Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Chiến lược "săn" công ty cho Sinh viên IT sắp tốt nghiệp


Vào dịp cuối năm cứ gần đến lễ bảo vệ tốt nghiệp và chuẩn bị đi làm của các sinh viên CNTT thì thỉnh thoảng tôi lại nhận được các câu hỏi nhờ tư vấn: "Em không biết với khả năng của mình thì nên chọn công ty nào là phù hợp và triển vọng nhất?". Cứ mỗi lần như vậy tự nhiên tôi thấy vui vui, nhớ lại khoảng khắc mình chuẩn bị tốt nghiệp hồi đó cũng y như vậy, cũng băn khoăn thoáng một chút lo lắng về con đường mình sắp tới sẽ như thế nào so với cuộc sống hơn 4 năm trong giảng đường đại học. Và quả thực giờ nhìn lại thì đó là một trong những thời gian quyết định cho một lập trình viên để chuyển từ cuộc sống đầy "mơ mộng" sang một môi trường khắc nghiệt hơn rất nhiều. Và việc quyết định lựa chọn công ty sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp trong những năm sau đó. Và tôi thử nghĩ nếu giả sử mình có dịp quay trở lại vào khoảng khắc giao thời đó, thì tôi sẽ lựa chọn chiến lược như thế nào nhỉ ^_^. Và đó cũng là vấn đề tôi muốn chia sẻ trong bài viết này, hi vọng có thể tư vấn ít nhiều cho các bạn sinh viên IT trẻ sắp tốt nghiệp và muốn lựa chọn con đường lập trình viên cho sự nghiệp mình trong những năm sắp tới.

0. Có thể nói hầu hết các công ty IT Việt Nam hiện nay đều không trông đợi việc SV ra trường sẽ có khả năng làm việc được ngay và đều dành một khoảng thời gian để training lại theo yêu cầu của công ty. Chính vì vậy mà các công ty không hi vọng nhiều vào một tá các kĩ năng mà SV ghi trong CV hay các dự án nghiên cứu trước đó. Cái quan trọng nhất mà họ trông đợi là kỹ năng lập trình của SV đó. Kỹ năng lập trình càng cao thì thời gian training sẽ càng ngắn và sinh viên có thể nhanh chóng bắt tay vào làm việc được ngay. Đây là một điều quan trọng mà nếu chuẩn bị tốt, các bạn SV sẽ có thể dễ dàng thích nghi và cảm thấy không bị khớp khi chuyển từ môi trường học thuật sang công việc.

1. Với các bạn SV chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc va chạm trong các môi trường công nghiệp thực sự trước đó thì tôi nghĩ tốt nhất nên dành ít nhất 1 năm cho việc học hỏi các kinh nghiệm này. Để làm điều này, hãy apply vào những công ty gia công thật lớn, nơi các bạn sẽ "được" đào tạo quy trình một cách chặt chẽ, cách thức tổ chức và tiến hành công việc bài bản, giờ giấc chuyên nghiệp. Ngoài ra các công ty này sẽ có những dự án đủ lớn để bạn cảm nhận được môi trường công nghiệp IT thực sự khốc liệt như thế nào, cũng như sẽ có những chương trình đào tạo đặc biệt cho bạn. Những điều này các công ty trung bình nhỏ sẽ khó có được bởi họ trông đợi bạn vào sẽ có thể tự học và làm việc được ngay, do đó nếu bạn không có khả năng tự định hướng bản thân đủ mạnh thì rất dễ đi sai đường và bế tắc. Nếu sau thời gian này, bạn cảm thấy con đường gia công thích hợp với bạn thì hãy cứ tiếp tục trong những năm kế tiếp và từng bước tiến lên những chức vụ cao hơn.

2. Rồi đến một lúc nào đó bạn đã đủ lông đủ cánh, chán làm gia công và muốn làm một cái gì đó mới hơn, đây sẽ là thời điểm thích hợp nhất cho bạn để tham gia vào các công ty nghiên cứu và phát triển những sản phẩm chiến lược. Trước đây số lượng các công ty làm sản phẩm chuyên nghiệp VN rất ít nhưng trong những năm gần đây với xu hướng web 2.0 trên thế giới và cả Việt Nam nóng lên thì số lượng các công ty đang tăng nhanh. Hãy chọn một công ty chỉ tập trung làm sản phẩm với những con người thật chuyên nghiệp, không nên chọn những công ty lấy ngắn nuôi dài (tức vừa làm gia công vừa làm sản phẩm, hoặc vừa làm hợp đồng vừa nghiên cứu bởi các công ty này khi có hợp đồng ngon gần như sẽ lại ...bỏ hết việc làm sản phẩm sang một bên để làm hợp đồng ;)). Ở trong môi trường này, bạn sẽ học được rất nhiều các công đoạn trong quá trình làm sản phẩm, từ việc phát triển những nền tảng đầu tiên cho đến lúc sản phẩm thành hình và đến tay những end-users cuối cùng.

