bài viết của bạn!
Có lẽ bạn chủ blog chưa tới công ty bkav bao giờ và cũng chưa thực sự tìm hiểu kỹ khi cho rằng nguồn thu của bkav chủ yếu từ thị trường chính phủ, cơ quan nhà nước. Thực tế thị trường này chỉ mới chiếm có 5% tổng doanh thu, còn 95% còn lại là từ thị trường người dùng cá nhân bạn ạ.
Thiết nghĩ, mỗi cơ quan chính phủ cũng chỉ có vài chục đến trăm máy tính. Số cơ quan là khách hàng của BKIS không nhiều. Còn các cơ quan nhỏ khác mình chả thấy ở đâu dùng phần mềm diệt virus có phí mấy.
Mong rằng bạn có lời nhận xét khách quan trên cơ sở hiểu biết chứ không nên nhận xét theo những gì bạn đọc được ở trên mạng.

Nguyễn Đạt Tài nói...

anh Ngôn có những bài phân tích tuyệt vời nhỉ !

Lam nói...

Bài viết hay lắm. Có thể cách nghĩ của Ngôn khác với cách nghĩ của một số người nhưng Ngôn đã mở ra một cách nhìn khác để mọi người tham khảo.

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More