3. Rồi đến một lúc nào đó bạn muốn làm một sản phẩm gì đó của riêng mình, thế thì đã đến lúc bạn tìm những chiến hữu đồng chí hướng để start-up một công ty ;). Với kinh nghiệm chiến trường ở các công ty IT lớn và làm sản phẩm bạn đã tích lũy được từ hai bước trên sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều sai lầm không đáng có. Tuy nhiên bạn sẽ phải đương đầu thêm với rất nhiều bài toán đau đầu khác không thuộc phạm vi chuyên môn của mình: khách hàng, quỹ đầu tư, marketing, tài chính, kế toán.... Những công việc mà gần như nếu không có sự chuẩn bị sẽ rất dễ đưa công ty thất bại. Và nếu thành công bước này, hãy từng bước mở rộng công ty của mình lên một tầm cao mới.

4. Rồi đến một lúc đó bạn lại cảm thấy chán với những thành công mà mình có được. Đến lúc này có lẽ có hai hướng: Một là quay trở lại ...reset lại bước 1-2-3, rồi cứ thế nhưng bạn sẽ nâng cấp lên ở những vị trí cao hơn với những công việc thách thức và ý nghĩa hơn. Hai là tìm một niềm đam mê trong những lĩnh vực khác như Âm nhạc, Thơ văn... chẳng hạn :x, để bạn có thể bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác hơn so với thế giới IT trước đây của mình.

Thì tất cả những điều trên chỉ đơn thuần là những kinh nghiệm của riêng tôi, tất nhiên chỉ mang tính tham khảo bởi tôi nghĩ mình là người thiên về sống để trải nghiệm hơn là sống để quyết tâm làm một điều gì đó thật lớn lao vĩ đại. Với tôi mỗi môi trường, mỗi công việc đều có những thách thức thú vị riêng. Do đó tôi nghĩ điều quan trọng vẫn nằm ở bạn, bạn cảm thấy mình là người có những tính cách đặc biệt gì và liệu con đường nào mới là thích hợp nhất dành cho bạn.

Tuy nhiên có một điều mà tôi nghĩ sẽ luôn đúng và rất quan trọng là hãy luôn có cho mình một hoặc vài người cố vấn tại bất kì thời điểm nào, những người thực sự có nhiều kinh nghiệm giỏi hơn bạn ở một hay nhiều lĩnh vực nào đó. Bởi họ sẽ giúp bạn từng bước hoàn thiện bản thân mình và tránh rất nhiều sai lầm không đáng có. Đôi lúc sự tự tin quá sẽ dẫn bạn đến một lúc nào đó ngoảnh lại mới nhận ra được mình còn thiếu rất nhiều và có thể mọi thứ đã trở nên quá trễ để bắt đầu lại. Bản thân tôi cho đến giờ vẫn cảm thấy mình thực sự may mắn khi gần như tại bất kì thời điểm trong sự nghiệp IT của mình, tôi đều có được những người cố vấn rất tốt, họ nhiệt tình giúp đỡ và nâng tôi lên những nấc thang cao hơn. Và tôi ước gì mình sẽ luôn được như vậy, chừng nào tôi còn có được những người cố vấn, thì tôi vẫn còn cảm thấy an tâm và cảm nhận mình còn học hỏi được từ cuộc sống rất nhiều ^_^

14 nhận xét:

Lê Ngọc Anh nói...

^^ vui quá! định hướng nghề nghiệp tương lại là cái mà em băn khoăn ngay từ khi bước vào năm học đầu tiên. thaks a về những lời khuyên trên. :D những lời khuyên trên dành cho sv tốt nghiệp. vậy còn em đang trên ghế nhà trường, anh có lời khuyên gì không a?^^

UFO89 nói...

Chưa biết sau khi tốt nghiệp mình sẽ làm gì nhưng ít nhất có người đi trước chia sẻ kinh nghiệm cũng đáng giá rồi. Cảm ơn anh. Mong có nhiều bài viết bổ ích

Pig nói...

cần phải học hỏi a Ngôn nhiều nữa :( e đang mất phương hướng qá, ất ơ, chưa biết nên đi sâu vào nhánh nào

Unknown nói...

Theo em thì bài viết này giá trị ở chỗ nó giải thích rất cụ thể chiến lược của cá nhân tác giả trong điều kiện, hoàn cảnh, đặc biệt là sở thích của tác giả, từ đó người đọc có thế tự đối chiếu và suy nghĩ để ra chiến lược cho riêng mình.

Nói như vậy vì em nghĩ bê nguyên chiến lược này thì không hoàn toàn phù hợp với tất cả SV sắp tốt nghiệp, mặc dù nó khá khớp với cá tính của em - ví như reset 1, 2, 3 hay chuyển hẳn sang làm cái khác cho mới mẻ là những điểm em tìm thấy sự trùng hợp.

NV nói...

Hay quá, bài viết vẫn hay như ngày nào :)

ngonpham nói...

Thanks all, vậy chắc sắp tới phải viết thêm bài "Chiến lược cho SV IT ...chưa tốt nghiệp" ^_^

@Seri: Thì a có nói rõ mà, bài viết chỉ mang tính tham khảo, cụ thể vẫn phụ thuộc vào từng cá nhân :D

Unknown nói...

À vâng em chỉ khẳng định lại thôi :D Ý tưởng là người đọc có thể cần phải đối chiếu hoàn cảnh, tính cách với lựa chọn của anh, từ đó rút ra chiến lược cho mình.

Theo em, đối với nhiều cá nhân xuất sắc có thể bỏ qua bước (1). Cái gọi là "quy trình công nghiệp" đến giờ vẫn còn broken lắm, ngay cả trên toàn thế giới chứ đừng nói đến VN - có lẽ bởi vì công việc của lập trình viên là một loại công việc kiến tạo.

Những người giàu tố chất vào đó không cẩn thận có khi hỏng người, vì bị u mê trong một khâu của quy trình, làm việc lặp đi lặp lại, giờ giấc quá khắt khe - dù sao theo định nghĩa của những người này, họ thường không ở lại lâu, nên cũng không sao.

ngonpham nói...

@Seri: Cái này thì rất đồng ý với em, với những người đủ khả năng tự định hướng bản thân đủ mạnh thì không nên tham gia vào những công ty gia công mà có thể tìm các công ty làm sản phẩm hoặc dịch vụ đúng theo sở thích của mình. Như vậy sẽ tiến nhanh hơn và sức sáng tạo có cơ hội bộc lộ ngay :)

HwangNguyen nói...

Chào Ngôn!
Biết về em lâu rồi, bữa nay mới trò chuyện.
Trước em 2 năm anh cũng đã từng có dự án làm website về du lịch (Anh học DHNN + Tour Guide + IT), nhưng vì kinh phí eo hẹp nên không thành công. Từ khi dự án skydoor.net của em trình làng, anh luôn theo dõi, mừng là bọn em đang phát triển tốt. Chúc mừng em.

ngonpham nói...

@HwoangNguyen: Cám ơn anh Hoàng, em biết được blog anh qua blog của LU. Đọc thấy nội dung rất thú vị nên rất vui nếu có thể cùng trao đổi và chia sẻ với anh về sau ^_^

HwangNguyen nói...

OK Ngôn!
Bữa nào em rảnh thì Comment cho anh, anh em mình đi uống cafe (anh mời). Blog thì anh mới viết lại thôi, sau khi yahoo closed. Chưa tìm được blog host tốt nên tạm nghỉ.

ngonpham nói...

@Hwoang: Nhất trí anh Hoàng :)

LongNX nói...

"hãy apply vào những công ty gia công thật lớn, nơi các bạn sẽ "được" đào tạo quy trình một cách chặt chẽ, cách thức tổ chức và tiến hành công việc bài bản, giờ giấc chuyên nghiệp."
Anh Ngôn có thế vui lòng lập 1 list các công ty gia công lớn ở VN cho tụi em tham khảo được không ạ? Em là SV CNTT nhưng trước giờ chỉ cúi đầu học bài trên trường , giờ sắp tốt nghiệp mới phát hoảng lên vì mấy vụ này. Cám ơn anh nhiều

Ghế massage toàn thân chính hãng Nhật Bản nói...

bài viết rất hay, rất hữu ích cảm ơn bạn đã chia sẻ
mọi người tham khảo thêm các mẫu ghế massage mới nhất ở đây nhé
ghế massage giá rẻ
ghế massage nhật bản
ghế massage lưng giá rẻ
ghế massage chân giá rẻ
Gia Dụng Việt chuyên các loại ghế massage toan thân cao cấp chính hãng Việt Nam

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Hot! Delicious Digg Favorites More